Ung thư đường tiêu hóa: Dấu hiệu, nguyên nhân, cách điều trị
ung thư đường tiêu hóa
Ung thư đường tiêu hóa: Dấu hiệu, nguyên nhân, cách điều trị - Ảnh: BookingCare

Ung thư đường tiêu hóa: Dấu hiệu, nguyên nhân, cách điều trị

Tác giả: - Xuất bản: 04/09/2023 - Cập nhật lần cuối: 28/12/2023
Những thông tin cần biết về ung thư đường tiêu hóa sẽ có ngay trong bài viết dưới đây.

Ung thư đường tiêu hóa là những tổn thương ác tính xuất phát từ đường tiêu hóa. Đường tiêu hóa gồm có khoang miệng, thực quản, dạ dày, ruột non, đại trực tràng và ống hậu môn. Bất kể vị trí nào ở đường tiêu hóa đều có thể xuất hiện những tổn thương ung thư.

Triệu chứng ung thư đường tiêu hóa

Ung thư đường tiêu hóa nói riêng và ung thư nói chung là căn bệnh diễn biến thầm lặng, không có những triệu chứng đặc hiệu. Việc phát hiện ung thư đường tiêu hóa phụ thuộc rất nhiều và giai đoạn bệnh.

Ở giai đoạn sớm, ung thư đường tiêu hóa thường không có biểu hiện, triệu chứng.

Ở giai đoạn muộn, khối u lớn, kích thước lớn, biểu hiện rõ ràng hơn. Tùy vào loại ung thư đường tiêu hóa mà bệnh nhân sẽ có những dấu hiệu đặc trưng khác nhau: 

  • Ung thư đường tiêu hóa trên (ung thư thực quản, ung thư dạ dày, tuyến tụy, gan, đường mật, ruột non): Triệu chứng ung thư đường tiêu hóa trên thường thấy như đầy hơi, khó tiêu, đau bụng, nôn hoặc nôn ra máu kèm theo sụt cân nghiêm trọng không rõ nguyên nhân.
  • Ung thư đường tiêu hóa dưới (ung thư đại trực tràng và ung thư hậu môn): Triệu chứng chủ yếu là rối loạn đại tiện, táo bón, tiêu chảy, đại tiện phân nhày máu.

Do triệu chứng của ung thư đường tiêu hóa rất dễ nhầm lẫn với các bệnh dạ dày, đại tràng khác vậy nên khi nhận thấy những vấn đề bất ổn về sức khỏe, bạn đọc nên chủ động thăm khám để làm các xét nghiệm, kiểm tra cần thiết nhằm chẩn đoán đúng bệnh. 

Nguyên nhân ung thư đường tiêu hóa

Ung thư đường tiêu hóa xảy ra do sự kết hợp giữa rất nhiều yếu tố chứ không phải chỉ do một nguyên nhân đơn lẻ nào gây ra cả. Có một số yếu tố không thể thay đổi được, chẳng hạn như gen di truyền và tuổi tác, nhưng có một số yếu tố khác liên quan tới các yếu tố chế độ ăn uống và lối sống có thể thay đổi.

Trong đó, những thói quen gây bệnh ung thư đường tiêu hóa có thể kể đến là:

  • Với những người ăn mặn, hút thuốc và ăn thực phẩm chế biến sẵn chứa nhiều hóa chất có tên nitrosamines có thể gây ra biến đổi gen biểu mô dạ dày.
  • Hút thuốc có thể tác động đến ung thư thực quản, dạ dày và tụy, uống rượu nhiều liên quan tới ung thư gan và tụy. Uống rượu thường xuyên gây bỏng niêm mạc đường tiêu hóa.
  • Một số bệnh lý cụ thể, chẳng hạn như viêm gan, bệnh gan mãn tính, viêm tụy hay viêm nhiễm đường ruột cũng liên quan tới ung thư đường tiêu hóa. 
  • Đặc biệt, nguy cơ đối với hầu hết các loại ung thư đường tiêu hóa thường gia tăng đáng kể sau tuổi 50. 

Nhóm có nguy cơ cao bị ung thư đường tiêu hóa là người có bệnh lý viêm loét đại tràng chảy máu mạn tính, đa polyp đại tràng, tiền sử gia đình có người ung thư đường tiêu hóa, người bị viêm loét dạ dày mạn tính, đặc biệt viêm loét bờ cong nhỏ dạ dày.

Người béo phì, trào ngược dạ dày thực quản đều có nguy cơ cao bị ung thư đường tiêu hóa.

Những người mắc các bệnh về đường tiêu hóa nhưng không được điều trị đúng, bệnh trở thành mạn tính được đánh giá có nguy cơ bị ung thư cao hơn. Khối u (polyp) lành tính nếu không cắt bỏ sớm, để lâu ngày cũng dễ chuyển sang ác tính.

Xét nghiệm chẩn đoán ung thư đường tiêu hóa

Khi thấy xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ mắc ung thư đường tiêu hóa, người bệnh cần tới ngay các bệnh viện có khoa Ung bướu để làm các xét nghiệm, kiểm tra cần thiết nhằm chẩn đoán đúng bệnh.

