Ung thư tuyến giáp thể không biệt hóa: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị
Ung thư tuyến giáp thể không biệt hóa
Ung thư tuyến giáp thể không biệt hóa là loại ung thư nguy hiểm - Ảnh: BookingCare

Ung thư tuyến giáp thể không biệt hóa: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Tác giả: - Xuất bản: 19/06/2024 - Cập nhật lần cuối: 20/06/2024
Ung thư tuyến giáp thể không biệt hoá chiếm tỷ lệ nhỏ (khoảng 1% các dạng ung thư tuyến giáp). Bệnh chủ yếu gặp ở người bệnh cao tuổi (trung bình là 55-65 tuổi) và thường gặp ở nữ giới (tỷ lệ nữ/nam là 2:1).

Ung thư tuyến giáp thể không biệt hóa là loại ung thư nguy hiểm, từ một khối u lớn vùng cổ trước nhanh chóng phát triển và có khả năng xâm lấn khí quản hay một số cơ quan lân cận.

Vậy triệu chứng bệnh là gì, những nguyên nhân nào dẫn đến ung thư tuyến giáp thể không biệt hóa và các phương pháp điều trị hiện nay là gì? 

Ung thư tuyến giáp thể không biệt hóa là gì?

Chúng ta biết nhiều hay có nghe về ung thư tuyến giáp thể nhú, thể nang, hay ung thư tuyến giáp thể tủy. Tất cả chúng đều là loại ung thư biệt hóa.

Câu hỏi ở đây là “biệt hóa” là gì? Nó là tình trạng mà tế bào ung thư ít hay nhiều còn giữ được các đặc tính, đặc điểm của tế bào ban đầu.

Trái ngược với biệt hóa là không biệt hóa, và khi đó tế bào ung thư không biệt hóa, nghĩa là không có các đặc tính, hay đặc điểm của tế bào ban đầu, nó được đặc trưng bởi tốc độ nhân lên của tế bào rất nhanh, khả năng xâm lấn vào các cơ quan khác rất mạnh, khả năng di căn xa cũng vậy. 

Ung thư tuyến giáp thể không biệt hóa có thể xuất phát từ tế bào tuyến giáp ban đầu, hoặc nó cũng là được chuyển dạng từ một loại ung thư biệt hóa từ trước đó.  

Triệu chứng ung thư tuyến giáp thể không biệt hóa

Như đã trình bày ở trên, do tốc độ nhân lên của tế bào thể không biệt hóa là rất nhanh, khả năng xâm lấn hay di căn xa đều rất mạnh, nên biểu hiện của bệnh có thể nói là dữ dội như một cơn lũ.

Xuất hiện ban đầu với một khối ở cổ, tăng nhanh kích thước trong vòng vài tuần, và sau đó bệnh nhân rất sớm sẽ có biểu hiện đau vùng cổ, nuốt vướng, nuốt nghẹn, sặc, khàn tiếng, thậm chí khó thở,… Đồng thời với đó là biểu hiện của di căn hạch vùng cổ và di căn xa. 

Đau vùng cổ
Đau, khó chịu vùng cổ là một trong những triệu chứng ung thư tuyến giáp thể không biệt hóa - Ảnh: Freepik

Nguyên nhân dẫn đến ung thư tuyến giáp thể không biệt hóa

Hiện nay, các nguyên nhân ung thư tuyến giáp thể không biệt hóa chưa được xác định rõ ràng do tính chất phức tạp và đa dạng của bệnh. Tuy nhiên, có một số yếu tố nguy cơ tăng cao khả năng mắc bệnh bao gồm:

  • Trong nhiều trường hợp, ung thư tuyến giáp thể không biệt hóa phát triển từ khối u tuyến giáp biệt hóa từ trước và tích lũy qua nhiều đột biến bổ sung (chủ yếu đột biến gen p53).
  • Yếu tố di truyền trong gia đình: Trong gia đình có người thân (anh, chị, bố, mẹ,...) từng bị mắc ung thư tuyến giáp thì càng tăng cao nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp thể không biệt hóa.
  • Tuổi và giới tính: Loại ung thư này hay gặp ở phụ nữ nhiều hơn nam giới, tỷ lệ mắc bệnh cao nhất trong độ tuổi trung bình từ 55 - 65 tuổi.
  • Tác động môi trường: Việc tiếp xúc với nguồn bức xạ như tia X, tia cực tím, hóa chất độc hại, môi trường ô nhiễm càng làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Việc phơi nhiễm hóa chất độc, chất phóng xạ có thể gây biến đổi gen, ảnh hưởng quá trình chuyển hóa của cơ thể.
  • Các nguyên nhân khác: chế độ ăn thiếu iot; tiền sử mắc các bệnh viêm tuyến giáp, u tuyến giáp,... cũng tăng nguy cơ phát triển thành ung thư.

Các xét nghiệm chẩn đoán ung thư tuyến giáp thể không biệt hóa

Hiện nay, giải phẫu bệnh vẫn được coi là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán. mẫu bệnh phẩm có thể được lấy qua sinh thiết hoặc sau phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp.

Ngoài ra các xét nghiệm khác sẽ giúp định hướng chẩn đoán trước mổ.

  • Xét nghiệm máu: Xét nghiệm kiểm tra nồng độ hormone tuyến giáp (TSH-hormone kích thích tuyến giáp, T3-triiodothyronine, T4-thyroxine và kháng thể tuyến giáp) xem tuyến giáp có hoạt động bình thường không.
  • Chẩn đoán hình ảnh (siêu âm, chụp cắt lớp vi tính, PET CT, MRI vùng cổ): Siêu âm vùng cổ đánh giá đặc điểm, tính chất tuyến giáp, các cấu trúc lân cận, hạch bạch huyết cổ. CT, PET CT, MRI xác định giai đoạn khối u, mức độ xâm lấn của u tuyến giáp.
  • Chọc hút bằng kim nhỏ: Lấy mẫu tế bào tuyến giáp nhỏ dưới hướng dẫn của siêu âm để kiểm tra xem đó có phải tế bào ung thư hay không.
  • Sinh thiết khối u trong phẫu thuật: Khi mổ cắt u tuyến giáp, nếu nghi ngờ ung thư, bác sĩ có thể tiến hành cắt nhân giáp hoặc một thùy tuyến giáp để tiến hành xét nghiệm mô học ngay lập tức.

Phương pháp điều trị ung thư tuyến giáp thể không biệt hóa

Ung thư tuyến giáp thể không biệt hóa hiện tại không có liệu pháp điều trị hiệu quả, bệnh tiến triển nhanh và tiên lượng xấu. Tuy nhiên, một số phương pháp điều trị ung thư tuyến giáp có thể giúp kéo dài sự sống cho người bệnh, được áp dụng phổ biến:

  • Phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp:
    • Phẫu thuật cắt tuyến giáp triệt để là phương pháp điều trị chính. Ở một số ít trường hợp khối u có kích thước nhỏ, phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp kết hợp xạ trị bằng tia ngoài có thể có hiệu quả.
    • Tuy nhiên, phần lớn người bệnh khối u đã phát triển to, xâm lấn rộng các mô xung quanh khiến việc phẫu thuật không có khả năng hoặc phải trì hoãn.
  • Xạ trị, hóa trị:
    • Xạ trị thường được sử dụng sau phẫu thuật, hiệu quả của nó được coi là thứ 2 sau phẫu thuật. Hóa chất cũng có thể được sử dụng kết hợp với xạ trị sau phẫu thuật.
    • Liệu pháp nhắm trúng đích: Dạng phối hợp của dabrafenib và trametinib đã được chứng minh giảm sự tiến triển của khối u, tuy nhiên vẫn cần có các nghiên cứu xa hơn. 

Tiên lượng ung thư tuyến giáp thể không biệt hóa

Tiên lượng của ung thư tuyến giáp thể không biệt hóa thường là tiên lượng xấu, khoảng 80% bệnh nhân mắc loại ung thư này không qua khỏi trong vòng 1 năm. 

Bệnh tiến triển rất nhanh, các phương pháp điều trị thường không có hiệu quả. Triệu chứng sẽ trở nặng trong thời gian ngắn, có thể lây lan nhanh chóng ra các cơ quan, mô xung quanh vùng cổ và di căn xa đến các cơ quan bộ phận khác trong cơ thể khiến tình trạng bệnh nhân xấu đi.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết