Đau vai gáy: Dấu hiệu, nguyên nhân, cách điều trị tại nhà
Đau vai gáy: Dấu hiệu, nguyên nhân, cách điều trị tại nhà
đau vai gáy
Dấu hiệu, nguyên nhân và cách điều trị bệnh đau vai gáy tại nhà

Đau vai gáy: Dấu hiệu, nguyên nhân, cách điều trị tại nhà

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 11/07/2023 | Cập nhật lần cuối: 07/10/2023
Đau vai gáy có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp nhất là tuổi trung niên. Bệnh nhân cần tìm hiểu kĩ về đau vai gáy để có biện pháp phòng ngừa, điều trị phù hợp.

Đau vai gáy là bệnh thường gặp và ảnh hưởng đến hàng triệu người trên toàn thế giới. Đau vai gáy có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau và gây ra cảm giác đau hoặc khó chịu ở vùng vai gáy, cổ và đôi khi lan ra các vùng khác của cơ thể. Bệnh đau vai gáy ảnh hưởng tới việc ăn uống và nghỉ ngơi của người bệnh, làm giảm chất lượng cuộc sống.

Cùng BookingCare tìm hiểu chi tiết về triệu chứng, nguyên nhân, cách thức chẩn đoán và chăm sóc đau vai gáy trong bài dưới đây.

Đau vai gáy là một dạng rối loạn thần kinh cơ gây ra do sự co cứng cơ cục bộ, đột ngột do rối loạn chức năng thần kinh. Đây là nhóm bệnh có liên quan chặt chẽ đến hệ thống cơ xương khớp và mạch máu vùng vai và gáy.

Triệu chứng bệnh đau vai gáy 

Bệnh đau vai gáy xảy ra do rối loạn tuần hoàn, thiếu máu ở vùng cột sống hoặc do sự kéo giãn dây thần kinh quá mức gây ra rối loạn chức năng của dây thần kinh vùng vai gáy nên gây ra chứng co cứng và đau rút cục bộ. Hiện tượng tổn thương đốt sống cổ hoặc bị chèn ép dây thần kinh hoặc bị thiếu máu cục bộ đều có thể gây nên triệu chứng đau vai gáy.

Triệu chứng của bệnh đau vai gáy thường bao gồm đau nhức ở vùng vai gáy, cổ và thậm chí đau lan ra các bàn tay, cánh tay hoặc lưng. Người bệnh cũng có thể có cảm giác tê, cứng cổ, khó di chuyển và hạn chế phạm vi chuyển động của cổ.

Đau vai gáy thường xuất hiện vào lúc sáng sớm vừa ngủ dậy. Triệu chứng đau nhức vùng vai, gáy kéo dài trong nhiều ngày thậm chí trong nhiều tháng, cá biệt có trường hợp đau lan xuống hông.

Một số biểu hiện của đau vai gáy mà bạn đọc có thể chú ý như:

  • Đau ở vai với cường độ khác nhau, có thể xuất hiện hoặc không xuất hiện khi bạn đang nghỉ ngơi và trở nên trầm trọng hơn khi hoạt động gắng sức
  • Đau khi thời tiết thay đổi
  • Cơn đau lan xuống cánh tay, thậm chí cả bàn tay
  • Cứng vai
  • Sưng hoặc phù nề (tích tụ chất lỏng)
  • Giảm hoặc mất khả năng vận động của vai
  • Giảm chức năng ở vai, cánh tay và/hoặc bàn tay
Những đối tượng dễ bị đau vai gáy
Những nhóm đối tượng dễ bị đau vai gáy - Ảnh: BookingCare

Nguyên nhân gây đau vai gáy

Tìm hiểu nguyên nhân cụ thể của đau vai gáy là vô cùng quan trọng để có thể lựa chọn phương pháp điều trị hiệu quả. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng đau vai gáy nhưng chủ yếu là do thoái hóa, thoát vị đĩa đệm các đốt sống cổ, co mạch thiếu máu cục bộ.

Có nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến đau vai gáy ví dụ như do khớp, gân, cơ, dây thần kinh hoặc xương. Trong phần lớn các trường hợp, nguyên nhân là do viêm gân vai, do lão hóa, các chấn thương hoặc các vận động nặng lặp đi lặp lại.

Đau vai cũng có thể liên quan đến các tình trạng như rách cơ và gân, bong gân hoặc trật khớp, hoặc gãy xương cánh tay, xương bả vai hoặc xương quai xanh hoặc các rối loạn viêm nhiễm như viêm khớp.

Tuy nhiên, cơn đau đôi khi có thể do nguyên nhân không phải cơ xương khớp không liên quan đến vai, chẳng hạn như tình trạng nhiễm trùng hoặc thần kinh, hoặc vấn đề về tim hoặc phổi, bệnh tăng huyết áp,... tất cả đều có thể biểu hiện dưới dạng đau vai gáy. 

 Thoái hóa cột sống cổ gây đau vai gáy còn có thể đưa đến hậu quả xấu là gây nên bệnh thiểu năng tuần hoàn não do mạch máu bị chèn ép làm thiếu máu não.

Chẩn đoán đau vai gáy

Để chẩn đoán chính xác nguyên nhân đau vai gáy người bệnh cần đến các cơ sở y tế uy tín để thăm khám để được các bác sĩ Cơ Xương Khớp hỏi thăm bệnh và đưa ra một số các xét nghiệm, chẩn đoán như: chụp Xquang, chụp cắt lớp vi tính, nếu cần thiết sẽ chụp cộng hưởng từ và cũng có thể đo điện não đồ, đo mật độ xương…

  • Hỏi bệnh sử: Bác sĩ sẽ đặt các câu hỏi về triệu chứng, mức độ đau, thời gian xảy ra, tần suất và mô tả cụ thể của đau, hoạt động hàng ngày, tư thế làm việc và các yếu tố khác ảnh hưởng tới tình trạng đau vai gáy.

  • Kiểm tra cơ bản: Bác sĩ sẽ thực hiện một số kiểm tra cơ bản để đánh giá phạm vi chuyển động và sự ổn định của cổ và vai ví dụ như di chuyển cổ và vai, xoay cổ, cúi người và đưa tay lên cao,...

  • Kiểm tra vùng cổ và vai để xác định vị trí đau và kiểm tra các dấu hiệu bất thường như sưng, viêm,...

  • Chẩn đoán hình ảnh: Chụp X-quang, siêu âm, đo điện cơ, CT scan hoặc MRI có thể giúp phát hiện các vấn đề như viêm khớp, thoái hóa đốt sống hoặc tổn thương.

Khám đau vai gáy với bác sĩ
Khám đau vai gáy với bác sĩ để xác định nguyên nhân và tình trạng bệnh - Ảnh: tuoitre.vn

Phương pháp điều trị đau vai gáy

Sau khi xác định được nguyên nhân gây ra đau vai gáy, bác sĩ sẽ đưa ra những tư vấn cụ thể nhằm khắc phục, cải thiện tình trạng bệnh. Có nhiều phương pháp cứng dụng trong điều trị đau vai gáy như:

  • Giảm đau tại nhà: Đối với các trường hợp bệnh cơ bản, bạn đọc có thể áp dụng các phương pháp giảm đau tại nhà như chườm nóng, chườm lạnh, áp dụng mẹo dân gian,... BookingCare sẽ đề cập chi tiết hơn ở phần tiếp theo
  • Sử dụng thuốc: Khi bệnh ở mức độ vừa, tức là mức độ kích thích dây thần kinh lớn hơn, các biểu hiện bị đau cổ vai gáy bên phải hoặc đau cổ vai gáy bên trái rõ ràng hơn cần phải dùng một số loại thuốc hỗ trợ như: thuốc giảm đau, chống viêm non-steroid như diclofenac, ibuprofen, paracetamol, aspirin hoặc dùng miếng dán salonpas để giảm được triệu chứng vùng này.
  • Lưu ý: Khi uống thuốc cần lưu ý tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không lạm dụng hoặc tự ý thay đổi liều lượng vì có thể gây ra tác dụng phụ nguy hiểm, ảnh hưởng tới dạ dày, gan và thận.
  • Phẫu thuật: Khi thuốc giảm đau không còn hiệu quả thì bác sĩ có thể cân nhắc phương án phẫu thuật, tuy nhiên có thể phẫu thuật hay khong còn phụ thuộc vào tình trạng từng bệnh nhân. Đặc biệt, sau khi phẫu thuật, bệnh nhân phải chăm sóc sức khỏe cẩn thận, để không làm tổn thương vùng vai gáy.
  • Vật lý trị liệu: Vật lý trị liệu với bệnh đau vai gáy ở mức độ cấp tính sẽ thấy được hiệu quả. Phương pháp có thể tránh được các rủi ro do lạm dụng thuốc hay phẫu thuật mà vẫn mang lại hiệu quả lâu dài.

Chăm sóc đau vai gáy hiệu quả tại nhà

Đau vai gáy kéo dài không chỉ làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh mà còn có thể dẫn tới nguy cơ teo cơ, liệt tay. Có một tỉ lệ thấp do đau vai gáy có thể gây nên liệt nửa người.

Đau vai gáy do tổn thương tại khớp vai có thể xoa bóp, bấm huyệt kết hợp với điều trị bằng thuốc, lý liệu pháp và thực hiện đều đặn hàng ngày sẽ đem lại hiệu quả nhất định.

Điều trị thuốc gì khi đau vai gáy cần có chỉ định của bác sĩ khám bệnh, không nên tự mua thuốc điều trị và cũng không nên điều trị ở những người không có chuyên môn về y học.

Nếu đau vai gáy trong giai đoạn đầu có thể điều trị khỏi được bằng cách thay đổi thói quen không tốt như:

  • Không đọc sách, đánh máy vi tính trong thời gian dài.
  • Không nằm kê cao đầu khi ngủ ở tư thế ngửa, cả tư thế nghiêng.
  • Một số nghề nghiệp không thể ngồi lâu trong thời gian dài: lái xe đường dài, nhân viên văn phòng,… nên cố gắng giải lao giữa giờ làm việc khoảng 15 – 20 phút.
  • Vận động nhẹ nhàng hàng ngày, tránh mang vác vật nặng.
  • Áp sụng các phương pháp dân gian giúp giảm đau vai gáy: 
    • Sử dụng lá lốt: Dùng 300gr lá lốt tươi, rửa sạch, giã nát rồi đắp lên vùng bị đau. Hoặc bạn có thể cho lá lốt vào sao nóng cùng muối rồi chườm.
    • Sử dụng ngải cứu: Lá ngải cứu đem rửa sạch, rang nóng cùng với muối rồi đắp lên vùng đau nhức khoảng 15 phút mỗi ngày.
Hình ảnh đau vai gáy
Đau vai gáy kéo dài khiến chất lượng cuộc sống bị ảnh hưởng - Ảnh: thanhnien.vn

Sống chung với bệnh đau vai gáy

Một số những lời khuyên dưới đây sẽ giúp bạn đọc sống chung với bệnh đau vai gáy 

  • Nghỉ ngơi: Nếu đau vai gáy là do căng thẳng hoặc vận động nặng thường xuyên, hãy cho cơ bắp và khớp thời gian nghỉ ngơi để hồi phục.

  • Chườm túi gel lạnh hoặc đá lạnh quấn trong khăn mềm lên vùng vai gáy trong 3 ngày đầu tiên khi cơn đau khởi phát. Mỗi lần chườm tối đa 20 phút, 5 lần mỗi ngày. Điều này giúp giảm sưng và cứng cổ. Ngoài ra, bạn có thể chườm ấm vùng cổ vai bằng miếng đệm nóng hoặc xoa bóp vai gáy nhẹ nhàng để tăng lưu thông máu, giúp cơ được thư giãn.

  • Tập thể dục nhẹ nhàng: Vận động nhẹ nhàng và tập thể dục có thể giúp giảm đau và cải thiện phạm vi chuyển động. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia về các bài tập và động tác thích hợp cho vai gáy.

  • Tư thế ngủ: Chọn một tư thế ngủ hợp lý để giảm căng thẳng trên vai gáy. Sử dụng gối hỗ trợ cổ hoặc gối duỗi thẳng cổ để giữ cổ thẳng và không gây căng thẳng thêm.

  • Tự massage: Áp dụng các kỹ thuật tự massage nhẹ nhàng lên vùng vai gáy để giảm đau và giảm căng thẳng

  • Điều chỉnh tư thế làm việc: Đảm bảo bạn ngồi hoặc đứng trong tư thế đúng và hỗ trợ để giảm căng thẳng cho vai gáy. Hãy đảm bảo màn hình máy tính ở một độ cao phù hợp và sử dụng ghế có đệm và tựa lưng tốt.

  • Giảm áp lực: Tránh mang vác đồ nặng quá mức hoặc thực hiện các hoạt động đòi hỏi sức lực lớn trên vai gáy. Hãy chia nhỏ công việc và sử dụng hỗ trợ cơ khi cần thiết.

  • Giảm căng thẳng: Thực hiện các phương pháp giảm căng thẳng như yoga, tai chi, hít thở sâu hoặc kỹ thuật thư giãn để giảm căng thẳng tổn thương và giúp giảm đau vai gáy.

  • Có chế độ dinh dưỡng phù hợp, cần ăn đủ chất, bổ sung một số khoáng chất thiết yếu cho cơ thể như: như canxi, kali, các vitamin nhóm B, C, E,...

Bệnh đau cổ vai gáy không phải là bệnh khó chữa, cần điều trị sớm, nếu điều trị sai, điều trị muộn sẽ có nguy cơ cao phải nhập viện. Mong rằng những kiến thức hữu ích trên đây sẽ giúp bạn đọc có thể hiểu thêm về bệnh đau vai gáy và có cách khắc phục phù hợp.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết
Trợ lý AI BookingCare