Viêm niệu đạo: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa
Viêm niệu đạo: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa
Viêm niệu đạo: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa
Viêm niệu đạo: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa - Ảnh: BookingCare

Viêm niệu đạo: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 08/11/2023 | Cập nhật lần cuối: 08/11/2023
Bài viết cung cấp những kiến thức cơ bản cần biết về triệu chứng, nguyên nhân, điều trị và cách phòng ngừa viêm niệu đạo ở nam giới.

Viêm niệu đạo ở nam giới nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng và di chứng nguy hiểm. Việc hiểu rõ về viêm niệu đạo và thực hiện các biện pháp phòng ngừa là quan trọng để nam giới bảo vệ sức khỏe của mình.

Viêm niệu đạo là bệnh gì?

Niệu đạo là một phần của hệ sinh dục, tiết niệu ở nam giới, có chức năng dẫn nước tiểu từ bàng quang ra ngoài qua miệng sáo đầu dương vật, trong quá tình tình dục, nó có chức năng xuất và phóng tinh. 

Niệu đạo ở nam giới là bộ phận nối dẫn nước tiểu từ bàng quang đến đầu dương vật qua lỗ sáo. Đồng thời đây cũng là bộ phận dẫn và truyền tinh dịch mỗi khi nam giới xuất tinh. 

Viêm niệu đạo là một bệnh lý của niệu đạo đặc trưng bởi các triệu chứng kích thích - đau rát khi đi tiểu kèm theo đỏ miệng sáo, chảy mủ hoặc không 

Nguyên nhân viêm niệu đạo có thể là nhiễm khuẩn, virus, kí sinh trùng hoặc tình trạng biến chứng sau một đợt viêm không được điều trị dứt điểm. Hiện tượng khi niệu đạo bị viêm và kích thích, gây ra cảm giác khó chịu khi đi tiểu.

Phân loại viêm niệu đạo:

  • Cấp tính( triệu chứng rầm rộ, xuất hiện sau khi có các yếu tố nguy cơ) 
  • Mạn tính( triệu chứng nhẹ nhưng rất khó chịu - thường xuất hiện sau khi bệnh lý cấp tính mà không được điều trị ổn định triệt để)

Triệu chứng viêm niệu đạo ở nam giới

Các triệu chứng viêm niệu đạo cấp tính ở nam giới bao gồm:

  • Đi tiểu rắt, tiểu nhiều lần, tiểu gấp
  • Tiểu buốt, nước tiểu thấy có mủ, màu đục hoặc máu tươi xuất hiện.
  • Miệng sáo sưng đỏ, dương vật có thể đau khi cương  lỗ niệu đạo, chất dịch nhầy có màu trắng, hơi vàng và xanh tuỳ nguyên nhân gây bệnh.
  • Đau buốt trong và sau khi quan hệ tình dục.
  • Đau âm ỉ ở vùng bụng dưới, thắt lưng và xương mu.
  • Một số triệu chứng khác như: sốt, buồn nôn; nổi hạch, nóng ran bên trong vùng niệu đạo,...
Tiểu nhiều, khó tiểu, tiểu buốt là những triệu chứng thường gặp khi bị viêm niệu đạo. - Ảnh: Canva

Viêm niệu đạo mạn tính bao gồm:

  • nóng rát khi tiểu tiện, kéo dài liên tục nhiều tháng, năm
  • cảm giác kiến bò dọc niệu đạo, ngứa râm ran - triệu chứng nhẹ nhưng rất khó chịu
  • đợt cấp nổi lên khi sức khoẻ toàn thân yếu như ra ít dịch số lượng ít như giọt mủ, dịch nhầy trong vào sáng sớm. 

Nguyên nhân gây viêm niệu đạo ở nam giới

Viêm niệu đạo ở nam giới thông thường là bệnh lý mắc phải do vệ sinh cá nhân không tốt hoặc do mắc các bệnh STD (Bệnh lây truyền qua đường tình dục). 

Một số nguyên nhân chính gây viêm niệu đạo ở nam giới bao gồm:

  • Nhiễm khuẩn đường sinh dục: Nhiễm khuẩn ngược dòng là nguyên nhân hay gặp nhất. Nguyên nhân gây viêm niệu đạo ở nam giới chủ yếu là do vi khuẩn, nấm. Nhiễm khuẩn đường sinh dục có thể do hẹp bao quy đầu, vệ sinh không sạch sẽ khiến vi khuẩn xâm nhập vào niệu đạo gây viêm nhiễm.
  • Quan hệ tình dục không an toàn: nam giới quan hệ tình dục (không sử dụng các biện pháp bảo vệ để ngăn ngừa lây nhiễm các bệnh lây qua đường tình dục) với bạn tình bị nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục như lậu, giang mai thì nguy cơ viêm niệu đạo rất cao.
  • Tiếp xúc với các chất kích ứng: tiếp xúc với các chất kích ứng như xà phòng tắm không thích hợp, chất diệt tinh trùng trong bao cao su hoặc các chất hóa học khác có thể gây ra hiện tượng viêm, kích ứng và đau rát ở niệu đạo.
  • Tác động cơ học: nong niệu đạo, đặt ống thông tiểu sau phẫu thuật đường tiểu, thăm dò bàng quang, hoặc sau tán sỏi… có thể gây viêm niệu đạo.
  • Thói quen nhịn tiểu: nhịn tiểu có thể khiến vi khuẩn tích tụ trong bàng quang, dẫn đến viêm niệu đạo.
  • Uống ít nước, không đủ nước tiểu để làm sạch niệu đạo - gây viêm bàng quang -niệu đạo 

Điều trị viêm niệu đạo ở nam giới

Viêm niệu đạo thường được điều trị bằng thuốc. Loại thuốc điều trị tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh và mức độ nặng hay nhẹ của bệnh.

Các thuốc có thể được chỉ định bao gồm: thuốc kháng sinh, thuốc kháng virus, thuốc giảm đau và thuốc hạ sốt (nếu cần). điều trị cho cả bạn tình để tránh tái lây nhiễm là điều quan trọng.

Trong quá trình điều trị, người bệnh cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ và tái khám theo hẹn.

Chăm sóc tại nhà cho người bệnh viêm niệu đạo

Ngoài việc sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, người bệnh có thể áp dụng một số biện pháp chăm sóc tại nhà để hỗ trợ điều trị viêm niệu đạo như:

  • Mỗi ngày nên uống ít nhất 2 lít nước. Uống đủ và đều nước giúp cơ thể bài tiết nước tiểu, loại bỏ vi khuẩn có trong niệu đạo.
  • Vệ sinh bộ phận sinh dục sạch sẽ hàng ngày, nhất là vệ sinh bao quy đầu sau hai lần/ ngày với các trường hợp bao quy đầu dài.
  • Mặc quần lót thông thoáng, dễ thấm hút.
  • Đi tiểu ngay khi có cảm giác buồn tiểu, không nhịn tiểu quá lâu bởi vì nhịn tiểu là nguyên nhân khiến cho vi khuẩn gây bệnh có trong nước tiểu xâm nhập và gây viêm niệu đạo.
  • Không sinh hoạt tình dục khi đang điều trị bệnh.
  • Thể dục nhẹ nhàng trong thời gian điều trị, không tập nặng
Uống đủ và đều nước giúp cơ thể bài tiết nước tiểu, loại bỏ vi khuẩn có trong niệu đạo. - Ảnh: Canva

Các biện pháp phòng ngừa viêm niệu đạo ở nam giới

Một số biện pháp phòng ngừa viêm niệu đạo ở nam giới bao gồm:

  • Quan hệ tình dục lành mạnh: không quan hệ tình dục với nhiều bạn tình và nên sử dụng bao cao su để hạn chế tối đa các bệnh lây truyền qua đường tình dục và viêm niệu đạo.
  • Không nên nhịn đi tiểu: giữ nước tiểu trong bàng quang lâu sẽ tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, dẫn đến nhiễm trùng đường tiết niệu, trong đó có viêm niệu đạo. Vì vậy không nên nhịn đi tiểu để phòng ngừa viêm niệu đạo.
  • Vệ sinh vùng kín sạch sẽ: vệ sinh bộ phận sinh dục sạch sẽ hàng ngày, nhất là vệ sinh bao quy đầu thường xuyên để tránh viêm nhiễm. 
  • Các thời điểm vệ sinh quy đầu, bao quy đầu: 2lần/ ngày trước và sau tình dục
  • Sử dụng đồ lót thoáng mát: sử dụng đồ lót làm từ chất liệu tổng hợp, chật hẹp khiến bộ phận sinh dục luôn trong tình trạng nóng ẩm, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển gây viêm niệu đạo. Vì vậy nên sử dụng đồ lót thoáng mát để phòng ngừa viêm niệu đạo.
  • Tránh các hóa chất có thể gây kích ứng niệu đạo: không sử dụng các chất có tính tẩy rửa mạnh để vệ sinh cơ thể hàng ngày; lưu ý khi sử dụng những chất làm mát, chất diệt tinh trùng và gel bôi trơn có trong bao cao su có thể gây kích ứng niệu đạo.
  • Uống ít nhất 2 lít nước mỗi ngày: uống đủ nước giúp cơ thể bài tiết nước tiểu, loại bỏ vi khuẩn có trong niệu đạo và ngăn ngừa nguy cơ viêm đường tiết niệu.
  • Có lối sống lành mạnh: ăn uống, nghỉ ngơi, rèn luyện thể chất đầy đủ giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
  • Khám sức khỏe định kỳ: khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm để phát hiện sớm và phòng ngừa viêm niệu đạo hiệu quả.

Trên đây là các thông tin hữu ích về triệu chứng, nguyên nhân, điều trị và cách phòng ngừa viêm niệu đạo. Khi có các triệu chứng của viêm niệu đạo, bạn đọc cần đi khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết