Những vấn đề cần biết về đau bụng dưới nên lưu ý
Những vấn đề cần biết về đau bụng dưới nên lưu ý
Tình trạng đau nhói vùng bụng dưới do nhiều nguyên nhân
Đau bụng dưới là tình trạng đau nhói vùng bụng dưới do nhiều nguyên nhân - Ảnh: BookingCare

Những vấn đề cần biết về đau bụng dưới nên lưu ý

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 30/03/2024 | Cập nhật lần cuối: 05/04/2024
Đau bụng dưới là tình trạng đau nhói, đau quặn từng cơn hoặc đau âm ỉ kéo dài vùng dưới rốn, cơn đau có thể do nhiều nguyên nhân như viêm ruột thừa, u nang buồng trứng, đau bụng kinh, hội chứng ruột kích thích,... Tùy vào nguyên nhân, đau bụng dưới có thể đột ngột hoặc lâu dài với mức độ khác nhau.

Vùng bụng dưới bao gồm các cơ quan như ruột non, đại tràng, trực tràng, ruột thừa, đường tiết niệu, tử cung, buồng trứng,... Bởi vậy đau bụng dưới có thể cảnh báo một số dấu hiệu bệnh lý tại các cơ quan này như viêm ruột thừa gây đau bụng dưới bên phải, viêm đường tiết niệu, viêm cổ tử cung,...

Bụng dưới đau với các mức độ khác nhau, tình trạng đau có thể xảy ra cấp tính (xuất hiện đột ngột, ngắn và mạnh) hoặc mạn tính (đã xảy ra âm ỉ lâu dài). Người mắc đau bụng dưới có thể rất khó chịu, mệt mỏi và lo lắng nghiêm trọng bởi chưa biết nguyên nhân gây nên. 

Vậy các nguyên nhân dẫn đến đau bụng dưới là gì? Cách điều trị và chăm sóc người bệnh như thế nào? Khi nào người bệnh cần được đi khám? Cùng tìm hiểu các vấn đề về đau bụng dưới qua bài viết này.

Các nguyên nhân gây đau bụng dưới

Nguyên nhân gây đau bụng dưới thường liên quan đến các vấn đề ở đường tiêu hóa, tuy nhiên một số bệnh lý hệ tiết niệu cũng gây nên đau bụng dưới. Tình trạng đau bụng vùng dưới còn liên quan đến các vấn đề bệnh lý phụ khoa của nữ giới và bệnh lý nam khoa. 

Nguyên nhân đau bụng dưới liên quan đến đường tiêu hóa

  • Viêm ruột thừa
    • Viêm ruột thừa có thể xuất hiện cơn đau đột ngột hoặc âm ỉ rồi nặng dần, xuất phát từ vùng bụng trên gần rốn rồi di chuyển xuống hố chậu phải. 
    • Cơn đau bụng dưới bên phải có thể trở nặng hơn chỉ sau vài giờ và có thể kèm theo chướng bụng, chán ăn, buồn nôn hay nôn, hoặc sốt.
  • Hội chứng ruột kích thích (IBS)
    • Người mắc hội chứng ruột kích thích thường có triệu chứng đau vùng bụng dưới âm ỉ hoặc từng cơn.
    • Khiến người bệnh đầy hơi, chướng bụng, có thể kèm theo tiêu chảy hoặc táo bón. Bệnh cũng gây tình trạng co thắt dạ dày, nhu động ruột.
  • Bệnh viêm ruột (IBD) (bao gồm bệnh crohn và viêm loét đại tràng)
    • Bệnh này gây viêm mạn tính tại các khu vực khác nhau của đường tiêu hóa, từ đó có thể dẫn đến đau bụng và tiêu chảy.
    • Triệu chứng của bệnh bao gồm đau bụng dưới kèm theo đi ngoài phân nhầy máu, sụt cân không rõ nguyên nhân và mệt mỏi.
  • Táo bón mãn tính: Tình trạng táo bón khiến phân bị ứ đọng lâu ngày trong đường ruột, từ đó gây nên các cơn đau bụng dưới, táo bón cũng có thể gây đau bụng trên bên trái.
  • Viêm túi thừa: Người bệnh đột ngột xuất hiện cơn đau bụng dữ dội, kèm theo đi ngoài, sốt, buồn nôn hay nôn. Viêm túi thừa thường gây cơn đau bụng dưới bên trái.

Đau bụng dưới liên quan đến đường tiết niệu

  • Nhiễm trùng đường tiết niệu: Triệu chứng của nhiễm trùng đường tiết niệu bao gồm đau bụng dưới kèm theo đau, nóng rát khi tiểu, tiểu liên tục, nước tiểu có màu đục hoặc sẫm màu.
  • Sỏi bàng quang: Sỏi bàng quang gây triệu chứng đau bụng dưới kèm tình trạng tiểu ra máu, nước tiểu sẫm màu, đau, rát khi đi tiểu; ngoài ra còn kèm theo tiểu rắt, tiểu nhiều lần và khó tiểu.
  • Bí tiểu: Đây là tình trạng bàng quang không loại bỏ hết nước tiểu. Bí tiểu có thể không có triệu chứng hoặc gây nên cảm giác đau bụng dưới, chướng bụng, tiểu gấp, rò rỉ nước tiểu hoặc tiểu không tự chủ do bàng quang đầy.

Đau bụng dưới do các vấn đề phụ khoa ở nữ giới

  • Đau bụng kinh: Chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ có thể gây ra tình trạng đau âm ỉ hoặc đau quặn ở vùng bụng dưới của chị em phụ nữ. Cơn đau thường xuất hiện trước 1-2 ngày hoặc đến ngay trong thời gian hành kinh.
  • Lạc nội mạc tử cung:
    • Lạc nội mạc tử cung là tình trạng các tế bào nội mạc tử cung phát triển bên ngoài tử cung.
    • Triệu chứng của bệnh là đau bụng dưới, đau nặng hơn ngay trước và trong những ngày hành kinh, cơn đau cũng đến khi quan hệ tình dục. Kèm theo đó là máu chảy nhiều bất thường trong kỳ kinh nguyệt.
  • Bệnh viêm vùng chậu (PID): Viêm vùng chậu gây các cơn đau bụng dưới (thường đau nhẹ) cho chị em phụ nữ, ngoài ra còn có các triệu chứng khác như tiết dịch âm đạo bất thường, đau khi đi tiểu và quan hệ tình dục, sốt,...
  • U xơ tử cung
    • U xơ tử cung là khối u cơ trơn lành tính phát triển trong tử cung.
    • Nhiều trường hợp u xơ tử cung không có triệu chứng, nếu có, các triệu chứng bao gồm đau vùng bụng dưới, chảy máu tử cung bất thường (chảy máu giữa kỳ kinh nguyệt), khối u phát triển to hơn có thể chèn ép bàng quang gây rối loạn tiểu tiện, hoặc sờ thấy khối to ở vùng bụng dưới.
  • Ung thư cổ tử cung: 
    • Ung thư cổ tử cung khiến người bệnh xuất hiện các cơn đau âm ỉ, đôi khi dữ dội vùng bụng dưới lan ra vùng lưng dưới.
    • Ngoài ra còn có các triệu chứng như: dịch âm đạo bất thường (mùi hôi, nhầy hoặc loãng, màu sắc lạ: màu lẫn hồng của máu, xanh mủ,...), âm đạo chảy máu bất thường (chảy máu sau khi giao hợp, giữa chu kỳ kinh nguyệt,...), sụt cân bất thường,...
  • Mang thai ngoài tử cung: Các triệu chứng mang thai ngoài tử cung mà nữ giới cần cảnh giác là chảy máu âm đạo, xuất hiện các cơn đau vùng chậu (có thể âm ỉ, hoặc đau dữ dội, quặn thắt vùng bụng dưới). 
  • Viêm vòi trứng: Ngoài triệu chứng đau âm ỉ bụng dưới và đau lưng, còn một số dấu hiệu khác: kinh nguyệt không đều, tăng tiết dịch âm đạo với đặc điểm khác thường (vàng đục, tiết dịch loãng và có mùi hôi,...), sốt nhẹ, buồn nôn,...
  • U nang buồng trứng: 
    • Các triệu chứng thường gặp của u nang buồng trứng là có các cơn đau mơ hồ vùng chậu, đau lan dọc thắt lưng và đùi (các khối u nang chèn ép các cơ quan, hoặc các dây thần kinh xung quanh), đau tức vùng bụng dưới. 
    • Ngoài ra còn có các triệu chứng khác như đầy hơi, chướng bụng, đau khi quan hệ tình dục, chu kỳ kinh nguyệt thất thường,...
  • Ung thư buồng trứng: Ung thư buồng trứng cũng gây nên tình trạng khó chịu, đau tức vùng bụng dưới. Các dấu hiệu khác đi kèm: chảy máu âm đạo bất thường, tăng giảm cân không rõ nguyên nhân, khối u phát triển gây đè ép, tăng áp lực lên bàng quang khiến người bệnh rối loạn tiểu tiện,...

Đau bụng dưới do các vấn đề về nam khoa

  • Viêm tuyến tiền liệt: Các triệu chứng viêm tuyến tiền liệt còn tùy vào nguyên nhân và tiến triển của bệnh, tuy nhiên các dấu hiệu thường gặp bao gồm đau rát khi tiểu, khó tiểu, tiểu nhỏ giọt, nước tiểu đục hoặc có máu, đau bẹn, đau khi xuất tinh,... Tình trạng đau bụng dưới cũng là dấu hiệu của viêm tuyến tiền liệt nam giới cần chú ý. 
  • Xoắn tinh hoàn: Xoắn tinh hoàn khiến người bệnh đau bụng dưới đột ngột và dữ dội (điều này xảy ra do thừng tinh bị xoắn quanh tinh hoàn gây đau đớn), tinh hoàn tím, sưng to.

Phương pháp điều trị và chăm sóc đau bụng dưới tại nhà

Một số cách điều trị cơn đau bụng dưới nhẹ tại nhà có thể tham khảo:

  • Với các cơn đau bụng nhẹ, ngắn ngày với nguyên nhân có thể do đến kỳ kinh ở phụ nữ hoặc rối loạn tiêu hóa,... người bệnh có thể uống trà gừng mật ong ấm, sử dụng túi chườm ở vùng bụng có thể giảm tình trạng đau.
  • Các trường hợp đau bụng dưới nhẹ cũng có thể sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn như NSAIDS (ibuprofen, naproxen,...), paracetamol, tuy nhiên cần sử dụng đúng liều lượng quy định, tránh lạm dụng thuốc để không ảnh hưởng sức khỏe.
  • Người bệnh cần có chế độ ăn uống dinh dưỡng: đầy đủ các chất, bổ sung vitamin và khoáng chất, ăn nhiều chất xơ từ các loại rau xanh, củ quả để tránh tình trạng táo bón, rối loạn tiêu hóa. Có thể sử dụng men vi sinh (Probiotics) để bổ sung lợi khuẩn đường tiêu hóa.
  • Cần tránh sử dụng các chất kích thích như rượu bia, đồ uống chứa cồn, đồ uống có gas, thuốc lá,... có thể làm nặng thêm tình trạng đau bụng dưới.
  • Tăng cường vận động nhẹ nhàng, có thể đi bộ, tập yoga,... có thể giảm bớt các cơn đau bụng dưới.

Nếu tình trạng đau không thuyên giảm, cơn đau bụng dưới nặng hơn hoặc kéo dài dai dẳng, người bệnh cần được đi khám để tìm ra nguyên nhân và được chữa trị phù hợp.

Sử dụng túi chườm ấm có thể giúp giảm đau bụng dưới hiệu quả - Ảnh: Freepik

Khi nào cần thăm khám với bác sĩ chuyên khoa?

Khi tình trạng đau bụng dưới nặng hơn, kéo dài dai dẳng kèm theo một số triệu chứng sau, người bệnh cần được thăm khám với bác sĩ chuyên khoa để tìm ra nguyên nhân bệnh và có hướng điều trị dứt điểm phù hợp.

  • Cơn đau bụng dưới không thuyên giảm, đột ngột đau nặng và trở nên nghiêm trọng, tồi tệ hơn.
  • Khị chạm vào, bụng căng cứng lên và đau.
  • Đi ngoài ra máu hoặc có máu trong nước tiểu.
  • Bị đau kèm sốt, có thể cả buồn nôn và nôn.
  • Không thể đại tiện trong nhiều ngày.
  • Da và mắt có dấu hiệu vàng.
  • Trễ kinh, nghi ngờ có thai kèm ra máu âm đạo bất thường và đau bụng dưới.

Đau bụng dưới có thể do các nguyên nhân khác nhau gây nên, đây cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý bởi vậy không nên chủ quan khi gặp phải. Khi có triệu chứng đau bụng dưới dai dẳng không thuyên giảm, người bệnh cần đi khám để tìm ra nguyên nhân gây đau và có phương hướng chữa trị dứt điểm, phù hợp.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết
Trợ lý AI BookingCare