Vàng da ở người trưởng thành - dấu hiệu cần cảnh giác

Tác giả: - Xuất bản: 21/04/2024 - Cập nhật lần cuối: 25/04/2024
Vàng da, vàng mắt ở người lớn
Dấu hiệu vàng da ở người lớn có thể cảnh báo bệnh lý nghiêm trọng - Ảnh: BookingCare
Vàng da không chỉ xảy ra ở trẻ em mà còn xảy ra ở cả người lớn. Dấu hiệu vàng da này có thể cảnh báo một bệnh lý nghiêm trọng cần được thăm khám và điều trị. Một số bệnh lý có thể gây ra vàng da ở người lớn: vàng da do xơ gan, ung thư gan, tổn thương đường mật,...

Vàng da xảy ra khi da và niêm mạc chuyển từ màu hồng sang màu vàng do tăng bilirubin máu. Vàng da sơ sinh là tình trạng khá phổ biến đặc biệt với trẻ sinh non, tuy nhiên tình trạng vàng da cũng xảy ra ở cả người trưởng thành. Ở người lớn, vàng da có thể dễ nhận diện bằng mắt thường và gây ra do nhiều nguyên nhân như: xơ gan, viêm gan, viêm tụy,...

Bài viết của BookingCare dưới đây chia sẻ những thông tin về vàng da: nguyên nhân, các xét nghiệm chẩn đoán, phương pháp điều trị, cách chăm sóc và phòng ngừa bệnh.

Vàng da ở người lớn là gì?

Vàng da là tình trạng máu tăng bilirubin (đây là chất được tạo ra khi các tế bào hồng cầu bị phá vỡ), dấu hiệu của sự cản trở trong quá trình gan xử lý bilirubin, dẫn đến chất này tích tụ trong cơ thể và làm cho da, củng mạc (lòng trắng mắt) và màng nhầy chuyển sang màu vàng.  

Nguyên nhân có thể là do sự phá vỡ tế bào hồng cầu quá nhiều hoặc gan bị tổn thương. Việc theo dõi và điều trị sớm sẽ giúp ngăn chặn tình trạng này từ việc trở nên nghiêm trọng hơn.

Vàng da ở người trưởng thành phát triển như sau:

  • Tế bào hồng cầu bị phá vỡ: Các tế bào hồng cầu cũ sẽ thường xuyên bị phá vỡ và thay thế bằng những tế bào mới, từ đây bilirubin được tạo ra. 
  • Xử lý bilirubin: Gan thường xử lý bilirubin và chuyển nó thành mật để giải phóng vào hệ thống tiêu hóa. 
  • Quá nhiều bilirubin: Việc gan không thể xử lý hết bilirubin do cơ thể tạo ra hoặc việc giải phóng bilirubin của gan gặp vấn đề sẽ xuất hiện vàng da.
  • Màu vàng: Bilirubin tích tụ quá nhiều sẽ thấm vào các mô xung quanh mạch máu, làm cho da và lòng trắng mắt có màu vàng. Đây là dấu hiệu phổ biến của bệnh vàng da.

Nguyên nhân gây vàng da ở người lớn

Bilirubin gồm hai loại: Bilirubin gián tiếp là loại bilirubin sinh ra do quá trình phân hủy hồng cầu trước khi vận chuyển tới gan; bilirubin trực tiếp là loại bilirubin sau khi đi tới gan và được kết hợp với albumin.

Vàng da có thể là kết quả của một vấn đề ở bất kỳ giai đoạn nào trong ba giai đoạn của bilirubin: sản xuất, vận chuyển và xử lý.

Nếu có vấn đề xảy ra trong quá trình này, bilirubin sẽ không được xử lý đúng cách và có thể dẫn đến tình trạng vàng da. 

  • Vàng da trước gan - trước khi gan xử lý bilirubin: Vàng da này xảy ra do tăng bilirubin gián tiếp . Quá nhiều tế bào hồng cầu bị phá vỡ sẽ làm mất khả năng chuyển hóa từ bilirubin gián tiếp sang trực tiếp của gan. Điều này có thể dẫn đến tình trạng tăng bilirubin trong máu.
  • Vàng da tại gan - trong quá trình sản xuất bilirubin: Do tổn thương tế bào gan làm giảm quá trình tổng hợp bilirubin; đồng thời đường ống mật trong gan cũng bị tắc nghẽn dẫn đến rối loạn quá trình bài xuất bilirubin làm tăng nồng độ bilirubin trực tiếp và gián tiếp trong máu dẫn đến vàng da.  
  • Vàng da sau gan - sau khi bilirubin được sản xuất: Tình trạng vàng da tắc mật khi có sự tắc nghẽn ngăn bilirubin không thể chảy vào tá tràng, do đó tăng nồng độ bilirubin trực tiếp trong máu dẫn đến vàng da.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng vàng da ở người trưởng thành, các bất thường phần lớn đến từ chức năng hoạt động của gan, mật, tụy như: viêm gan, xơ gan, ung thư gan,...(các tế bào gan bị tổn thương), đường mật bị viêm, vỡ, sỏi mật, giun chui ống mật,...

  • Nguyên nhân vàng da tại gan:
    • Viêm gan cấp tính hoặc mãn tính do virus viêm gan A, B, C, D, E, G, vi-rút Epstein-Barr (EBV) - loại vi-rút gây bệnh bạch cầu đơn nhân truyền nhiễm.
    • Viêm gan do rượu (sử dụng quá nhiều rượu).
    • Gan bị tổn thương do lạm dụng các loại thuốc, bao gồm: penicillin, thuốc tránh thai đường uống, chlorpromazine (Thorazine R), steroid estrogen hoặc đồng hóa và độc tính của acetaminophen.
    • Các nhiễm trùng huyết do vi khuẩn đường ruột: Salmonella, E.coli, Staphylococcus aureus (tụ cầu vàng), Pseudomonas aeruginosa (trực khuẩn mủ xanh) đều có thể gây tổn thương gan của người nhiễm.
    • Sốt vàng da: Bệnh do nhiễm flavivirus do muỗi truyền, gây tổn thương gan và viêm gan.
    • Bệnh Leptospira: bệnh gây ra bởi xoắn khuẩn Treponema, Leptospira, Borrelia, gây ra hội chứng nhiễm khuẩn, nhiễm độc toàn  thân và tổn thương gan, thận, có thể gây nên vàng da ở người trưởng thành.
  • Nguyên nhân vàng da sau gan: 
    • Sỏi ống mật chủ.
    • Ung thư đường mật. 
    • Khối u tuyến tụy, khối u đầu tụy.
    • Ung thư tụy.

Triệu chứng vàng da ở người trưởng thành

Các triệu chứng liên quan đến vàng da ở người trưởng thành có thể cảnh báo các bệnh lý nghiêm trọng, bởi vậy không được chủ quan:

  • Màu vàng của da và lòng trắng của mắt.
  • Sốt.
  • Ớn lạnh.
  • Đau bụng.
  • Nước tiểu có màu vàng sẫm.
  • Phân nhạt màu.
  • Mệt mỏi.
  • Da ngứa.

Đặc biệt khi xuất hiện các triệu chứng sau, cần đưa người bệnh đi khám để được theo dõi chặt chẽ bởi bác sĩ và nhân viên y tế:

  • Đau bụng rõ và ấn đau vùng gan.
  • Thay đổi ý thức.
  • Xuất huyết tiêu hóa.
  • Mảng xuất huyết, chấm xuất huyết, hoặc ban xuất huyết.

Các xét nghiệm chẩn đoán vàng da ở người lớn

Khi người bệnh xuất hiện vàng da hoặc các triệu chứng nghi ngờ liên quan đến vàng da, người bệnh cần đi khám để tìm ra nguyên nhân và được chữa trị. Các bác sĩ sẽ đề nghị thực hiện một số các xét nghiệm sau để chẩn đoán xác định tình trạng cho người bệnh:

  • Xét nghiệm máu để đánh giá chức năng gan (bilirubin, aminotransferase, alkaline phosphatase).
  • Xét nghiệm đông máu prothrombin (PT), thromboplastin một phần (PTT) nếu có dấu hiệu suy gan.
  • Tổng phân tích tế bào máu.
  • Cấy máu tìm vi khuẩn gây bệnh.
  • Siêu âm ổ bụng, chụp cộng hưởng từ mật tụy (MRCP), siêu âm nội soi, nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP).
  • Sinh thiết gan.

Với bệnh nhân có vấn đề về chức năng gan, mật tụy, gây nên vàng da, thông thường xét nghiệm sẽ thấy bilirubin (toàn phần, trực tiếp và gián tiếp) đều tăng cao, xét nghiệm men gan (AST, ALT) cũng tăng cao trên mức bình thường.

Siêu âm ổ bụng là một trong những phương pháp chẩn đoán vàng da ở người lớn - Ảnh: Freepik

Các phương pháp điều trị vàng da ở người lớn

Vàng da có thể do nhiều nguyên nhân nên không có cách điều trị cụ thể.

Tùy từng nguyên nhân, người bệnh sẽ được bác sĩ chỉ định các phương pháp điều trị khác nhau và vàng da sẽ được cải thiện như điều trị các bệnh liên quan đến đường mật (nội soi mật tụy ngược dòng hay phẫu thuật cắt bỏ túi mật trong mắc sỏi túi mật; điều trị bằng các thuốc kháng sinh, phẫu thuật trong viêm đường mật,...). 

Hay điều trị vàng da do viêm gan: 

  • Đa số các trường hợp vàng da viêm gan do virus hoặc rượu. Các loại viêm gan virus thường gặp là A,B,C,D,E. 
  • Tùy từng loại virus viêm gan và tình trạng cũng như triệu chứng của người bệnh mà sử dụng thuốc điều trị khác nhau. 
  • Trong trường hợp này, đa phần loại thuốc được sử dụng để điều trị là nhóm thuốc ức chế virus hoặc nhóm thuốc tác động lên hệ miễn dịch để giúp cơ thể chống lại sự nhân lên của virus. 
  • Bác sĩ cũng sẽ cân nhắc sử dụng các loại thuốc điều trị triệu chứng như thuốc lợi mật, lợi tiểu, truyền dịch và bổ sung vitamin như vitamin B, vitamin K (khi có xuất huyết).

Phòng ngừa vàng da ở người lớn

Vàng da ở người trưởng thành có thể phòng ngừa được bằng cách áp dụng các biện pháp sau: 

  • Phòng ngừa virus gây viêm gan: 
    • Tiêm phòng vacxin viêm gan siêu vi A, B.
    • Thận trọng ăn ngoài hàng, chế biến các thực phẩm cần đảm bảo vệ sinh, ăn chín, rửa tay sạch sẽ trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh để phòng viêm gan A.
    • Quan hệ tình dục an toàn, sử dụng các kim tiêm y tế, kim xăm sạch để phòng ngừa viêm gan B và C (lây qua đường máu và dịch tiết cơ thể).
  • Có chế độ sinh hoạt lành mạnh và ăn uống khoa học: 
    • Tránh lạm dụng quá nhiều rượu, bia (Sử dụng rượu, bia vừa phải).
    • Duy trì cân nặng khỏe mạnh, quản lý lượng cholesterol hợp lý trong cơ thể.
    • Bổ sung các thực phẩm lành mạnh, giàu dinh dưỡng như ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, rau xanh, sữa, protein từ thịt nạc.
    • Tránh thức quá khuya, nghỉ ngơi hợp lý, ngủ đủ giấc để không làm ảnh hưởng xấu đến chức năng gan. 
    • Tẩy giun định kỳ để tiêu diệt giun và trứng giun, nhất là các loại giun đũa để tránh trường hợp sỏi mật hình thành do giun chui ống mật.

Vàng da ở người trưởng thành là tình trạng không được chủ quan bởi người bệnh có thể đang gặp các bệnh lý về gan (viêm gan, xơ gan), tổn thương đường mật, ung thư tụy,... Người bệnh cần được đi khám, tìm ra nguyên nhân và  có cách điều trị phù hợp.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết