Viêm Amidan quá phát điều trị như thế nào hiệu quả?
Viêm Amidan quá phát điều trị như thế nào hiệu quả?
Viêm Amidan quá phát điều trị như thế nào hiệu quả?
Viêm amidan quá phát là như thế nào? Điều trị như thế nào hiệu quả? - Ảnh: BookingCare

Viêm Amidan quá phát điều trị như thế nào hiệu quả?

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 05/11/2023 | Cập nhật lần cuối: 05/11/2023
Viêm amidan quá phát nên được điều trị như thế nào? Có cách nào để phòng tránh? Mời bạn đọc tham khảo nội dung dưới đây.

Viêm amidan quá phát là khi viêm amidan mãn tính bị viêm nhiễm lâu ngày với các triệu chứng quá phát. Thông thường, viêm amidan quá phát trường gặp ở trẻ em hay người trẻ tuổi.

Nguyên nhân khiến amidan bị viêm quá phát

Như đã đề cập ở trên, viêm amidan quá phát có nguyên nhân từ viêm amidan mạn tính, khi các tác nhân gây bệnh lưu trú trong amidan, sẵn sàng chuyển thành thể quá phát.

Đặc điểm dễ nhận ra là sự quá phát thường xuyên tới hơn 4 lần mỗi năm. Thông thường, nếu bạn bị nhiễm vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh hoặc hệ thống miễn dịch không hoạt động bình thường, bạn có thể bị viêm amidan mãn tính.

Bên cạnh đó, có một số yếu tố thuận lợi cho viêm amidan mãn tính xảy ra như:

  • Thời tiết thay đổi đột ngột (bị lạnh đột ngột khi mưa, độ ẩm cao...).
  • Ô nhiễm môi trường do bụi, khí, điều kiện sinh hoạt thấp, vệ sinh kém.
  • Có các ổ viêm nhiễm ở họng, miệng: như sâu răng, viêm lợi, viêm V.A, viêm xoang và do đặc điểm cấu trúc giải phẫu của amidan có nhiều khe kẽ, hốc, ngách là nơi cư trú, ẩn náu và phát triển của vi khuẩn.

Triệu chứng viêm amidan quá phát

Viêm amidan quá phát thường có đầy đủ triệu chứng của viêm amidan cấp tính nhưng kéo dài hơn. Lúc này amidan sẽ sưng to như hai hạt hạnh nhân ở 2 bên thành họng lấn vào làm hẹp khoang họng, trụ trước đỏ. Viêm amidan sẽ có biểu hiện:

  • Nếu là trẻ em bị viêm amidan, trẻ sẽ khó ăn, ăn chậm, cơ thể mệt mỏi.
  • Ho khan kéo dài và hay ho về đêm, trẻ em có thở khò khè, ngủ ngáy to.
  • Thường có cảm giác nuốt vướng ở họng, đôi khi có cảm giác đau như có dị vật trong họng, đau lan lên tai.
  • Hơi thở thường xuyên hôi mặc dù vệ sinh răng miệng thường xuyên.

Phương pháp điều trị viêm amidan quá phát

Với viêm amidan, ngay khi có những triệu chứng đầu tiên, bạn nên đến gặp bác sĩ Tai mũi họng để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh để bệnh lâu dài dẫn đến mãn tính và quá phát. 

Với viêm amidan quá phát, các biện pháp điều trị tương tự như viêm amidan mãn tính. Bệnh nhân nên:

  • Nghỉ ngơi, ăn nhẹ, uống nước nhiều để giữ cổ họng không bị khô.
  • Sử dụng các thực phẩm mềm, dễ nuốt.
  • Có thể sử dụng các loại thuốc giảm đau, hạ sốt trong trường hợp sốt cao.
  • Sử dụng kháng sinh trong trường hợp nhiễm khuẩn theo chỉ định của bác sĩ. Lưu ý quan trọng là cần dùng kháng sinh đúng, đủ liều và đủ thời gian để tránh trường hợp vi khuẩn kháng kháng sinh.
  • Người bệnh cần tái khám đúng hẹn để bác sĩ đánh giá hiệu quả điều trị, đảm bảo không mắc phải các biến chứng nặng cũng như các tác dụng phụ không mong muốn của thuốc.
  • Súc miệng bằng các dung dịch kiềm ấm: Bicarbonat Natri, Bôrat Natri…(nửa thìa cà phê trong một cốc nước ấm).
  • Bổ sung vitamin, vi chất qua đường uống

Ngoài ra, viêm amidan quá phát có thể được bác sĩ chỉ định phẫu thuật cắt amidan trong trường hợp:

  • Amidan quá phát nhiều lần trong năm (thông thường trên 4 lần/năm)
  • Amidan viêm mạn tính quá phát gây khó thở (hội chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn), khó nuốt, giọng nói như miệng ngậm một vật gì (khó nói).

Mỗi phương pháp điều trị phù hợp với từng người bệnh, vì vậy khi bị viêm amidan quá phát, bệnh nhân cần đến thăm khám với bác sĩ để được tư vấn cách điều trị hiệu quả nhất.

Cách phòng tránh viêm amidan quá phát hiệu quả

Thực tế là không có bất kỳ loại thuốc hay vắc xin nào để dự phòng viêm amidan nói chung và viêm amidan quá phát nói riêng. Tuy nhiên, có một số biện pháp hiệu quả giúp phòng ngừa bệnh này:

  • Tránh tiếp xúc gần với người bệnh có triệu chứng viêm đường hô hấp (ho, sổ mũi, hắt xì, đau họng...)

  • Không dùng chung đồ dùng, ly uống nước, bàn chải đánh răng hoặc các vật dụng cá nhân khác với bất kỳ ai.

  • Rửa tay thường xuyên với xà phòng diệt khuẩn hoặc dung dịch sát khuẩn tay nhanh.

  • Che miệng khi ho hoặc hắt hơi, tránh làm phát tán các loại vi khuẩn gây nhiễm trùng.

  • Giữ vệ sinh môi trường sống.
  • Đặc biệt, với trẻ em đã đi học, cần được giữ ấm, vận động hợp lý để tăng sức đề kháng của trẻ.
  • Tiêm chủng vắc xin đầy đủ, giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh nhiễm khuẩn, virus đường hô hấp dẫn đến viêm amidan.
  • Thăm khám sớm với bác sĩ chuyên khoa và tái khám đúng hẹn để điều trị bệnh viêm amidan hiệu quả ngay khi mới mắc.

Như vậy, bản chất của viêm amidan quá phát là bởi vì bệnh nhân bị viêm quá lâu, có các triệu chứng quá phát. Chính vì vậy, cần điều trị kịp thời và có các biện pháp dự phòng để tránh bị viêm amidan.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết