Viêm phổi ở trẻ em: Tất cả thông tin quan trọng về bệnh
viêm phổi ở trẻ em
Viêm phổi ở trẻ em là bệnh không nên xem thường - Ảnh: BookingCare

Viêm phổi ở trẻ em: Tất cả thông tin quan trọng về bệnh

Tác giả: - Xuất bản: 11/12/2023 - Cập nhật lần cuối: 11/12/2023
Bài viết tổng hợp các thông tin về bệnh viêm phổi ở trẻ em, bao gồm: dấu hiệu nhận biết, nguyên nhân, cách điều trị và phòng ngừa bệnh. Đây là những kiến thức cơ bản giúp cha mẹ hiểu rõ hơn về bệnh. 

Viêm phổi là một bệnh viêm nhiễm ở phổi. Bệnh viêm phổi ở trẻ em có thể nhẹ hoặc nghiêm trọng tùy vào độ tuổi và tình trạng bệnh. Đây là bệnh lý đường hô hấp khá phổ biến ở trẻ em dưới 5 tuổi. Hiểu về bệnh viêm phổi ở trẻ giúp cha mẹ chăm sóc và xử trí kịp thời, hạn chế biến chứng không mong muốn.

Tổng quan về viêm phổi ở trẻ em

Viêm phổi là một dạng nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính ảnh hưởng đến phổi. Phổi được tạo thành từ các túi nhỏ gọi là phế nang, chứa đầy không khí khi một người khỏe mạnh thở. Khi trẻ bị viêm phổi, các phế nang chứa đầy mủ và chất lỏng, khiến việc thở trở nên khó khăn và hạn chế lượng oxy đưa vào.

Viêm phổi là nguyên nhân nhiễm trùng gây tử vong lớn nhất ở trẻ em trên toàn thế giới. Theo thông tin từ WHO, viêm phổi khiến 740.180 trẻ dưới 5 tuổi tử vong vào năm 2019, chiếm 14% tổng số ca tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi nhưng chiếm 22% tổng số ca tử vong ở trẻ từ 1 đến 5 tuổi. Viêm phổi ảnh hưởng đến trẻ em trên toàn thế giới, trong đó tỷ lệ tử vong cao nhất ở Nam Á và châu Phi cận Sahara.

Trẻ em có thể được bảo vệ khỏi bệnh viêm phổi, có thể ngăn ngừa bệnh này bằng các biện pháp can thiệp đơn giản. Với trẻ bị viêm phổi, có thể điều trị bằng thuốc và các phương pháp chăm sóc.

Nguyên nhân gây viêm phổi ở trẻ?

Nguyên nhân phổ biến gây viêm phổi ở trẻ em bao gồm:

  • Vi khuẩn: Staphylococcus aureus, Haemophilus influenzae, Streptococcus pneumoniae, Mycobacterium tuberculosis, Bordetella pertussis, Klebsiella pneumoniae….
  • Virus: Respiratory syncytial virus, rhinovirus Influenza, human metapneumovirus, adenovirus, parainfluenza virus, rhinovirus, measles virus, herpes virus - CMV, EBV…
  • Nấm: Pneumocystis jiroveci

Viêm phổi thường do một trong các loại vi khuẩn, virus hoặc nấm kể trên gây ra. Một số vi khuẩn và vi rút có thể lây lan qua tiếp xúc trực tiếp với người đã bị nhiễm chúng. Ở mỗi độ tuổi, nguyên nhân gây viêm phổi ở trẻ có thể khác nhau: 

Nguyên nhân gây viêm phổi ở trẻ sơ sinh

Trẻ sơ sinh có nguy cơ nhiễm mầm bệnh vi khuẩn viêm phổi bao gồm các sinh vật như: liên cầu nhóm B, Klebsiella, trực khuẩn gram âm đường ruột, Escherichia coli và Listeria monocytogenes.

Streptococcus pneumoniae, Streptococcus pyogenes và staphylococcus có thể gặp trong bệnh viêm phổi sơ sinh khởi phát muộn. 

Nguyên nhân viêm phổi ở trẻ 2 tháng đến 5 tuổi

Ở trẻ từ 2 tháng đến 5 tuổi, một số nguyên nhân chính gây viêm phổi là: Phế cầu, HI, M. pneumoniae (chiếm ⅓ nguyên nhân trẻ bị viêm phổi trên 3 tuổi), tụ cầu, ho gà… 

Streptococcus pneumoniae và H.influenzae loại B cũng là nguyên nhân thường gặp ở nhóm tuổi này. 

Nguyên nhân viêm phổi ở trẻ 5-13 tuổi

Ở trẻ trên 5 tuổi, nguyên nhân viêm phổi thường gặp là: Streptococcus pneumoniae, M. pneumoniae (chiếm gần 50% các nguyên nhân), Chlamydia pneumoniae, tụ cầu…

Những trẻ nào có nguy cơ bị viêm phổi?

  • Trẻ sơ sinh, sinh non tháng, sinh nhẹ cân
  • Hệ thống miễn dịch yếu
  • Trẻ không được bú mẹ hoàn toàn
  • Trẻ suy dinh dưỡng nặng
  • Sởi
  • Thiếu vitamin A, thiếu kẽm
  • Trẻ có bệnh nền mạn tính như hen suyễn hoặc các bệnh lý khác
  • Trẻ bị nhiễm HIV
  • Trẻ sinh non, nhẹ cân

Một số yếu tố xã hội tăng nguy cơ viêm phổi ở trẻ:

  • Trẻ tiếp xúc với khói thuốc lá
  • Ô nhiễm không khí trong nhà, các vật dụng xung quanh trẻ như: chăn, gối, đồ chơi…
  • Môi trường đông người, kém vệ sinh, lạnh
  • Không biết cách chăm sóc trẻ

Vì sao trẻ bị viêm phổi tái đi tái lại?

  • Suy giảm miễn dịch tự nhiên hay mắc phải
  • Bệnh xơ nang
  • Dị tật bẩm sinh hệ hô hấp
  • Giãn phế quản bẩm sinh
  • Dò khí quản - thực quản
  • Trào ngược dạ dày thực quản
  • Tim bẩm sinh
  • Bại não….

Triệu chứng viêm phổi ở trẻ là gì?

Các triệu chứng viêm phổi có thể khác nhau ở mỗi đứa trẻ. Những triệu chứng này cũng có thể phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra bệnh viêm phổi. Các trường hợp viêm phổi do vi khuẩn có xu hướng xảy ra đột ngột với các triệu chứng sau:

  • Thở nhanh:
    • Trẻ sơ sinh dưới 2 tháng thở nhanh nếu nhịp thở từ 60 lần/phút trở lên;
    • Trẻ từ 2 tháng - 12 tháng thở nhanh nếu nhịp thở từ 50 lần/phút trở lên;
    • Trẻ từ 12 tháng - dưới 5 tuổi thở nhanh nếu nhịp thở từ 40 lần/phút trở lên.
    • Trên >= 5 tuổi: nhịp thở từ 30 lần/phút trở lên
  • Ho đàm 
  • Ho kèm theo đau tức ngực
  • Nôn mửa hoặc tiêu chảy
  • Chán ăn
  • Mệt mỏi
  • Sốt…

Các triệu chứng ban đầu của viêm phổi do virus cũng giống như viêm phổi do vi khuẩn. Nhưng với bệnh viêm phổi do virus, các vấn đề về hô hấp diễn ra từ từ. Trẻ em có thể thở khò khè và cơn ho có thể trở nên trầm trọng hơn.

viêm phổi ở trẻ em
Trẻ bị viêm phổi thường gặp tình trạng khó thở - Ảnh: Báo Lao động

Theo nhiều nghiên cứu quốc tế, gần 40% trường hợp do hỗn hợp các tác nhân (vi khuẩn - virus, virus - virus, đồng nhiễm hai vi khuẩn…)

Theo WHO, ở các nước đang phát triển, viêm phổi được xem như do vi khuẩn.

Phân loại mức độ nguy hiểm của bệnh viêm phổi ở trẻ: 

MỌI TRẺ VIÊM PHỔI < 2 THÁNG TUỔI (VIÊM PHỔI TRẺ SƠ SINH) ĐỀU NẶNG VÀ CẦN NHẬP VIỆN

CẦN LƯU Ý RẰNG THỞ NHANH LÀ TRIỆU CHỨNG NHẠY CẢM NHẤT ĐỂ NHẬN BIẾT VIÊM PHỔI

KHI TRẺ THỞ CO LÕM NGỰC THÌ CHA MẸ CẦN ĐƯA TRẺ NHẬP VIỆN

KHI TRẺ CÓ DẤU HIỆU NGUY HIỂM TOÀN THÂN HOẶC TÍM TÁI THÌ CẦN VÀO CẤP CỨU NGAY

Phân loại

Triệu chứng lâm sàng

Viêm phổi

Thở nhanh

Viêm phổi nặng

Thở rút lõm ngực

Viêm phổi rất nặng hoặc bệnh rất nặng

Tím tái

Co giật

Không uống được

Li bì,  khó đánh thức

Suy dinh dưỡng nặng

Với trẻ sơ sinh: bỏ bú, co giật, thở rít, ngưng thở, sốt….

Chẩn đoán viêm phổi ở trẻ như thế nào?

Bác sĩ thường có thể chẩn đoán bệnh viêm phổi dựa trên bệnh sử đầy đủ và khám thực tế. Ngoài ra có thể làm thêm các xét nghiệm để  chẩn đoán chuyên sâu:

  • X-quang ngực: xem phổi, bóng tim, xương…
  • Xét nghiệm máu: Công thức máu tìm kiếm dấu hiệu nhiễm trùng, bệnh về máu…. Xét nghiệm khí máu động mạch khi cần.
  • Nuôi cấy đờm: Xét nghiệm này được thực hiện trên chất nhầy (đờm) được ho ra từ phổi và đờm ở miệng. Thông qua kết quả này có thể tìm hiểu xem trẻ có bị nhiễm trùng hay không…
  • Đo Sp02 : Máy đo oxy là một máy nhỏ đo lượng oxy trong máu. Để có được phép đo này, nhà cung cấp sẽ dán một cảm biến nhỏ lên ngón tay hoặc ngón chân. Khi máy bật, có thể nhìn thấy một đèn đỏ nhỏ trên cảm biến. Cảm biến không gây đau và đèn đỏ không bị nóng. Có thể mua ở tiệm dụng cụ y khoa
  • Chụp CT scan ngực: Phương pháp này chụp ảnh các cấu trúc trong ngực. Tuy nhiên phương pháp này ít khi được chỉ định, chỉ thực hiện trong một số ít trường hợp. 
  • Nội soi phế quản: Kỹ thuật này được sử dụng để nhìn vào bên trong đường thở của trẻ ( được chỉ định tùy trường hợp).
  • Nuôi cấy dịch màng phổi: Xét nghiệm này lấy một mẫu chất lỏng từ khoảng trống giữa phổi và thành ngực (khoang màng phổi). Chất lỏng có thể tích tụ ở khu vực đó do viêm phổi. Chất lỏng này có thể bị nhiễm vi khuẩn tương tự như phổi. Hoặc chất lỏng có thể chỉ là do tình trạng viêm ở phổi.

Điều trị viêm phổi ở trẻ như thế nào?

Trẻ bị viêm phổi có thể kèm theo triệu chứng sốt. Khi trẻ sốt >= 38 độ C cần được uống Paracetamol liều lượng 10-15mg/kg cho 4-6 giờ. Thuốc điều trị viêm phổi có thể bao gồm thuốc kháng sinh điều trị viêm phổi do vi khuẩn. Viêm phổi liên quan đến cúm có thể được điều trị bằng thuốc kháng vi-rút.

Một số trẻ có thể được điều trị tại bệnh viện nếu có vấn đề nghiêm trọng về hô hấp. Khi ở bệnh viện, việc điều trị có thể bao gồm:

  • Kháng sinh tiêm tĩnh mạch hoặc bằng đường uống khi nhiễm khuẩn
  • Liệu pháp oxy
  • Phương pháp điều trị hô hấp khác theo chỉ định của bác sĩ. 

Các phương pháp chăm sóc tại nhà có thể làm giảm triệu chứng bệnh. Chúng có thể bao gồm:

  • Chú ý chế độ dinh dưỡng đầy đủ cho trẻ, tăng đề kháng
  • Thường xuyên hút mũi và miệng của trẻ để giúp loại bỏ chất nhầy đặc.
  • Cho trẻ nghỉ ngơi nhiều hơn
  • Cho trẻ uống nhiều nước hơn, hoặc bú sữa nhiều hơn
  • Làm dịu họng và giảm ho cho trẻ.
  • Nhận biết các dấu hiệu nặng để cho trẻ đến bệnh viện kịp thời:  li bì, co giật, bỏ bú, thở rút lõm lồng ngực,  tím tái… 

Cách ngăn ngừa bệnh viêm phổi ở trẻ

  • Tiêm chủng cho trẻ: Viêm phổi do phế cầu khuẩn có thể được ngăn ngừa bằng vắc-xin bảo vệ chống lại 13 loại viêm phổi do phế cầu khuẩn. Ngoài ra, một số loại vắc xin khác phòng ngừa viêm phổi ở trẻ là: bạch hầu và ho gà, H.influenzde, vắc xin Cúm…
  • Tiêm chủng cho mẹ: Vắc xin phòng bệnh ho gà và cúm. 
  • Dinh dưỡng: Cho con bú hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời, bổ sung vitamin A, Kẽm…
  • Chú ý vệ sinh: Cha mẹ cũng có thể giúp trẻ ngăn ngừa bệnh viêm phổi bằng cách vệ sinh tốt. Dạy trẻ che mũi và miệng khi ho hoặc hắt hơi. Trẻ em cũng nên rửa tay thường xuyên.

Bài viết đã tổng hợp các thông tin về bệnh viêm phổi ở trẻ em, bao gồm: nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết, cách điều trị và phòng ngừa. Cha mẹ cần hiểu các kiến thức cơ bản về bệnh để cho trẻ thăm khám và điều trị kịp thời. 

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết