Cách chữa bệnh tiểu đường tuýp 1, tuýp 2
cách chữa bệnh tiểu đường
Cách chữa bệnh tiểu đường tuýp 1, tuýp 2 - Ảnh: BookingCare

Cách chữa bệnh tiểu đường tuýp 1, tuýp 2

Tác giả: - Xuất bản: 02/08/2023 - Cập nhật lần cuối: 03/10/2023
Tiểu đường là bệnh mãn tính, cần điều trị và sống chung với bệnh lâu dài. Nếu không kiểm soát tốt và có cách chữa tiểu đường phù hợp thì sẽ rất dễ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm, khó lường.

Tiểu đường là bệnh lý phức tạp và cần được theo dõi và thăm khám một cách cẩn thận. Cách chữa bệnh tiểu đường thường xoay quanh việc duy trì mức đường huyết ổn định thông qua các biện pháp bao gồm sử dụng thuốc hoặc insulin, thay đổi lối sống, chế độ ăn uống, tập luyện.

Dưới đây là một số phương pháp chữa trị chính cho bệnh tiểu đường:

Bài viết được cố vấn và kiểm duyệt chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Phạm Như Quỳnh.

Cách chữa bệnh tiểu đường tuýp 1

Người bệnh đái tháo đường tuýp 1 bắt buộc  sử dụng insulin ở dạng tiêm hoặc bơm tiêm tự động để ổn định lượng đường trong máu và cung cấp năng lượng cho cơ thể. Người bệnh không thể dùng insulin dưới dạng thuốc viên vì axit trong dạ dày sẽ phá hủy thuốc trước khi đi vào máu. Pháp đồ điều trị đái tháo đường tuýp 1 thường sử dụng pháp đồ 2 đến 4 mũi 1 ngày. Bác sĩ sẽ đưa ra liều lượng insulin phù hợp với từng bệnh nhân, giải thích về các loại insulin khác nhau để bệnh nhân nắm rõ.

Người bệnh cũng cần kiểm tra lượng đường trong máu thường xuyên theo hướng dẫn của bác sĩ. Giữ lượng đường trong máu càng gần mức mục tiêu càng giúp ngăn ngừa hoặc trì hoãn các biến chứng liên quan đến bệnh đái tháo đường.

Ngoài insulin, các loại thuốc có thể dùng cho bệnh nhân tiểu đường tuýp 1 là:

  • Thuốc điều trị huyết áp cao
  • Aspirin và thuốc hạ cholesterol
  • Các loại thuốc như chất ức chế alpha-glucosidase

Đối với các trường hợp đặc biệt, bác sĩ có thể chỉ định biện pháp phẫu thuật cho bệnh nhân đái tháo đường tuýp 1 là cấy ghép tụy và tế bào đảo. Biện pháp này có thể bình thường hóa nồng độ glucose và giảm nhẹ các biến chứng mạch máu nhỏ ở bệnh nhân tiểu đường. 

Ngoài ra, để kiểm soát bệnh hiệu quả, người bệnh cũng cần thay đổi lối sống:

  • Hạn chế stress, căng thẳng, ngủ đủ giấc
  • Hoạt động thể chất thường xuyên, duy trì các bài tập để thư giãn
  • Xây dựng được kế hoạch ăn uống lành mạnh để ổn định đường huyết. 

Cách chữa bệnh tiểu đường tuýp 2

Cách chữa bệnh tiểu đường tuýp 2 có thể kết hợp giữa hai yếu tố là thay đổi lối sống và dùng thuốc.

Thay đổi thói quen sinh hoạt: Ăn kiêng và tập thể dục có thể đạt được mức đường huyết mục tiêu. Giảm thêm 5-7% trọng lượng cơ thể hoặc duy trì mức cân nặng hiện tại giúp giảm, ổn định mức đường huyết. Kiểm soát khẩu phần ăn và các loại thực phẩm lành mạnh cũng là cách cải thiện sức khỏe.

Ăn uống lành mạnh: Bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 nên lập kế hoạch ăn uống dựa theo các tiêu chí: ăn ít calo hơn; cắt giảm lượng carbs tinh chế, nhất là đồ ngọt; thêm rau và trái cây vào chế độ ăn uống; thu nạp nhiều chất xơ hơn.

Tập thể dục: Bạn nên duy trì hoạt động thể chất 30-60 phút mỗi ngày như đi bộ, đạp xe, bơi lội, yoga,... Nếu người bệnh dùng thuốc giảm lượng đường trong máu cần ăn nhẹ trước khi tập.

Theo dõi lượng đường trong máu tại nhà: Tùy vào phương pháp điều trị, nếu người bệnh đang sử dụng insulin, bác sĩ sẽ sẽ đưa ra kế hoạch kiểm tra lượng đường trong máu, tần suất thực hiện kiểm tra đường huyết tại nhà.

Kết hợp sử dụng thuốc điều trị: Nếu giải pháp thay đổi lối sống không giúp người bệnh đạt được mức đường huyết mục tiêu, người bệnh có thể cần dùng thuốc.

Có 6 nhóm thuốc chính để điều trị đái tháo đường tuýp 2, mỗi nhóm có cơ chế tác dụng khác nhau, tuỳ thuộc vào từng bệnh nhân cụ thể:

  • Nhóm metformin: Đây được coi là thuốc điều trị đầu tay cho những bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2 có béo phì, thừa cân do có tác dụng chính là giảm sự đề kháng insulin, làm giảm sản xuất glucose ở gan.)
  • Các thuốc nhóm Sulfonylurea: Nhóm thuốc được dùng phổ biến nhất ở Việt Nam, có tác dụng chính là kích thích tụy tăng tiết insulin.
  • Nhóm thuốc thiazolidinediones (TZD): Thuốc làm tăng tác dụng của insulin tại các mô trong cơ thể, giúp các mô bắt giữ được glucose dễ dàng hơn.
  • Nhóm Acarbose: Thuốc ức chế men alpha glucosidase nên sẽ làm chậm quá trình hấp thu carbohydrate.
  • Nhóm các thuốc ức chế men DPP-4: Thuốc làm tăng tác dụng của các incretin.
  • Nhóm thuốc ức chế tái hấp thu glucose ở thận

Với mỗi bệnh nhân thì sẽ có lộ trình thăm khám, theo dõi, chữa bệnh tiểu đường khác nhau, bạn đọc nên chủ động thăm khám với bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn lộ trình phù hợp nhất.

NGUYÊN TẮC DINH DƯỠNG CHUNG CHO BỆNH NHÂN TIỂU ĐƯỜNG

  • Năng lượng: 30-35 kcal/kg cân năng lý tưởng
  • Protein: 15 - 20% tổng năng lượng
  • Lipid: 20 - 25% tổng năng lượng
  • Glucid: 55 - 65% tổng năng lượng
  • Chất xơ: 2 gram/1000 Kcal
  • Ăn nhiều bữa trong ngày: 4 - 6 bữa/ngày
  • Chọn thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp
  • Nên ăn đều đặn và đúng giờ
Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết