Đau quặn bụng dưới: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị tại nhà

Tác giả: - Xuất bản: 04/06/2024 - Cập nhật lần cuối: 07/06/2024
Đau quặn bụng dưới
Đau quặn bụng dưới có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau - Ảnh: BookingCare
Đau quặn bụng dưới là tình trạng đau nhói, đau quặn từng cơn vùng dưới rốn, mức độ cơn đau có thể từ nhẹ đến nặng. Vậy nguyên nhân đau quặn bụng dưới là gì? Triệu chứng và cách điều trị thế nào. Cùng BookingCare tìm hiểu qua bài viết sau đây.

Vùng bụng dưới bao gồm các cơ quan như: ruột non, đại tràng, trực tràng, ruột thừa, đường tiết niệu, tử cung, buồng trứng,... Đau quặn bụng dưới là tình trạng đau quặn từng cơn, xảy ra ở vùng bụng dưới rốn, mức độ cơn đau có thể khác nhau tùy vào nguyên gây bệnh. Các cơn đau có thể lan sang các vị trí khác của cơ thể như hông, lưng.

Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tùy thuộc vào nguyên nhân mà đau quặn bụng dưới có thể gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.

Triệu chứng đau quặn bụng dưới

Tuỳ thuộc vào nguyên nhân gây đau quặn bụng dưới mà người bệnh sẽ có các triệu chứng đau quặn bụng dưới khác nhau.

Với mỗi nguyên nhân sẽ thể hiện bằng các cơn đau khác nhau như: có thể đau âm ỉ, đau nhói, thậm chí là đau ngắt quãng với mức độ từ nhẹ đến nặng,... Đôi khi, cơn đau xuất phát từ hạ vị (vùng dưới rốn) và lan tới vùng thắt lưng, vùng mông hoặc vùng đùi. Đặc biệt, người bệnh có thể cảm nhận rõ cơn đau khi đi tiểu hoặc lúc quan hệ tình dục.

Ngoài ra, đau quặn bụng dưới còn có thể kèm theo một hoặc một số triệu chứng sau đây:

  • Sốt
  • Cơn đau dữ dội, ngày càng tiến triển nặng và không biến mất
  • Buồn nôn, nôn ra máu.
  • Biểu hiện của sốc: hạ huyết áp, mạch nhanh nhẹ, người đừ,...
  • Tiêu tiểu ra máu.

Khi nhận thấy các dấu hiệu bất thường đau quặn bụng dưới, cần đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Nguyên nhân gây đau quặn bụng dưới

Trên thực hành lâm sàng, có nhiều nguyên nhân gây đau quặn bụng dưới, tùy thuộc vào mỗi nguyên nhân khác nhau mà tính chất cơn đau, mức độ đau sẽ khác nhau.

Một số nguyên nhân gây đau quặn bụng dưới thường gặp bao gồm:

Do bệnh lý cơ quan đường tiêu hóa

Có nhiều bệnh lý đường tiêu hóa gây đau quặn bụng dưới đáng chú ý như:

  • Viêm ruột thừa: Cơn đau có thể xuất hiện đột ngột, âm ỉ rồi nặng dần. Vị trí đau ban đầu có thể từ vùng quanh rốn, sau đó lan đến vùng bụng dưới và hố chậu phải, kèm theo đó là các biểu hiện rối loạn tiêu hóa khác như: buồn nôn, nôn, chướng bụng, chán ăn, sốt,... 
  • Hội chứng ruột kích thích (IBS): Ở những người mắc hội chứng ruột kích thích thường có biểu hiện đau vùng bụng dưới âm ỉ hoặc từng cơn.
  • Bệnh viêm loét đại tràng mạn tính: Bên cạnh cơn đau quặn bụng dưới, người bệnh còn có thể có các biểu hiện khác như: đi ngoài phân nhầy máu, tiêu chảy, sụt cân không rõ nguyên nhân và mệt mỏi.
  • Ngoài ra, một số bệnh lý tiêu hóa như: táo bón mãn tính, viêm túi thừa,... cũng gây đau quặn bụng dưới.

Do bệnh lý liên quan đến đường tiết niệu

Một số bệnh lý đường tiết niệu cũng là nguyên nhân chính gây đau quặn bụng dưới. Những bệnh lý thường gặp trên lâm sàng như:

  • Nhiễm trùng đường tiết niệu như: viêm niệu đạo cấp, viêm đài bể thận, viêm niệu quản,...
  • Tắc nghẽn đường tiết niệu do u, sỏi,...

Bên cạnh biểu hiện đau quặn bụng dưới, các bệnh lý tiết niệu còn có thể có một số biểu hiện khác như: sốt, tiểu gắt, tiểu khó, nước tiểu đục hoặc sậm màu, bí tiểu,... Khi nhận thấy các dấu hiệu trên, cần đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Do các vấn đề phụ khoa ở nữ giới

Đau quặn bụng dưới có thể là biểu hiện của một số vấn đề phụ khoa ở nữ giới. Một số nguyên nhân phụ khoa thường gặp như: đau bụng kinh, lạc nội mạc tử cung, viêm vùng chậu, u xơ tử cung, ung thư cổ tử cung, u nang buồng trứng, viêm phần phụ khác,...

Ngoài ra, người bệnh còn có thể có một số triệu chứng khác như: ra máu âm đạo bất thường, sụt cân không rõ nguyên nhân, rối loạn chức năng tiểu tiện.

Do các vấn đề về nam khoa

Một số vấn đề nam khoa gây đau quặn bụng dưới như:

  • Xoắn tinh hoàn: Xoắn tinh hoàn khiến người bệnh đau bụng dưới đột ngột và dữ dội (điều này xảy ra do thừng tinh bị xoắn quanh tinh hoàn gây đau đớn), tinh hoàn tím, sưng to.
  • Viêm tuyến tiền liệt

Xét nghiệm và chẩn đoán nguyên nhân gây đau quặn bụng dưới

Để chẩn đoán đau quặn bụng dưới, các bác sĩ sẽ tìm hiểu kỹ các triệu chứng lâm sàng, khai thác bệnh sử để xác định nguyên nhân của đau bụng. 

Bên cạnh đó, các xét nghiệm hình ảnh học rất có giá trị trong chẩn đoán các nguyên nhân đau quặn bụng dưới sẽ được thực hiện.

Các cận lâm sàng để chẩn đoán bao gồm: siêu âm ổ bụng tổng quát, nội soi - đại tràng toàn bộ, chụp X-quang bụng có hoặc không có cản quang, chụp cắt lớp vi tính ổ bụng, chụp cộng hưởng từ ổ bụng, nội soi ổ bụng,...

Ngoài ra, một số xét nghiệm khác như: xét nghiệm máu kiểm tra chức năng gan, thận, men tụy, xét nghiệm nước tiểu,phân,... sẽ được thực hiện để hỗ trợ chẩn đoán, giúp các bác sĩ có cái nhìn tổng quát về tình trạng người bệnh.

dau quang bung duoi
Siêu âm là cận lâm sàng ưu tiên hàng đầu trong chẩn đoán nguyên nhân đau quặn bụng dưới trên thực hành lâm sàng - Ảnh: Freepik

Cách điều trị và chăm sóc đau quặn bụng dưới tại nhà

Đối với một số trường hợp đau quặn bụng dưới nhẹ, người bệnh có thể điều trị và chăm sóc sức khỏe tại nhà. Một số cách điều trị cơn đau quặn bụng dưới nhẹ tại nhà có thể tham khảo như:

  • Cơn đau quặn bụng dưới với nguyên nhân do đến kỳ kinh ở phụ nữ hoặc rối loạn tiêu hóa,... người bệnh có thể dùng trà gừng ấm pha cùng mật ong và sử dụng túi chườm nóng ở vùng bụng có thể giảm, dịu tình trạng đau.
  • Các trường hợp đau bụng dưới nhẹ cũng có thể sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn như: ibuprofen, naproxen, paracetamol,... Tuy nhiên, cần sử dụng đúng liều lượng quy định, không lạm dụng thuốc để không ảnh hưởng sức khỏe.
  • Thay đổi lối sống nhằm tránh đau quặn bụng dưới như:
    • Người bệnh cần có chế độ ăn uống dinh dưỡng: bổ sung đầy đủ các chất, bổ sung vitamin và khoáng chất, ăn nhiều chất xơ từ các loại rau xanh, củ quả để tránh tình trạng táo bón, rối loạn tiêu hóa. Có thể sử dụng men vi sinh để bổ sung lợi khuẩn đường tiêu hóa.
    • Cần tránh sử dụng các chất kích thích như rượu bia, đồ uống chứa cồn, đồ uống có gas, thuốc lá,... có thể làm nặng thêm tình trạng đau quặn bụng dưới.
    • Tăng cường vận động nhẹ nhàng, có thể đi bộ, tập yoga,... có thể giảm bớt mức độ các cơn đau.

Khi đã áp dụng các phương pháp điều trị và chăm sóc trên nhưng tình trạng đau không thuyên giảm hoặc cơn đau bụng dưới nặng hơn, kéo dài kèm theo các biểu hiện bất thường khác (sốt, mệt mỏi, chán ăn,...) người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế, để được các bác sĩ tìm ra nguyên nhân và điều trị phù hợp.

Đau quặn bụng dưới có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong số đó không ít nguyên nhân có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh: viêm ruột thừa, u xơ tử cung, ung thư cổ tử cung, u nang buồng trứng,...

Do đó, khi nhận thấy cơ thể các cơn đau quặn bụng dưới và mức độ của chúng ngày càng nghiêm trọng, cần chú ý để đến các cơ sở y tế thăm khám và điều trị kịp thời. Hiểu được nguyên nhân, triệu chứng và các cách điều trị đau quặn bụng dưới được xem là cách bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình hiệu quả từ sớm.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết