6 bệnh Tai Mũi Họng thường gặp và cách điều trị, phòng tránh tái phát

Sản phẩm của BookingCare
Nhóm tác giả: Thảo Hoàng,
Thảo Hoàng
Product Manager (Quản lý Sản phẩm) tại BookingCare Hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Y tế
Phương Nguyễn,
Phương Nguyễn
Content Writer (Sáng tạo nội dung) Hơn 5 năm kinh nghiệm biên tập nội dung về Y tế, Chăm sóc sức khỏe
Dung Phan
Dung Phan
Content Writer Hơn 2 năm kinh nghiệm sáng tạo nội dung trong lĩnh vực y tế
Người kiểm duyệt: Chương Nguyễn
Chương Nguyễn
Thành viên sáng lập BookingCare 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Y tế sức khoẻ
Cố vấn y khoa: Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mai Hồng,
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mai Hồng
Nguyên Trưởng khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Bạch Mai Gần 40 năm kinh nghiệm về chuyên khoa Nội, Nội Cơ xương khớp
Bác sĩ Nguyễn Dương Nhật Thi,
Bác sĩ Nguyễn Dương Nhật Thi
Hiện là Bác sĩ chuyên khoa Chấn thương, chỉnh hình, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức Hơn 5 năm kinh nghiệm khám và điều trị Ngoại khoa
Ts.Bs. Vũ Thái Hà
Ts.Bs. Vũ Thái Hà
Trưởng khoa Khoa nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tế bào gốc - BV Da liễu Trung ương Gần 20 năm kinh nghiệm khám và điều trị
Xuất bản: 03/08/2020, Cập nhật lần cuối: 14/07/2022

Bệnh Tai Mũi Họng là bệnh thường gặp ở cả người lớn và trẻ em. Tuy nhiên, nhiều người lại chủ quan không điều trị hoặc tự ý mua thuốc, lâu dần khiến bệnh trở thành mạn tính, tái đi tái lại nhiều lần. Trong giai đoạn dịch COVID-19, việc hiểu rõ triệu chứng, cách phòng tránh bệnh Tai Mũi Họng là cần thiết hơn bao giờ hết.

BookingCare là Nền tảng Y tế chăm sóc sức khỏe toàn diện hàng đầu Việt Nam kết nối người dùng với trên 200 bệnh viện - phòng khám uy tín, hơn 1,500 bác sĩ chuyên khoa giỏi và hàng nghìn dịch vụ, sản phẩm y tế chất lượng cao.
Bệnh Tai Mũi Họng thường gặp
Bệnh Tai Mũi Họng thường gặp - Ảnh: Người đưa tin

Mặc dù không nguy hiểm và có tỷ lệ tử vong cao như bệnh ung thư hay tim mạch nhưng các bệnh lý Tai Mũi Họng thường dai dẳng, hay tái phát làm cho người bệnh không chỉ tốn kém về chi phí điều trị, mất ngày công lao động mà còn khiến họ mệt mỏi, căng thẳng, suy giảm chất lượng sống.

Vì sao bệnh Tai Mũi Họng lại phổ biến?

Tai Mũi Họng là nhóm bệnh xuất hiện phổ biến ở cả người lớn và trẻ em. Lý do vì Tai Mũi Họng là bộ phận chịu nhiều tác động từ môi trường, thời tiết, khí hậu ẩm ướt hoặc nắng nóng là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh phát triển. 

Trong các bệnh thường gặp nhất phải kể đến bệnh viêm họng, bệnh có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ yếu thường do virus gây ra. Trong thời điểm chúng ta đang đối mặt với dịch COVID-19 hết sức phức tạp trên toàn thế giới, việc bảo vệ các "cửa ngõ" cơ thể đúng cách là vấn đề nhiều người quan tâm.

6 bệnh Tai Mũi Họng thường gặp

Bệnh Tai Mũi Họng thường gặp ở trẻ em hơn vì sức đề kháng còn yếu, hàng rào bảo vệ chưa phát triển hoàn thiện. Nhưng không có nghĩa là người lớn ít mắc bệnh, nếu sinh hoạt, ăn uống không đúng cách, nguy cơ viêm Tai Mũi Họng vẫn rất cao. 

Viêm mũi họng cấp

Viêm mũi họng cấp là tình trạng toàn bộ niêm mạc mũi họng bị viêm nhiễm cấp tính do vi khuẩn hoặc virus. Trong đó do virus chiếm 60 - 80% các nguyên nhân gây bệnh.

  • Khi bị viêm mũi họng cấp thông thường, người bệnh có biểu hiện sốt 38 - 40°C
  • Môi khô, lưỡi bẩn, đau mỏi mình mẩy, nước tiểu vàng
  • Khởi đầu là dấu hiệu khô họng, đau rát họng, ho, có thể ho khan hoặc ho có đờm, giọng nói đục, chảy mũi và ngạt tắc mũi hai bên
  • Dịch mũi có thể trong (do virus) hoặc vàng xanh (do vi khuẩn).

Viêm mũi họng cấp cần điều trị bằng thuốc tùy theo nguyên nhân gây bệnh, chủ yếu là điều trị triệu chứng, nâng cao thể trạng và chỉ dùng kháng sinh khi xác định viêm mũi họng do vi khuẩn.

Viêm amidan

Viêm amidan là bệnh thường gặp, bệnh tiến triển có thể cấp tính hay mạn tính. Viêm amidan rất hay tái phát và có thể gây các biến chứng nguy hiểm cho người bệnh. Viêm amidan cấp là hiện tượng viêm nhiễm cấp tính của amidan do virus hoặc vi khuẩn.

  • Viêm amidan cấp không khó phát hiện, nhiều khi bản thân người bệnh cũng tự phát hiện ra, tuy nhiên nếu không phát hiện được loại viêm amidan nguy hiểm có thể gây biến chứng toàn thân.
  • Những đợt viêm amidan cấp kéo dài khoảng 7 - 10 ngày là khỏi.
  • Nhưng nếu không được điều trị bệnh có thể lan xuống thanh quản, phế quản hoặc gây các biến chứng như áp-xe quanh amidan, viêm tai giữa, viêm cầu thận cấp, thấp tim, viêm khớp cấp.

Viêm amidan được coi là viêm mạn tính khi số đợt viêm amidan cấp trong năm trên 5 lần, khi đó nên đi khám amidan mạn tính với bác sĩ giỏi để được tư vấn điều trị dứt điểm sớm. Một số triệu chứng như: 

  • Trên bề mặt amidan, lớp niêm mạc bị biến đổi trạng thái hoặc thoái hóa dạng phù nề hoặc teo đét.
  • Biểu hiện hay ốm vặt.
  • Trẻ em đôi khi chậm phát triển cơ thể, hay ho húng hắng, đau rát họng, nuốt vướng như có dị vật, đau nhói lên tai khi nuốt, hơi thở hôi, ngủ ngáy đôi khi giọng nói bị thay đổi.
Viêm amidan là bệnh Tai Mũi Họng thường gặp
Hình ảnh so sánh amidan bình thường và amidan bị sưng viêm

Xem thêm bài viết

Viêm V.A cấp 

V.A là tên viết tắt của tổ chức amidan vòm mũi họng (Vegetation Adenoides). Viêm V.A cấp thường gặp ở trẻ lứa tuổi nhà trẻ mẫu giáo.

Trẻ bị viêm V.A chiếm một số lượng khoảng 40 - 53% tổng số trẻ đi khám bệnh tai mũi họng vào mùa lạnh, trong giai đoạn chuyển mùa đông xuân là 40 - 65%. Triệu chứng của bệnh:

  • Sốt 38 - 40°C
  • Trẻ mệt mỏi, quấy khóc, kém ăn, ăn hay nôn trớ
  • Ngạt tắc mũi, chảy nước mũi hai bên
  • Dịch mũi có thể trong, trắng đục hay vàng xanh
  • Ho, có thể có đờm do dịch xuất tiết từ mũi họng kích thích
  • Điều trị viêm V.A cấp tuỳ thuộc vào nguyên nhân vi khuẩn hoặc virus.
Viêm V.A là bệnh Tai Mũi Họng thường gặp
Vị trí khối V.A và Amidan - Ảnh minh họa

Viêm tai giữa 

Viêm tai giữa cấp tính là hiện tượng niêm mạc của tai giữa bị xung huyết hoặc hoá mủ. Viêm tai giữa cấp xuất hiện 80% ở lứa tuổi nhà trẻ, mẫu giáo.

Viêm tai giữa cấp thường bùng phát sau một đợt viêm mũi họng, viêm V.A cấp không được điều trị hoặc điều trị không đúng. Viêm tai giữa cấp diễn biến qua 3 giai đoạn:

  • Giai đoạn xung huyết xuất hiện ngay sau viêm mũi họng 3 - 4 ngày
  • Giai đoạn ứ mủ
  • Giai đoạn vỡ mủ

Triệu chứng toàn thân như sốt, đau tai, nghe kém và ù tai lại giảm nên ba mẹ thường cho rằng trẻ đã khỏi ốm cho đến khi nhìn thấy mủ chảy ra ngoài cửa tai. 

Viêm mũi xoang

Viêm mũi xoang cũng là một trong những bệnh nhiễm trùng phổ biến, chiếm tỷ lệ 2 - 5% dân số nói chung và có xu hướng ngày càng tăng.

Viêm xoang là hiện tượng viêm niêm mạc và ứ dịch trong lòng các xoang của khối xương mặt do bít tắc các lỗ dẫn lưu từ xoang ra mũi. Viêm xoang thường phối hợp với viêm mũi.

Nguyên nhân thường do nhiễm vi khuẩn, virus, nấm, dị ứng. Một số ít do chấn thương, do cản trở cơ học của khối u, dị dạng hốc mũi, hội chứng trào ngược dạ dày - thực quản. Triệu chứng viêm xoang cấp:

  • Viêm mũi xoang thường gặp viêm xoang cấp với biểu hiện sốt, môi khô lưỡi bẩn.
  • Đau nhức vùng sọ mặt tương ứng với xoang bị viêm như mặt trước má, trán, vùng sau gáy
  • Ngạt tắc mũi tăng dần.
  • Chảy nước mũi trắng rồi chuyển thành vàng xanh, giảm ngửi...

Viêm xoang mạn tính xảy ra do viêm xoang cấp tính tái diễn nhiều lần không được điều trị hoặc điều trị không đúng. Biểu hiện chủ yếu của viêm xoang mạn tính: 

  • Chảy mũi một hoặc hai bên, dịch mũi ngày một đặc lại rồi có màu vàng xanh, mùi hôi
  • Ngạt tắc mũi tăng dần tới ngạt mũi hoàn toàn
  • Ngửi kém từng lúc hoặc mất ngửi, đau đầu...

Điều trị viêm xoang thường theo nguyên tắc chung là đảm bảo phục hồi được chức năng dẫn lưu và thông khí của xoang. Với từng giai đoạn cấp và mạn sẽ có những biện pháp điều trị thích hợp bằng dùng thuốc hay phẫu thuật xoang.

Viêm xoang là bệnh Tai Mũi Họng thường gặp
Hình ảnh so sánh xoang bình thường và xoang bị viêm - Ảnh: SKĐS

Viêm mũi dị ứng

Viêm mũi dị ứng được chia làm 2 loại chính là viêm mũi dị dứng có chu kỳ và viêm mũi dị ứng có chu kỳ. Loại viêm mũi dị ứng có chu kỳ có độ phổ biến cao hơn hẳn do mức độ xuất hiện luôn ở mức cao vào thời điểm giao mùa, đầu mùa lạnh, đầu mùa nóng. 

  • Bệnh nhân mắc viêm mũi dị ứng thường có các biểu hiện bên ngoài như hắt hơi liên tục hay ngứa mũi
  • Đỏ mắt, chảy nước mắt
  • Thường cảm giác bỏng rát ở vùng họng
  • Các triệu chứng có xu hướng xuất hiện rất nhiều vào đầu buổi sáng lúc ngủ dậy và dịu dần tầm xế chiều. 

Triệu chứng bệnh Tai Mũi Họng dễ nhầm lẫn với nhiễm virus COVID-19

Về cơ bản, triệu chứng người mắc COVID-19 không có nhiều điểm khác biệt với bệnh nhân Tai Mũi Họng. Một số triệu chứng điển hình ở bệnh nhân mắc COVID như sau: 

  • Đầu tiên người bệnh có các triệu chứng đau họng
  • Có thể có sốt
  • Ho kéo dài
  • Ho do nhiễm virus COVID-19 sẽ không khỏi khi uống thuốc trị ho thông thường
  • Nếu thấy ho nhiều, kéo dài, đừng chủ quan, hãy đến ngay các cơ sở y tế để khám bệnh
  • Nặng nữa người bệnh COVID-19 có thể bị viêm đường hô hấp dưới và viêm phổi và dễ bị suy hô hấp
  • Giảm khả năng ngửi. Một số nghiên cứu của nước ngoài cho thấy tỷ lệ khá cao ở những người nhiễm COVID-19 có hiện tượng mất ngửi. 

Thực ra bệnh nhân COVID tử vong là do viêm phổi nặng và nhiễm trùng huyết còn hô hấp trên không vấn đề gì, nhiều người lành mang bệnh không vấn đề gì. 

Bệnh Tai Mũi Họng là bệnh thường gặp và nó không quá nguy hiểm trừ những đợt dịch đặc biệt: cúm H1N1, SARS, đợt này là COVID-19. Thông thường ai cũng bị và trẻ nhỏ ở Việt Nam trung bình bị bệnh Tai Mũi Họng 4 - 6 đợt/1 năm.

Cách phòng tránh, điều trị bệnh Tai Mũi Họng

Bệnh Tai Mũi Họng rất hay tái phát nên để ngăn ngừa bệnh xảy ra, mỗi người có thể thực hiện những biện pháp đơn giản sau đây:

  • Hạn chế việc tiếp xúc với bụi bẩn: Không nên thường xuyên tiếp xúc với những nơi có môi trường khói bụi, công trường xây dựng, lò than... Nếu công việc bắt buộc thì cần đeo khẩu trang, sử dụng đồ bảo hộ để hạn chế hít phải bụi hay hóa chất.
  • Giữ ấm khi thời tiết thay đổi: Tránh để cảm lạnh khi thời tiết thay đổi đột ngột, đặc biệt với trẻ nhỏ. Bản thân mỗi người nên trang bị đầy đủ quần áo, khăn choàng ấm, khẩu trang... mỗi khi đi dưới trời lạnh.
  • Có thói quen sinh hoạt lành mạnh: Không để điều hòa ở nhiệt độ quá thấp khi trời nóng, không uống nước đá, ăn nhiều kem lạnh hay bơi ở bể bơi còn nhiều hóa chất...
  • Thường xuyên vệ sinh tai mũi họng: Nên sử dụng dung dịch kiềm nhạt như nước muối để súc miệng, vệ sinh mũi hàng ngày.
  • Luyện tập thể thao: Đây là biện pháp để duy trì sức khỏe, nâng cao sức đề kháng cho cơ thể. Tuy nhiên, lựa chọn môn thể thao cũng như cường độ và mức độ luyện tập cần phù hợp với tình trạng sức khỏe của mỗi người.
  • Điều trị dứt điểm: Khi mắc bệnh Tai Mũi Họng, người bệnh nên điều trị dứt điểm, kịp thời để tránh việc biến chứng thành căn bệnh nguy hiểm khác gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Đồng thời, đây còn là cách để hạn chế bệnh lý này tái phát nhiều lần.

Khi có biểu hiện bất thường: Như sốt, ho, chảy mũi... cần đến khám sớm tại bệnh viện, phòng khám Tai Mũi Họng để tránh biến chứng của bệnh cũng như phát hiện sớm các nguyên nhân có thể gây viêm xoang để điều trị triệt để, tránh bệnh tái đi tái lại nhiều lần. 

Vệ sinh mũi họng đúng cách để phòng bệnh
Vệ sinh và hướng dẫn trẻ vệ sinh mũi họng đúng cách để phòng tránh nguy cơ mắc bệnh Tai Mũi Họng - Ảnh: SKĐS

Không tự ý chẩn đoán và tự mua thuốc

Tai Mũi Họng là nhóm bệnh phổ biến, thường không quá phức tạp nhưng nếu không điều trị đúng cách lại rất dễ trở thành bệnh mạn tính (như viêm xoang mạn, viêm họng mạn, viêm tai giữa mạn...). 

Người bệnh không nên tự ý chẩn đoán và tự mua thuốc điều trị tại nhà. Hãy dành thời gian đi khám với bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng để được thăm khám, nội soi Tai Mũi Họng và kê đơn điều trị phù hợp với tính trạng của mình.

Thực tế đã có nhiều trường hợp ba mẹ tự mua thuốc cho trẻ dựa trên "kinh nghiệm". Sử dụng không đúng thuốc, dùng sai liều khiến bệnh không những không khỏi mà còn ảnh hưởng đến sức đề kháng sau này của trẻ. 

Trong tình hình dịch bệnh COVID-19 phức tạp như hiện nay, nếu băn khoăn việc đi khám Tai Mũi Họng tại các bệnh viện, phòng khám đông người là không an toàn, người bệnh có thể tham khảo và lựa chọn hình thức khám và tư vấn qua Video với bác sĩ. Qua Video, bác sĩ có thăm khám, tư vấn và kê đơn thuốc phù hợp với tình trạng của từng người. 

Hy vọng bài viết này có thể cung cấp những thông tin hữu ích về Tai Mũi Họng đối với bạn đọc. Giao mùa là thời điểm "thuận lợi" cho các bệnh Tai Mũi Họng phát triển, hãy luôn giữ thói quen, sinh hoạt lành mạnh để bảo vệ sức khỏe của chính mình. 

Xem thêm bài viết

 
 
Tài liệu tham khảo
1. https://suckhoedoisong.vn/truyen-hinh-truc-tuyenphong-benh-tai-mui-hong-mua-dich-n173246.html
2. http://hoitmhvn.com/vie/nhung-benh-ly-tai-mui-hong-thuong-gap-nhat-hien-nay/
3. https://www.dieutri.vn/taimuihong
Lưu ý khi sử dụng

Nội dung trong bài chỉ mang tính tham khảo, bệnh nhân không nên tự ý điều trị mà cần phải tham khảo thêm lời khuyên của bác sĩ. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trong các bài viết gây ra.

Đội ngũ BookingCare
Góp ý về bài viết

Chúng tôi rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến của bạn đọc và các nhà chuyên môn về nội dung bài viết này.

Danh mục cẩm nang

Trợ lý AI

© 2024 BookingCare.
TiktokFacebook/Youtube/