7 dấu hiệu (biểu hiện) trầm cảm sau sinh
7 dấu hiệu (biểu hiện) trầm cảm sau sinh
Một số biểu hiện của trầm cảm sau sinh
Một số biểu hiện của trầm cảm sau sinh

7 dấu hiệu (biểu hiện) trầm cảm sau sinh

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 09/04/2021 | Cập nhật lần cuối: 15/01/2024
Trong cuộc sống thực tế có rất nhiều bà mẹ mắc những dấu hiệu của trầm cảm sau sinh nhưng không nhận được sự thăm khám và điều trị kịp thời từ bác sĩ. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ thể chất và tinh thần của người phụ nữ và cũng gián tiếp ảnh hưởng đến sự phát triển của con sau này.

Sau sinh đời sống tinh thần của người phụ nữ có nhiều thay đổi. Nhiều phụ nữ thấy mệt mỏi, kiệt sức sau cuộc chuyển dạ kèm theo lại mất ngủ vì phải chăm sóc cho bé ban đêm, thay đổi thói quen sinh hoạt, thay đổi trong các mối quan hệ… là những thách thức không nhỏ đối với người phụ nữ đặc biệt là phụ nữ sinh con lần đầu hoặc chưa chuẩn bị tâm lý cho việc sinh nở.

Tuy nhiên những thay đổi tâm lý của người phụ nữ sau sinh phụ thuộc nhiều vào thể chất, tình cảm và lối sống của họ. Nhiều bà mẹ cảm thấy mệt mỏi, chán nản hoặc có cảm giác bị ràng buộc, cảm giác mất mát như mất sự tự do, mất đi thói quen sinh hoạt hàng ngày, mất đi vẻ hấp dẫn…

Biểu hiện rõ nhất của sự biến đổi tâm lý của người phụ nữ sau sinh là  dễ xúc động, dễ khóc, dễ tủi thân…

  • Lo sợ là cảm giác gặp ở hầu hết các bà mẹ như lo sợ trẻ ăn chưa no, sợ trẻ bị ốm, có khi lại lo lắng không có cơ sở như tại sao trẻ lại chậm biết lẫy, chậm mọc răng… 
  • Cáu gắt là một triệu chứng thường gặp ở phụ nữ sau sinh. Do họ bị hạn chế các giao tiếp trong xã hội, bận rộn trong việc chăm sóc trẻ… nên thường có cảm giác khó chịu, bức bối và dễ cáu gắt

Trầm cảm sau sinh là một trạng thái bệnh lý kéo dài ít nhất 2 tuần, được đặc trưng bởi sự buồn rầu, ủ rũ, không muốn chăm sóc con cái vì nghĩ mình kém cỏi, không đủ khả năng, có thể sẽ hại đến đứa trẻ.

Nhiều người mắc trầm cảm sau sinh nhưng không nhận ra

Thực tế có nhiều người mắc trầm cảm sau sinh nhưng không hề nhận ra. Vậy nên mới có những vụ việc đáng buồn mà báo chí đưa tin như: tự sát, sát hại con, đánh đập con...

Cảm giác buồn sau sinh (baby blues) là một trạng thái sinh lý do sự thay đổi đột ngột của các hormon, thường chỉ kéo dài trong 10 ngày. Các biểu hiện của sự buồn nản sau sinh bao gồm: ủ rũ, buồn chán, cảm xúc dao động thất thường có lúc buồn lúc vui hoặc bị quan về cuộc sống, rối loạn giấc ngủ, lo âu, dễ cáu giận, suy giảm trí nhớ, thiếu tập trung.

Trầm cảm sau sinh là một trạng thái nặng nề hơn cảm giác buồn nản rất nhiều. Bệnh ảnh hưởng đến bản thân bà mẹ, đứa trẻ mới sinh, gia đình và các mối quan hệ. Nguy cơ cao dẫn tới các biểu hiện tự sát hoặc gây nguy hiểm cho em bé.

Bệnh thường khó phát hiện vì một số biểu hiện dễ nhầm lẫn với những rối loạn trong thời kỳ hậu sản. Đa phần bản thân của thai phụ và những người xung quanh coi những triệu chứng đó là bình thường và nghĩ rằng sẽ sớm biến mất. Rất nhiều bà mẹ e ngại khi nói ra các biểu hiện cảm xúc và suy nghĩ của mình, tự đối phó với các biểu hiện hoặc giấu bệnh.

Nếu bạn có một số dấu hiệu cảnh báo sớm của chứng trầm cảm sau sinh, hãy nói chuyện với bác sĩ Tâm thần hoặc chuyên gia tư vấn của bạn ngay lập tức. Bạn càng tìm cách điều trị sớm, bạn càng sớm có thể bắt đầu cảm thấy thích thú trở lại.

7 dấu hiệu (biểu hiện) trầm cảm sau sinh ngay từ giai đoạn sớm

Theo Bác sĩ Nguyễn Hữu Lợi, Trầm cảm sau sinh nếu được phát hiện và can thiệp sớm sẽ có thể khỏi hoàn toàn mà không để lại di chứng. Chính vì vậy, khi bạn có những biểu hiện dưới đây, hãy chia sẻ với người thân, tìm tới các cơ sở y tế uy tín để được khám và hỗ trợ đúng lúc.

1. Khí sắc trầm

Buồn rầu, ủ rũ, nhìn xung quanh thấy ảm đạm là dấu hiệu đầu tiên của trầm cảm sau sinh. 

2. Giảm và mất mọi quan tâm thích thú trước đây

Bạn có đang cười với bộ phim hài lãng mạn mình từng yêu thích không? Bạn có muốn được âu yếm với bạn đời của mình không? Những món ăn yêu thích của bạn thì sao, bạn còn thích chúng không? Bạn thích món ăn nào đó, hoặc muốn làm một việc gì đó không?

Nếu câu trả lời là không, hãy thăm khám bác sĩ Tâm thần hoặc chuyên gia Tâm lý về những thay đổi này để được đánh giá tình trạng nhé. 

3. Giảm năng lượng dẫn đến tăng mệt mỏi và giảm hoạt động

Mỗi buổi sáng thức dậy, bạn cảm thấy mệt mỏi, không có chút năng lượng nào để hoạt động, thức dậy chăm sóc con cái hay thậm chí cả việc ăn uống những món yêu thích. Có lẽ bạn quá mệt mỏi để suy nghĩ hãy quyết định một việc gì đó. Hoặc bạn cảm thấy muốn buông xuôi, không quan tâm nữa. Ví dụ như bạn không thể quyết định có nên ra khỏi giường hay không, đi tắm, có nên thay tã cho con hoặc đưa con đi dạo...

Đây là dấu hiệu cho thấy bạn đã mắc trầm cảm sau sinh mức độ nặng. 

4. Lo lắng hoặc cho rằng mình không phải một người mẹ tốt 

Thực tế thì người mẹ nào cũng từng nghĩ đến điều này, đặc biệt là những bà mẹ có con bị ốm hoặc sinh non, hoặc có vấn đề về sức khỏe. Nhưng nếu không phải trong những tình huống này mà bạn vẫn lo lắng mình không phải người mẹ tốt thì có thể là trạng thái cảm xúc không bình thường. 

5. Thay đổi và rối loạn giấc ngủ 

Khi có con nhỏ, thói quen ngủ nghỉ của chúng ta chắc chắc sẽ thay đổi để chăm sóc con. Tuy nhiên, nếu bạn không thể ngủ được khi bé đang ngủ, bạn khó ngủ, mất ngủ (do bạn không thể ngủ chứ không phải do không có thời gian) thì cũng có thể là dấu hiệu của trầm cảm sau sinh. 

6. Nghĩ đến việc làm hại chính mình hoặc làm hại con 

Suy nghĩ về việc tự tử, hoặc làm tổn thương bản thân hoặc con bạn, là những dấu hiệu nặng của trầm cảm sau sinh và thậm chí là chứng loạn thần sau sinh.

Nếu bạn đang có ý định tự sát, hay bạn đang gặp khủng hoảng sau cuộc sinh nở, hãy đi khám hoặc tư vấn ngay với bác sĩ chuyên khoa Tâm thần để được trợ giúp. Bạn có thể khám online qua Video nếu không sắp xếp đi khám trực tiếp được. 

7. "Baby blues" không thuyên giảm 

Baby blues là một trạng thái sinh lý sau sinh được đặc trưng bởi hội chứng này suy nhược. Một số triệu chứng điển hình của Baby blues như: 

  • Cảm thấy buồn chán
  • Muốn khóc hoặc khóc mà không rõ nguyên nhân
  • Tâm trạng thất thường
  • Dễ cáu gắt
  • Cảm thấy không có sự gắn kết với con
  • Lo lắng về sức khỏe và sự an toàn của em bé
  • Mất ngủ, rối loạn giấc ngủ 
  • Suy giảm trí nhớ, thiếu tập trung, suy giảm khả năng giải quyết vấn đề...

Thông thường, Baby blues sẽ xuất hiện trong 3-5 ngày đầu sau sinh - đó là trạng thái sinh lý. Tuy nhiên, sau 2 tuần mà chúng không biến mất, mà vẫn duy trì hoặc nặng thêm thì không được chủ quan, người mẹ cần theo dõi và có kế hoạch đi khám bác sĩ chuyên khoa Tâm bệnh trong thời gian sớm nhất.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết
Trợ lý AI BookingCare