- Xuất bản: 19/07/2023 - Cập nhật lần cuối: 14/10/2023
Đau lưng bên trái: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị, chăm sóc tại nhà - Ảnh: BookingCare
Cùng tìm hiểu thông tin cần biết về triệu chứng đau lưng bên trái cùng những phương pháp chăm sóc tại nhà hiệu quả.
Đau lưng bên trái là hiện tượng thường gặp khi đau lưng và có thể xảy ra với bất cứ ai. Vị trí đau có thể xuất hiện ở dưới bả vai lưng trái, đau thắt lưng trái, đau nửa lưng bên trái với mức độ từ âm ỉ đến dữ dội.
Cùng BookingCare tìm hiểu chi tiết hơn về đau lưng bên trái cùng những nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị để có cách xử trí phù hợp khi bạn hoặc người thân không may gặp phải tình trạng này.
Bài viết được cố vấn và kiểm duyệt nội dung bởi TS.BS Cơ xương khớp Hoàng Ngọc Sơn.
Triệu chứng đau lưng bên trái
Đau lưng bên trái là cảm giác đau vùng lưng dưới bên trái của cơ thể. Các loại đau lưng ở vị trí này rất đa dạng như đau nhói, đau buốt, đau châm chích. Tương tự, cường độ và tần suất đau thắt lưng bên trái ở mỗi người bệnh cũng khác nhau. Những điều này phụ thuộc lớn vào tình trạng sức khỏe, khả năng của cơ xương khớp và các bệnh nền khác.
Đau lưng bên trái có thể xảy ra ở nhiều vị trí khác nhau và mỗi một phần sẽ liên quan tới các bệnh lý khác nhau. Có thể thấy các cơn đau thường gặp tại:
Đau lưng bên trái có thể xảy ra đột ngột và thường chỉ kéo dài trong một thời gian ngắn (cơn đau cấp tính). Loại đau này thường do chấn thương, chẳng hạn như bị ngã. Những cơn đau kéo dài hơn (cơn đau mãn tính) thường bắt nguồn từ tình trạng sức khỏe lâu dài, chẳng hạn như viêm khớp, thoát vị đĩa đệm, đau thần kinh tọa,...
Theo PGS.BS Nguyễn Trọng Nghĩa (Nguyên giảng viên Đại học Y Dược TP.HCM), đau thắt lưng bên trái có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý về cột sống hoặc phủ tạng như:
Thoát vị đĩa đệm vùng thắt lưng: Là tình trạng nhân nhầy thoát ra khỏi đĩa đệm và bao xơ, chèn ép lên hệ thống thần kinh và dây chằng cạnh cột sống và gây ra các cơn đau nhức âm ỉ, đặc biệt tại vùng thắt lưng bên trái.
Đau thần kinh tọa: Khi dây thần kinh tọa bên trái bị tổn thương sẽ gây ra các cơn đau bắt đầu từ vùng thắt lưng, lan xuống các chi, chạy dọc theo đường đi của dây thần kinh tọa.
Gai cột sống thắt lưng: Là tình trạng các mỏm gai xương thừa mọc ở rìa cột sống hoặc dây chằng vùng thắt lưng, gây ra các cơn đau nhức âm ỉ cả vùng thắt lưng bên trái và phải.
Thoái hóa cột sống thắt lưng: Đặc trưng của bệnh là tình trạng các đốt sống thắt lưng bị thoái hóa, bào mòn, cọ xát với dây thần kinh và gây đau lưng trái âm ỉ.
Bệnh về thận: Bệnh sỏi thận, viêm cầu thận hay suy thận… gây ra các cơn đau buốt từ lưng, bụng xuống cơ quan sinh dục, kèm theo triệu chứng mệt mỏi, buồn tiểu liên tục.
Hội chứng ruột kích thích: Gây ra các cơn đau bụng dưới lan tỏa ra cả vùng thắt lưng bên trái kèm theo các dấu hiệu khác như đầy hơi, khó tiêu, tiêu chảy/táo bón.
Bệnh phụ khoa: Phụ nữ mắc u nang buồng trứng, viêm cổ tử cung… thường bị các cơn đau bụng dưới, đau lan tỏa ra vùng lưng giữa hoặc vùng thắt lưng bên trái, kèm theo chứng rối loạn kinh nguyệt.
Xét nghiệm chẩn đoán đau lưng bên trái
Tương tự xét nghiệm chẩn đoán đau lưng, để xác định nguyên nhân dẫn tới đau lưng bên trái, bác sĩ cơ xương khớp sau khi khám lâm sàng, kiểm tra vùng lưng kết hợp sờ nắn các vị trí gây đau thì có thể chỉ định một số phương pháp như sau:
Chụp X-quang có thể giúp xác định xem các đốt sống có bị lệch hoặc cho thấy các tổn thương xương và mô khác hay không.
Chụp cắt lớp vi tính (CT) Scan hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI): Chụp CT xác định các vấn đề với đĩa đệm, dây chằng và cơ ở lưng.
Một số xét nghiệm máu, nước tiểu,... khác có thể được tiến hành để xác định nguyên nhân gốc rễ, xem nhiễm trùng có thể góp phần gây ra cơn đau ở lưng trái hay không?
Phương pháp điều trị đau lưng bên trái
Tình trạng đau sau lưng bên trái có thể xảy ra ở bất kỳ ai, nó không chỉ gây cảm giác khó chịu cho người bệnh, mà còn dễ chuyển biến thành mãn tính, ảnh hưởng đến sinh hoạt và công việc hàng ngày.
Đặc biệt, nếu cơn đau lưng trái là dấu hiệu của những bệnh như sỏi thận, nhiễm trùng thận, viêm tụy, lạc nội mạc tử cung, u xơ tử cung… mà không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm.
Cách điều trị ưu tiên với những cơn đau lưng bên trái vẫn là điều trị nội khoa, vật lý trị liệu, tránh can thiệp, xâm lấn.
Giảm đau với đau một bên cột sống cấp tính hiệu quả nhất là sử dụng phương pháp nắn chỉnh cột sống theo phương pháp Judo của Nhật Bản hoặc Chiropractic của Mỹ. Điều chỉnh lại cột sống về đúng tư thế chuẩn mất 3 - 5 buổi, các triệu chứng đau sẽ biến mất mà không cần sử dụng thuốc.
Các loại thuốc chống viêm không steroid (NSAID) được sử dụng để giảm đau và viêm.
Các loại thuốc giãn cơ giúp giảm đau và co thắt cơ
Các loại kem, thuốc xịt, miếng dán và gel giúp giảm đau tạm thời và cứng khớp
Vật lý trị liệu: Bên cạnh các bài tập thì có thể ứng dụng các phương pháp siêu âm, kích thích điện và xoa bóp để giảm đau
Nếu các phương pháp điều trị không xâm lấn không làm giảm đau lưng thì lúc này bác sĩ sĩ cân nhắc đến phẫu thuật. Loại phẫu thuật sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân cơ bản của cơn đau. Cần lưu ý phẫu thuật là xâm lấn nặng nề cần đến bác sĩ chuyên khoa ở cơ sở tin tưởng, chỉ định mổ cũng như áp dụng phương pháp nào cần hết sức thận trọng.
Chăm sóc đau lưng bên trái hiệu quả tại nhà
Hạn chế hoạt động nặng và nghỉ ngơi trong thời gian đau lưng. Tuy nhiên, không nên nằm yên trong thời gian dài, hãy thực hiện những động tác giãn cơ đơn giản để giữ cho cơ thể linh hoạt.
Tránh đứng hay ngồi một tư thế trong thời gian quá lâu
Chườm túi lạnh vào vùng đau trong 10–15 phút, hai lần một ngày
Massage nhẹ nhàng vùng lưng có thể giúp giảm đau và thư giãn cơ bắp.
Thuốc giảm đau: có thể sử dụng thuốc giảm đau không cần kê đơn như paracetamol hoặc ibuprofen để giảm đi đau và viêm.
Điều chỉnh tư thế ngủ
Mang giày thoải mái với bộ đệm gót chắc chắn
Sống chung với đau lưng bên trái
Những cơn đau lưng trái cấp tính có thể nhanh chóng chấm dứt nếu bạn đọc tuân thủ điều trị và chăm sóc đúng cách tuy nhiên những cơn đau mãn tính thì khác. Dưới đây lầ một số lưu ý để bạn đọc có thể sống chung với cơn đau lưng bên trái:
Điều chỉnh hoạt động hàng ngày: Hãy tránh những hoạt động có thể làm tổn thương vùng lưng, đặc biệt là kéo, nâng nặng hoặc quẹo vùng lưng. Giảm tình trạng đặt áp lực lớn thường xuyên lên cột sống và vùng xương thắt lưng.
Tập trung duy trì và tăng cường sức khỏe cơ lưng bằng cách tập thể dục. Thực hiện những bài tập giãn cơ và tăng cường cơ bụng để giữ cho vùng lưng linh hoạt và ổn định.
Luôn giữ tư thế thẳng, phụ nữ hạn chế đi giày cao gót giúp tạo sự ổn định cho vùng lưng
Không nên nằm hoặc ngồi quá lâu, điều này sẽ khiến cơ lưng bị yếu đi, trì trệ
Duy trì bữa ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, đặc biệt cần bổ sung thực phẩm giàu omega-3, canxi, rau màu xanh đậm, trái cây. Hạn chế nội tạng động vật, thực phẩm nhiều dầu mỡ, rượu bia, thuốc lá…
Hy vọng bài viết đã phần nào giải đáp thắc mắc và mang đến những thông tin hữu ích về đau lưng bên trái cho bạn đọc.