Các xét nghiệm ung thư đường tiêu hóa gồm:

  • Xét nghiệm máu để tìm dấu ấn ung thư bao gồm CEA, CA 72-4, CA 19-9 nhằm phát hiện sớm ung thư dạ dày, thực quản, đường tiêu hóa nói chung.
  • Tìm máu ẩn trong phân nhằm tầm soát ung thư đường tiêu hóa, phát hiện sớm polyp đại tràng.
  • Nội soi dạ dày – thực quản: Bác sĩ sẽ lấy vài mẫu mô qua ống nội soi dạ dày và tiến hành sinh thiết dưới kính hiển vi nhằm chẩn đoán bệnh.
  • Nội soi đại trực tràng: Giúp quan sát toàn bộ đại trực tràng, phát hiện sớm khối u.
  • Ngoài ra, người bệnh có thể được chỉ định làm thêm các chẩn đoán hình ảnh khác như chụp X-quang, siêu âm hay chụp PET/CT… để đánh giá mức độ xâm lấn của bệnh, giai đoạn bệnh cụ thể.
Ung thư đường tiêu hóa vô cùng nguy hiểm
Ung thư đường tiêu hóa có thể gây ra nhiều hậu quả khó lường - Ảnh: Canva

Phương pháp điều trị ung thư đường tiêu hóa

Trong ung thư đường tiêu hóa thường gặp nhất là ung thư dạ dày, ung thư đại tràng và ung thư trực tràng. Các phương pháp điều trị ung thư đường tiêu hóa tùy vào vị trí khối u và giai đoạn bệnh. Nhìn chung sẽ có 3 phương pháp chính để điều trị ung thư đường tiêu hóa gồm: phẫu thuật, hóa trị và xạ trị.

Phẫu thuật: Đây được xem là phương pháp chính nắm vai trò chủ đạo trong điều trị các bệnh lý ung thư đường tiêu hóa. Phẫu thuật giúp cắt bỏ khối u và vét tổ chức hạch mà có thể tế bào khối u đã di căn.

Hóa trị: Hóa trị bao gồm hóa chất tân bổ trợ dùng trước khi phẫu thuật với mục đích giảm giai đoạn khối u, giúp khối u nhỏ lại thuận lợi cho phẫu thuật. Bên cạnh đó còn có hóa chất sau phẫu thuật giúp tiêu diệt những tế bào ung thư còn sót lại.

Xạ trị: Xạ trị thường chỉ áp dụng với ung thư ở thực quản và ung thư ở trực tràng. Với dạ dày và đại tràng ít khi áp dụng xạ trị. Phương pháp xạ trị thường phối hợp với hóa trị kèm theo.

Nếu ở giai đoạn sớm, người bệnh có thể điều trị bằng nội soi ống mềm hoặc phẫu thuật. Giai đoạn tiến triển hơn, khi khối u đã xâm lấn qua nhiều lớp của thành ruột hay u di căn hạch thì cần hỗ trợ bằng hóa trị và xạ trị.

Sống chung với ung thư đường tiêu hóa

Ung thư đường tiêu hóa là căn bệnh nguy hiểm, tuy nhiên vẫn có thể chữa khỏi nếu được phát hiện kịp thời. Khi này, người bệnh sẽ cần chuẩn bị tinh thần sẵn sàng để sống chung với ung thư đường tiêu hóa, thiết lập những chế độ ăn uống, sinh hoạt phù hợp tránh để tránh tái phát.

Bạn đọc có thể áp dụng một số lời khuyên dưới đây:

  • Giữ tinh thần thoải mái, tìm hiểu kỹ về loại ung thư đường tiêu hóa bạn mắc phải, cách nó ảnh hưởng đến cơ thể và các phương pháp điều trị. Điều này giúp bạn tham gia chủ động vào quá trình điều trị và quản lý tình hình sức khỏe.
  • Tuân thủ lịch khám, tái khám, phác đồ điều trị của bác sĩ
  • Duy trì hoạt động thể chất hợp lý tùy theo tình hình sức khỏe của bạn. Tập luyện nhẹ nhàng có thể giúp cải thiện tâm trạng, tăng cường sức khỏe và tạo ra sự cân bằng.
  • Hạn chế dùng thực phẩm có chứa aflatoxin, nitrosamine (trong món ướp muối, lên men, hun khói), nấm mốc và các chất độc hại khác
  • Bổ sung nhiều rau quả, thực phẩm giàu chất xơ, selen, vitamin A, C có khả năng phòng chống ung thư tiêu hóa như trà xanh, súp lơ xanh, ngũ cốc, các loại rau xanh, cà tím...
  • Hạn chế dùng đồ nhựa để đựng, che phủ thức ăn, đặc biệt là không dùng đồ nhựa để hâm nóng thức ăn trong lò vi sóng. Tránh thuốc lá và rượu bia, chất kích thích,...

Sống chung với bệnh ung thư đường tiêu hóa không dễ dàng, nhưng việc có một tư duy lạc quan, quản lý tình hình sức khỏe cẩn thận và tìm kiếm sự hỗ trợ thích hợp có thể giúp tinh thần và sức khỏe bệnh nhân phát triển tích cực hơn.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết