Bệnh Viêm họng thường gặp? Nguyên nhân, phòng tránh và chữa viêm họng tại nhà

Sản phẩm của BookingCare
Nhóm tác giả: Thảo Hoàng,
Thảo Hoàng
Product Manager (Quản lý Sản phẩm) tại BookingCare Hơn 7 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Y tế
Phương Nguyễn,
Phương Nguyễn
Content Writer (Sáng tạo nội dung) Hơn 5 năm kinh nghiệm biên tập nội dung về Y tế, Chăm sóc sức khỏe
Dung Phan
Dung Phan
Content Writer Hơn 2 năm kinh nghiệm sáng tạo nội dung trong lĩnh vực y tế
Người kiểm duyệt: Chương Nguyễn
Chương Nguyễn
Thành viên sáng lập BookingCare 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Y tế sức khoẻ
Cố vấn y khoa: Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mai Hồng,
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mai Hồng
Nguyên Trưởng khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Bạch Mai Gần 40 năm kinh nghiệm về chuyên khoa Nội, Nội Cơ xương khớp
Bác sĩ Nguyễn Dương Nhật Thi,
Bác sĩ Nguyễn Dương Nhật Thi
Hiện là Bác sĩ chuyên khoa Chấn thương, chỉnh hình, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức Hơn 5 năm kinh nghiệm khám và điều trị Ngoại khoa
Ts.Bs. Vũ Thái Hà
Ts.Bs. Vũ Thái Hà
Trưởng khoa Khoa nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tế bào gốc - BV Da liễu Trung ương Gần 20 năm kinh nghiệm khám và điều trị
Xuất bản: 05/08/2020, Cập nhật lần cuối: 04/07/2022

Bệnh viêm họng dễ gặp phải ở cả người lớn và trẻ em, nhất là khi thời tiết thay đổi hoặc chuyển lạnh. Viêm họng cấp nên được điều trị kịp thời, dứt điểm để không dẫn đến viêm họng mãn tính, dễ gây ra các biến chứng nguy hiểm.

BookingCare là Nền tảng Y tế chăm sóc sức khỏe toàn diện hàng đầu Việt Nam kết nối người dùng với trên 200 bệnh viện - phòng khám uy tín, hơn 1,500 bác sĩ chuyên khoa giỏi và hàng nghìn dịch vụ, sản phẩm y tế chất lượng cao.
Nguyên nhân, cách phòng tránh và chữa bệnh viêm họng tại nhà
Bệnh viêm họng thường gặp? Nguyên nhân, cách phòng tránh và chữa bệnh viêm họng tại nhà - Ảnh: SKĐS

Viêm họng là bệnh lý Tai Mũi Họng rất thường gặp, có thể gặp phải ở mọi giới tính, lứa tuổi, đặc biệt là ở những người có hệ miễn dịch kém, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, người cao tuổi, người suy dinh dưỡng.

Vậy viêm họng là gì? Bệnh viêm họng là tình trạng niêm mạc cổ họng bị sưng viêm. Bệnh gồm hai giai đoạn chính là viêm họng cấp và mãn tính. Ở mỗi giai đoạn, bệnh được phân loại thành nhiều dạng Viêm họng khác nhau dựa vào triệu chứng và tổn thương lâm sàng.

Các dạng Bệnh viêm họng thường gặp và cách phân biệt

Bệnh viêm họng có nhiều dạng khác nhau. Mỗi dạng bệnh sẽ có những phương pháp điều trị riêng. Vì vậy, cần phải phân biệt được các dạng bệnh viêm họng để quá trình điều trị bệnh được tiến hành nhanh chóng và chính xác. 

1. Viêm họng cấp

Giai đoạn viêm họng cấp tính chia thành viêm họng đỏ và viêm họng trắng. Viêm họng đỏ là tình trạng niêm mạc bị nhiễm trùng cấp tính, gây ra triệu chứng cổ họng sưng viêm và xung huyết đỏ. Bệnh nhân mắc bệnh viêm họng đỏ sẽ đau họng, khó nuốt, amidan sưng to.

Viêm họng đỏ thường xuất hiện vào mùa lạnh hoặc các thời điểm giao mùa, có thể bùng phát riêng biệt hoặc đi kèm theo các bệnh lý khác như sởi, sốt phát ban, viêm amidan, viêm thanh quản,...

Viêm họng trắng là một dạng nhiễm trùng do liên cầu khuẩn. Viêm họng trắng nguy hiểm hơn viêm họng đỏ, có thể là dấu hiệu cảnh báo của các bệnh lý khác như bệnh tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm khuẩn.

Người bị viêm họng trắng có niêm mạc phủ một lớp màu trắng, xuất hiện các chấm mủ màu trắng hoặc vàng, có thể tách ra và đẩy ra khỏi cổ họng cùng với đờm, dịch nhầy.

Hình ảnh viêm họng cấp
Hình ảnh bệnh Viêm họng cấp - Ảnh: vezo.vn 

2. Viêm tai giữa mạn tính

Viêm họng mạn tính là tình trạng viêm lan rộng ở họng, thường kết hợp với các bệnh khác như viêm mũi, viêm xoang mạn tính, viêm thanh quản, khí quản, phế quản mạn tính. Bệnh viêm họng tái phát nhiều lần và càng ngày càng nặng hơn sẽ dẫn đến viêm họng mạn tính (viêm họng mãn tính). 

Bệnh nhân viêm họng mạn tính thường có cảm giác khô họng, cay, ngứa và vướng víu ở họng, nhất là khi mới thức dậy. Bệnh nhân thường ho khạc, đằng hắng để long đờm. Người có thói quen uống rượu, hút thuốc lá, nói chuyện nhiều sẽ khiến cho bệnh tình nặng hơn.

3. Viêm họng do virus liên cầu khuẩn

Viêm họng liên cầu khuẩn có những dấu hiệu đặc trưng như amidan sưng to bất thường, phủ một lớp màu vàng hoặc trắng, xuất hiện ứ mủ hoặc các đốm huyết màu đỏ trên vòm họng.

Ngoài ra, viêm họng liên khuẩn cầu có thể khiến bệnh nhân sốt cao, đau đầu, đau họng dữ dội, buồn nôn, nổi hạch và ban đỏ,... Đây là thể viêm họng nguy hiểm, cần được khám và điều trị kịp thời, nếu không rất dễ để lại biến chứng.

4. Viêm họng hạt

Viêm họng hạt còn được gọi là viêm họng mạn tính quá phát, là dấu hiệu của viêm họng mạn tính điển hình. Người bị viêm họng hạt thường có cảm giác ngứa, vướng víu ở cổ họng, phải ho hoặc đằng hắng nhẹ mới hết. Bệnh nhân thường ho khan không đờm, có khi ho tràng dài.

Viêm họng hạt có thể quan sát bằng mắt thường, thấy được sự xuất hiện của các nang lympho lớn nhỏ, dày, đứng đơn lẻ hoặc nối với nhau thành một dải màu đỏ.

Bệnh viêm họng hạt
Hình ảnh Viêm họng hạt - Ảnh: Tạp chí Đông y 

5. Viêm họng giả mạc (Viêm họng bạch hầu) 

Viêm họng giả mạc là bệnh hiếm gặp, xong vẫn có nguy cơ mắc phải. Vùng niêm mạc xuất hiện màng giả mạc với màu trắng, xám, dày, không bóc được, lan rộng xuống thanh quản, có thể gây biến chứng khó thở viêm thanh quản cấp.

Bệnh có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, xong chủ yếu là trẻ em từ 2 - 7 tuổi.

6. Viêm họng xung huyết

Viêm họng xung huyết thường xuất hiện vào các thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi thất thường khiến sức khor suy giảm, sức đề kháng yếu, hệ hô hấp bị tổn thương. Ngoài ra, bệnh dễ gặp hơn ở người mắc các bệnh suy gan, rối loạn dạ dày, ruột, rối loạn nội tiết.

Triệu chứng của viêm họng xung huyết là cay nóng họng, ngứa, ho từng cơn, cơn ho thường xuất hiện khi bắt đầu đi ngủ. Đây là dạng viêm họng nguy hiểm nên bệnh nhân cần được phát hiện sớm và điều trị đúng cách.

Xem thêm:

Nguyên nhân Bệnh Viêm họng

Bệnh viêm họng xảy ra do nhiều nguyên nhân và nhiều yếu tố thuận lợi. 60-80% bệnh viêm họng xảy ra do virus, còn lại là do vi khuẩn. Một số nguyên nhân gây viêm họng chính là:

Nhiễm trùng

Nhiễm trùng là nguyên nhân chính gây bệnh viêm họng.

  • Virus là tác nhân chính gây ra nhiễm trùng: Virus cúm, sởi, adenovirus, virus APC
  • Số ít trường hợp bị nhiễm trùng do vi khuẩn: Liên cầu khuẩn, phế cầu, các loại vi khuẩn có sẵn trong khoang miệng

Viêm họng do virus lành tính, có mức độ nhẹ, dễ thuyên giảm sau khoảng 5 ngày. Viêm họng virus có thể lây qua tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với dịch nước bọt, dịch tiết hô hấp của người bệnh. 

Viêm họng do vi khuẩn nghiêm trọng hơn viêm họng do virus, có thể gây ra các biến chứng về thận, khớp nếu không được điều trị kịp thời. Viêm họng do vi khuẩn dễ gặp ở trẻ em từ 5 - 15 tuổi, hiếm gặp ở trẻ từ 3 tuổi trở xuống. Bệnh cũng có thể lây trực tiếp giữa người với người. Phải điều trị viêm họng do vi khuẩn bằng thuốc kháng sinh.

Phân biệt Viêm họng do virus và viêm họng do vi khuẩn:

  • Viêm họng do virus khiến niêm mạc sưng, phù nề, xung huyết và đỏ nhưng không có giả mạc màu trắng.
  • Viêm họng do vi khuẩn gây đau cổ họng dữ dội, đau lan đến vùng tai kèm sốt cao, ớn lạnh, amidan và niêm mạc phủ một lớp giả mạc màu trắng.
Nguyên nhân viêm họng
Phân biệt viêm họng do vi rút và viêm họng do vi khuẩn - Ảnh: VHEA Việt Nam 

Viêm họng dị ứng

Viêm họng dị ứng còn gọi là viêm họng kích ứng, viêm họng kích thích, là tình trạng  niêm mạc họng của người bệnh bị kích thích, sưng đỏ và viêm nhiễm nặng nề do các tác nhân gây dị ứng. 

Viêm họng do dị ứng có thể khởi phát cùng nhiều bệnh khác như viêm mũi dị ứng, viêm xoang dị ứng, viêm mũi họng hoặc viêm kết mạc dị ứng. Có nhiều nguyên nhân gây dị ứng khác nhau như thay đổi thời tiết, dị ứng đồ ăn, phấn hoa, nấm mốc,... Phần lớn người bệnh mắc viêm họng dị ứng sẽ có biểu hiện ngạt mũi, hắt hơi liên tục, ho, ngứa cổ họng, thở khò khè, cổ họng khô, khản tiếng, khó phát âm,...

Viêm họng dị ứng nhẹ có thể khỏi mà không cần dùng thuốc, chỉ cần người bệnh tránh tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng. Tuy nhiên với trường hợp nặng kèm theo sốc phản vệ do dị ứng đồ ăn khiến vùng cổ họng bỏng rát, đau đớn nghiêm trọng, bệnh nhân cần được cấp cứu và xử lý ngay để tránh nguy hiểm đến tính mạng.

Các bệnh lý liên quan

Viêm họng, đặc biệt là viêm họng mạn tính có thể là hệ quả của nhiều bệnh lý khác như:

  • Viêm họng do trào ngược dạ dày thực quản: Viêm họng thông thường và viêm họng do trào ngược dạ dày bên cạnh các triệu chứng viêm họng thông thường còn đi kèm với biểu hiện khác như bụng cồn cào, buồn nôn, ăn không tiêu, chướng bụng, đầy hơi, đau tức và nóng rát ngực, nghẹn, giọng khàn,...
  • Viêm họng mạn tính do viêm xoang: Các dấu hiệu viêm họng như đau họng, khản tiếng, mất tiếng có thể là do viêm xoang cấp tính và mạn tính gây ra do bệnh lý viêm nhiễm về tai mũi họng có thể tác động và ảnh hưởng đến nhau.
  • Nhiễm HIV: Người nhiễm HIV có hệ miễn dịch suy yếu, dễ bị nhiễm trùng tái phát và vi khuẩn tấn công...
Viêm họng do trào ngược thực quản
Viêm họng do trào ngược dạ dày - Ảnh: Social Forestry

Các yếu tố bên ngoài

  • Chất kích thích, chất gây dị ứng: thuốc lá, rượu bia, đồ ăn cay nóng, hóa chất
  • Khói bụi, ô nhiễm không khí
  • Cơ thể đột ngột thay đổi nhiệt độ do sử dụng điều hòa 
  • Mùa đông, thời tiết hanh khô hoặc thời điểm giao mùa, thay đổi thời tiết

Cách phòng bệnh viêm họng

Có nhiều cách phòng tránh bệnh viêm họng, bạn đọc có thể áp dụng như:

  • Giữ ấm cổ họng, đặc biệt là vào mùa lạnh, thời điểm giao mùa
  • Rửa tay thường xuyên trước và sau khi ăn, sau khi hắt hơi, ho, sổ mũi. Sử dụng nước rửa tay sát khuẩn có chứa cồn, xà phòng và nước sạch
  •  Không hút thuốc lá, tránh khói thuốc
  • Hạn chế, tránh đến gần người bệnh và sử dụng chung đồ ăn uống, dụng cụ ăn uống, khăn lau mặt,...
  • Hạn chế sờ tay lên mặt, mũi, miệng
  • Chú ý uống nhiều nước
  • Thường xuyên vệ sinh điện thoại, bàn phím, điều khiển

Cách chữa Viêm họng tại nhà

Để bệnh viêm họng nhanh khỏi, bên cạnh việc dùng thuốc, bệnh nhân có thể áp dụng các phương pháp chữa bệnh viêm họng tại nhà.

Có rất nhiều cách chữa viêm đau họng đơn giản để bệnh nhân áp dụng, giúp giảm các triệu chứng đau rát, ngứa họng, ho khan, ho có đờm, khản tiếng. Có thể tư vấn từ xa qua Video với bác sĩ chuyên khoa để đươc hướng dẫn cụ thể. 

  • Súc miệng bằng nước muối ấm giúp ức chế vi khuẩn, virus có hại, làm dịu niêm mạc, loãng đờm, giảm ho, cải thiện tình trạng sưng đau cổ họng. Ngoài điều trị bệnh viêm họng, cách này còn giúp giảm nguy cơ lây viêm, nhiễm trùng sang amidan, V.A, thanh quản.
  • Uống đủ nước giúp giảm tình trạng khô rát họng, cân bằng chất điện giải, cung cấp đủ nước cho cơ thể làm giảm tình trạng ho khan, ho có đờm, nâng cao sức đề kháng. Bên cạnh nước lọc, người bệnh có thể lựa chọn các loại nước ép, nước trái cây, rau xanh để bổ sung chất dinh dưỡng.
  • Uống trà mật ong pha chanh là phương pháp thường được nhiều người áp dụng. Mật ong nhằm chống viêm, kháng khuẩn, nâng cao hệ miễn dịch, ngăn chặn virus và vi khuẩn có hại. Chanh có tác dụng tăng vitamin C làm loãng đờm, giảm ho, tăng cường hệ miễn dịch.
  • Sử dụng gừng tươi có tác dụng chống hàn tính, chống viêm, chống virus, ức chế nhiễm trùng, tiêu đờm, chống buồn nôn, giảm ho. Người bệnh có thể ngậm lát gừng tươi hoặc pha cùng trà mật ong.
  • Tỏi được dùng để điều trị viêm họng, tiêu đờm, tiêu nhọt, sát trùng, thường được sử dụng cho bệnh nhân mắc bệnh về đường hô hấp như cảm lạnh, ho gà,... Bệnh nhân có thể nhai và nuốt tỏi sống hoặc đem chế biến thành các món ăn hàng ngày.
  • Uống nước cam giúp cơ thể bổ sung vitamin C tốt cho cơ thể, tăng cường hệ miễn dịch, giúp đẩy lùi và giảm triệu chứng viêm họng cho bệnh nhân.
  • Húng quế thường có mặt trong các bài thuốc điều trị cảm cúm, sốt, đau răng, đồng thời, nhai húng quế thường xuyên còn giúp giảm nguy cơ mắc bệnh viêm đau họng.
  • Sử dụng hành tây xay thành nước uống hoặc chế biến với các món ăn thường ngày không chỉ giúp điều trị bệnh viêm họng mà còn ngăn ngừa được nhiều bệnh lý khác vì hành tây có tác dụng như một loại kháng sinh tự nhiên, có tác dụng chống viêm, chống oxi hóa và chống ung thư,...
  • Thay đổi chế độ ăn uống phù hợp như thêm các món ăn mềm, hạn chế món đồ khô cứng, ăn nhiều thực phẩm giàu khoáng chất, vitamin, sữa chua để tăng cường hệ miễn dịch, giảm tình trạng đau rát cổ họng; bổ sung các món ăn có tính kháng viêm, kháng khuẩn như gừng, xả, thì là;... Ngoài ra, nên hạn chế thực phẩm giàu mỡ, chất kích thích, đồ lạnh, nước có ga và caffeine.
  • Thay đổi thói quen sinh hoạt: chú ý vệ sinh răng miệng đúng cách; giữ ấm vùng cổ; tránh tiếp xúc với các tác nhân dễ gây dị ứng như phấn hoa, lông chó mèo; sử dụng máy lọc không khí, máy tạo độ ẩm khi thời tiết hanh khô; vệ sinh môi trường sống thoáng mát, sạch sẽ; sử dụng đồ dùng cá nhân riêng.

