- Xuất bản: 11/09/2023 - Cập nhật lần cuối: 28/12/2023
Viêm da bàn tay: Triệu chứng, nguyên nhân, phương pháp điều trị hiệu quả - Ảnh: BookingCare
Cùng BookingCare tìm hiểu thông tin về viêm da bàn tay thông qua chia sẻ của Bác sĩ Da liễu Trần Thị Thắm.
Viêm da bàn tay hay chàm bàn tay (hand eczema) là một loại bệnh chàm phổ biến ảnh hưởng đến khoảng 10% dân số. Yếu tố di truyền, các tác nhân gây tiếp xúc dị ứng và kích ứng đóng vai trò “kích hoạt” bệnh này.
Nó thường ảnh hưởng đến những người làm công việc dọn dẹp, phục vụ ăn uống, làm tóc và cơ khí, nơi họ có thể tiếp xúc với hóa chất và các chất kích thích khác. Vì những nguyên nhân trên, bệnh chàm bàn tay ít có khả năng ảnh hưởng đến trẻ em.
Tổn thương cơ bản của chàm bàn tay có thể thay đổi theo thời gian, khởi đầu là dát đỏ, phù nề và mụn nước, sau tiến triển thành dày sừng, nứt kẽ và các thay đổi mạn tính khác.
Các hình thái chàm bàn tay hay gặp
1. Viêm da tiếp xúc kích ứng
Giai đoạn đầu: ban đỏ, phù nề, rỉ dịch, mụn nước, tập trung ở vị trí tiếp xúc với tác nhân. Kèm theo ngứa, bỏng rát.
Giai đoạn sau: trợt da, bong vảy, một số trường hợp nặng có thể hoại tử thượng bì (bỏng hóa chất).
Giai đoạn mạn tính: ban đỏ, dày sừng, lichen hóa, nứt da và bong vảy.
Hay gặp nhất viêm da tiếp xúc kích ứng do làm việc trong môi trường ẩm ướt: sử dụng găng tay > 2 giờ hoặc rửa tay > 20 lần mỗi ngày.
2. Viêm da tiếp xúc dị ứng
Cấp tính: ban đỏ, mụn nước, rỉ dịch, phù nề.
Mạn tính: lichen, mảng bong vảy
Chủ yếu cảm thấy ngứa nhiều tại vị trí tiếp xúc với dị nguyên, một số trường hợp tổn thương lan rộng ra vị trí xung quanh.
Hay gặp nhất ở Việt Nam đó là viêm da tiếp xúc do xi măng, trong đó chất gây dị ứng hay gặp là chrom. Thể lâm sàng này rất dai dẳng mặc dù bệnh nhân không tiếp xúc với xi măng nữa.
3. Chàm bàn tay cơ địa
Xuất hiện ở những bệnh nhân có tiền sử hoặc hiện tại được chẩn đoán viêm da cơ địa.
Cấp tính: ngứa nhiều, sẩn, ban đỏ, mụn nước trên dát đỏ, rỉ dịch huyết thanh.
Bán cấp: ban đỏ, trợt da, sẩn bong vảy.
Mạn tính: mảng dày da, lichen hóa, nốt, sẩn ngứa.
Loại trừ tác nhân gây viêm da tiếp xúc kích ứng trước khi chẩn đoán chàm bàn tay cơ địa.
Mụn nước/bọng nước sâu ở ngón tay, bàn tay (thường gặp hơn ở vùng rìa), ngứa nhiều.
Yếu tố nguy cơ: stress, cơ địa dị ứng, tay ẩm ướt, môi trường tiếp xúc (nước, muối kim loại: nickel, coban, chrom).
Có thể tự khỏi sau 2 - 3 tuần.
Nguyên nhân viêm da bàn tay
Chàm bàn tay có cơ chế hoạt động rất phức tạp, hiện nay chưa tìm ra nguyên nhân gây bệnh rõ ràng. Tuy nhiên, qua các thống kê của những trường hợp mắc bệnh, chàm bàn tay có thể xuất phát từ những nguyên nhân sau:
Yếu tố di truyền: Người bệnh sẽ có nguy cơ mắc bệnh chàm cao hơn nếu như người thân trong gia đình có tiền sử mắc bệnh.
Rối loạn hàng rào bảo vệ da: lớp màng lipid trên da bị suy yếu, dễ mất nước qua thượng bì và dẫn đến nguy cơ mắc bệnh.
Yếu tố thời tiết: Bệnh thường phát triển mạnh mẽ vào mùa đông do thời tiết lạnh làm da bị khô và dễ mất nước.
Tiếp xúc với dị nguyên: Đa số các trường hợp mắc bệnh đều là do để tay tiếp xúc lâu dài với các chất kích ứng như hóa chất, xà phòng, mỹ phẩm, dung môi công nghiệp,...
Nhiễm nấm: Tay là nơi có vị trí dễ nhiễm nấm nhất do có hoạt động bài tiết dầu và mật độ tiếp xúc cao, làm suy giảm hàng rào bảo vệ khiến cho da bị khô và kích thích bệnh chàm bùng phát.
Các yếu tố khác: Một số nhân tố như ô nhiễm môi trường, tâm lý không ổn định, vệ sinh da kém,... cũng làm cho người bệnh mắc bệnh chàm và làm suy giảm khả năng của hệ miễn dịch.
Hình ảnh viêm da bàn tay - Ảnh: mydermatologyassociates.com
Chẩn đoán chàm bàn tay
Dựa trên lâm sàng là chủ yếu: tổn thương cơ bản, diễn biến bệnh. Với viêm da tiếp xúc dị ứng, test áp là tiêu chuẩn vàng chẩn đoán.
Cần loại trừ được các nguyên nhân sau: nấm, ghẻ, vảy nến, lichen phẳng, hồng ban cố định nhiễm sắc…
Phương pháp điều trị
Chàm bàn tay cấp và bán cấp: cần điều trị tích cực, tránh chuyển thành chàm bàn tay mạn tính.
Phát hiện và loại bỏ tác nhân kích ứng có vai trò điều trị quan trọng.
Bảo vệ da tay và dùng kem dưỡng ẩm phù hợp với tình trạng da.
Bôi corticoid hoặc thuốc ức chế calcineurin tại chỗ theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Liệu pháp ánh sáng, corticoid đường toàn thân hoặc các thuốc ức chế miễn dịch đường uống (cyclosporin, mycophenolat mofetil, azathioprin, hoặc methotrexat) hoặc retinoid uống (alitretinoin) khi không đáp ứng các phương pháp điều trị trên.
Chăm sóc chàm bàn tay tại nhà
Đeo găng tay khi làm việc trong môi trường ướt hoặc khi tiếp xúc với xà phòng và chất tẩy rửa
Găng tay cần nguyên vẹn, sạch sẽ và khô ráo bên trong.
Nếu thời gian làm việc trên 10 phút, cần sử dụng găng tay cotton bên trong.
Rửa tay bằng nước ấm, không dùng nước nóng. Sau rửa phải làm khô tay ngay. Nên để một lọ dưỡng ẩm bên cạnh bồn rửa tay để dưỡng ẩm da tay ngay sau khi làm sạch đặc biệt là sau khi rửa với xà phòng
Sử dụng kem dưỡng ẩm thường xuyên: đặc biệt là sau khi làm việc và trước khi đi ngủ.
Dùng loại lotion vào ban ngày và loại dưỡng ẩm giàu lipid hơn trước khi ngủ.
Bôi dưỡng ẩm toàn bộ bàn tay, bao gồm kẽ ngón tay, đầu ngón tay và mu tay.
Tránh cào gãi lên vùng da bị chàm để không làm tăng nguy cơ bội nhiễm.
Luôn trong trạng thái thoải mái bằng cách tập yoga, thiền, thể dục thể thao đều đặn.
Như vậy trên đây là những thông tin cần biết về viêm da bàn tay. Hy vọng bài viết đã mang lại những thông tin hữu ích cho bạn đọc.