Viêm tuyến Bartholin: Triệu chứng, nguyên nhân và cách phòng ngừa

Tác giả: - Xuất bản: 26/03/2024 - Cập nhật lần cuối: 15/04/2024
Tìm hiểu triệu chứng, nguyên nhân và cách phòng ngừa viêm tuyến Bartholin
Viêm tuyến Bartholin phải làm sao? - Ảnh: BookingCare
Viêm tuyến Bartholin là tình trạng phổ biến hiện nay, thường gặp ở phụ nữ độ tuổi sinh đẻ và gây cảm giác đau rát khi đi bộ, ngồi xuống hoặc quan hệ tình dục. Cùng BookingCare tìm hiểu về triệu chứng, nguyên nhân và cách phòng ngừa qua bài viết dưới đây.

Viêm tuyến Bartholin xảy ra khi tuyến Bartholin nằm ở hai bên cửa âm đạo. Tắc nghẽn ống Bartholin là nguyên nhân phổ biến của khối u ở âm hộ. Khối Bartholin phổ biến nhất là u nang hoặc áp xe. Đây là tình trạng thường gặp hiện nay trong cộng đồng, biểu hiện bằng triệu chứng sưng hoặc phù và có thể đi kèm những cơn sốt đột ngột.

Triệu chứng viêm tuyến Bartholin 

Nang tuyến Bartholin hoặc áp xe tuyến Bartholin, là bệnh lý phụ khoa thường gặp ở phụ nữ độ tuổi sinh đẻ. Về cơ chế hình thành, do ống tuyến Bartholin nằm ở hai bên cửa âm đạo bị tắc nghẽn, gây tuyến to ra chứa dịch nhầy, lâu ngày dẫn đến nang tuyến. Không phát hiện và điều trị đúng cách sẽ khiến nang bị nhiễm khuẩn và tạo thành khối áp xe. 

Giai đoạn đầu của viêm tuyến Bartholin, khi kích thước nang còn nhỏ, thường sẽ không gây bất kỳ triệu chứng nào. Tình trạng này sẽ chỉ được phát hiện khi thăm khám chuyên khoa, bác sĩ trực tiếp kiểm tra vùng âm hộ. Giai đoạn phát triển viêm tuyến Bartholin, khi kích thước nang lớn dần (trên 1cm) sẽ gây đau và cảm giác khó chịu khi đi bộ, ngồi xuống hoặc quan hệ tình dục. 

Trường hợp nang tuyến Bartholin bị nhiễm trùng sẽ gây ra những triệu chứng sau: 

  • Nang sưng, cứng và chứa đầy mủ. 
  • Cảm giác rất đau và khó chịu khi ngồi, đi lại hoặc quan hệ tình dục. 
  • Đi kèm triệu chứng sốt cao đột ngột. 

Nguyên nhân viêm tuyến Bartholin 

Như đã đề cập trước đó, viêm tuyến Bartholin hình thành do tắc nghẽn ống Bartholin khi phát triển, khiến tuyến bị sưng và tạo thành nang. Tình trạng này không chỉ gây cảm giác đau, khó chịu trong sinh hoạt hàng ngày mà còn tăng nguy cơ hình thành áp xe. Về nguyên nhân gây tắc ống Bartholin hiện chưa rõ, nhưng nếu mắc kèm theo một số vi khuẩn sau thì có thể tiến triển thành áp xe tuyến bartholin: 

  • Vi khuẩn E.coli.
  • Chlamydia hoặc bệnh lậu. 

Với các trường hợp tắc tuyến Bartholin do Chlamydia hoặc bệnh lậu, ngoài gặp phải các triệu chứng viêm tuyến Bartholin điển hình, cơ thể bạn cũng sẽ xuất hiện những dấu hiệu khác liên quan đến của bệnh lý lây truyền qua đường tình dục, chẳng hạn như đái rắt, đi tiểu nhiều lần trong ngày, nước tiểu đục màu,...

Chẩn đoán viêm tuyến Bartholin

Chẩn đoán viêm tuyến Bartholin sẽ chủ yếu qua đánh giá lâm sàng, khám trực tiếp âm hộ của người bệnh. Thông qua việc quan sát kích thước u nang, bác sĩ có thể biết chính xác tiến triển bệnh để có phương pháp điều trị kịp thời, hiệu quả. 

Bên cạnh việc đánh giá lâm sàng, mẫu dịch tiết ra từ u nang cũng có thể được dùng cho các xét nghiệm chuyên biệt để xác định bệnh lây nhiễm qua đường tình dục. Tỷ lệ mắc bệnh viêm tuyến bartholin tăng dần theo tuổi, cao nhất tại bắt đầu mãn kinh. Rất hiếm khi xuất hiện ung thư tuyến bartholin, nếu gặp thì hay gặp là ung thư biểu mô tuyến, Do đó nên xét nghiệm sinh thiết là phương pháp chẩn đoán cần thiết phải thực hiện nhằm phát hiện sớm và điều trị kịp thời bệnh. 

Khi nào nên đi thăm khám bác sĩ?

Viêm tuyến Bartholin là bệnh lý phụ khoa phổ biến và có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Để bảo đảm an toàn sức khỏe, nên đi khám bác sĩ khi xuất hiện những dấu hiệu sau: 

  • Xuất hiện cục u gần âm đạo, gây đau đớn và đau rát. 
  • Đau khi ngồi, đi lại hoặc quan hệ tình dục. 
  • Sưng, nóng khi chạm vào.
  • Sốt cao đột ngột. 

Với các trường hợp viêm nhẹ hơn (u chưa bị nhiễm trùng), tuyệt đối không tự ý điều trị tại nhà vì dễ làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh. Hãy đến ngay cơ sở y tế gần nhất để thăm khám và được điều trị đúng cách. 

Cách phòng ngừa

Chúng ta hoàn toàn có thể phòng ngừa viêm tuyến Bartholin bằng những cách sau: 

  • Thăm khám phụ khoa định kỳ: Nên thăm khám phụ khoa định kỳ 3 - 6 tháng/lần để phát hiện bệnh kịp thời và điều trị đúng cách. Từ đó, hạn chế tối đa những biến chứng không mong muốn ảnh hưởng đến sức khỏe nói chung và khả năng sinh sản nói riêng. 
  • Vệ sinh vùng kín sạch sẽ: Nên vệ sinh sạch sẽ vùng kín và làm khô trước khi mặc đồ lót. Kết hợp sử dụng dung dịch vệ sinh an toàn để loại bỏ những vi khuẩn gây hại cho âm đạo. 
  • Quan hệ tình dục an toàn: Nên quan hệ tình dục an toàn, lành mạnh bằng việc sử dụng các biện pháp bảo vệ để tránh nguy cơ mắc các bệnh lây qua đường tình dục. 
  • Đến ngay cơ sở y tế khi phát hiện u nang: Khi phát hiện u nang gần âm đạo hoặc các dấu hiệu muộn hơn như sưng, đau âm hộ, bạn nên đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được bác sĩ thăm khám, tìm nguyên nhân và điều trị kịp thời.

Hy vọng với những chia sẻ về triệu chứng, nguyên nhân và cách phòng ngừa viêm tuyến Bartholin trên đây sẽ giúp bạn có cái nhìn tổng quan chi tiết về bệnh lý phụ khoa này. Từ đó có kế hoạch bảo vệ và chăm sóc tốt cho sức khỏe bản thân hoặc những người thân yêu. Ngay khi gặp các dấu hiệu như có u nang vùng âm đạo, sưng và đau rát khi ngồi, đi lại hoặc quan hệ tình dục, nên đến thăm khám bác sĩ chuyên khoa để phát hiện sớm nguyên nhân và điều trị kịp thời.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết