Viêm nang lông: Dấu hiệu, nguyên nhân, cách điều trị
Viêm nang lông: Dấu hiệu, nguyên nhân, cách điều trị
Viêm nang lông
Viêm nang lông gây ngứa ngáy, đau rát và mất thẩm mỹ - Ảnh: BookingCare

Viêm nang lông: Dấu hiệu, nguyên nhân, cách điều trị

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 20/09/2023 | Cập nhật lần cuối: 28/12/2023
Viêm nang lông không phải bệnh lý nguy hiểm nhưng gây ra ngứa ngáy và mất thẩm mỹ, khiến người bệnh mất tự tin trong cuộc sống hàng ngày, đặc biệt là gây mất tự tin cho các chị em phụ nữ. Hãy cùng BookingCare tìm hiểu viêm nang lông để biết cách điều trị và phòng tránh hiệu bệnh hiệu quả.

Viêm nang lông là bệnh lý Da liễu khá phổ biến. Bệnh có thể gặp ở bất kỳ lứa tuổi nào, nhất là thanh thiếu niên và người trẻ. 

Viêm nang lông thường diễn ra dai dẳng, hay tái phát do những yếu tố thuận lợi như môi trường ô nhiễm, nóng và ẩm.

Viêm nang lông là gì?

Viêm nang lông là tình trạng viêm hoặc nhiễm trùng xảy ra ở một hoặc nhiều nang lông bất kỳ (trừ vùng lòng bàn tay và bàn chân).

Viêm nang lông gây ra tình trạng ngứa ngáy, đau nhức, khó chịu kèm theo mất thẩm mỹ. Nếu không được điều trị kịp thời, viêm nang lông sẽ phát triển thành nhọt, cụm nhọt, đinh râu gây đau nhức và có thể dẫn đến tình trạng nhiễm trùng lan rộng. Dẫn đến mất tự tin đặc biệt là đối với các bạn nữ trẻ.

Triệu chứng viêm nang lông

Làm sao để biết bị viêm nang lông? Nhìn chung, viêm nang lông có các dấu hiệu như: 

  • Mụn đầu trắng hoặc đầu đỏ, mụn nhỏ mọc xung quanh nang lông
  • Mụn nước có mủ
  • Vùng da viêm bị ngứa, xuất hiện sẩn, mụn mủ, các vết trợt.

Ngoài ra, viêm nang lông ở những vị trí khác nhau có thể có những triệu chứng khác nhau.

  • Viêm nang lông trên mặt gây ra mụn viêm đỏ, nằm rải rác hoặc kết thành từng đám. Tình trạng này rất dai dẳng, khó điều trị và dễ tái phát.
  • Râu là nơi dễ bị viêm nang lông nhất trên vùng mặt. Viêm nang lông trên vùng mặt thường không để lại sẹo nhưng có thể để lại vết thâm. Nếu bị viêm nặng sẽ gây nhiễm trùng sâu, áp xe hoặc mụn nhọt, khi bị áp xe gây tổn thương sâu sẽ để lại sẹo sau khi khỏi bệnh
  • Viêm nang lông trên da đầu còn được gọi là viêm chân tóc hay viêm nang tóc, thường gặp ở đối tượng có da đầu dầu, làm việc trong môi trường nóng ẩm và ô nhiễm. Gây ra những vết viêm đỏ ở dọc đường chân tóc. Các nốt viêm có mủ, vỡ ra tạo thành các vết thương đóng vảy màu vàng hoặc nâu. Viêm da đầu mãn tính còn có thể gây ra các triệu chứng như suy nhược thần kinh, suy giảm trí nhớ,...
  • Viêm nang lông vùng kín gây ra những  mụn đỏ nhỏ hoặc khối sưng lớn, để lâu sẽ biến chứng thành áp xe, mụn nhọt. 
  • Ngoài ra các vị trí viêm nang lông thường gặp và gây mất tự tin ở các bạn nữ: viêm nang lông vùng lưng, viêm nang lông vùng cánh tay…

Nguyên nhân gây viêm nang lông

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến viêm nang lông, trong đó nguyên nhân chủ yếu là do nhiễm vi khuẩn tụ cầu vàng và trực khuẩn mủ xanh. Ngoài ra, viêm nang lông có thể xảy ra do nấm, virus tấn công vào nang lông gây viêm hoặc các thuốc hoặc mỹ phẩm gây kích ứng,...

Viêm nang lông ở những vị trí khác nhau có thể có nguyên nhân khác nhau. Những vị trí như lòng bàn tay, bàn chân, niêm mạc, môi không có nang lông nên sẽ không bị viêm nang lông.

Viêm nang lông trên mặt: Nguyên nhân gây ra viêm nang lông trên mặt thường là mụn trứng cá bội nhiễm, nhiễm tụ cầu vàng, vi trùng gram âm,....

Viêm nang lông trên đầu: Đầu là vùng có mật độ nang lông dày nhất. Viêm nang lông da đầu (viêm chân tóc, viêm nang tóc) chủ yếu xảy ra do do nhiễm vi khuẩn tụ cầu vàng, vi khuẩn gram âm hoặc nấm Trichophyton.

Bệnh phổ biến ở người thường xuyên hoạt động trong môi trường ô nhiễm, nóng ẩm, người có da đầu nhiều dầu, gội đầu quá nhiều, sử dụng thuốc ức chế miễn dịch trong thời gian dài, mắc các bệnh lý lao, suy thận mạn tính, đái tháo đường, suy giảm miễn dịch,...

Viêm nang lông vùng kín: Bệnh xảy ra do một số thói quen hàng ngày như tẩy lông, vệ sinh vùng kín chưa sạch sẽ, mặc quần lót chật, mặc đồ ẩm ướt,...

Ngoài ra, một số nguyên nhân khác gây ra viêm nang lông vùng kín gồm cơ địa, dị ứng sản phẩm làm sạch và chăm sóc da,...

Viêm nang lông ở lưng: Vùng lưng có thể mắc viêm nang lông nếu vệ sinh không sạch sẽ, ma sát nhiều với quần áo có chất liệu thô cứng, không thấm hút,...

Viêm nang lông chân: Viêm nang lông ở chân có thể xảy ra do tẩy lông, cạo lông không đúng cách, nhiễm trùng, nấm sợi,...

Viêm nang lông vùng kín
Viêm nang lông vùng kín khiến nhiều người mất tự tin - Ảnh: Vinmec 

Những ai dễ bị viêm nang lông?

Viêm nang lông có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, mọi giới tính, đặc biệt là những đối tượng sau:

  • mụn trứng cá, viêm da
  • Điều trị mụn trứng cá dài hạn bằng kháng sinh, steroid
  • Béo phì, thừa cân
  • Mắc các bệnh lý mạn tính, bệnh làm suy giảm hệ miễn dịch như đái tháo đường, HIV/AIDS,...
  • Thường xuyên mặc trang phục chật, bó, chất liệu thô ráp, không thấm hút
  • Thường xuyên cạo lông, tẩy lông, cạo râu tóc, nhất là nam giới
  • Vệ sinh cơ thể chưa sạch sẽ
  • Sử dụng các sản phẩm gây kích ứng, không phù hợp với tình trạng da: sữa tắm, dầu gội, mỹ phẩm…

Chẩn đoán viêm nang lông

Chẩn đoán viêm nang lông chủ yếu dựa vào chẩn đoán lâm sàng. Sau đó, để làm rõ nguyên nhân gây viêm nang lông, bác sĩ có thể chỉ định cận lâm sàng như nuôi cấy vi khuẩn hoặc soi nấm trực tiếp nhuộm mực Parker.

Viêm nang lông có thể xuất hiện những dấu hiệu nhầm lẫn với nhọt và sẩn ngứa. Bạn đọc cần lưu ý:

  • Nhọt: là tình trạng viêm cấp tính nang lông và tổ chức xung quanh. Thương tổn là sẩn đỏ ở nang lông, sưng, nóng. Bệnh nhân đau nhức nhiều, nhất là trẻ em. Sau vài ngày tiến triển, thương tổn hóa mủ ở giữa tạo thành ngòi mủ.
  • Sẩn ngứa: tổn thương là sẩn chắc, nổi cao trên mặt da, màu nâu hoặc màu da bình thường, vị trí ở ngoài nang lông, gây ngứa.

Điều trị viêm nang lông

Sau khi xác định được nguyên nhân gây bệnh và tình trạng bệnh, người bệnh sẽ áp dụng những phương pháp điều trị viêm nang lông phù hợp.

Chăm sóc tại nhà

Viêm nang lông nhẹ và được phát hiện sớm có thể điều trị tại nhà bằng các biện pháp đơn giản để giảm triệu chứng viêm ngứa, ngăn viêm nhiễm lan rộng hơn và tăng khả năng phục hồi da.

  • Sử dụng kháng sinh không kê đơn dạng bôi, uống
  • Chườm khăn ấm để giảm cảm giác khó chịu
  • Vệ sinh sạch sẽ vùng da bị viêm, sau đó lau khô bằng khăn sạch
  • Không dùng chung vật dụng, quần áo với người khác để tránh lây lan

Đi khám Da liễu

Nếu bệnh không thuyên giảm và có dấu hiệu viêm nhiễm lan rộng hơn thì bệnh nhân nên đi khám với bác sĩ Da liễu để có phương án điều trị phù hợp.

  • Dùng thuốc: Bác sĩ có thể kê đơn thuốc cho bệnh nhân gồm kem dưỡng da, kháng sinh bôi tại chỗ trong trường hợp nhiễm trùng nhẹ.. Trong trường hợp nhiễm trùng nặng, bệnh nhân sẽ được cho dùng  kháng sinh đường uống phối hợp.
  • Viêm nang lông do nấm cần dùng kem bôi hoặc dầu gội trị nấm. Trong trường hợp này, thuốc kháng sinh không có tác dụng điều trị.
  • Tiểu phẫu: Trường hợp viêm nặng gây ra mụn nhọt, bệnh nhân cần phải làm tiểu phẫu, rạch 1 đường nhỏ để dẫn lưu mủ.
  • Laser: Khi các phương pháp khác không đem lại hiệu quả, bệnh nhân có thể áp dụng phương pháp triệt lông bằng laser giúp loại bỏ nhiễm trùng. Phương pháp này có tác dụng lâu dài nhưng khá tốn kém và cần kiên trì điều trị.

Phòng tránh viêm nang lông

Để phòng tránh tình trạng viêm nang lông, mọi người cần lưu ý:

  • Mặc quần áo vừa vặn, khô ráo, chất liệu mềm mại, thấm hút tốt
  • Lưu ý khi tẩy lông, cạo râu: Làm sạch da trước và sau khi cạo râu, dùng khăn lau mát-xa hình tròn trước khi cạo, cạo theo hướng mọc của lông, dùng dao cạo riêng, sắc và sạch sẽ
  • Dùng riêng các vật dụng hàng ngày như khăn, quần áo, dao cạo
  • Vệ sinh toàn thân sạch sẽ, tắm rửa sạch sẽ hàng ngày, đặc biệt là sau khi vận động mạnh, ra mồ hôi
  • Không tự ý nặn mụn nhọt
  • Không sử dụng các sản phẩm khiến da đổ nhiều dầu vì dầu có thể gây bít tắc lỗ chân lông
Phòng bệnh viêm nang lông
Vệ sinh da sạch sẽ giúp đề phòng viêm nang lông - Ảnh: Pixabay 

Như vậy, trên đây là những thông tin về dấu hiệu, nguyên nhân, cách điều trị và phòng tránh viêm nang lông. Hy vọng bài viết đã đem lại những thông tin hữu ích, thiết thực cho bạn đọc.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết