Xoắn tinh hoàn: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và phòng ngừa
Xoắn tinh hoàn: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và phòng ngừa
Xoắn tinh hoàn: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và phòng ngừa
Xoắn tinh hoàn: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và phòng ngừa - Ảnh: BookingCare

Xoắn tinh hoàn: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và phòng ngừa

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 15/11/2023 | Cập nhật lần cuối: 27/11/2023
Xoắn tinh hoàn là một vấn đề sức khỏe nhạy cảm ở nam giới. Tình trạng gây ra đau nhức nghiêm trọng và ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của nam giới. Cùng BookingCare tìm hiểu xoắn tinh hoàn và các vấn đề liên quan trong bài viết dưới đây.

Xoắn tinh hoàn là một bệnh lý cấp cứu tối cấp trong các bệnh lý nam khoa. Việc hiểu rõ về xoắn tinh hoàn là cực kỳ quan trọng để phát hiện và điều trị kịp thời các vấn đề liên quan đến sức khỏe nam giới.

Xoắn tinh hoàn xảy ra khi một hoặc cả hai tinh hoàn bị xoắn quanh trục của chúng. Điều này có thể gây ra đau dữ dội sưng tấy và thậm chí làm giảm tuần hoàn máu đến các tinh hoàn.

Nếu không được chữa trị kịp thời, xoắn tinh hoàn có thể gây tổn thương nghiêm trọng đến tinh hoàn nếu phát hiện và điều trị muộn có thể phải cắt bỏ tinh hoàn bị xoắn và ảnh hưởng rất lớn đến khả năng sinh sản của nam giới.

Xoắn tinh hoàn là gì?

Xoắn tinh hoàn là một tình trạng mà cuống mạch máu cấp máu cho tinh hoàn bị xoắn lại.. Sự xoắn có thể làm cắt đứt lưu lượng máu đến tinh hoàn. Thiếu máu khiến tinh hoàn bị sưng tấy và đau, càng để lâu sẽ khiến tinh hoàn bị hoại tử.

Nguyên nhân gây xoắn tinh hoàn

Nguyên nhân gây ra xoắn tinh hoàn hiện vẫn chưa rõ ràng có thể do sự cố định lỏng lẻo của dây chằng bìu tinh hoàn làm tinh hoàn sẽ bị xoay trục.

Xoắn tinh hoàn là một tình trạng cấp cứu trong nam khoa. - Ảnh: Báo Dân trí

Các yếu tố làm tăng khả năng xoắn tinh hoàn bao gồm:

  • Tuổi tác: Xoắn tinh hoàn thường gặp nhất ở nam giới dưới 25 tuổi và thường ảnh hưởng đến nam giới vị thành niên từ 12 đến 16 tuổi.
  • Tiền sử xoắn tinh hoàn: Nếu tình trạng xoắn tinh hoàn đã xảy ra một lần và tự khỏi mà không điều trị (xoắn và tách rời nhau), nó có khả năng xảy ra một lần nữa. Những cơn đau càng thường xuyên thì nguy cơ tổn thương tinh hoàn càng cao.
  • Di truyền gia đình: Tình trạng này có thể xảy ra trong các gia đình có người bị chứng xoắn tinh hoàn.
  • Bệnh nhân bị tình trạng tinh hoàn di động.
  • Nhiệt độ thời tiết: Nhiều chuyên gia y tế gọi chứng xoắn tinh hoàn là hội chứng mùa đông vì chúng thường xảy ra khi thời tiết lạnh.

Một số trường hợp, xoắn tinh hoàn xảy ra ở trẻ sơ sinh và thường không thể cứu được tinh hoàn. Tuy nhiên, trẻ sẽ cần được phẫu thuật sau khi sinh để chẩn đoán và khắc phục tình trạng xoắn tinh hoàn ở bên tinh hoàn còn lại và ngăn ngừa các vấn đề sinh sản sau này.

Triệu chứng xoắn tinh hoàn

Các dấu hiệu và triệu chứng của xoắn tinh hoàn bao gồm:

  • Đau đột ngột, dữ dội ở bìu – túi da lỏng lẻo dưới dương vật chứa tinh hoàn. Đau có thể xảy ra bất kì lúc nào nhưng thường hay xảy ra vào ban đêm, lúc nửa đêm, về sáng
  • Sưng bìu
  • Đau bụng
  • Buồn nôn và ói mửa

Triệu chứng thực thể

  • Sưng đau bìu bên xoắn
  • Tinh hoàn bên xoắn nằm cao hơn bình thường,
  • Sờ vào rất đau, thấy tinh hoàn nằm ngang bị xoay trục
  • Nâng tinh hoàn lên vẫn rất đau

Triệu chứng cận lâm sàng

  • Siêu âm Doppler tinh hoàn là một phương pháp cận lâm sàng rất quan trọng để chẩn đoán xoắn tinh hoàn giúp chẩn đoán chính xác bệnh và phân biệt với các nguyên nhân gây đau khác.

Chẩn đoán xoắn tinh hoàn

Việc chẩn đoán xoắn tinh hoàn dựa trên các triệu chứng, khám thực thể tinh hoàn, siêu âm Doppler tinh hoàn 2 bên.

Điều trị xoắn tinh hoàn

Điều trị xoắn tinh hoàn quan trọng nhất là thời gian phát hiện chính xác bệnh và được điều trị. Trường hợp đến sớm bệnh nhân  điều trị phẫu thuật tháo xoắn tinh hoàn, trong thời gian ở phòng khám cấp cứu bác sĩ có thể tháo xoắn bằng tay dưới hướng dẫn của siêu âm. Nhưng ngay cả trong những trường hợp đã gỡ xoắn thì phẫu thuật tiếp theo sẽ là cần thiết

Trong quá trình phẫu thuật xoắn tinh hoàn, bác sĩ phẫu thuật sẽ tháo xoắn tinh hoàn, khôi phục lưu lượng máu cho khu vực này. Sau đó, cố định tinh hoàn ngăn ngừa tình trạng xoắn trong tương lai.

Nếu trường hợp đến muộn bác sĩ sẽ phẫu thuật kiểm tra tình trạng tinh hoàn của bệnh nhân, xem còn khả năng bảo tồn hay không, kèm theo đó là sẽ cố định tinh hoàn để tránh nguy cơ bị xoắn trong tương lai.

Xoắn tinh hoàn phải được điều trị bằng phẫu thuật. - Ảnh: Canva

Xoắn tinh hoàn có nguy hiểm không?

Xoắn tinh hoàn là một trường hợp cấp cứu y tế rất nghiêm trọng. Nếu bạn bị đau đột ngột, dữ dội ở một trong hai tinh hoàn, hãy đến gặp bác sĩ hoặc đến phòng cấp cứu ngay lập tức.

Nguy cơ mất tinh hoàn tăng lên khi tình trạng để càng lâu hơn, tốt nhất là trước 3 tiếng, thời gian cứu vãn tinh hoàn thường trước 6 tiếng, sau thời gian trên thì khả năng cứu tinh hoàn rất khó, và nếu cứu được thì khả năng hồi phục tinh hoàn cũng sẽ kém.

Nếu không điều trị kịp thời phải cắt bỏ tinh hoàn bị xoắn, gây ra tình trạng tâm lý cho bệnh nhân và có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của bệnh nhân.

Phòng ngừa xoắn tinh hoàn

Phòng ngừa xoắn tinh hoàn rất khó vì nguyên nhân cụ thể không rõ. Đối với những bệnh nhân nguy cơ như tinh hoàn di động thì nên khuyên có định tinh hoàn sớm. Những trường hợp các cháu nhỏ, thanh thiếu niên có dấu hiệu đau vùng bìu cần báo bố mẹ cho đi khám kiểm tra sớm để tránh tình trạng đáng tiếc có thể xảy ra.

Nếu bạn gặp phải bất kỳ triệu chứng nào liên quan đến xoắn tinh hoàn, hãy đến thăm khám với bác sĩ chuyên khoa ngay lập tức để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Việc chăm sóc sức khỏe của bạn là rất quan trọng và có thể giúp bạn tránh được các vấn đề sức khỏe nhạy cảm như xoắn tinh hoàn.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết