Nếu thấy các triệu chứng của rối loạn nhịp tim như đau tức ngực, có cảm giác ngực bị đè nén, đánh trống ngực, tim đập mạnh trong lồng ngực, choáng váng, chóng mặt, ngất xỉu,... cần sớm gặp bác sĩ thăm khám. Trong quá trình thăm khám, để phát hiện, chẩn đoán rối loạn nhịp tim bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện một số xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh như sau.
Các phương pháp giúp chẩn đoán rối loạn nhịp tim
Để chẩn đoán rối loạn nhịp tim, bác sĩ thường sẽ thăm khám lâm sàng và đặt câu hỏi về tiền sử bệnh cũng như các triệu chứng người bệnh gặp phải.
Các xét nghiệm có thể được chỉ định để xác nhận nhịp tim không đều và tìm kiếm các tình trạng, nguyên nhân có thể gây rối loạn nhịp tim, chẳng hạn như bệnh tim hoặc bệnh tuyến giáp,...
Các xét nghiệm chẩn đoán rối loạn nhịp tim có thể được chỉ định như dưới đây.
Điện tâm đồ
Trong quá trình đo điện tâm đồ, các cảm biến (điện cực) được gắn vào ngực và đôi khi ở cánh tay hoặc chân giúp ghi lại hoạt động điện học của tim.
Điện tâm đồ đo thời gian và thời lượng của từng pha điện trong nhịp tim. Sự thay đổi của xung điện được phát hiện qua điện tâm đồ có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý liên quan đến tim.
Máy theo dõi Holter
Theo dõi Holter là theo dõi liên tục và ghi lại điện tâm đồ trong 24 đến 48 giờ. Theo dõi Holter rất có giá trị trong việc chẩn đoán các rối loạn nhịp tim xuất hiện từng cơn và còn được dùng để phát hiện tăng huyết áp.
Siêu âm tim
Siêu âm tim là phương tiện quan trọng trong chẩn đoán và theo dõi điều trị nhiều bệnh tim mạch. Một thiết bị cầm tay (đầu dò) sử dụng sóng âm thanh đặt trên ngực để tạo ra hình ảnh về kích thước, cấu trúc và chuyển động của tim.
Siêu âm tim giúp chẩn đoán các bệnh tim thực thể dẫn đến hồi hộp hay loạn nhịp tim, giúp lượng định ảnh hưởng của loạn nhịp trên chức năng tim
Máy ghi điện tim cấy dưới da
Nếu có các triệu chứng rất hiếm gặp, máy ghi vòng lặp có thể được cấy dưới da ở vùng ngực để liên tục ghi lại hoạt động điện của tim và phát hiện nhịp tim không đều.
Trong trường hợp, bác sĩ không tìm thấy chứng loạn nhịp tim trong các xét nghiệm trên, bác sĩ có thể cố gắng kích hoạt chứng loạn nhịp tim bằng các xét nghiệm khác, có thể bao gồm:
Kiểm tra căng thẳng
Một số chứng loạn nhịp tim được kích hoạt hoặc trở nên trầm trọng hơn khi tập thể dục. Trong quá trình kiểm tra mức độ căng thẳng, hoạt động của tim được theo dõi khi người bệnh đạp xe tại chỗ hoặc đi bộ trên máy chạy bộ.
Nếu người bệnh gặp khó khăn trong việc tập thể dục, có thể dùng thuốc để kích thích tim theo cách tương tự như tập thể dục.
Nghiệm pháp bàn nghiêng
Bác sĩ có thể đề nghị xét nghiệm này nếu người bệnh từng bị ngất xỉu. Người bệnh được đặt nằm trên một chiếc bàn đặc biệt có thể nâng lên từ 60 đến 80 độ trong khi điều dưỡng và bác sĩ theo dõi huyết áp và nhịp tim. Người bệnh có thể được yêu cầu không ăn hoặc uống từ 2 giờ trở lên trước khi tiến hành nghiệm pháp bàn nghiêng. Chiếc bàn sau đó sẽ nghiêng như thể bạn đang đứng lên.
Nghiên cứu điện sinh lý
Trong thử nghiệm này, còn được gọi là nghiên cứu EP, bác sĩ sẽ luồn các ống (ống thông) mỏng, linh hoạt có gắn điện cực xuyên qua các mạch máu đến các khu vực khác nhau trong tim. Khi đã vào đúng vị trí, các điện cực có thể lập bản đồ sự lan truyền của các xung điện qua tim.
Rối loạn nhịp tim là sự bất thường của nhịp tim, nhịp tim có thể quá chậm, quá nhanh hoặc không đều. Điều quan trọng là cần thăm khám với bác sĩ chuyên khoa Tim mạch để phát hiện nguyên nhân, đánh giá tình trạng và có phác đồ điều trị phù hợp.