- Xuất bản: 20/07/2023 - Cập nhật lần cuối: 04/10/2023
Tổng hợp thông tin về đau lưng bên phải - Ảnh: BookingCare
Nguyên nhân của đau lưng bên phải có thể rất đa dạng, từ những chấn thương do tai nạn hoặc hoạt động thể chất, đến các vấn đề liên quan đến cột sống lưng, cơ bắp, hoặc các cơ quanh khớp.
Bên cạnh đau lưng bên trái thì đau lưng bên phải là một tình trạng cơ xương khớp phổ biến mà rất nhiều người phải chịu đựng mỗi ngày. Đây là một tình trạng mà vùng lưng bên phải của cơ thể gặp khó khăn, gây ra cảm giác đau nhức hoặc khó chịu.
Cùng BookingCare tìm hiểu chi tiết về những cơn đau lưng bên phải để biết nguyên nhân cũng như tìm ra được những phương pháp điều trị hiệu quả.
Bài viết được cố vấn và kiểm duyệt chuyên môn bởi TS.BS Cơ xương khớp Hoàng Ngọc Sơn.
Triệu chứng của đau lưng bên phải
Đau lưng bên phải là tình trạng đau nhức âm ỉ xuất hiện ở vùng thắt lưng gần eo, gần dưới mông hoặc bả vai bên phải.
Cơn đau thường đến và đi nhanh chóng nhưng cũng có trường hợp kéo dài dai dẳng rồi lan rộng sang các vị trí khác bởi có sự liên kết của hệ thống dây thần kinh trong cơ thể. Điều này khiến người bệnh luôn có cảm giác khó chịu, phiền toái, nhất là khi cử động hoặc cúi gập người.
Ngoài ra, tình trạng đau lưng bên phải còn có thể kèm theo một số triệu chứng nghiêm trọng khác, người bệnh cần nhanh chóng đi khám để được kiểm soát kịp thời:
Nước tiểu đục, hoặc có máu, …
Cảm thấy đau buốt khi tiểu tiện.
Phân có máu hoặc nhầy mũi.
Nôn mửa.
Chu kỳ kinh nguyệt không đều.
Đau vùng kín.
Cơn đau dữ dội khiến cơ thể mất khả năng vận động.
Nguyên nhân của đau lưng bên phải
So với đau lưng bên trái thì nguyên nhân gây đau lưng bên phải đa dạng hơn, không chỉ là biểu hiện của bệnh lý cơ xương khớp mà còn có thể là các bệnh về hệ tiết niệu, sản phụ khoa, nam khoa.
Các bệnh về cơ lưng hoặc cột sống:
Thoát vị đĩa đệm: Do lão hóa hoặc hao mòn tự nhiên khiến các chất nhầy ở trong trung tâm đĩa đệm cột sống thoát ra ngoài, sau đó chèn vào các dây thần kinh hoặc ống sống gây ra những cơn đau thắt lưng, đau lưng bên phải.
Thoái hóa cột sống: Bệnh liên quan đến quá trình lão hóa của cơ thể, làm gia tăng áp lực lên các bộ phận xung quanh cột sống như: đĩa đệm, sụn khớp, dây thần kinh… gây đau thắt lưng bên phải, có thể lan xuống hông và hai chân.
Đau lưng bên phải còn là biểu hiện của bệnh: đau thần kinh tọa, dây chằng bị căng quá mức hoặc bị rách, đau dây thần kinh liên sườn…
Bệnh về hệ tiết niệu: hàng đầu phải kể tới các bệnh lý sỏi thân và sỏi niệu quản, mức độ khác nhau: sỏi đơn thuần: đau, tiểu buốt và rắt,…. nặng hơn có thể: tiểu máu, bí tiểu,... Biến chứng nặng hơn nữa là nhiễm trùng hệ tiết niệu: đái mủ, nhiễm trùng toàn thân,… và suy thận.
Bệnh viêm ruột thừa: Viêm ruột thừa đặc biệt là thể ruột thừa sau manh tràng… Ngoài ra có thể gặp áp xe ruột thừa,...
Ở phụ nữ đau lưng bên phải có thể là do:
Lạc nội mạc tử cung: Là tình trạng mô tử cung phát triển bên ngoài tử cung ở buồng trứng phải và ống dẫn trứng, nó gây kích thích cơ quan và mô xung quanh gây ra đau lưng dưới gần mông bên phải.
Mang thai: Đau lưng 2 bên trái, phải là hiện tượng phổ biến trong suốt thai kỳ.
Ở nam giới xoắn tinh hoàn cũng gây đau lưng phải do thừng tinh bị xoắn lại, dẫn đến lượng máu đến tinh hoàn bị giảm nghiêm trọng hoặc thậm chí bị mất hẳn dẫn tới hoại tử tinh hoàn.
Đau lưng bên phải không chỉ là hậu quả của những bệnh lý. Trên thực tế có rất nhiều người không mắc phải bệnh lý nào dẫn đến đau lưng nhưng vẫn gặp phải những cơn đau lưng và đau lưng bên phải do các thói quen và chế độ sinh hoạt chưa phù hợp như:
Thường xuyên vác vật nặng ở bên phải, ngồi lâu, ngồi nhiều, nằm ngủ sai tư thế, thức khuya… khiến nguy cơ tổn thương cột sống tăng cao.
Do lão hóa tự nhiên: sự bào mòn, thoái hóa theo thời gian của các cơ xương khớp khi tuổi cao khiến tình trạng đau lưng diễn ra thường xuyên hơn.
Do chấn thương, tai nạn: Những va đập, tác động mạnh lên vùng lưng bên phải, cột sống cũng là nguyên nhân khiến tình trạng này xảy ra.
Xét nghiệm chẩn đoán đau lưng bên phải
Trên thực tế, nếu đau lưng bên phải do mang thai hay chấn thương,… ở mức độ nhẹ thì sau vài ngày đến một tuần sẽ tự khỏi và có thể được kiểm soát tạm thời bằng cách chườm đá. Tuy nhiên, với các trường hợp đau lưng bên phải nặng hơn do có khối u cột sống, nhiễm trùng thận,… mà người bệnh chủ quan không chữa trị sớm thì hậu quả sẽ rất nghiêm trọng.
Do vậy, điều quan trọng là phải xác định được nguyên nhân dẫn đến cơn đau lưng bên phải. Dưới đây là một số xét nghiệm chẩn đoán đau lưng bên phải phổ biến:
Chụp X-quang/ MRI/ CT: nhằm mục đích kiểm tra sự liên kết của xương và phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường ở mô, cơ, dây chằng, dây thần kinh, mạch máu, xương…
Đo mật độ xương: Kỹ thuật này sử dụng tia X để đo mật độ xương nhằm kiểm tra xem bệnh nhân có mắc chứng loãng xương ở cột sống ngực hay không, vì đây là nguyên nhân khá phổ biến gây nên những cơn đau thắt lưng bên phải.
Ngoài ra, tùy vào triệu chứng cụ thể, bác sĩ có thể yêu cầu các xét nghiệm chẩn đoán khác như xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm sinh hóa, hoặc xét nghiệm chức năng thần kinh,...
Phương pháp điều trị đau lưng bên phải
Sau khi bác sĩ thực hiện các bài kiểm tra thể chất và kiểm tra hình ảnh để xác định nguyên nhân, có thể đưa ra chỉ định điều trị như sau:
Uống hoặc tiêm thuốc giảm đau, chống viêm, giãn cơ kê đơn.
Vật lý trị liệu đối với trường hợp căng cứng cơ bắp hoặc thoái hóa cột sống. Đặc biệt hiệu quả là phương pháp nắn chỉnh cột sống theo phương pháp Judo (Nhật bản) hoặc Chiropratic (Mỹ),... với các trường hợp đau cấp tính do căng cứng cơ.
Phẫu thuật đối với trường hợp bị hẹp tủy sống, thoái hóa đĩa đệm…
Điều trị chuyên biệt đối với trường hợp bị các bệnh lý khác như sỏi thận, xơ gan…
Chăm sóc đau lưng bên phải hiệu quả tại nhà
Với những cơn đau lưng phải cấp tính, do các chấn thương nhẹ, bạn đọc có thể áp dụng những phương pháp chăm sóc tại nhà như sau:
Nghỉ ngơi sau các hoạt động gắng sức, xoa bóp giúp giảm áp lực lên cột sống, tuy nhiên tránh nằm hay ngồi một tư thế quá lâu.
Chườm ấm có thể giúp thư giãn cơ lưng cột sống và dây thần kinh hỗ trợ lưu thông máu. Hoặc chườm lạnh có thể giúp giảm sưng đối với các cơn đau do chấn thương.
Bệnh nhân có thể sử dụng các loại thuốc giảm đau không kê đơn (OTC) như thuốc chống viêm không steroid (NSAID) để làm giảm sự khó chịu từ cơn đau.
Sống chung với bệnh đau lưng bên phải
Đau lưng bên phải có thể được quản lý và điều trị hiệu quả thông qua sự kết hợp giữa các phương pháp chăm sóc tại nhà, thay đổi lối sống và tư vấn y tế. Việc tập luyện thể dục và nằm, ngồi đúng cách cũng như sử dụng các phương pháp giảm đau an toàn có thể giúp cải thiện tình trạng lưng. Cụ thể:
Giữ tư thế vận động đúng cách để không gây áp lực lớn lên cột sống. Nếu mang vác vật nặng cần thực hiện một cách từ từ, tránh đột ngột. Với những người có đặc thù công việc phải ngồi nhiều như dân văn phòng cần lưu ý ngồi đúng cách, tránh ngồi lâu một tư thế.
Vận động cơ thể với cường độ phù hợp giúp máu lưu thông tốt hơn, gia tăng sức chịu đựng và sự linh hoạt của cơ xương khớp. Yoga là một phương pháp giúp phòng ngừa đau lưng bên phải hiệu quả mà bạn nên thử.
Có chế độ ăn uống khoa học, giàu dinh dưỡng. Ưu tiên bổ sung các thực phẩm như rau xanh, trái cây tươi, thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất và canxi giúp hệ xương khớp chắc khỏe, đồng thời đẩy lùi nhiều bệnh lý nguy hiểm. Tránh dùng các chất kích thích như rượu, bia và thuốc lá.
Như vậy, trên đây là những thông tin về cơn đau lưng bên phải. Ngoài đau lưng bên phải, bạn đọc có thể tìm hiểu thêm về đau lưng nói chung hoặc đau lưng bên trái hoặc đau lưng giữa trong những bài viết tiếp theo của BookingCare.