Xét nghiệm TSH là một xét nghiệm chức năng quan trọng để đánh giá tình trạng hoạt động của tuyến giáp. Bài viết dưới đây sẽ tổng hợp các thông tin cơ bản về xét nghiệm TSH cũng như các câu hỏi liên quan khi thực hiện xét nghiệm, từ đó phát hiện và điều trị kịp thời các bệnh lý liên quan đến tuyến giáp.
Xét nghiệm TSH là gì?
TSH (Thyroid Stimulating Hormone) là một loại hormone glycoprotein do tuyến yên sản xuất ra. Hormone TSH có vai trò kích thích và kiểm soát hoạt động của tuyến giáp thông qua việc điều chỉnh sản xuất và truyền tải các hormone tuyến giáp khác như T4, T3.
Giá trị bình thường TSH:
- Trẻ sơ sinh < 20 mU/L
- Trẻ em và người lớn: 0,49- 4,67 mU/L.
Xét nghiệm TSH thực hiện bằng cách lấy máu ở tĩnh mạch do vậy không quá đau đớn và có thể cho kết quả nhanh chóng trong khoảng 1 giờ.
Nếu nồng độ hormone tuyến giáp trong máu quá thấp, tuyến yên sẽ tạo ra lượng TSH nhiều hơn để kích thích tuyến giáp. Nếu nồng độ hormone tuyến giáp của bạn quá cao, tuyến yên sẽ tạo ra ít hoặc không tạo ra TSH. Bằng cách đo nồng độ TSH trong máu, người thực hiện có thể biết liệu tuyến giáp của mình có sản xuất đủ lượng hormone hay không.
Xét nghiệm TSH để làm gì?
Xét nghiệm TSH được sử dụng để tìm hiểu xem tuyến giáp của bạn đang hoạt động như thế nào. Nó có thể phản ánh tình trạng cường giáp (quá nhiều hormone tuyến giáp) hay suy giáp (quá ít hormone tuyến giáp). Tuy nhiên, xét nghiệm TSH không thể chỉ ra nguyên nhân gây ra vấn đề về tuyến giáp.
Nếu bạn dùng thuốc do bị suy giáp hoặc đã cắt bỏ tuyến giáp, bạn sẽ được xét nghiệm TSH thường xuyên để kiểm tra nồng độ hormone.
Xét nghiệm TSH cũng được sử dụng để theo dõi nồng độ hormone tuyến giáp sau khi điều trị bệnh cường giáp.
Như vậy, nhìn chung, xét nghiệm TSH được ứng dụng với nhiều mục đích, cụ thể như:
-
Đánh giá hoạt động của tuyến yên và tuyến giáp: Phát hiện bệnh suy/cường giáp.
-
Theo dõi quá trình điều trị bệnh lý liên quan đến tuyến giáp.
-
Dự đoán khả năng tái phát bệnh sau khi điều trị.
Ai cần xét nghiệm TSH?
Những đối tượng dưới đây có thể được bác sĩ chỉ định xét nghiệm TSH:
-
Người có triệu chứng lâm sàng nghi ngờ suy/cường giáp.
-
Người đang điều trị các bệnh về tuyến giáp cần theo dõi.
-
Phụ nữ mang thai cần kiểm tra tuyến giáp.
-
Gia đình có tiền sử mắc bệnh tuyến giáp.
-
Người cao tuổi hoặc trẻ em cần tầm soát bệnh lý tuyến giáp.
Ý nghĩa các chỉ số xét nghiệm TSH
Kết quả xét nghiệm TSH thường được đo theo đơn vị mU/L. Chỉ số TSH sẽ giúp đánh giá tình trạng hoạt động của tuyến giáp:
- TSH bình thường nằm trong khoảng từ 0.49 - 4.670 mU/L: Tuyến giáp hoạt động ổn định.
- TSH tăng trên 4.670 mU/L: Chứng tỏ tuyến giáp có khả năng bị suy giảm hoạt động, cần phải kiểm tra lại các xét nghiệm khác như T3, T4 để xác định rõ hơn tình trạng bệnh.
Mức TSH có thể cao hoặc thấp ngay cả khi tuyến giáp của bạn khỏe mạnh. Một số bệnh không liên quan đến tuyến giáp có thể gây ảnh hưởng và khiến mức TSH thấp hơn trong một giai đoạn. Và mức TSH có thể cao hơn ở những người trên 80 tuổi, mặc dù họ không có bất kỳ vấn đề nào về tuyến giáp.
Mang thai cũng ảnh hưởng đến mức TSH. Chỉ số TSH thường hơi thấp trong ba tháng đầu. Nhưng đôi khi đây cũng là dấu hiệu của bệnh tuyến giáp phát triển trong thời kỳ mang thai, vậy nên thai phụ nên theo dõi cẩn thận.
Nếu kết quả xét nghiệm TSH bất thường, các xét nghiệm chức năng tuyến giáp liên quan khác như T4, T3,... là cần thiết để đưa ra kết luận chính xác.
Như vậy, mong rằng qua bài viết này bạn có thể hiểu rõ hơn về xét nghiệm TSH. Hãy theo dõi BookingCare để cập nhật thêm các thông tin hữu ích về các vấn đề liên quan đến sức khỏe.