- Xuất bản: 01/03/2024 - Cập nhật lần cuối: 05/04/2024
Đau bụng, khó chịu sau ăn là triệu chứng hay gặp ở tình trạng khó tiêu, trào ngược dạ dày thực quản - Ảnh: BookingCare
Khó tiêu, ăn quá nhiều, trào ngược dạ dày thực quản và sỏi mật là một số nguyên nhân phổ biến gây đau bụng sau khi ăn. Phần lớn đau bụng sau ăn không đáng lo ngại, tuy nhiên bạn nên trao đổi với các bác sĩ khi kèm thêm các triệu chứng nghiêm trọng như: vàng da, nôn mửa nặng, sốt,...
Đau bụng sau khi ăn là một tình trạng phổ biến và có khả năng tự khỏi. Thông thường đau bụng sau khi ăn đi kèm với cảm giác đầy hơi, tiêu chảy, điều này có thể xảy ra khi bạn ăn quá nhiều, ăn đồ chưa chín hoặc bị ô nhiễm.
Tuy nhiên, nếu đau bụng không thuyên giảm dù đã thay đổi lối sống và chế độ ăn uống, có thể là dấu hiệu của một số vấn đề sức khỏe tiềm ẩn khác.
Do đó, trong bài viết dưới đây, BookingCare sẽ cung cấp thông tin về nguyên nhân và lời khuyên về việc cần tới thăm khám bác sĩ khi gặp tình trạng đau bụng sau khi ăn.
Đau bụng sau khi ăn là gì?
Đau bụng sau khi ăn có nghĩa là khi vừa ăn xong thì vùng bụng xuất hiện những cơn đau. Vị trí cơn đau có thể khu trú nhưđau bụng dưới bên trái hay phải,… và tính chất cường độ đau có thể âm ỉ hay quằn quại, dữ dội,…
Bản thân cơn đau thường có mối liên quan chặt chẽ với thực phẩm và chế độ ăn uống, sức khỏe đường tiêu hóa cũng như tinh thần và các bệnh mãn tính.
Các triệu chứng thường gặp kèm theo đau bụng sau ăn có thể gặp bao gồm:
Ợ nóng, ợ hơi, ợ chua
Buồn nôn hoặc/ và nôn
Táo bón hoặc/ và tiêu chảy
Đầy hơi
Vàng da…
Tùy thuộc vào nguyên nhân, cơn đau sau bữa ăn và các triệu chứng liên quan có thể rất nghiêm trọng và kéo dài trong nhiều phút.
Nguyên nhân gây đau bụng sau ăn
Đau bụng sau khi ăn có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, từ ăn quá nhiều đến viêm tụy hoặc viêm dạ dày. Sau đây là một số lý do phổ biến dẫn đến đau sau khi ăn.
Ăn quá nhiều hoặc quá nhanh
Ăn quá nhiều hoặc quá nhanh là hai trong số những nguyên nhân chính gây đau bụng sau bữa ăn.
Ăn quá nhiều khiến dạ dày phải căng ra để nhường chỗ cho thức ăn dư thừa, điều này có thể gây khó chịu hoặc gây đau.
Ăn quá nhanh có thể khiến bạn nuốt thêm không khí, gây đầy hơi và chướng bụng.
Khó tiêu
Ngoài đau bụng khó tiêu gây ra cảm giác no sớm trong bữa ăn, đầy hơi, buồn nôn. Khó tiêu thường gặp trong trường hợp sau:
Uống quá nhiều cà phê hoặc rượu
Ăn quá nhanh hoặc quá nhiều
Ăn nhiều thực phẩm cay nóng, dầu mỡ hoặc thực phẩm chứa nhiều axit (cam, chanh )...
Trào ngược dạ dày thực quản
Trào ngược dạ dày thực quản (GERD) là một tình trạng sức khỏe trong đó axit trào ngược từ dạ dày ngược lên thực quản, ống dẫn đến miệng. GERD gây ra:
Ợ nóng, ợ hơi, ợ chua
Đau khó chịu khi nuốt
Có vị chua ở cổ họng hoặc miệng.
Axit có thể làm hỏng thực quản, vì vậy tốt nhất bạn nên trao đổi với bác sĩ nếu bạn thường xuyên bị trào ngược.
Hội chứng ruột kích thích
Hội chứng ruột kích thích (IBS) là một tình trạng sức khỏe khiến người bệnh bị đau bụng dai dẳng. Ngoài đau bụng sau ăn IBS còn gây đau bụng dưới, giữa và trên của bụng.
Tùy thuộc vào từng người, sự khó chịu có thể được mô tả chính xác hơn là đầy hơi, nóng rát, chướng bụng, đầy bụng hoặc đau nhói. Thức ăn, stress căng thẳng, táo bón và tiêu chảy đều là những nguyên nhân có thể gây ra tình trạng này.
Sỏi mật
Sỏi mật là những cặn nhỏ, cứng, giống như tinh thể, có thể hình thành trong túi mật hoặc ống mật. Sỏi mật đôi khi gây đau sau khi ăn, đặc biệt nếu bữa ăn nhiều quá no hoặc nhiều chất béo.
Điều quan trọng là phải kiểm tra loại đau này. Nếu túi mật của bạn bị viêm, nó có thể nghiêm trọng và cần phẫu thuật. Hãy đến gặp bác sĩ khi thấy cơn đau có dấu hiệu sau:
Ngoài ra khi bị sỏi mật có thể gặp triệu chứng khác như buồn nôn hoặc nôn.
Viêm tụy
Viêm tụy có thể gây đau sau khi ăn. Nó thường bắt đầu ở vùng bụng trên và lan ra phía sau. Ngoài buồn nôn và nôn là hai triệu chứng điển hình thì có thể gặp phải một số triệu chứng khác như:
Đau bụng dữ dội
Tim đập nhanh
Vàng da hoặc vàng lòng trắng mắt.
Bất kỳ một trong những dấu hiệu này có thể báo hiệu bạn bị nhiễm trùng hoặc tắc nghẽn nguy hiểm ở tuyến tụy, túi mật hoặc ống tụy.
Một số nguyên nhân khác
Không dung nạp thực phẩm và dị ứng thực phẩm
Loét dạ dày tá tràng
Thiếu máu cục bộ đường ruột
Ung thư dạ dày hoặc thực quản…
Khi nào đau bụng sau ăn cần thăm khám bác sĩ?
Đau bụng sau khi ăn do ăn quá nhiều hoặc khó tiêu không quá nghiêm trọng và có thể được điều trị bằng thuốc không kê đơn và biện pháp khắc phục tại nhà. Tuy nhiên, cơn đau dai dẳng kèm theo các triệu chứng khác dường như không thuyên giảm có thể là điều đáng lo ngại.
Cần thăm khám bác sĩ nếu bạn bị đau dữ dội cùng với bất kỳ triệu chứng nào sau đây:
Sốt
Vàng da
Ớn lạnh
Nhịp tim nhanh
Nôn mửa nặng
Phân có máu
Sụt cân không rõ nguyên do.
Tóm lại có khá nhiều nguyên nhân khác nhau có thể gây đau sau ăn điển hình hơn cả là khó tiêu, GERD, sỏi mật và viêm tụy. Nếu cơn đau xuất hiện thường xuyên với mức độ nặng hoặc kèm theo một trong các triệu chứng người bệnh cần được bác sĩ thăm khám đánh giá để điều trị kịp thời.