Ung thư xương: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
Những điều bạn cần biết về ung thư xương
Những điều bạn cần biết về ung thư xương - Ảnh: BookingCare

Ung thư xương: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Tác giả: - Xuất bản: 16/12/2023 - Cập nhật lần cuối: 20/12/2023
Ung thư xương (sarcoma xương) là bệnh lý ác tính và rất hiếm gặp Bệnh thường có tỷ lệ tử vong cao trong các loại ung thư và rất khó điều trị nếu không được phát hiện kịp thời.

Ung thư xương có thể gặp ở các xương chi, xương sọ, xương chậu, xương bả vai…   Bệnh không chỉ đe doạ tính mạng người bệnh mà còn có thể gây tàn phế, đau đớn, ảnh hưởng chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.

Tuỳ thuộc thể giải phẫu bệnh, giai đoạn bệnh và vị trí u, người bệnh thường sẽ phải trải qua phẫu thuật bảo tồn chi hoặc phẫu thuật cắt cụt chi, tháo khớp.

Bệnh còn  gây ra cơn đau rất khủng khiếp đối với người bệnh vì xung quanh hệ thống xương có rất nhiều dây thần kinh và thường khó đáp ứng với các phương pháp điều trị giảm đau thông thường.

Ung thư xương là gì?

Ung thư xương nguyên phát là một bệnh lý ác tính do sự tăng sinh và biệt hóa bất thường của các tế bào xương, đó là tế bào tạo xương, tế bào tạo sụn và tế bào liên kết của mô xương.

Tần suất thường gặp của các loại ung thư xương: Sarcoma xương 45%, sarcoma sụn 25%, sarcoma Ewing 13%, sarcoma xơ 7%, u mô bào xơ ác 2%, sarcoma mạch máu 1%, các loại khác 1%.

Đây là loại ung thư thường gặp ở thanh thiếu niên. Trẻ em nam gặp nhiều hơn nữ. Các lứa tuổi khác ung thư xương là loại hiếm gặp, tỷ lệ khoảng 0,5% so với toàn bộ các bệnh ung thư.

Ung thư xương nguyên phát cần phải phân biệt với ung thư xương thứ phát hay di căn xương (ung thư ở vị trí khác di căn tới xương), hay gặp là bệnh đa u tuỷ xương,ung thứ vú, ung thư tiền liệt tuyến,...Hầu hết ung thư xương ở trẻ em và vị thành niên là ung thư xương nguyên phát.

Thuật ngữ "ung thư xương" không bao gồm ung thư bắt đầu ở nơi khác trong cơ thể và di căn đến xương. Thay vào đó, những bệnh ung thư đó được đặt tên theo nơi chúng bắt đầu.

Nguyên nhân của ung thư xương

Hiện nay hoàn toàn chưa biết rõ nguyên nhân gây ra ung thư xương. Tuy nhiên các nhà nghiên cứu đã tìm ra một số yếu tố được coi là tác nhân có liên quan đến bệnh lý ác tính này.

  • Bức xạ ion hóa: Là tác nhân vật lý từ môi trường gây ung thư. Tác động của bức xạ từ các kiểu chụp X, tia gamma, hoặc liệu pháp bức xạ có thể là một yếu tố tăng nguy cơ phát triển ung thư xương.
  • Chấn thương: Tác động va đập do ngoại lực vào xương gây tổn thương như: Tai nạn lao động, Hoạt động thể thao, tai nạn giao thông,... Trên thực tế lâm sàng một số ung thư xương phát triển tại vùng bị va đập hoặc gãy xương, nhất là vùng đầu trên xương chày. Sự va đập làm bong màng xương và là tác nhân khởi động các tế bào xương quá sản.
  • Rối loạn di truyền: Là tác nhân bên trong có liên quan đến ung thư xương. Những người có tiền sử gia đình có người bị ung thư xương thường có tỷ lệ mắc cao hơn những người không có tiền sử. Tuy nhiên, ung thư xương thường không được coi là một loại ung thư di truyền đặc trưng.
  • Một số bệnh lý lành tính của xương: Một số bệnh lý lành tính của xương có thể chuyển dạng thành ung thư như bệnh Paget của xương, bệnh loạn sản xơ của xương,...
  • Tuổi và giới tính: Ung thư xương thường xuất hiện ở người trẻ tuổi và thiếu niên. Bệnh cũng có thể phổ biến hơn ở nam giới so với nữ giới.

