- Xuất bản: 25/03/2024 - Cập nhật lần cuối: 25/03/2024
Có nhiều phương pháp điều trị loãng xương bằng đông y an toàn, hiệu quả - Ảnh: BookingCare
Điều trị loãng xương theo đông y an toàn, hiệu quả và đang được nhiều người áp dụng hiện nay. Cùng BookingCare tìm hiểu các phương pháp đông y điều trị loãng xương qua bài viết dưới đây.
Theo quan niệm y học cổ truyền, không có thuật ngữ tương đương với loãng xương, tuy nhiên các biểu hiện lâm sàng của loãng xương được mô tả trong phạm vi chứng hư lao, là tên gọi chung của cả ngũ lao thất thương và lục cực. Bệnh thường gặp ở phụ nữ sau mãn kinh, người già,… có thể gây ra biến chứng gãy xương.
Điều trị loãng xương theo đông y có thể kết hợp xoa bóp bấm huyệt, châm cứu, dùng thuốc đều đạt hiệu quả cao. Cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Loãng xương theo góc nhìn của đông y
Theo sách Tố vấn, thiên “âm dương ứng tượng đại luận”: Thận chủ cốt tủy, thận tàng tinh, tinh sinh tủy, tủy ở trong cốt và nuôi dưỡng cốt. Thận tinh đầy đủ sẽ nuôi dưỡng cốt tủy rắn chắc và khó gãy. Vì vậy, các bệnh lý của cốt trong cơ thể đều liên quan chủ yếu với tạng thận,... Bên cạnh đó các bệnh về cốt còn liên quan với chức năng của tạng Tỳ, Can, Tinh và Huyết.
Nguyên nhân gây loãng xương theo đông y chủ yếu là do:
Bẩm sinh không đầy đủ: khi thụ thai, do cha mẹ tuổi lớn, sức yếu, tinh huyết kém, hoặc khi mẹ mang thai không điều dưỡng giữ gìn, sự dinh dưỡng cho thai nhi kém.
Lao thương quá độ: làm việc phải đứng lâu và nhiều, gắng sức, mang nặng quá, ngồi lâu chỗ đất ẩm ướt.
Dinh dưỡng không đầy đủ: ăn uống không hợp lý khiến dinh dưỡng thiếu, tổn hại tỳ vị làm cho quá trình tiêu hóa không đạt yêu cầu, tinh huyết không hoá thành được nên xương khô, tủy kém mà sinh bệnh.
Cơ thể ở giai đoạn lão hóa, thận tinh suy giảm, can thận âm hư, sức đề kháng của cơ thể giảm sút, tà khí (phong thấp) thừa cơ xâm nhập vào cơ thể, ứ trệ ở cân làm cho khí huyết tắc trở.
Điều trị loãng xương bằng đông y
Xoa bóp bấm huyệt điều trị loãng xương
Những người bị loãng xương thường có các triệu chứng đau mỏi, sưng, nóng nhức trong xương, có khi không sưng mà vẫn đau âm ỉ. Xoa bóp bấm huyệt giúp làm giảm các triệu chứng của loãng xương, tăng cường sức mạnh cơ bắp.
Xoa bóp 2 cánh tay: hàng ngày xoa bóp 2 lần, mỗi lần 15 – 20 phút. Dùng bàn tay trái xoa, xát, bóp từ bàn tay lên cánh tay bên phải, rồi làm ngược lại. Sau đó day, ấn, bấm các huyệt: Khúc trì, Hợp cốc,…
Xoa bóp 2 chân: người bệnh ngồi duỗi hai chân. Dùng 2 tay xoa, xát nóng hai chân từ bàn chân lên cẳng chân rồi lên đùi. Sau khi xoa, xát thì chuyển sang miết, bóp từ dưới lên trên để dồn máu về tim, chỗ nào đau nhiều thì bóp nhiều cho cơ mềm mại, khí huyết lưu thông tốt hơn. Cuối cùng, day, ấn, bấm các huyệt trên cơ thể: Dương lăng tuyền, Âm lăng tuyền, Tam âm giao, Túc tam lý,…
Xoa bóp vùng lưng: Bệnh nhân ngồi thẳng người hoặc đứng thẳng, lấy hai tay vỗ vào vùng huyệt Thận du (ngang thắt lưng). Hoặc thầy thuốc/người xoa bóp tiến hành xoa bóp nhẹ nhàng vùng lưng và ấn bấm các huyệt: Thận du, Đại trường du, Can du, Tỳ du,… và các huyệt Giáp tích hai bên cột sống.
Châm cứu điều trị loãng xương
Châm cứu cũng được sử dụng rộng rãi trong điều trị loãng xương vì có tác dụng lên huyệt làm giảm đau, cải thiện tuần hoàn, giảm căng thẳng, mệt mỏi và an toàn cho người bệnh.
Đồng thời, các nghiên cứu cũng cho thấy châm cứu cải thiện vi cấu trúc xương, thúc đẩy hình thành xương, tăng cường chức năng miễn dịch và cân bằng nội môi cơ thể.
Một số huyệt được sử dụng trong châm cứu loãng xương như: Túc tam lý, Tam âm giao, thái khê, Thận du, Tỳ du, Mệnh môn, Quan Nguyên, Khí Hải, Thái Xung,… Liệu trình châm ngày 1 lần, mỗi lần từ 20 – 30 phút, liệu trình 7 – 10 ngày, có thể tiền hành nhiều liệu trình.
Ngoài châm cứu đơn thuần, có thể kết hợp châm cứu với các phương pháp khác như điện châm, ôn châm, cấy chỉ, thuỷ châm,… Cấy chỉ giúp kéo dài thời gian kích thích huyệt, giảm chi phí đi lại cho bệnh nhân. Một số huyệt cấy chỉ trong bệnh loãng xương như: Thận du, Tỳ du, Túc tam lý, Can du, Tam âm giao.
Bài thuốc điều trị loãng xương
Đông y thường sử dụng những dược liệu, món ăn bài thuốc bổ cho tạng can, tỳ, thận, nhất là những loại giàu canxi, phospho,... Ngoài ra, tùy thuộc vào từng thể bệnh và lâm sàng người bệnh mà thầy thuốc sẽ gia giảm các vị thuốc cho phù hợp.
Dưới đây là một số bài thuốc trị loãng xương mà bạn có thể tham khảo:
Bài thuốc 1 trị thể Thận hư: Bài Lục vị địa hoàng gia vị. Thành phần: thục địa 30g, hoài sơn 16g, đơn bì 14g, sơn thù 14g, phục linh 12g, trạch tả 12g, tục đoạn 12g. Sắc uống ngày 1 thang. Tác dụng bổ can thận âm, lợi gân cốt, thích hợp người loãng xương đau lưng mỏi gối, thể chất gầy đen nóng nhiệt thận âm hư,…
Bài thuốc 2 trị thể Thận dương hư: Bài Hữu quy ẩm gia giảm. Thành phần: thục địa 32g, hoài sơn 16g, sơn thù 16g, phục linh 14, trạch tả 8g, đỗ trọng 16g, thỏ ty tử 16g, lộc giác giao 16g, đương quy 14g, nhục quế 4g, phụ tử chế 4g. Tác dụng ôn bổ thận dương, mạnh gân xương, thích hợp với người loãng xương, đau lưng mỏi gối, hay bị co rút, chân không ấm.
Bài thuốc 3 trị thể Tỳ Thận dương hư: Bài Tế sinh thận khí hoàn. Thục địa 16g, Sơn thù 12g, hoài sơn 12g, bạch linh 12g, đơn bì 12g, trạch tả 12g, phụ tử 6g, quế nhục 6g, ngưu tất 12g, xa tiền tử 12g. Tác dụng ôn bổ thận dương.
Món ăn điều trị loãng xương
Ngoài việc sử dụng các bài thuốc đông y để uống, người bệnh loãng xương cũng có thể sử dụng các vị thuốc trong đông y để chế biến thành các món ăn, có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh hiệu quả.
Một số món ăn tốt cho người loãng xương như:
Cháo chim sẻ kỷ tử: chim sẻ, 20g kỷ tử, 15g đại táo, 60g gạo tẻ. Hầm thành cháo để ăn khi nóng, tác dụng giúp bổ thận, mạnh gân xương.
Cháo tang thầm kỷ tử: tang thầm 30g, kỷ tử 30g, gạo tẻ 100g. Các vị thuốc rửa sạch đem nấu với gạo thành cháo, thêm chút đường phèn, chia ăn vài lần trong ngày.
Canh xương sống hầm: tủy xương sống lợn 100g, đẳng sâm, thỏ ty tử, thục địa mỗi thứ 5g. Tủy lợn rửa sạch, các vị thuốc thái vụn, tất cả đem hấp cách thủy, thêm gia vị, ăn nóng. Tác dụng ôn thận dương, ích khí dưỡng huyết, mạnh gân cốt.
Canh tôm xương sườn: Sườn hầm nhừ, thêm chút gừng, tôm nõn, đậu hũ, hành tây, hành lá để có món canh ngon, giàu canxi.
Canh xương dê: Xương dê tươi 500g, thận dê 2 quả, ngũ vị hương, hành hoa, gừng tươi, muối, bột ngọt. Tác dụng ôn bổ thận dương, cường gân cốt, thích hợp cho người loãng xương do thận dương hư.
Thịt rùa nấu đỗ trọng: Rùa 1 con, thịt hạnh đào 30g, đỗ trọng 50g, trần bì 15g, hạt câu kỷ tử 15g, xương heo 200g, gừng, rượu vàng, gia vị. Tác dụng bổ can thận, mạnh gân xương, chữa đau nhức, tê mỏi, liệt dương, tiểu đêm.
Phòng ngừa bệnh loãng xương
Để phòng và điều trị bệnh loãng xương, người bệnh cần chủ động thay đổi lối sống lành mạnh và dinh dưỡng cân bằng, cụ thể:
Tập luyện khí công, dưỡng sinh, tập thở có thể làm giảm tốc độ huỷ xương, tăng cường sức mạnh cơ bắp, giảm nguy cơ té ngã.
Một số loại hình vận động thích hợp như đi bộ, khiêu vũ, leo cầu thang, thể dục nhịp điệu nhẹ,... cũng tốt cho người bệnh.
Nẹp thắt lưng, điều chỉnh tư thế ngồi hoặc đứng cho đúng.
Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, bổ sung các thực phẩm giàu canxi và vitamin D như sữa, sữa chua, phô mai, cải xoăn, rau lá xanh đậm, đậu hủ, cá trích, cá hồi...
Bỏ thói quen hút thuốc lá, rượu bia, cafe,... ít ra nắng.
Kiểm soát tốt các bệnh về nội tiết, bệnh đường tiêu hóa sẽ làm chậm tốc độ loãng xương.
Hạn chế sử dụng dài ngày một số thuốc chứa corticoid làm tăng khả năng mất xương.
Cân nhắc điều trị dự phòng sớm cho bệnh nhân có nguy cơ cao loãng xương.
Điều trị loãng xương theo đông y được đánh giá an toàn và cho hiệu quả cao, giúp người bệnh giảm nhanh cơn đau, thư giãn, giảm căng thẳng và lo âu và bồi bổ cơ thể, mạnh gân xương. Hy vọng bài viết cung cấp cho bạn đọc nhiều thông tin hữu ích nhất.