Bệnh viêm họng cấp do virus có thể tự khỏi từ 3-5 ngày. Bệnh viêm họng do vi khuẩn cần phải dùng thuốc kháng sinh để điều trị. Bệnh nhân không nên chủ quan, cần theo dõi và đi khám với bác sĩ khi cần thiết vì bệnh để lâu dễ dẫn đến tình trạng viêm họng mãn tính, khó điều trị hơn và có thể gây biến chứng như viêm mũi, viêm xoang, viêm tai giữa, các bệnh về khớp, thận và tim.

Trong những trường hợp bệnh viêm họng không quá nghiêm trọng, bệnh nhân có thể điều trị viêm họng tại nhà giúp chống viêm, giảm ho, long đờm. Tuy nhiên, với những trường hợp viêm họng kéo dài không khỏi, bệnh nhân nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn phương pháp điều trị và kê đơn thuốc phù hợp để không gặp phải tác dụng phụ.

Nếu không có thời gian đi thăm khám trực tiếp, bệnh nhân có thể hẹn lịch khám Viêm họng với bác sĩ thông qua Video để được khám, tư vấn và kê đơn thuốc điều trị, tránh để bệnh kéo dài lâu.

Khám viêm họng bác sĩ từ xa qua videocare
Bệnh nhân có thể khám, tư vấn với bác sĩ qua Video - Ảnh: Pinterest

Trên đây là những chia sẻ của BookingCare về Bệnh viêm họng thường gặp, nguyên nhân, phòng tránh và cách chữa viêm họng tại nhà. Hy vọng bài viết sẽ đem lại nhiều thông tin hữu ích cho bạn đọc.

Xem thêm:

 
 

Đặt khám dễ dàng cùng BookingCare

Sau đây là một số bác sĩ giỏi (hoặc đơn vị uy tín) chuyên Khám chữa viêm họng. Bệnh nhân có thể đặt lịch trước tại đây để đi khám và điều trị hiệu quả.

Tài liệu tham khảo
1. https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/cac-viem-hong-thuong-gap/
2. https://ihs.org.vn/chua-viem-hong-tai-nha-6598.html
3. https://medlatec.vn/tin-tuc/viem-hong-la-gi-nguyen-nhan-va-cach-dieu-tri-s195-n17712
Lưu ý khi sử dụng

Nội dung trong bài chỉ mang tính tham khảo, bệnh nhân không nên tự ý điều trị mà cần phải tham khảo thêm lời khuyên của bác sĩ. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trong các bài viết gây ra.

Đội ngũ BookingCare
Góp ý về bài viết

Chúng tôi rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến của bạn đọc và các nhà chuyên môn về nội dung bài viết này.

Danh mục cẩm nang

Nội dung chính
© 2024 BookingCare.
TiktokFacebook/Youtube/