Triệu chứng của ung thư xương

Ung thư xương có thể không gây ra các triệu chứng rõ ràng ở giai đoạn đầu chúng thường có dấu hiệu giống với các bệnh lý  khác liên quan đến xương. Dưới đây là một số dấu hiệu của ung thư xương thường gặp:

  • Đau: Đau là triệu chứng hay gặp và phổ biến nhất của ung thư xương. Đau thường xuất hiện ở khu vực nơi có tế bào ung thư tăng sinh. Đau có thể xuất hiện ban đêm hoặc khi  vận động, và có thể trở nên tồi tệ hơn theo thời gian. Lúc đầu, đau mơ hồ trong xương, sau đó đau từng đợt ngắn, rất khó chịu. Giai đoạn sau, đau liên tục, dùng thuốc giảm đau thông thường không đỡ
  • Sưng hoặc đau nhức ở vùng gần khối u: Nếu có một khối u xương nó có thể gây sưng và đau nhức ở vùng xung quanh. Sưng có thể là do tế bào ung thư tăng sinh và làm phù nề tổn thương.
  • Dễ gãy xương: Ung thư xương có thể làm yếu xương, làm tăng nguy cơ gãy xương dễ dàng. Điều này có thể xảy ra ngay cả khi có áp lực nhẹ tại vị trí bình thường khó gãy.
  • Sưng hoặc nổi u cục: Ở thời kỳ đầu, khối u có thể xuất hiện, sờ thấy xương biến dạng. Khi sưng nhiều hơn có thể khiến mô xương nhô ra ngoài, bề mặt trơn bóng hoặc lồi lõm bất thường.
  • Mệt mỏi và sụt cân: Những dấu hiệu này có thể xuất hiện nếu ung thư xương đã lan tỏa và gây ra tác động tiêu cực lên cơ thể.
  • Biến dạng cơ thể: Do sự phát triển của khối u sẽ làm ảnh hưởng lên hệ xương chi, gây ra các triệu chứng dị tật, cơ thể biến dạng, chi dưới có thể có những thay đổi bất thường so với trước đó.

Chẩn đoán ung thư xương

Các phương tiện chẩn đoán được sử dụng trong ung thư xương nguyên phát bao gồm: Chẩn đoán hình ảnh, sinh thiết mô bệnh học,...

Chẩn đoán hình ảnh

  • X-quang: Hầu hết ung thư xương có thể được nhìn thấy trên x-quang, vậy nên đây thường là xét nghiệm đầu tiên được làm nếu một người nghi ngờ mắc ung thư xương.
Hình ảnh X-Quang ung thư xương - Ảnh: Freepik
Hình ảnh X-Quang ung thư xương - Ảnh: Freepik
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): MRI sử dụng sóng radio và từ trường mạnh thay vì tia X để tạo nên bức ảnh chi tiết của cơ thể. MRI có thể được sử dụng để biết thêm về kích thước và hình dáng của khối u trong xương, đánh giá sự xâm lấn tuỷ xương, cơ, thần kinh, mạch máu xung quanh khối u.
  • Chụp cắt lớp vi tính (Chụp CT):  Đánh giá mức độ lan rộng của tổn thương trong xương, tuỷ xương và ngoài xương. Nó có thể được sử dụng để phát hiện xem ung thư có lan tràn tới gan, phổi, hoặc cơ quan khác không.
  • Xạ hình xương: Xét nghiệm này có thể được làm để phát hiện xem ung thư có lan tràn tới xương khác không. Một lượng nhỏ chất phóng xạ được bơm vào máu. Nó lắng đọng trong vùng tổn thương của xương khắp cơ thể. Một máy quay đặc biệt thấy được phóng xạ và tạo một bức ảnh xương của bạn.
  • Chụp cắt lớp phát xạ positron (PET): chụp PET giống như xạ hình xương, nhưng nó sử dụng một loại đường chứa đồng vị phóng xạ có thể được nhìn thấy bên trong cơ thể với một máy quay đặc biệt. Nơi nào có ung thư, đường này hiện lên như một “điểm nóng”. Xét nghiệm này rất hữu ích khi bác sĩ nghĩ ung thư có thể đã lan tràn, nhưng không biết ở đâu. Một số máy có thể chụp cả PET và CT cùng một lúc (được gọi là PET/CT).
  • Sinh thiết làm mô bệnh học

Hình ảnh vi thể Ewing Sarcoma - Ảnh: Wikipedia
Hình ảnh vi thể Ewing Sarcoma - Ảnh: Wikipedia

Với xét nghiệm này, bác sĩ lấy ra một mảnh nhỏ của khối u. Chúng được kiểm tra tìm tế bào ung thư. Đây là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán xác định bệnh nhân mắc ung thư xương và thuộc loại nào, từ đó đưa ra phương pháp điều trị phù hợp nhất cho người bệnh. 

Điều trị ung thư xương như thế nào?

Mọi căn bệnh ung thư đều đặc biệt giống như người đang chiến đấu với nó. Trong thời đại y học chính xác, với sự tiến bộ của kỹ thuật chẩn đoán và điều trị, việc chống lại ung thư xương đòi hỏi sự chăm sóc cá nhân hóa, được cung cấp bởi các chuyên gia giàu kinh nghiệm, được đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực này.

Phương pháp điều trị ung thư xương sẽ phụ thuộc vào tình trạng của từng bệnh nhân, được đánh giá cụ thể theo các yếu tố: giai đoạn ung thư, tuổi tác, sức khỏe tổng thể, kích thước và vị trí của khối u.

  • Phẫu thuật loại bỏ khối u: Phẫu thuật có thể được thực hiện để loại bỏ khối u từ xương. Tuỳ thuộc thể giải phẫu bệnh của khối u xương (sarcoma xương, sarcoma sụn, sarcoma Ewing,...), giai đoạn bệnh, vị trí khối u mà tiến hành phẫu thuật bảo tồn chi hoặc phẫu thuật cắt cụt, tháo khớp.  Nếu khối u lớn hoặc nằm gần các cơ quan và mô quan trọng, bác sĩ có thể thực hiện phẫu thuật chỉnh hình, tái tạo cấu trúc chức năng như tạo khung xương giả hoặc ghép xương từ một vùng khác của cơ thể.
  • Hóa trị: Hóa trị sử dụng các loại thuốc chống ung thư để giết tế bào ung thư hoặc ngăn chúng phát triển. Hóa trị có thể được sử dụng trước hoặc sau phẫu thuật để giảm kích thước khối u hoặc loại bỏ tế bào ung thư còn lại.
  • Xạ trị: Bức xạ sử dụng tia ion hóa để tiêu diệt tế bào ung thư. Nó có thể được sử dụng trước hoặc sau phẫu thuật và thường được áp dụng cho những khu vực khó phẫu thuật hoặc khi không thể loại bỏ hoàn toàn khối u.
  • Ghép xương: Đối với một số loại ung thư xương đặc biệt là ở trẻ em ghép tủy xương có thể được thực hiện để thay thế tế bào máu bị ảnh hưởng bởi liệu pháp hóa trị.

Ung thư xương là một bệnh lý nguy hiểm đối với sức khỏe chúng ta. Vì vậy khi thấy bất kỳ dấu hiệu nào bất thường về sức khỏe cần đến ngay bác sĩ để thăm khám và điều trị kịp thời, tránh bỏ qua thời điểm điều trị vàng của bệnh.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết