Đau bụng trên bên trái: Nguyên nhân và cách chữa trị
Đau bụng trên bên trái âm ỉ hoặc dữ dội
Đau bụng trên bên trái có thể dữ dội hoặc âm ỉ gây khó chịu cho người bệnh - Ảnh: BookingCare

Đau bụng trên bên trái: Nguyên nhân và cách chữa trị

Tác giả: - Xuất bản: 30/03/2024 - Cập nhật lần cuối: 05/04/2024
Đau bụng trên bên trái là tình trạng khó chịu và khiến người bệnh lo lắng do liên quan nhiều đến hệ tiêu hóa và cơ quan gan mật tụy. Cơn đau bụng trên bên trái có thể dữ dội, đột ngột hoặc âm ỉ kéo dài, đây có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh lý không nên chủ quan.

Vị trí vùng bụng trên bên trái gồm nhiều cơ quan như: dạ dày, một phần tụy, đoạn trên đại tràng, phần nhỏ của gan,... bởi vậy đau bụng trên bên trái có thể là triệu chứng cảnh báo bệnh lý ở một số cơ quan bộ phận này. 

Tìm hiểu kĩ hơn về tình trạng đau bụng trên bên trái qua bài viết dưới đây.

Đặc điểm đau bụng trên bên trái

Bụng trái trên rốn là vùng ở phần tư trên bên trái bụng, ngay dưới xương sườn. Các cơ quan ở vị trí này bao gồm:

  • Dạ dày
  • Lách
  • Một phần tụy
  • Phần nhỏ của gan
  • Đoạn trên đại tràng
  • Thận trái, tuyến thượng thận trái
  • Da, thần kinh

Ở vùng này, nếu triệu chứng đau bụng còn kèm theo tức ngực và khó thở, người bệnh cũng có thể gặp các vấn đề bất thường của tim hoặc phổi.

Nguyên nhân gây đau bụng trên bên trái

Một số nguyên nhân đau bụng trái phía trên có thể là dấu hiệu cảnh báo các bất thường, bệnh lý tại một số các cơ quan.

Lách

Lách là cơ quan lọc máu, phá hủy các tế bào máu già, tham gia sản xuất lympho, tăng cường hệ miễn dịch cơ thể, dự trữ máu, tiểu cầu,...

Lách nằm ở vùng bụng trái trên rốn bởi vậy tình trạng đau bụng trên bên trái có thể do một số bệnh lý của cơ quan này:

  • Phì đại lách: gặp trong các bệnh lý ung thư hạch, bệnh bạch cầu, u lympho, nhiễm trùng lách,… Cơn đau bụng trên có xu hướng mơ hồ và dần tồi tệ hơn. Người bệnh nhiễm trùng lách ngoài cơn đau nhẹ góc phần tư bên trái trên rốn còn gặp triệu chứng sốt nhẹ, đau họng từng cơn,…
  • Bệnh hồng cầu hình liềm: Đây là một bệnh lý về máu, có liên quan đến lách và gây nên tình trạng đau bụng trên bên trái
  • Chấn thương vỡ lách: Gặp sau tai nạn, có thương tổn, va chạm vùng bụng. Tình trạng này gây nên cơn đau bụng trên bên trái đột ngột, dữ dội ngay sau chấn thương.

Ruột

Góc phần tư phía trên bên trái bụng có chứa một phần ruột (dạ dày, ruột non và đoạn trên đại tràng), tình trạng đau bụng trái trên cũng do các vấn đề hoặc thương tổn của cơ quan bộ phận này:

  • Khó tiêu: Khó tiêu có thể gây tình trạng đau bụng trên trái cho người bệnh kèm theo ợ nóng và trào ngược dạ dày thực quản. Tình trạng đau bụng có thể trở nên tồi tệ hơn khi nằm vào ban đêm, đầy hơi có thể đau bụng sau khi ăn.
  • Viêm loét dạ dày: Viêm loét dạ dày thường gây đau vùng bụng giữa trên rốn (đau vùng thượng vị), tuy nhiên cũng có thể gây đau bụng trên bên phải, hoặc xuất hiện ở bụng trái trên rốn. Cơn đau bụng xuất hiện và nặng dần sau khi ăn xong và trước khi ngủ vào ban đêm.
  • Viêm dạ dày ruột: Viêm dạ dày ruột không chỉ gây mỗi cơn đau ở vùng bụng trên bên trái, bệnh gây đau khắp bụng, theo đó còn có các triệu chứng: Nôn, tiêu chảy, chuột rút,...
  • Viêm túi thừa: Viêm túi thừa thông thường gây đau ở vùng bụng dưới, đặc biệt đau bụng dưới bên trái, tuy nhiên đôi khi cơn đau có thể lan lên vùng bụng trên kèm theo tiêu chảy, sốt nhẹ, buồn nôn và nôn,...
  • Ung thư dạ dày, ung thư đại tràng trên: Khối u ác tính gây cơn đau vùng bụng trên bên trái

Zona thần kinh

Đau góc phần tư trên bên trái bụng kèm nổi phát ban đỏ trên da là dấu hiệu của bệnh zona. Cơn đau bụng thường nóng rát, dữ dội.

Trong một số trường hợp, tình trạng đau vùng bụng trên trái có thể xuất hiện trước khi phát ban. 

Thận

Các vấn đề tổn thương, bệnh lý ở thận trái sẽ thường gây đau ở thắt lưng bên trái, cơn đau lan rộng và lan đến vùng bụng trái trên.

  • Sỏi thận
  • Nhiễm trùng thận
  • Bệnh thận mạn
  • Ung thư thận

Các vấn đề về thận còn kèm theo các triệu chứng khác:

  • Tiểu rắt, tiểu buốt
  • Nước tiểu có mùi hôi, đái máu
  • Sốt
  • Cơn đau có thể từ vùng sườn lưng, hông, lan ra phía trước gây đau bụng dưới và háng.

Tuyến tụy

Tụy nằm ở vùng bụng trên bên trái, bởi vậy viêm tụy gây tình trạng đau góc phần tư trên bên trái bụng, ngoài ra ung thư tuyến tụy cũng gây nên cơn đau tại vùng này.

Cơn đau có thể bắt đầu từ từ hoặc đột ngột và lan ra sau lưng, ngoài ra còn kèm theo các triệu chứng khác:

  • Đau bụng trên, thường xảy ra sau khi ăn, đau có thể lan ra sau lưng.
  • Sốt
  • Buồn nôn, nôn
  • Chướng bụng
  • Phân có mỡ,...

Các cơ quan khác:

  • Tim, phổi: Các bệnh lý tim, phổi thường gây đau ở vùng ngực và có thể đau lan xuống vùng bụng trên. Các bệnh bao gồm: viêm phổi, viêm màng phổi, viêm màng ngoài tim, cơn đau thắt ngực,...
  • Cơn đau từ động mạch chủ bụng: Động mạch chủ mang máu từ tim đi qua giữa bụng xuống chân và nhiều bộ phận khác. Động mạch chủ có thể bị phình và rò rỉ máu, có thể gây cơn đau dữ dội vùng bụng, có thể cả lưng và ngực.
  • Cơ bụng: Nguyên nhân gây đau bụng trên có thể do căng cơ bụng trên đến từ việc tập thể dục thể thao, ho, mang vác vật nặng,...Cơn đau có xu hướng đau nhức.

Điều trị đau bụng trên bên trái

Cơn đau bụng cần được điều trị phụ thuộc nhiều vào nguyên nhân gây ra bệnh. Người bệnh có thể áp dụng các phương pháp điều trị giảm đau bụng tại nhà:

  • Sử dụng túi chườm ấm lên vùng bị đau. Uống trà gừng, mật ong ấm.
  • Sử dụng các thuốc giảm đau không kê đơn như paracetamol, NSAIDS (ibuprofen, naproxen,...). Cần được sử dụng đúng liều lượng để tránh gây hại cho sức khỏe.
  • Hạn chế các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá,...
  • Vận động nhẹ nhàng như đi bộ, tập yoga,... có thể giảm bớt tình trạng đau.

Tuy nhiên, không phải nguyên nhân đau bụng trên bên trái nào cũng có thể điều trị tại nhà mà cần được đi khám để tìm nguyên nhân và có các phương pháp điều trị phù hợp bao gồm:

  • Phương pháp điều trị ung thư: xạ trị, hóa trị, liệu pháp miễn dịch.
  • Thủ thuật, phẫu thuật để loại bỏ sỏi, loại bỏ u.
  • Sử dụng thuốc giảm đau Tylenol.
  • Sử dụng thuốc kháng virus trong bệnh zona thần kinh ở một số trường hợp để giảm nguy cơ đau dây thần kinh lâu dài.
  • Sử dụng thuốc kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn trong các bệnh nhiễm trùng như nhiễm trùng thận, viêm dạ dày ruột,...
  • Sử dụng thuốc kháng axit giúp trung hòa axit dạ dày trong bệnh loét dạ dày, khó tiêu.
  • Các thuốc ức chế bơm proton: Lansoprazole, omeprazole,... giúp giảm axit trong dạ dày.

Khi nào người bệnh đau bụng trên bên trái cần gặp bác sĩ?

Nếu cơn đau bụng trên bên trái kéo dài, tình trạng không thuyên giảm mà ngày càng nặng hơn, người bệnh cần đi khám để tìm ra nguyên nhân và có cách điều trị.

Ngoài đau bụng nặng thêm, người bệnh còn gặp các triệu chứng khác bao gồm:

  • Nôn, ho ra máu
  • Đại tiện phân đen
  • Tiểu ra máu
  • Choáng váng, mệt mỏi
  • Sốt, rét run
  • Sụt cân không rõ nguyên nhân
Đau bụng nặng hơn kèm đại tiện ra máu cần được đến gặp bác sĩ ngay - Ảnh: Freepik

Triệu chứng đau bụng trên bên trái có thể do các tổn thương, bệnh lý các cơ quan nội tạng tại vị trí vùng bụng góc phần tư trên bên trái. Hầu hết đều liên quan đến đường tiêu hóa như khó tiêu, viêm loét dạ dày, viêm tụy,..., tuy nhiên vẫn liên quan đến các cơ quan bộ phận khác như thận, phổi hoặc chấn thương,...

Khi gặp tình trạng này kéo dài, người bệnh không nên chủ quan mà cần đi khám và có phương pháp chữa trị dứt điểm.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết