- Xuất bản: 01/03/2024 - Cập nhật lần cuối: 08/03/2024
Giải quyết các vấn đề tiền mãn kinh bằng y học cổ truyền - Ảnh: BookingCare
Y học cổ truyền điều trị hội chứng tiền mãn kinh mang lại nhiều hiệu quả cao trong việc giảm các triệu chứng khó chịu cho người bệnh bằng châm cứu, xoa bóp bấm huyệt, dùng thuốc,… Cùng BookingCare tìm hiểu các phương pháp này qua bài viết.
Hội chứng tiền mãn kinh diễn ra khi phụ nữ bước vào độ tuổi trung niên kéo dài từ 45 đến 52 tuổi. Ở giai đoạn này, do sự thích ứng cũng như điều tiết chức năng thần kinh thực vật, một số phụ nữ sẽ không có biểu hiện rõ ràng. Một số nữ giới xuất hiện nhiều triệu chứng khó chịu như rối loạn kinh nguyệt, bốc hỏa, mất ngủ, thay đổi tính tình,… ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống.
Y học cổ truyền điều trị hội chứng tiền mãn kinh như thế nào? Cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Hội chứng tiền mãn kinh theo y học cổ truyền
Hội chứng tiền mãn kinh là tập hợp các triệu chứng đặc biệt, xuất hiện trong giai đoạn mãn kinh của phụ nữ (thường từ tuổi 45 - 52 tuổi). Nguyên nhân do chức năng buồng trứng suy giảm, hormone sinh dục nữ (estrogen) suy giảm.
Trong giai đoạn này, nữ giới thường có những rối loạn về nội tiết, tim mạch, thần kinh, chuyển hóa,… dẫn tới hàng loạt những biểu hiện khó chịu như: bốc hỏa, vã mồ hôi, hoa mắt chóng mặt, ù tai, gắt gỏng, mất ngủ, tăng huyết áp, rối loạn kinh nguyệt, mất hứng thú trong quan hệ,…
Một số người có thể xuất hiện dấu hiệu rối loạn thần kinh thực vật.
Các rối loạn liên quan đến tâm thần như cáu gắt, mệt mỏi, hay quên...
Triệu chứng liên quan đến vấn đề chuyển hóa dinh dưỡng
Hiện tượng mãn kinh trong đông y được biết đến từ rất sớm. Sách Nội kinh - bộ sách lý luận kinh điển của Đông y đã đề cập:
“… Con gái 7 tuổi thận khí bắt đầu thịnh, răng thay, tóc mọc dài; 14 tuổi (7x2=14) thiên quý phát dục thành thục, mạch nhâm thông suốt, mạch thái xung thịnh vượng, hàng tháng có kinh nguyệt... Tới 49 tuổi (7x7=49), mạch nhâm trống rỗng, mạch xung suy vi, thiên quý kiệt, kinh nguyệt tắt, hình thể lão hóa, hết khả năng sinh con,...”
Đoạn văn trình bày khái quát tới quá trình biến đổi sinh lý, sinh trưởng, phát dục và thành thục, thoái hoá của chức năng sinh sản nữ giới (gắn với số 7).
Quá trình này có mối liên hệ với tạng thận, thiên quý và hai mạch xung – nhâm. Nguyên nhân dẫn tới hội chứng tiền mãn kinh là do thận khí suy kiệt, mạch xung – nhâm suy thoái, khiến mất cân bằng âm dương, khí huyết không điều hòa, chức năng tạng phủ - kinh lạc rối loạn gây nên.
Đông y không có tên bệnh cho hội chứng tiền mãn kinh, nhưng các chứng trạng của bệnh được đề cập đến trong phạm vi các chứng như “Tâm quý”, “Huyễn vựng”, “Tạng táo”, “Uất chứng”, “Nguyệt kinh quá đa”,… Tùy theo từng biểu hiện cụ thể ở từng người bệnh mà thầy thuốc có những phương pháp điều trị và bài thuốc cho phù hợp.
Hội chứng tiền mãn kinh dẫn tới nhiều biểu hiện khó chịu cho phụ nữ - Ảnh: Freepik
Y học cổ truyền điều trị hội chứng tiền mãn kinh
Xoa bóp bấm huyệt chữa hội chứng tiền mãn kinh
Xoa bóp bấm huyệt giúp làm giảm các biểu hiện khó chịu của bệnh. Có thể thực hiện bằng cách:
Xoa ấm vùng bụng, xoa theo chiều kim đồng hồ, ngày 2 – 3 lần, mỗi lần 50 vòng.
Xát dọc hai bên cột sống, từ vùng thắt lưng đến xương cùng cụt. Ngồi thẳng lưng, thầy thuốc áp 2 tay dọc hai bên cột sống, xát mạnh từ trên xuống 30 - 50 lần cho ấm lên là được.
Bấm và day huyệt: Bấm, day các huyệt như Thận du, Mệnh môn, Quan nguyên, Khí hải, Phục lưu, Tam âm giao, Thái khê, Thái xung, Bách Hội, Tứ Thần Thông, Thái Dương,… Tuỳ vào từng thể bệnh mà có thể chọn thêm các huyệt để day bấm cho phù hợp.
Châm cứu điều trị hội chứng tiền mãn kinh
Mặc dù không thể ngăn chặn và làm chậm sự tiến triển của mãn kinh nhưng châm cứu có hiệu quả nhất định trong việc làm giảm các biểu hiện khó chịu của bệnh như bốc hỏa, mất ngủ, đau đầu, đau mỏi xương khớp,…
Ngoài ra, nghiên cứu còn cho thấy châm cứu có thể giúp tăng ham muốn tình dục và cải thiện các khó chịu trong hệ thống sinh dục.
Một số huyệt châm cứu trong hội chứng tiền mãn kinh như: Quan nguyên, Khí hải, Tâm du, Can du, Đởm du, Thận du, Tam âm giao, Túc tam lý, Thái xung, Thái khê,...
Đau đầu thường châm thêm: Bách hội, Phong trì, Thái dương, Thượng tinh.
Mất ngủ châm thêm: Nội quan, Thần môn, Tam âm giao, An miên.
Khí huyết hư thường châm thêm: Tâm du, Cách du, Tam âm giao, Huyết hải.
Tùy theo từng thể bệnh mà phác đồ huyệt châm cứu có thể khác nhau, kết hợp châm bổ - tả hay bình bổ bình tả, điện châm. Liệu trình châm cứu thường ngày 1 lần, mỗi lần từ 15 – 20 phút, kéo dài 10 – 15 ngày.
Châm cứu điều trị hội chứng tiền mãn kinh - Ảnh: Freepik
Bài thuốc điều trị hội chứng tiền mãn kinh
Một số bài thuốc đông y có tác dụng điều trị và giảm triệu chứng do hội chứng tiền mãn kinh gây ra mà bạn có thể tham khảo như:
Bài thuốc Quy tỳ thang: dùng cho thể tâm tỳ hư, biểu hiện: hồi hộp trống ngực, bồn chồn, mất ngủ, hoảng hốt vô cớ, hay quên, tư tưởng khó tập trung, tinh thần uể oải, người mệt mỏi, đuối sức, ăn không ngon miệng, tiêu hóa kém, hoặc kinh nguyệt kéo dài dai dẳng,...
Bài thuốc Sơ can thang: dùng cho thể can kinh uất nhiệt, biểu hiện: tinh thần u uất, hay than thở khóc lóc, hồi hộp, trống ngực, hoảng hốt vô cớ, bồn chồn, đứng ngồi không yên, ngực sườn hoặc hai bầu vú đau tức, kinh nguyệt rối loạn. Chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi mỏng, Mạch huyền tế (căng, nhỏ),…
Bài Thận khí hoàn: dùng cho thể thận dương hư, biểu hiện: kinh nguyệt ra nhiều hoặc đến sớm, người lạnh, tay chân lạnh, sợ lạnh, mệt mỏi, tiểu nhiều, nước tiểu trong,…
Bài Kỷ cúc địa hoàng hoàn: dùng cho thể thận tinh hư tổn (do âm hư dương vượng), biểu hiện: kinh nguyệt rối loạn, chóng mặt, nhức đầu, ngực sườn đau tức, tay chân run, tê rần hoặc có cảm giác kiến bò, tính tình nóng nảy, dễ cáu gắt, giận dữ, người bứt rứt, khó ngủ…
Các bài thuốc có thể gia giảm thêm các vị thuốc cho phù hợp với chứng bệnh và tình trạng mà người bệnh gặp phải.
Các bài thuốc Đông Y cho phụ nữ tiền mãn kinh đem lại hiệu quả cải thiện triệu chứng rõ rệt, tuy nhiên cần có thời gian để phát huy những hiệu quả này. Bên cạnh đó, phụ nữ bị rối loạn tiền mãn kinh nên hạn chế ăn đường, mỡ và tăng cường các loại rau, đậu.
Món ăn bài thuốc điều trị hội chứng tiền mãn kinh
Ngoài các bài thuốc đông y điều trị hội chứng tiền mãn kinh, nữ giới có thể áp dụng một số món ăn bổ dưỡng giúp bồi bổ cơ thể và giảm triệu chứng hiệu quả như:
Củ sen 150g, xương sườn heo 100g, muối, bột nêm, dấm gạo vừa đủ. Hầm chín, dùng nóng, ngày 1 lần. Món ăn giúp giảm chứng bứt rứt khó chịu do hội chứng mãn kinh và tiền mãn kinh.
Quả óc chó 50g, trứng gà 1 quả, đường trắng vừa đủ. Quả óc chó giã nhuyễn, thêm nước, đập thêm trứng gà trộn đều, nêm đường trắng. Hấp chín rồi dùng ngay khi nóng, ngày dùng 1 – 2 lần giúp điều trị chứng vã mồ hôi, bốc hỏa, mất ngủ.
Sữa ong chúa 50g, mật ong 0,5kg, trộn đều rồi cất dùng dần. Mỗi lần 1 muỗng canh, ngày 1 - 2 liều, uống với nước ấm trước bữa ăn nửa giờ giúp giảm chứng phiền táo dễ tức giận, váng đầu hoa mắt do tiền mãn kinh.
Trứng cút 2 quả, sữa bò tươi 200ml, đường trắng vừa đủ. Sữa bò sau khi đun sôi, đập thêm trứng cút trộn đều, nêm đường trắng thì dùng, ngày 1 lần, dùng liền 20 ngày điều trị váng đầu hoa mắt, hồi hộp hay quên, mất ngủ mộng nhiều.
Rong biển vừa đủ, cho nướng chín trên than (nướng hơi khét, không nướng thành than), chấm nước tương hoặc cho vào các loại canh (tốt nhất là canh thịt), rồi ăn giúp giảm đau lưng, nhức khớp.
Tim dê 60g, hoa hồng 60g, muối ăn 5g. Muối và hoa hồng sắc nước 10 phút, để nguội sử dụng sau. Tim dê thái lát nhỏ, vừa nhúng nước hoa hồng vừa nướng chín. Ngày 1 thang.
Chim se sẻ 5 con, gạo 60g, đầu hành 5 cọng, rượu gạo 1 ly, muối vừa đủ, thêm nước nấu chín. Ngày 1 lần.
Một số lưu ý khác khắc phục các rối loạn tiền mãn kinh
Chị em phụ nữ cần chủ động xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý, điều độ để đi qua giai đoạn tiền mãn kinh một cách nhẹ nhàng, ít khó chịu.
Lập kế hoạch làm việc, nghỉ ngơi hợp lý, luôn giữ tâm trạng vui vẻ, tránh căng thẳng vì có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng tiền mãn kinh.
Rèn luyện thể dục thể thao với các bài tập như đi bộ, chạy bộ, thiền, yoga, đạp xe, bơi lội,… để giúp điều hoà tâm trạng, nâng cao sức khoẻ, phòng các bệnh lý sau tuổi mãn kinh như béo phì, loãng xương, tim mạch,…
Hy vọng bài viết đã cung cấp thêm cho bạn đọc nhiều thông tin về hội chứng tiền mãn kinh và phương pháp điều trị bệnh bằng y học cổ truyền. Hãy chủ động xây dựng lối sống khoa học, lành mạnh và kết hợp các phương pháp điều trị đông y để phòng và điều trị bệnh hiệu quả nhất.