Đau bụng dưới bên trái: Dấu hiệu cảnh báo một số vấn đề bệnh lý cần cảnh giác
Đau bụng dưới bên trái là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý
Đau bụng dưới bên trái có thể là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý các cơ quan - Ảnh: BookingCare

Đau bụng dưới bên trái: Dấu hiệu cảnh báo một số vấn đề bệnh lý cần cảnh giác

Tác giả: - Xuất bản: 30/03/2024 - Cập nhật lần cuối: 05/04/2024
Đau bụng dưới bên trái có thể là dấu hiệu cảnh báo một số vấn đề về sức khỏe liên quan đến đại tràng, buồng trứng-vòi trứng bên trái,… Khi có dấu hiệu đau bụng dưới bên trái nặng lên, cần đi khám để tìm ra nguyên nhân và có hướng điều trị phù hợp.

Tình trạng đau bụng dưới có thể do vấn đề bệnh lý của hệ tiêu hóa, hệ tiết niệu hay sinh sản. Đặc biệt đau bụng dưới bên trái có thể là dấu hiệu cảnh báo những cơ quan tổn thương như: đại tràng xuống, đại tràng sigma, buồng trứng, ống dẫn trứng bên trái,...

Việc hiểu rõ các nguyên nhân gây nên tình trạng này, một số cách điều trị và khi nào cần tìm đến sự chăm sóc y tế có thể giúp người bệnh giảm lo lắng hơn khi gặp phải. Tìm hiểu các thông tin này qua bài viết dưới đây của BookingCare.

Đặc điểm đau bụng dưới bên trái

Ổ bụng con người chứa nhiều các cơ quan nội tạng phức tạp và quan trọng, được chia thành 4 phần: bụng dưới trái, bụng trên trái, bụng dưới phải và trên phải, có rốn là trung tâm. 

Dựa vào các tạng tương ứng với từng vị trí phân khu ổ bụng mà có thể nghi ngờ nguyên nhân đau bụng dưới bên phải hay bên trái, đau bụng trên bên phải hoặc trái.

Đau bụng dưới bên trái có thể do nguyên nhân đến từ các tạng ở bụng dưới trái bao gồm:

  • Đại tràng 
  • Ruột non
  • Phúc mạc
  • Cơ thành bụng
  • Niệu quản đoạn dưới
  • Tử cung
  • Buồng trứng

Cơn đau bụng trên bên trái có thể lan xuống và khiến người bệnh đau bụng dưới cùng bên trong một số bệnh lý như sỏi thận, nhiễm trùng đường niệu,...

Nguyên nhân gây đau bụng dưới bên trái

Cơn đau bụng dưới bên trái có thể xuất hiện đột ngột, dữ dội hoặc đó là một cơn đau mãn tính, đã xuất hiện lâu dài. Mức độ nguy hiểm của cơn đau phụ thuộc vào nguyên nhân gặp phải và tình trạng cụ thể.

Cần theo dõi tình trạng đau bụng, và khi vấn đề này kéo dài, cần được đi khám để tìm ra nguyên nhân và được điều trị.

Đau bụng dưới bên trái có thể do nhiều nguyên nhân, các nguyên nhân chung hay gặp ở cả nam và nữ thường liên quan đến đường tiêu hóa và tiết niệu. Ở nữ giới, đau bụng dưới bên trái có thể cảnh báo một số các bệnh lý phụ khoa. Hay ở nam giới, tình trạng này là dấu hiệu của các vấn đề nam khoa.

Đau bụng dưới bên trái do các vấn đề đường tiêu hóa

  • Rối loạn tiêu hóa: Sự tăng nhu động của ruột để tống các chất độc hại ra ngoài từ việc ăn uống không đảm bảo vệ sinh. Rối loạn tiêu hóa có thể  biểu hiện bằng các cơn đau bụng dưới bên trái âm ỉ, kéo dài kèm chướng bụng, đầy hơi, có thể buồn nôn hoặc nôn, tiêu chảy hoặc táo bón,...
  • Viêm túi thừa: Túi thừa khi viêm nhiễm sẽ làm các mô xung quanh sưng và phù nề. Đây là một trong những bệnh lý dẫn đến triệu chứng đau bụng dưới bên trái kèm chướng bụng, đầy hơi, buồn nôn hay nôn, chán ăn, sốt và đại tiện khó khăn.
  • Viêm loét đại tràng: Việc đại tràng xuống hay đại tràng sigma bị viêm, tổn thương gây đau bụng dưới bên trái. Triệu chứng là đau bụng dưới bên trái âm ỉ hoặc đôi lúc đau quặn từng cơn, có cảm giác mót rặn, đi ngoài phân lỏng và có thể có máu trong phân, chán ăn, mệt mỏi,...
  • Hội chứng ruột kích thích (IBS): Sự rối loạn chức năng  đường tiêu hóa (rối loạn tương tác não-ruột) có thể gây triệu chứng đau bụng dưới trái âm ỉ hay từng cơn kèm chướng bụng, đầy hơi, nhiều trường hợp kèm theo cả tình trạng tiêu chảy hoặc táo bón.
  • Bệnh viêm ruột (IBD) ((bao gồm bệnh crohn và viêm loét đại tràng): Tình trạng viêm mạn tính các vị trí khác nhau của đường tiêu hóa. Bệnh  gây nên tình trạng đau bụng dưới bên trái, kèm tiêu chảy, đi ngoài phân nhầy máu, mệt mỏi, chán ăn và sụt cân không rõ nguyên nhân.
  • Ung thư đại tràng: Các tế bào ác tính phát triển mạnh, hình thành khối u trong đại tràng, gây đau đớn và tắc nghẽn đường ruột. Bệnh có các triệu chứng đau vùng bụng dưới trái hoặc phải, thay đổi thói quen đại tiện, có thể có tiêu chảy hoặc táo bón kèm máu lẫn trong phân, mệt mỏi, chán ăn, sụt cân không rõ nguyên nhân,...

Đau bụng dưới bên trái do đường tiết niệu

Đường tiết niệu bao gồm thận, niệu quản, niệu đạo, bàng quang, tình trạng đau bụng dưới bên trái có thể liên quan đến bệnh lý hay tổn thương các cơ quan kể trên phía bên trái:

  • Sỏi thận, sỏi tiết niệu trái: Khi sỏi di chuyển trong niệu quản có thể gây cơn đau quặn thận dữ dội, cơn đau lan ra sau lưng và xuống bộ phận sinh dục. Nếu sỏi kẹt ở đoạn niệu quản dưới trái có thể dẫn đến đau bụng dưới bên trái dữ dội kèm mót tiểu, tiểu buốt, tiểu rắt hoặc có thể lẫn máu.
  • Tắc nghẽn niệu quản trái: Niệu quản trái bị tắc nghẽn do quá hẹp, dị dạng, sỏi,... giảm khả năng nước tiểu đi đến bàng quang, gây ứ đọng, tắc nghẽn và có thể gây nên triệu chứng đau bụng dưới trái (với tắc nghẽn niệu quản trái).
  • Nhiễm khuẩn đường niệu: Sự xâm nhập của vi khuẩn vào đường tiết niệu từ đường tiêu hóa, máu hay nhiễm khuẩn ngược dòng gây nên nhiễm khuẩn tiết niệu. Đau tức lưng hoặc bụng dưới, tiểu rắt, rát hay buốt sau khi đi tiểu, có thể có sốt, rét run,... là những triệu chứng của bệnh.
  • Viêm bàng quang: Viêm bàng quang thường xuất hiện ở nữ giới nhiều hơn nam do đường niệu đạo của nữ ngắn hơn. Bệnh lý này gây nên đau bụng dưới bên trái, tiểu buốt, tiểu rắt, cảm giác bỏng rát sau khi tiểu, có thể sốt nhẹ hoặc vừa,...

Đau bụng dưới bên trái do các vấn đề phụ khoa ở nữ giới

  • Mang thai ngoài tử cung: Trứng được thụ tinh và phát triển trong ống dẫn trứng, khi tăng kích thước có thể vỡ, gây đau bụng dưới bên trái dữ dội (trong ống dẫn trứng trái), chảy máu âm đạo.
  • Lạc nội mạc tử cung: Khi niêm mạc tử cung lạc ra ngoài tử cung và phát triển ở các cơ quan khác như buồng trứng trái có thể là nguyên nhân gây nên cơn đau bụng dưới trái mãn tính, chảy máu âm đạo bất thường, đau khi quan hệ,...
  • U nang buồng trứng trái: Đây là khối u lành tính hay ác tính phát triển trong buồng trứng trái. Khi u phát triển to ra có thể gây tăng kích thước bụng dưới trái, đau bụng dưới bên trái, chu kỳ kinh nguyệt thất thường,...
  • Viêm phần phụ:
    • Phần phụ bao gồm buồng trứng hay vòi trứng… là bệnh lý phụ khoa phổ biến ở nữ giới độ tuổi 20 - 40 tuổi. 
    • Triệu chứng là cơn đau bụng dưới bên trái âm ỉ (viêm nhiễm xảy ra ở bên trái), đau tăng khi ấn tay vào vùng bụng này, vận động mạnh hay khi quan hệ tình dục, ngoài ra còn có khí hư màu sắc thất thường, rối loạn kinh nguyệt,...
  • Ung thư hệ thống sinh sản: Khối u ác tính phát triển trong tử cung, buồng trứng hay ống dẫn trứng có thể gây ra các cơn đau bụng dưới bên trái (khi có khối u bên trái), có thể xuất huyết âm đạo bất thường, sụt cân không rõ nguyên nhân,...

Đau bụng dưới bên trái do các bệnh lý nam khoa

  • Thoát vị bẹn trái: Tình trạng ruột, mạc nối,... chui qua các lỗ tự nhiên ở bẹn phát triển vào vùng bẹn. Dấu hiệu bao gồm đau bụng dưới bên trái, buồn nôn, nôn kèm theo vùng bẹn sưng, căng,...
  • Xoắn tinh hoàn bên trái: Đây là một tình trạng cấp cứu do dây chằng tinh hoàn bị xoắn, ngăn dòng máu đến bìu. Đau bụng dưới đột ngột và dữ dội, có thể buồn nôn hay nôn, tinh hoàn bị sưng và đỏ,...
Mang thai ngoài tử cung có thể gây đau bụng trái bên dưới dữ dội - Ảnh: Freepik

Điều trị đau bụng dưới bên trái

Với các cơn đau bụng dưới bên trái nhẹ hoặc cơn đau chỉ mới xuất hiện nhưng không quá dữ dội, người bệnh có thể áp dụng một số cách sau:

  • Với các cơn đau bụng dưới bên trái nhẹ, ngắn ngày, người bệnh có thể theo dõi thêm hoặc tùy vào nguyên nhân mà có thể uống trà gừng hay mật ong ấm, sử dụng túi chườm ấm để lên vùng bị đau.
  • Nên nằm, ngồi ở tư thế thoải mái nhất, có gối đỡ.
  • Có thể sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn như paracetamol, NSAIDS (ibuprofen, naproxen,...). Các thuốc cần được sử dụng đúng liều lượng quy định để tránh ảnh hưởng tới sức khỏe.
  • Vệ sinh thân thể sạch sẽ, vùng kín cần được vệ sinh hàng ngày để phòng tránh viêm nhiễm.
  • Có chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng: chất xơ, chất khoáng, vitamin từ các loại rau xanh, củ quả. Hạn chế các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá,... có thể nặng thêm tình trạng đau bụng.
  • Vận động nhẹ nhàng, đi bộ, tập yoga,... giảm bớt đau bụng dưới bên trái.

Tình trạng đau không thuyên giảm, đau nặng hơn hoặc âm ỉ kéo dài, có thể kèm theo một số triệu chứng khác, người bệnh cần đi khám để tìm ra nguyên nhân và điều trị phù hợp.

Khi nào người bệnh đau bụng dưới bên trái cần gặp bác sĩ?

Tình trạng đau bụng dưới bên trái nặng dần hơn và kéo dài dai dẳng kèm theo một số triệu chứng bao gồm:

  • Cơn đau bụng dưới bên trái không đỡ, đau đột ngột nặng lên và tồi tệ hơn.
  • Đại tiện phân lẫn máu hoặc có máu trong nước tiểu.
  • Bụng căng cứng và đau khi chạm vào.
  • Trễ kinh, nghi ngờ có thai và ra máu âm đạo bất thường.
  • Đau kèm sốt, buồn nôn và nôn.

Người bệnh cần được thăm khám ngay với bác sĩ chuyên khoa và chăm sóc y tế để tìm ra nguyên nhân và có hướng điều trị dứt điểm phù hợp.

Đau bụng dưới bên trái có thể do vấn đề từ hệ tiêu hóa, tiết niệu hay sinh sản, nguyên nhân gây nên đau có thể từ bệnh lý nghiêm trọng như mang thai ngoài tử cung, viêm loét đại tràng,... bởi vậy người bệnh không nên chủ quan. Cần đi khám để tìm ra nguyên nhân và được chữa trị đúng cách.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết