Viêm nha chu và những điều bạn cần biết
Tổng quan về viêm nha chu
Viêm nha chu không chỉ ảnh hưởng đến nụ cười mà có thể gây mất răng - Ảnh BookingCare

Viêm nha chu và những điều bạn cần biết

Tác giả: - Xuất bản: 19/06/2024 - Cập nhật lần cuối: 19/06/2024
Viêm nha chu là một trong những bệnh lý răng miệng có ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe răng miệng và là nguyên nhân chính làm tiêu xương và mất răng ở người lớn. Bệnh diễn tiến thầm lặng nên rất dễ bị bỏ qua, thường được phát hiện muộn khi bệnh đã nặng.

Viêm nha chu là bệnh lý răng miệng phổ biến, ảnh hưởng rất lớn đến khả năng ăn nhai. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, viêm nha chu có thể gây mất răng, tạo tâm lý tự ti khi cười nói. 

Viêm nha chu là gì?

Viêm nha chu là bệnh lý viêm nhiễm làm ảnh hưởng trực tiếp đến các lớp mô nâng đỡ răng. Tình trạng viêm mô nướu khiến cho vi khuẩn xâm nhập phát triển túi nha chu, làm tụt nướu và lộ hẳn chân răng ra ngoài. 

Trong trường hợp nhiễm trùng lây lan và trở nên nghiêm trọng thì xương và mô nướu sẽ bị tổn thương, răng bị lung lay và thậm chí bị mất răng hoàn toàn do không được điều trị.

Nguyên nhân gây bệnh viêm nha chu là gì?

Bệnh có khởi nguồn từ mảng bám răng, hình thành khi vi khuẩn tương tác với tinh bột và đường trên bề mặt răng, do đánh răng không kỹ hay do bệnh lý. Vi khuẩn từ mảng bám có thể gây viêm nướu. 

Viêm nướu là tình trạng nướu bị kích thích và viêm một phần nướu xung quanh chân răng. Viêm nướu có thể được chữa trị hoàn toàn khi được điều trị đúng cách và chăm sóc răng miệng tốt tại nhà. 

Viêm nướu nếu không được điều trị có thể gây viêm nha chu, cuối cùng tạo nên túi nha chu phát triển giữa nướu và răng chứa đầy vi khuẩn. Theo thời gian, các túi này trở nên sâu hơn, chứa nhiều vi khuẩn hơn. Nếu không được điều trị, những nhiễm trùng này gây mất mô nướu và xương ổ răng hay nghiêm trọng hơn có thể khiến cho người bệnh bị mất răng.

Tuy nhiên có một số thói quen và bệnh lý có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh như:

  • Chăm sóc răng miệng không đúng cách
  • Hút thuốc lá
  • Béo phì
  • Người cao tuổi
  • Suy dinh dưỡng hay thiếu vitamin C, D
  • Thay đổi nội tiết tố như mang thai hoặc giai đoạn mãn kinh
  • Sử dụng thuốc có tác dụng phụ gây khô miệng
  • Bệnh suy giảm miễn dịch
  • Một số bệnh khác như bệnh tiểu đường, viêm khớp dạng thấp, bệnh tim mạch,...

Triệu chứng của bệnh viêm nha chu

  • Cao răng, mảng bám.
  • Nướu bị sưng đỏ hoặc có mủ, dễ chảy máu răng, tăng tiết dịch nướu
  • Răng lung lay (1 răng hay nhiều răng). 
  • Túi nha chu sâu (>4mm). 
  • X quang có tiêu xương ít hoặc nhiều theo chiều ngang, dọc. 
  • Miệng và hơi thở có thể có mùi hôi

Biến chứng của bệnh viêm nha chu

  • Biến chứng tại chỗ: Bệnh viêm nha chu có thể gây mất răng.
  • Biến chứng toàn thân: Trong một số trường hợp vi khuẩn từ các túi nha chu có thể xâm nhập vào máu gây những biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng máu, viêm nội tâm mạc bán cấp do vi khuẩn, viêm cầu thận,…

Điều trị viêm nha chu như thế nào?

Mục đích của việc điều trị viêm nha chu là làm sạch mảng bám và các túi nha chu xung quanh răng và ngăn chặn tổn thương cho xương ổ răng. Việc điều trị phải đi kèm với việc thay đổi lối sống như bỏ thuốc lá, chải răng ngay sau khi ăn. 

Tùy theo tình trạng bệnh mà nha sĩ có thể thực hiện các biện pháp sau đây: 

  • Loại bỏ cao răng và vi khuẩn khỏi bề mặt răng và bên dưới nướu. 
  • Bào láng bề mặt răng làm mịn bề mặt chân răng, ngăn chặn tích tụ cao răng và vi khuẩn. 
  • Điều trị nhiễm khuẩn: Kháng sinh thường được sử dụng là Spiramycin kết hợp với Metronidazole.

Phòng bệnh viêm nha chu như thế nào?

Để phòng chống bệnh viêm nha chu cần hình thành và thay đổi thói quen chăm sóc răng miệng đúng cách

Vệ sinh răng miệng đúng cách, chải răng đúng cách để tránh gây tổn thương cho nướu, chải răng đúng cách như sau: 

  • Đặt bàn chải nghiêng một góc 45 độ với hàm, chải xoay tròn, chải lần lượt theo từng nhóm gồm 2 - 3 chiếc răng, thực hiện liên tục đến khi đi hết bề ngoài của hàm, đưa bàn chải vào bề mặt bên trong của các răng, cách chải tương tự như mặt ngoài. 
  • Đến vị trí các răng cửa phía trước, đặt bàn chải theo chiều dọc, ngửa đầu bàn chải và đưa vào mặt bên trong của hàm trên, thực hiện động tác lên - xuống để chải các răng cửa phía trên.
  • Sau đó thực hiện tương tự với các răng cửa phía dưới. 
  • Đặt bề mặt lông bàn chải tiếp xúc với bề mặt nhai của các răng hai bên, chải từ trước ra sau. 
  • Dùng lông bàn chải hoặc dụng cụ chải lưỡi để loại bỏ các mảng bám thức ăn trên bề mặt lưỡi. 
  • Súc miệng lại bằng nước sạch 3 - 4 lần để đảm bảo làm trôi hết các vụn thức ăn, các mảng bám và kem đánh răng. 
  • Sử dụng chỉ tơ nha khoa hoặc bàn chải kẽ để vệ sinh kẽ răng.
  • Sử dụng tăm nước để đánh bay triệt để các mảng bám nhỏ ở sâu dưới rãnh lợi, kẽ răng mà bàn chải và chỉ tơ không làm sạch được. 
  • Khám răng định kỳ 3 - 6 tháng 1 lần.

Viêm nha chu có thể xảy ra với những người có thói quen vệ sinh răng miệng xấu, hút thuốc, người mắc các bệnh làm suy giảm miễn dịch,… Viêm nha chu có thể dẫn đến mất răng, khó chịu ở nướu và hôi miệng, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và các biến chứng khác.

Để tránh viêm nha chu, mọi người nên đánh răng 2 lần 1 ngày, dùng chỉ nha khoa hàng ngày và khám nha sĩ ít nhất mỗi năm 2 lần.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết