Bệnh lang ben: Dấu hiệu nhận biết và cách trị hiệu quả
Bệnh lang ben: Dấu hiệu nhận biết và cách trị hiệu quả
Bệnh lang ben
Bệnh lang ben: Dấu hiệu nhận biết và cách trị hiệu quả - Ảnh: BookingCare

Bệnh lang ben: Dấu hiệu nhận biết và cách trị hiệu quả

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 22/09/2023 | Cập nhật lần cuối: 28/12/2023
Lang ben (Lang beng) là bệnh da liễu dễ gặp phải ở mọi lứa tuổi. Lang ben có thể xuất hiện ở nhiều vị trí trên cơ thể. Lang ben trên mặt, tay và chân khiến người bệnh thường xuyên mặc cảm, mất tự tin.

Nấm da lang ben gặp nhiều ở lứa tuổi thanh thiếu niên. Nếu không điều trị lang ben sớm, bệnh không chỉ ảnh hưởng đến diện mạo của bệnh nhân mà còn dễ lây lan sang người khác thông qua tiếp xúc trực tiếp, đặc biệt là những người trong gia đình.

Nấm lang ben là bệnh gì?

Nấm da lang ben là một trong các bệnh lý da liễu thường gặp bị gây ra bởi Malassezia furfur hay còn gọi là Pityrosporum orbiculare (một loại nấm gây bệnh ở lớp sừng).

Bệnh lang ben dễ thấy ở các nước nhiệt đới, khí hậu nóng ẩm như ở nước ta. Bệnh gặp nhiều ở thanh thiếu niên, tuy nhiên cũng có thể gặp ở trẻ em và một số trường hợp được báo cáo gặp ở trẻ nhũ nhi.

Dấu hiệu nhận biết lang ben

Bệnh lang ben có những triệu chứng điển hình như sau:

  • Tổn thương ban đầu thường nhỏ, rái rác, sau đó các dát này lan rộng dần lên và liên kết với nhau thành các mảng lớn, có hình tròn, ovan hoặc hình đa cung.
  • Trên vùng da tổn thương có vảy da nhỏ, mịn, khi cạo vảy dễ bong và lớp thượng bì ở dưới bình thường (dấu hiệu vỏ bào)
  • Màu tổn thương hay gặp nhất là màu nâu (tăng sắc tố) và nâu vàng (giảm sắc tố); thỉnh thoảng có hiện tượng viêm nhẹ (màu hồng).
  • Bệnh lang ben không ngứa hay ngứa ít, nhưng khi ra nắng, đổ mồ hôi thì thường gây ngứa nhiều theo kiểu châm chích.

Tổn thương xuất hiện ở bất có thể xuất hiện ở bất kì vị trí nào trên cơ thể, tuy nhiên thường gặp nhất là ở vùng da tiết bã như cổ, ngực, lưng và hai cánh tay. Thậm chí, lang ben trên mặt có thể xuất hiện khiến bệnh nhân mất tự tin.

Lang ben ở người lớn thường gặp ở phần trên của thân mình, ít gặp ở vùng mặt và nếp gấp, trong khi đó lang ben ở trẻ em thường gặp ở vùng mặt.

Sự phân bố của lang ben có thể ảnh hưởng bởi nhu cầu dinh dưỡng của nấm men. Nấm dễ phát triển ở vùng da sản xuất và tiết nhiều bã nhờn. Vì vậy lang ben ít gặp ở người già và trẻ em vì ở lứa tuổi này sự sản xuất bã ít hơn.

Nguyên nhân nấm da lang ben

Nguyên nhân chính gây nên nấm lang ben trên da là nấm malassezia furfur. Nấm M.furfur phát triển trên da, tác động vào lớp biểu bì làm sắc tố dưới da thay đổi, tạo nên các vùng da giảm hoặc mất sắc tố.

Ở người mắc bệnh lang ben, vùng da bị bệnh thường trắng hơn vùng da xung quanh.

Những người sau đây có nguy cơ cao mắc lang ben:

  • Sống ở nơi thời tiết nóng ẩm

  • Người hay ra nhiều mồ hôi

  • Người có da tăng tiết dầu

  • Người suy giảm miễn dịch (HIV, trẻ em sau mắc cúm, sởi…)

  • Thay đổi nội tiết đặc biệt ở tuổi dậy thì, mang thai hoặc sử dụng nội tiết thay thế.

  • Giữ gìn vệ sinh cá nhân kém

Lang ben ở mặt
Lang ben ở mặt khiến nhiều người mất tự tin - Ảnh: Pinterest 

Xét nghiệm chẩn đoán lang ben

Để chẩn đoán lang ben, ngoài quan sát các tổn thương trên da còn có một số cách phổ biến khác như:

  • Soi đèn Wood cho thấy vùng giảm sắc tố do nhiễm nấm và huỳnh quang màu vàng sáng.
  • Soi trực tiếp vảy da với dung dịch KOH 20%.

Ngoài ra, lang ben rất dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Cần phân biệt các bệnh lý này để có cách điều trị phù hợp.

Tên bệnh Nguyên nhân Triệu chứng
Lang ben

Nấm malassezia furfur

Các mảng da khác màu

Bề mặt có vảy mịn, cạo như vảy phấn

Vị trí thường gặp: cổ, ngực, lưng, cánh tay

Không ngứa, hoặc ít ngứa, ngứa tăng lên khi ra nắng, đổ mồ hôi

Hắc lào

Nấm dermatophytoses, Microsporum

Đốm da màu đỏ, mụn nước ở rìa, trung tâm có xu hướng lành

Thương tổn hình đồng xu (còn gọi là lác đồng tiền)

Vị trí: mông, bẹn, nách

Ngứa cả khi bình thường, tăng lên đặc biệt khi đổ mồ hôi.

Bệnh vảy phấn hồng Gibert

Chưa xác định rõ nguyên nhân

Dát màu hồng có vảy phấn

Tổn thương có các gờ cao xung quanh và trung tâm có xu hướng lành 

Vị trí thường gặp: vùng mạn sườn, thân mình 

Chàm khô

Di truyền

Thời tiết

Thức ăn

Hóa mỹ phẩm

Da khô rát, nứt nẻ

Các dát giảm sắc tố, hình tròn hoặc oval phân bố rải rác ở mặt hoặc thân mình. Trên nền da khô nứt nẻ.

Bạch biến

Nguyên nhân chưa xác định rõ ràng

Sự giảm số lượng và chất lượng của các tế bào sắc tố da ở vùng da bị bệnh

Dát, mảng trắng, giới hạn rõ, mất sắc tố da

Vùng da bệnh không bị teo, không đóng vảy, không mất cảm giác

Bệnh giang mai

Xoắn khuẩn giang mai (Treponema pallidum)

Tổn thương là dát trắng, đen loang lổ

Sẩn giang mai nhiều hình thái đa dạng

Sẩn phì đại thường hay gặp ở hậu môn và sinh dục

Sưng hạch ngoại vi nhưng không đau

Rụng tóc kiểu rừng thưa

Bệnh lang ben
Lang ben dễ nhầm lẫn với các bệnh về da khác nên cần chẩn đoán phân biệt - Ảnh: vhea.org

Cách điều trị lang beng

Bệnh lang ben có thể điều trị được và không khó điều trị nhưng hay bị tái phát đặc biệt là ở những người có cơ địa da dầu, thành phần hóa học của mồ hôi bị thay đổi.

Phương pháp điều trị nấm lang ben phụ thuộc vào tình trạng và mức độ nhiễm nấm. Bệnh nhân có thể điều trị bằng điều trị bằng thuốc sử dụng tại chỗ và thuốc toàn thân hoặc kết hợp cả 2.

Thuốc điều trị lang ben tại chỗ sử dụng cho những trường hợp tổn thương mới, ít và khu trú. Thuốc điều trị lang ben toàn thân dùng trong những trường hợp tổn thương trên diện rộng, mức độ tổn thương nặng hoặc những trường hợp không đáp ứng với thuốc sử dụng tại chỗ.

Những dấu hiệu bệnh ít thấy rõ trước 3-4 tuần điều trị, sự phục hồi của sắc tố da sẽ xảy ra từ từ sau nhiều tuần khi da được tiếp xúc với ánh nắng.

Điều trị lang ben không khó nhưng bệnh hay tái phát, xu hướng tiến triển mạn tính, gây ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý và chất lượng cuộc sống. Việc dùng thuốc chống nấm tràn lan, thiếu kiểm soát và không theo chỉ định của bác sỹ hoặc bệnh nhân tự ý bỏ thuốc, đổi thuốc khi chưa kết thúc liệu trình dẫn đến tình trạng vi nấm kháng thuốc và điều trị thất bại.

Điều trị và sống chung với lang ben hiệu quả tại nhà

Ngoài việc sử dụng thuốc trị lang ben, bệnh nhân cần lưu ý trong quá trình điều trị:

  • Tắm rửa, vệ sinh sạch sẽ hàng ngày đặc biệt là sau các hoạt động đổ nhiều mồ hôi. Bôi kem dưỡng ẩm và làm mềm da.
  • Bôi kem dưỡng ẩm và làm mềm da
  • Hạn chế vận động ra nhiều mồ hôi
  • Tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng và nhiệt độ cao
  • Sử dụng thuốc điều trị theo đúng chỉ định của bác sĩ. Báo với bác sĩ ngay nếu trong quá trình sử dụng thuốc có biểu hiện của tác dụng phụ, không tự ý xử lý khi chưa có chỉ định của bác sĩ điều trị.
  • Xây dựng chế độ sinh hoạt nghỉ ngơi hợp lý
  • Không dùng chung đồ đạc với người khác để tránh lây bệnh
  • Đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng cho cơ thể đặc biệt là các vitamin và kẽm.
  • Nên mặc áo quần thoáng, tắm rửa và thay áo quần mỗi ngày nhất là vào mùa nóng.

Lang ben không tác động nhiều đến sức khỏe của người bệnh nhưng lại ảnh hưởng tới thẩm mỹ, đặc biệt là lang ben ở mặt khiến người bệnh luôn cảm thấy tự ti trong giao tiếp và công việc hàng ngày.

Không chỉ vậy, nấm lang ben dễ lây lan từ người này sang người khác thông qua tiếp xúc trực tiếp hoặc dùng chung đồ vật. Vì vậy, nên điều trị nấm lang ben càng sớm càng tốt.

Do lang ben dễ nhầm lẫn với các bệnh về da khác, bệnh nhân không nên tự ý mua thuốc điều trị mà cần tham khảo và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ Da liễu.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết
Trợ lý AI BookingCare