9 thông tin cần viết về viêm đại tràng
9 thông tin cần viết về viêm đại tràng
Đau bụng do viêm đại tràng
Những thông tin cần biết về viêm đại tràng - Ảnh: BookingCare

9 thông tin cần viết về viêm đại tràng

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 05/09/2023 | Cập nhật lần cuối: 28/12/2023
Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn đọc thông tin về bệnh viêm đại tràng thông qua các câu hỏi phổ biến về triệu chứng, biến chứng, điều trị, chế độ ăn uống,...

1. Viêm đại tràng là gì?

Đại tràng (ruột già) là một bộ phận quan trọng của hệ tiêu hóa. Đại tràng nằm tại vị trí gần cuối của ống tiêu hóa, nối tiếp phía trên với ruột non và phía dưới với ống hậu môn. Đại tràng bao gồm các thành phần: manh tràng, đại tràng lên, đại tràng ngang, đại tràng xuống, đại tràng sigma và trực tràng.

Viêm đại tràng là tình trạng viêm niêm mạc đại tràng. Viêm đại tràng có thể do nhiễm trùng, bệnh viêm đường ruột (IBD), thiếu máu, phản ứng dị ứng hoặc viêm đại tràng vi thể.

2. Các triệu chứng của viêm đại tràng là gì?

Các triệu chứng phổ biến bao gồm:

  • Đau bụng.
  • Bụng đầy hơi.
  • Tiêu chảy.
  • Phân có nhầy hoặc máu.
  • Mất cảm giác thèm ăn .
  • Giảm cân.

Trường hợp cấp tính có thể gây ra:

  • Buồn nôn và nôn.
  • Sốt.

Trường hợp mãn tính có thể gây ra:

  • Mệt mỏi.
  • Thiếu máu.
  • Mất nước.
  • Kém hấp thu và suy dinh dưỡng.

3. Các biến chứng có thể xảy ra của viêm đại tràng là gì?

Viêm đại tràng có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng như:

  • Thủng (vỡ) ruột: Thủng ruột xảy ra khi tình trạng viêm mãn tính làm suy yếu thành ruột, cuối cùng tạo ra một lỗ thủng. Khi lỗ hình thành, một lượng lớn vi khuẩn có thể tràn vào bụng và gây nhiễm trùng.
  • Giãn đại tràng cấp tính: Tình trạng viêm nặng có thể khiến thành đại tràng giãn rộng và làm giảm nhu động ruột . Điều này có thể khiến thức ăn và khí đọng lại trong đại tràng của bạn dẫn đến chướng bụng đau đớn và tăng nguy cơ vỡ.
  • Xuất huyết ồ ạt: Tình trạng này xảy ra khi lớp niêm mạc đại tràng bị viêm nhiễm nặng dễ dẫn đến xuất huyết chảy máu tươi ồ ạt.
  • Tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng: Nguy cơ ung thư đại trực tràng tăng theo thời gian và mức độ nghiêm trọng của bệnh viêm đại tràng.

4. Viêm đại tràng được chẩn đoán như thế nào?

Để chẩn đoán bệnh bác sĩ cần thăm khám, hỏi bệnh sử và thực hiện các xét nghiệm cần thiết như:

  • Xét nghiệm máu: giúp bác sĩ tầm soát nguyên nhân như nhiễm trùng, nhiễm ký sinh trùng, bệnh lý miễn dịch,… Xét nghiệm máu cũng giúp bác sĩ lượng giá mức độ nặng của bệnh.
  • Xét nghiệm phân: tìm tế bào máu, ký sinh trùng trong phân giúp xác định nguyên nhân chính xác hơn.
  • Nội soi đại tràng, trực tràng: là một phương pháp cho phép bác sĩ quan sát được các tổn thương bên trong đường ruột (manh tràng, đại tràng lên, đại tràng ngang, đại tràng xuống, đại tràng sigma và trực tràng) bằng cách sử dụng một ống mềm và nhỏ có gắn camera ở đầu. Thông qua nội soi, bác sĩ cũng có thể lấy các mẫu mô nhỏ (sinh thiết) nhằm khẳng định chẩn đoán chính xác hơn.
  • Chụp XQ bụng, chụp CT bụng khi nghi ngờ biến chứng.
Bác sĩ thăm khám viêm đại tràng
Để chẩn đoán bệnh bác sĩ cần thăm khám, hỏi bệnh sử và chỉ định thực hiện các xét nghiệm - Ảnh: Canva

5. Sự khác biệt giữa viêm đại tràng và hội chứng ruột kích thích (IBS) là gì ?

Điểm giống nhau cơ bản giữa hội chứng ruột kích thích và viêm đại tràng là cả hai đều ảnh hưởng đến đường tiêu hóa. Những điểm tương đồng khác bao gồm:

  • Cả hai tình trạng đều có thể trở thành mãn tính.
  • Các triệu chứng có xu hướng tiến triển và trở nên nghiêm trọng hơn.
  • Giảm chất lượng cuộc sống khi các triệu chứng xấu đi.
  • Bụng có thể cảm thấy đầy hơi theo thời gian.
  • Bệnh nhân có thể bắt đầu phát triển các rối loạn tâm lý.

Sự khác biệt giữa IBS và viêm đại tràng bao gồm:

  • IBS chủ yếu ảnh hưởng đến ruột, trong khi viêm đại tràng có thể ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể.
  • Y học chưa xác định được nguyên nhân gây viêm đại tràng, nhưng một số loại thực phẩm bị nghi ngờ. Mặt khác, tác nhân gây IBS bao gồm một số loại thực phẩm và căng thẳng.
  • Viêm đại tràng gây tổn thương vật lý cho đại tràng, trong khi IBS thì không.
  • Trong một số ít trường hợp, bệnh nhân bị viêm đại tràng cũng có thể gặp các triệu chứng IBS.
  • Bệnh nhân IBS có thể mắc các bệnh về tiêu hóa như bệnh trào ngược dạ dày thực quản, trong khi bệnh nhân viêm đại tràng thường bị kém hấp thu và thiếu máu.

6. Viêm đại tràng được điều trị như thế nào?

Điều trị viêm đại tràng phụ thuộc vào loại và nguyên nhân gây bệnh:

  • Viêm đại tràng truyền nhiễm: bệnh do nhiễm virus , ký sinh trùng hoặc vi khuẩn . Salmonella và E. coli là những nguyên nhân phổ biến. Hầu hết mọi người mắc bệnh này do ăn hoặc uống thực phẩm hoặc nước bị ô nhiễm. Tình trạng này thường là tạm thời nhưng một số người có thể cần dùng kháng sinh.
  • Viêm đại tràng giả mạc: thường do một loại vi khuẩn C. diff (clostridioides difficile) gây ra. Vi khuẩn C. diff sống thường trú trong ruột của bạn, và chúng gây bệnh khi các lợi khuẩn đường ruột bị tiêu diệt do bạn dùng kháng sinh để điều trị một bệnh lý nào đó. Điều trị viêm đại tràng giả mạc cần ngừng thuốc kháng sinh hiện tại và đổi sang kháng sinh hiệu quả đối với C. difficile. Một số trường hợp nặng phải cần đến phẫu thuật.
  • Viêm đại tràng thiếu máu cục bộ: Điều trị viêm đại tràng thiếu máu cục bộ bắt đầu bằng truyền dịch tĩnh mạch để giúp ruột nghỉ ngơi và ngăn ngừa mất nước. Nếu nguồn cung cấp máu không được phục hồi đủ, có thể cần phải phẫu thuật để cắt bỏ những phần ruột bị hoại tử.
  • Bệnh viêm ruột (IBD): bao gồm viêm loét đại tràng, viêm đại tràng vi thể và bệnh Crohn. Những bệnh này này không có nguyên nhân rõ ràng, có thể là loại bệnh lý tự miễn, có nghĩa là chúng khiến hệ thống miễn dịch của bạn gặp trục trặc và tấn công các mô của chính nó. Các bệnh tự miễn dường như có tính chất di truyền một phần và được kích hoạt bởi các yếu tố môi trường.
    • Thuốc chống viêm có thể được sử dụng ban đầu và có thể thêm thuốc ức chế hệ thống miễn dịch nếu cần thiết.
    • Phẫu thuật có thể là một lựa chọn trong những trường hợp nặng, bao gồm cắt bỏ ruột già và ruột non.
  • Viêm đại tràng do phóng xạ: là tác dụng phụ của xạ trị, được sử dụng để điều trị một số loại ung thư. Nó thường là tạm thời, nhưng một số người phát triển các triệu chứng lâu dài.

7. Viêm đại tràng có điều trị khỏi được không?

  • Viêm đại tràng cấp tính do nhiễm trùng tạm thời, không dung nạp thực phẩm hoặc tiếp xúc với bức xạ thường tự khỏi. Một số loại bệnh nhiễm trùng có thể cần điều trị để khỏi, đặc biệt là nhiễm ký sinh trùng.
  • Viêm đại tràng thiếu máu cục bộ do hội chứng thiếu máu cục bộ đường ruột sẽ không biến mất cho đến khi lưu lượng máu trở lại đại tràng của bạn được phục hồi.
  • Viêm đại tràng mãn tính do bệnh viêm ruột gây ra là tình trạng kéo dài suốt đời. Nó sẽ không biến mất mãi mãi, nhưng nó có thể biến mất trong một thời gian. Điều này được gọi là sự thuyên giảm. Điều trị IBD tập trung vào việc cải thiện các triệu chứng của bạn và làm cho sự thuyên giảm kéo dài càng lâu càng tốt.

8. Chế độ ăn uống nào hữu ích cho việc sống chung với bệnh viêm đại tràng?

  • Chế độ ăn ít dư lượng: chế độ ăn ít chất cặn sẽ dễ tiêu hóa khi các triệu chứng của bạn cấp tính hoặc nghiêm trọng. Bạn cần hạn chế chất xơ và chất béo, đồng thời chú trọng thực phẩm mềm, nấu chín kỹ.
  • Chế độ ăn chống viêm: để giữ cho tình trạng viêm mãn tính ở mức thấp, bạn nên tránh các thực phẩm có tính gây viêm cao, đặc biệt là thực phẩm ăn nhanh và chế biến sẵn có nhiều đường và chất béo.
  • Chế độ ăn kiêng loại bỏ: Nếu bạn mắc bệnh viêm ruột, bạn cần một chế độ ăn kiêng để cách ly các loại thực phẩm khiến các triệu chứng của bạn bùng phát. Chế độ ăn kiêng loại bỏ một số loại thực phẩm nhất định và sau đó bổ sung chúng trở lại một cách có hệ thống để bạn có thể quan sát cách ruột của mình phản ứng với chúng.

9. Những thực phẩm có thể làm nặng thêm triệu chứng viêm đại tràng

Một số thực phẩm bạn cần tránh vì chúng có thể làm triệu chứng của bạn nặng hơn:

  • Rượu bia
  • Caffein
  • Đồ uống có ga
  • Các sản phẩm từ sữa (nếu không dung nạp lactose)
  • Đậu khô, đậu Hà Lan, các loại đậu, trái cây khô hoặc quả mọng
  • Quả có cùi hoặc hạt
  • Thực phẩm có chứa lưu huỳnh hoặc sunfat 
  • Thực phẩm giàu chất xơ (bao gồm cả các sản phẩm ngũ cốc nguyên hạt)
  • Nước sốt nóng và thức ăn cay
  • Thịt 
  • Các loại hạt và bơ hạt giòn
  • Bắp rang bơ
  • Sản phẩm có chứa sorbitol (kẹo cao su và kẹo không đường)
  • Rau sống
  • Đường tinh luyện
Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết
Trợ lý AI BookingCare