Béo phì độ 1: nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị
Béo phì độ 1: nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị
Nhận biết và điều trị béo phì độ 1
Số người mắc béo phì độ 1 có xu hướng tăng - Ảnh: BookingCare

Béo phì độ 1: nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 24/06/2024 | Cập nhật lần cuối: 24/06/2024
Hiện nay, tình trạng mắc béo phì độ 1 có xu hướng tăng. Bệnh diễn tiến âm thầm và gây ra hàng loạt vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Cùng BookingCare tìm hiểu nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị béo phì độ 1 qua bài viết sau.

Béo phì là tình trạng tích lũy mỡ quá mức và không bình thường tại một vùng cơ thể hay toàn thân đến mức ảnh hưởng tới sức khoẻ như: bệnh tim mạch, đột quỵ, đái tháo đường,...

Béo phì độ 1 có tỷ lệ phổ biến cao trong cộng đồng hiện nay. Vậy nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị béo phì độ 1 như thế nào? Cùng BookingCare trả lời câu hỏi trên qua bài viết dưới đây.

Béo phì độ 1 là gì? 

Béo phì độ 1 là tình trạng tích tụ mỡ thừa hoặc bất thường, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Để phân loại mức độ béo phì, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thường dùng chỉ số khối cơ thể (BMI - Body Mass Index) tính bằng cách chia cân nặng (kg) cho bình phương chiều cao (mét).

Bảng Đánh giá tình trạng thừa cân, béo phì theo tiêu chuẩn của WHO áp dụng cho người Châu Á:

BMI (kg/m2) Phân loại

< 18,5

Thiếu cân

18,5 - 22,9

Bình thường

23-24,9

Thừa cân

25 - 29,9

Béo phì độ 1

≥ 30

Béo phì độ 2

Hiện nay, béo phì độ 1 và béo phì độ 2 hiện là các dạng béo phì phổ biến nhất trong cộng đồng.

Triệu chứng của béo phì độ 1

Béo phì độ 1 dễ dàng nhận biết bởi sự tích tụ và phân bổ mỡ trên cơ thể. Bên cạnh đó, một số triệu chứng khác của béo phì độ 1 thường gặp như: 

  • Thường xuyên có cảm giác đói bụng. 
  • Các vấn đề về da: rạn da, sạm da, da vùng cổ bị chảy xệ,…
  • Thị lực giảm sút, mắt nhìn mờ. 
  • Suy giãn tĩnh mạch.
  • Xuất hiện chứng ngủ ngáy.
  • Cảm giác khó thở trong thời gian dài, cơ thể mệt mỏi và trì trệ. 
  • Đau đầu gối, lưng hoặc hông. 
  • Ợ hơi khi ăn. 
  • Rối loạn kinh nguyệt, giảm ham muốn,…

Làm thế nào để chẩn đoán béo phì độ 1? 

Béo phì độ 1 thường không khó nhận biết, tuy nhiên nếu người bệnh không quan tâm và kiểm tra định kỳ sẽ dễ bỏ quên gây nhiều khó khăn trong điều trị béo phì. 

Một số tiêu chuẩn chẩn đoán béo phì độ 1 thường áp dụng trên thực hành lâm sàng như:

Tính chỉ số BMI

BMI được tính bằng trọng lượng cơ thể (kg) chia cho bình phương chiều cao (m). Một người được xem là béo phì độ 1 khi chỉ số BMI từ 25 - 29,9.

Đo chu vi vòng bụng 

Đo chu vi vòng bụng bằng cách đứng thẳng lưng, tư thế tự nhiên, hai chân rộng bằng vai. Sau đó, choàng thước dây qua đường giữa xương sườn thấp nhất và bờ trên của xương chậu.

Nếu chu vi vòng bụng của nữ từ 80cm trở lên, hoặc trên 90cm ở nam thì được xem là béo phì. 

Vòng bụng béo phì
Chu vi vòng bụng của nữ từ 80cm trở lên, hoặc trên 90cm ở nam thì được xem là béo phì - Ảnh: Canva

Công nghệ DXA 

DXA (Dual Energy X-ray Absorptiometry) sử dụng tia X ở 2 mức năng lượng khác nhau để xác định tỉ lệ mỡ và thành phần của cơ thể. Nhiều chuyên gia cho rằng DEXA là một trong những "tiêu chuẩn vàng" để đánh giá mỡ cơ thể.

Nguyên nhân gây béo phì độ 1

Béo phì được hình thành do nhiều nguyên nhân khác nhau. Một số nguyên nhân béo phì độ 1 thường gặp trên thực hành lâm sàng như:

Nguyên nhân về dinh dưỡng

Nguyên nhân dinh dưỡng của béo phì đa dạng, chủ yếu do tăng quá mức lượng năng lượng ăn vào, ăn lượng thức ăn nhiều hơn nhu cầu của cơ thể. Người ăn quá mức có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau như:

  • Thói quen của gia đình
  • Sự chủ quan của người ăn nhiều
  • Chế độ ăn “giàu” chất béo
  • Ở trẻ em: tiêu thụ quá nhiều chất ngọt làm tăng nguy cơ béo phì
  • Nuôi con bằng sữa mẹ ít hơn 3 tháng thường đi kèm với tăng nguy cơ béo phì ở trẻ em khi đến trường.

Nguyên nhân nội tiết

Một số nguyên nhân nội tiết gây béo phì độ 1 thường gặp như:

  • Tổn thương hạ đồi do chấn thương, bệnh lý ác tính, viêm nhiễm, suy sinh dục, giảm gonadotropin.
  • Hội chứng béo phì - sinh dục
  • Suy giáp
  • Cường thượng thận
  • U tụy tiết insulin
  • Hội chứng buồng trứng đa nang

Nguyên nhân do sử dụng thuốc

Một số thuốc gây béo phì độ béo phì độ 1 thường gặp trên thực hành lâm sàng như: các hormon steroide, thuốc chống trầm cảm cổ điển (3 vòng, 4 vòng, IMAO), nhóm benzodiazepine, lithium, thuốc chống loạn thần,...

Béo phì do các nguyên nhân khác

Ngoài ra, béo phì béo phì có thể do một số nguyên nhân khác như:

  • Lối sống ít vận động, hoạt động thể lực
  • Thiếu ngủ, ngủ không đủ giấc hay rối loạn giấc ngủ làm rối loạn nội tiết tố và nhịp sinh học, cơ thể nhanh đói, thèm ăn và dễ gây béo phì.
  • Bỏ hút thuốc lá. Cần chủ động phòng thừa cân, béo phì khi bỏ thuốc lá
  • Hút thuốc khi mang thai: con cái của các bà mẹ hút thuốc khi mang thai có nguy cơ gia tăng trọng lượng đáng kể về sau này.

Tùy thuộc vào nguyên nhân gây béo phì mà các bác sĩ sẽ có chiến lược điều trị riêng biệt, tuy nhiên một số trường hợp đặt biệt, béo phì có thể do nhiều nguyên nhân phối hợp gây ra.

Biến chứng của béo phì 

Béo phì độ 1 có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Một số biến chứng của béo phì độ 1 thường gặp như:  

  • Các bệnh lý tim mạch: rối loạn lipid máu, xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, bệnh tim,… 
  • Đái tháo đường tuýp 2 
  • Bệnh lý gan nhiễm mỡ, trào ngược dạ dày, sỏi mật
  • Đột quỵ 
  • Bệnh lý xương khớp: thoái hóa khớp, loãng xương,…
  • Ung thư: bao gồm ung thư cổ tử cung, ung thư buồng trứng, ung thư vú, trực tràng, ruột kết và tuyến tiền liệt…

Điều trị béo phì độ 1 như thế nào? 

Điều trị không dùng thuốc

  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý: Giảm tổng lượng năng lượng (calo) ăn vào nên là yếu tố chính của bất kỳ can thiệp giảm cân nào:
    • Bệnh nhân nên nên chia nhỏ các bữa ăn để dễ kiểm soát lượng thực phẩm nạp vào, ăn nhiều trái cây, rau củ quả xanh, ăn đa dạng các thực phẩm giàu tinh bột như: khoai tây, bánh mì, gạo, mì ống, các loại hạt,...
    • Bổ sung các loại thực phẩm giàu đạm như trứng, cá, thịt, sữa, đậu, hạn chế các thực phẩm và đồ uống có nhiều chất béo, đường,...
    • Cung cấp đầy đủ các vitamin cần thiết: vitamin tan trong dầu, kali, sắt, acid amin
    • Hạn chế số bữa ăn trong ngày (3 bữa là đủ)
    • Hạn chế ăn loại glucid hấp thu nhanh và các chất béo bão hoà, muối dưới 5g/ngày
  • Xây dựng chế độ tập luyện khoa học:
    • Nên bắt đầu với những bài tập có cường độ trung bình (chạy bộ, tập thể dục, đạp xe, aerobic,…) ít nhất 150 phút/tuần, từ 3 - 5 lần/tuần.
    • Tăng dần cường độ và số lượng bài tập, số lần tập tùy theo từng cá nhân. Nên duy trì đều đặn.
    • Hạn chế ngồi một chỗ quá lâu, nên thường xuyên vận động, đi dạo, làm việc nhà. 
  • Thay đổi lối sống bằng một số biện pháp như: duy trì giấc ngủ ngon, đủ giấc từ 6 - 8 tiếng/ngày, uống đủ nước để tránh thiếu nước và hạn chế cơn thèm ăn, thư giãn, tránh căng thẳng, stress kéo dài vì có thể làm tăng nguy cơ béo phì. Duy trì lối sống lành mạnh, năng động và khoẻ khoắn. 
Xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh
Xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh cho người béo phì độ 1 - Ảnh: Freepik

Điều trị bằng thuốc

Trong trường hợp không đạt được mục tiêu giảm cân thông qua phương pháp điều trị không dùng thuốc ở bệnh nhân có chỉ số BMI ≥ 25 kg/m2, các bác sĩ sẽ xem xét dùng thuốc điều trị béo phì độ 1.

Hai loại thuốc được phê duyệt trong điều trị béo phì bao gồm: orlistat và liraglutide 3,0 mg. Người bệnh cần thận trọng với các loại thuốc giảm cân trên thị trường, các thuốc khác hiện không được phê duyệt cho điều trị béo phì.

Điều trị bằng phẫu thuật

Trong một số trường hợp đặt biệt, bệnh thất bại với các điều trị không phẫu thuật, ở người bệnh có BMI ≥ 35 kg/m2 hay BMI≥ 30 kg/m2 và kèm bệnh lý đồng mắc liên quan béo phì.

Tùy từng trường hợp bệnh nhân, các bác sĩ sẽ lựa chọn và tư vấn phương pháp phẫu thuật phù hợp.

Một số phương pháp phẫu thuật thường gặp trên lâm sàng: phẫu thuật đặt vòng thắt dạ dày, phẫu thuật tạo hình dạ dày ống đứng, phẫu thuật nối tắt dạ dày, phẫu thuật phân lưu mật tụy, phẫu thuật đảo dòng tá tràng, phẫu thuật nối tắt dạ dày với 1 miệng nối (mini gastric bypass), phẫu thuật tạo hình dạ dày,...

Béo phì độ 1 mức độ béo phì mức độ trung bình và tỷ lệ phổ biến cao trong cộng đồng hiện nay. Bệnh diễn tiến âm thầm và gây ra hàng loạt vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như: bệnh tim mạch, đột quỵ, đái tháo đường,..

Vì vậy, nắm được nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị béo phì độ 1 được xem là phương pháp hiệu quả giúp bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình từ sớm.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết