Xét nghiệm chức năng tuyến giáp: Là gì? Để làm gì? Ai cần thực hiện?
Xét nghiệm chức năng tuyến giáp
Xét nghiệm chức năng tuyến giáp: Là gì? Để làm gì? Ai cần thực hiện? - Ảnh: BookingCare

Xét nghiệm chức năng tuyến giáp: Là gì? Để làm gì? Ai cần thực hiện?

Tác giả: - Xuất bản: 06/11/2023 - Cập nhật lần cuối: 06/11/2023
Sự bất thường trong hoạt động của tuyến giáp sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe người bệnh. Xét nghiệm chức năng tuyến giáp là cần thiết và quan trọng để phát hiện sớm các vấn đề về sức khỏe nói chung và tuyến giáp nói riêng.

Tuyến giáp là một tuyến nhỏ có hình bướm, nằm ở trước cổ. Hoạt động của tuyến giáp gắn liền với trục Vùng dưới đồi- tuyến yên- tuyến giáp. 

Chức năng chính của tuyến giáp là sản xuất hormone điều hòa hoạt động của các tế bào và các mô cơ quan trong cơ thể. Hormone tuyến giáp ảnh hưởng tới tốc độ trao đổi chất của cơ thể và nồng độ của một số loại khoáng chất trong máu.

Xét nghiệm chức năng tuyến giáp là các xét nghiệm máu kiểm tra nồng độ của nội tiết tố do tuyến giáp sản xuất.  Mặt khác kiểm tra nồng độ của một hormone do tuyến yên trong não giúp đánh giá tác động lên tuyến giáp.

Xét nghiệm chức năng tuyến giáp là gì?

Xét nghiệm chức năng tuyến giáp là xét nghiệm máu giúp kiểm tra chức năng tuyến giáp.

Đây là quá trình kiểm tra và đánh giá tình trạng hoạt động của tuyến giáp thông qua việc đo mức độ hormone T3, T4 và TSH trong máu. T3 và T4 là 2 hormone chính mà tuyến giáp tiết ra, lượng T4 và T3 được điều hòa bởi hormone kích thích tuyến giáp (TSH) của tuyến yên.

Đây là những xét nghiệm quan trọng để chẩn đoán bệnh và theo dõi điều trị các rối loạn thiếu hoặc thừa hormone tuyến giáp.

Xét nghiệm chức năng tuyến giáp để làm gì?

Xét nghiệm chức năng tuyến giáp thường được thực hiện để tìm hiểu xem tuyến giáp hoạt động tốt hay không, đặc biệt là đối với các trường hợp suy giáp và cường giáp.

Ngoài ra, xét nghiệm chức năng tuyến giáp được thực hiện với mục đích:

  • Kiểm tra tình trạng hoạt động của tuyến giáp sau một thời gian điều trị.

  • Theo dõi sự thay đổi nội tiết trong quá trình điều trị bệnh lý tuyến giáp.

  • Kiểm tra các yếu tố nguy cơ mắc bệnh tuyến giáp.

  • Kiểm tra tác dụng phụ của các loại thuốc và điều chỉnh liều lượng thuốc.

Ai cần xét nghiệm chức năng tuyến giáp

Bệnh nhân có thể chủ động xét nghiệm hoặc được bác sĩ chỉ định xét nghiệm chức năng tuyến giáp trong những trường hợp sau:

  • Người có triệu chứng lâm sàng nghi ngờ bệnh lý tuyến giáp như thay đổi hình thể của cổ, khó khăn trong việc nuốt, nói, kinh nguyệt không đều,...

  • Bệnh nhân đã được chẩn đoán mắc các bệnh lý liên quan đến tuyến giáp trước đó như suy giáp, cường giáp cần theo dõi đáp ứng điều trị.

  • Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, đặc biệt là phụ nữ mang thai do nguy cơ mắc bệnh lý tuyến giáp cao hơn.

  • Người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên do tần suất mắc bệnh lý tuyến giáp tăng theo độ tuổi.

  • Bệnh nhân ung thư máu, ung thư, bệnh lý hệ thống miễn dịch... do có thể ảnh hưởng đến hoạt động của tuyến giáp.

  • Người bị bệnh lý tim mạch, suy thận, gan... cần theo dõi chặt chẽ chức năng tuyến giáp.

  • Gia đình có tiền sử mắc bệnh lý tuyến giáp cũng nên được kiểm tra.

Các xét nghiệm chức năng tuyến giáp và ý nghĩa

Như đã nói ở trên, có 3 chỉ số chính cần theo dõi trong xét nghiệm chức năng tuyến giáp, bao gồm T3, T4 và TSH.

TSH

TSH hay Thyroid stimulating hormone là hormone được sản xuất bởi tuyến yên điều hòa và kích thích tuyến giáp chịu trách nhiệm điều chỉnh lượng hormone do tuyến giáp tiết ra.

Bình thường giá trị TSH trong khoảng 0,49- 4,67 mU/L.

Nếu tuyến yên phát hiện có ít hormone tuyến giáp trong máu, nó sẽ sản xuất ra nhiều TSH, thúc đẩy tuyến giáp sản xuất ra nhiều hormone giáp. Khi tuyến yên phát hiện có quá nhiều hormone giáp, nó sẽ giảm sản xuất TSH, dẫn đến tuyến giáp cũng giảm sản xuất hormone giáp.

Đây là xét nghiệm thường được thực hiện đầu tiên nếu muốn thực hiện xét nghiệm chức năng tuyến giáp.

T4 (Thyronxine)

Xét nghiệm chỉ số T4 toàn phần chủ yếu nhằm mục đích giúp đo lường toàn bộ lượng thyroxin có trong máu.

Bình thường TT4 trong khoảng: 77-142 nmol/L.

Xét nghiệm này còn đồng thời đánh giá chức năng hoạt động của tuyến giáp có bình thường hay không. Tuy nhiên việc đo lường T4 toàn phần sẽ chịu những tác động ảnh hưởng bởi lượng protein trong máu.

 T3 (Triiodothyronine)

Đây Là một loại hormone giáp, nó tồn tại ở dạng hoạt động, và hormone này được tạo ra từ T4. Xét nghiệm T3 toàn phần nhằm mục đích đó là giúp đo lường được số lượng Triiodothyronine sản sinh hoạt động và lưu hành trong máu.

Bình thường TT3 trong khoảng: 1,4-2,8 nmol/L.

Các kết quả xét nghiệm sẽ được xem xét cùng nhau để phân biệt các bệnh lý tuyến giáp như cường giáp, nhược giáp,... và nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi nồng độ các hormone này. 

T3 T4 TSH Chẩn đoán
Bình thường Bình thường Cao Suy giáp nhẹ
Thấp Thấp hoặc bình thường Cao Suy giáp
Bình thường Bình thường Thấp Cường giáp nhẹ
Cao hoặc bình thường Cao hoặc bình thường Thấp Cường giáp
Thấp hoặc bình thường Thấp hoặc bình thường Thấp Suy giáp

Tùy vào kết quả của xét nghiệm máu chức năng tuyến giáp mà bác sĩ có thể chỉ định thực hiện các xét nghiệm bổ sung khác như xét nghiệm FT4xét nghiệm FT3….

Xét nghiệm chức năng tuyến giáp là một xét nghiệm đơn giản và an toàn, giúp phát hiện sớm các bệnh lý tuyến giáp. Nếu bạn có các triệu chứng của bệnh lý tuyến giáp hoặc thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ cao, hãy trao đổi với bác sĩ để được tư vấn về việc xét nghiệm.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết