Vô kinh có thai được không?
Vô kinh có thai được không?
Vô kinh có thai được không? - Ảnh: BookingCare

Vô kinh có thai được không?

Tác giả: - Xuất bản: 30/10/2023 - Cập nhật lần cuối: 13/11/2023
Kinh nguyệt ở phụ nữ xuất hiện đều hàng tháng là một trong những dấu hiệu của một cơ thể có khả năng sinh sản. Vậy vô kinh có thai được không? Dưới đây sẽ là lời giải đáp về vấn đề này.

‘’Kinh nguyệt phản ánh sức khỏe sinh sản của người phụ nữ’’. Do đó, bất kì một tình trạng rối loạn kinh nguyệt nào cũng là một chỉ báo về những thay đổi trong cơ thể, đặc biệt là biểu hiện vô kinh.

Đây có thể chỉ là hiện tượng thoáng qua, ngắn hạn nhưng cũng có thể tồn tại vĩnh viễn nếu như quý chị em không được phát hiện và can thiệp kịp thời. Từ đó để lại những ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe nói chung và sức khỏe sinh sản nói riêng, thậm chí là vô sinh.

Vô kinh có thai được không?

Chúng ta biết rằng, một chu kỳ buồng trứng ổn định ( gồm 3 pha: pha nang noãn, pha phóng noãn hay rụng trứng và pha hoàng thể) là tiên đề quan trọng nếu người phụ nữ muốn có thai tự nhiên.

Do đó, trong trường hợp bạn chưa từng xuất hiện kinh nguyệt từ sau 15 tuổi (vô kinh nguyên phát) hoặc vì một lý do nào đó mà mất kinh trên 3 tháng (vô kinh thứ phát), hãy đến gặp bác sĩ Sản phụ khoa sớm nhất để được thăm khám và điều trị.

Việc điều trị sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây vô kinh. Ví dụ, nếu mất cân bằng nội tiết tố là nguyên nhân cơ bản, liệu pháp hormone có thể được áp dụng để cân bằng lại lượng hormone của bạn. Nếu vô kinh gây ra là do các yếu tố lối sống, bác sĩ có thể khuyên bạn thay đổi lối sống hoặc vô kinh gây ra do sử dụng các loại thuốc ảnh hưởng đến hoocmon thì có thể bạn sẽ phải dừng dùng thuốc để bác sĩ điều chỉnh lại.

Trong điều trị vô sinh do vô kinh, mục tiêu chính của bác sĩ là cố gắng khôi phục chu kỳ kinh nguyệt tự nhiên của bạn. Điều trị rụng trứng thường bao gồm việc điều chỉnh sự mất cân bằng hormone trong cơ thể bằng cách bổ sung hormone hoặc phẫu thuật để loại bỏ khối u trên các tuyến sản xuất hormone.

Vô kinh nguyên phát

Các nguyên nhân gây vô kinh nguyên phát do bất thường về cấu trúc di truyền (Hội chứng Turner, suy buồng trứng sớm, suy tuyến yên,..) hoặc bất thường về cấu trúc (bất thường ống Muller như không có âm đạo, không có tử cung,..) nếu không được điều trị thì sẽ không bao giờ có kinh nguyệt tự nhiên và gần như chắc chắn rằng phải dùng trứng hiến tặng để thụ thai (trường hợp có tử cung) hoặc mang thai hộ (trường hợp không có tử cung).

Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng không phải cứ vô kinh nguyên phát là chắc chắn không thể có thai tự nhiên. Trong trường hợp vô kinh nguyên phát do dậy thì muộn hay hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS),...thì chị em vẫn có thể có thai tự nhiên.

Chính vì vậy, việc xác định đúng nguyên nhân gây vô kinh là hết sức quan trọng. 

Vô kinh thứ phát

Có rất nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng vô kinh thứ phát. Trong đó có những nguyên nhân có thể cải thiện chỉ bằng việc thay đổi thói quen sinh hoạt như giảm cân, vận động vừa phải, tránh các yếu tố gây stress,.. Những trường hợp này đa phần tiên lượng tốt hơn và khi trục nội tiết được hồi phục thì người phụ nữ có thể có thai như bình thường.

Những tình huống khác do tổn thương hệ trục nội tiết, việc điều trị bằng thay thế hormone hoặc phẫu thuật loại bỏ các khối u trên các tuyến sản xuất hormone.

Tình trạng xơ dính buồng tử cung hiện nay đang có dấu hiệu gia tăng, đây có thể là hậu quả của một đợt nhiễm trùng mạn tính ( ví dụ như lao,..) hoặc việc làm dụng quá mức các thủ thuật/ phẫu thuật can thiệp vào buồng tử cung.

Trong trường hợp này, nếu người phụ nữ mong muốn có con, bác sĩ sẽ phẫu thuật gỡ dính buồng tử cung, tuy nhiên, khả năng hồi phục và có thai tự nhiên chưa thật sự đạt được như mong đợi.

Tóm lại, vô kinh dù là nguyên phát hay thứ phát thì đều có thể ảnh hưởng đến khả năng mang thai sau này trở nên khó khăn nhưng không phải là không thể. Để ngăn ngừa được biến chứng nguy hiểm này, khi không thấy kinh nguyệt xuất hiện thì chị em nên đến ngay bệnh viện hay các cơ sở y tế chuyên khoa có uy tín để được các bác sĩ thăm khám và điều trị kịp thời.

Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết