Viêm khớp: Các loại viêm khớp thường gặp, triệu chứng và cách điều trị
Viêm khớp: Các loại viêm khớp thường gặp, triệu chứng và cách điều trị
Người bệnh đau khớp vai
Viêm khớp là thuật ngữ chung chỉ tất cả các rối loạn có ảnh hưởng đến khớp - Ảnh: BookingCare

Viêm khớp: Các loại viêm khớp thường gặp, triệu chứng và cách điều trị

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 19/07/2023 | Cập nhật lần cuối: 04/10/2023
Viêm khớp là tình trạng viêm của một hoặc nhiều khớp với triệu chứng điển hình là sưng, đau, cứng khớp và nóng khớp. Các bệnh viêm khớp thường gặp là: viêm xương khớp, viêm khớp dạng thấp,...

Các bệnh lý viêm khớp khá phổ biến ở người lớn tuổi, tuy vậy, những năm gần đây đối tượng bị viêm khớp đang có xu hướng trẻ hóa, gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, công việc và sinh hoạt hàng ngày. 

Vậy viêm khớp là gì, có thể nhận biết các triệu chứng nào của bệnh, khi được chẩn đoán sẽ điều trị ra sao, chăm sóc tại nhà như thế nào để ngăn bệnh tiến triển,... Các câu hỏi này của bạn đọc sẽ được chia sẻ trong bài viết dưới đây. 

Bệnh viêm khớp là gì? Các loại viêm khớp thường gặp

Viêm khớp là thuật ngữ chung chỉ tất cả các rối loạn có ảnh hưởng đến khớp. Nó có thể gây đau và viêm sưng, khiến người bệnh khó di chuyển hoặc duy trì hoạt động.

Có nhiều loại viêm khớp, trên thực tế, có đến khoảng 100 loại viêm khớp. Mỗi dạng gây ra các triệu chứng khác nhau. Trong đó, có 2 loại viêm khớp phổ biến nhất là viêm xương khớp và viêm khớp dạng thấp.

Bạn đọc có thể phân biệt hai bệnh lý này để nhận biết và điều trị hiệu quả:

 

Viêm xương khớp

Viêm khớp dạng thấp

Định nghĩa

Là tình trạng sụn bao phủ các đầu xương bị bào mòn, thoái hóa và đầu xương chạm vào nhau gây đau. 

Là bệnh tự miễn, xảy ra khi hệ thống tự miễn dịch tấn công lên bao hoạt dịch. 

Bệnh ảnh hưởng đến nhiều khớp và có thể ảnh hưởng đến các mô và cơ quan khác của cơ thể.

Nguyên nhân

Xảy ra khi sụn khớp bị phá hủy

Chưa có nguyên nhân chính xác, kết hợp các yếu tố di truyền, hormone và các yếu tố môi trường

Triệu chứng

  • Đau khớp
  • Cứng khớp vào buổi sáng
  • Sưng và nóng các khớp sau khi không hoạt động
  • Đau, cứng khớp
  • Cứng khớp vào buổi sáng
  • Sưng khớp làm hạn chế vận động khớp
  • Nóng đỏ quanh khớp
  • Xuất hiện các nốt thấp
  • Tổn thương các khớp đối xứng
  • Tổn thương các khớp nhỏ bàn tay và bàn chân
  • Có thể kèm theo triệu chứng tim, thận, phổi.

Viêm khớp là thuật ngữ chung chỉ tất cả các rối loạn có ảnh hưởng đến khớp. Có nhiều loại viêm khớp khác nhau, tất cả đều có thể gây đau và giảm khả năng vận động.

Dấu hiệu/triệu chứng nhận biết viêm khớp 

Triệu chứng của viêm khớp sẽ khác nhau tùy thuộc vào loại viêm khớp người bệnh gặp phải. Các dấu hiệu và triệu chứng phổ biến nhất của viêm khớp liên quan đến các khớp, bao gồm:

  • Đau khớp: Đa số người bị viêm khớp cảm thấy đau nhức khớp tăng lên khi hoạt động và giảm bớt khi nghỉ ngơi, đau tăng lên khi thay đổi thời tiết,...
  • Sưng khớp: Với một số bệnh viêm khớp, vùng khớp bị ảnh hưởng trở nên đỏ, sưng lên và cảm thấy ấm khi chạm vào.
  • Cứng khớp: Cứng khớp là một triệu chứng điển hình của viêm khớp. Cứng khớp thường nặng hơn vào buổi sáng hoặc sau thời gian dài ngồi cố định ở một vị trí. Sau khi di chuyển và hoạt động, tình trạng cứng khớp sẽ giảm đi. 
  • Mòn khớp: Khi sụn khớp bị mòn đi, lớp lót mịn bao phủ khớp sẽ bị mất. Khớp di chuyển không được trơn tru, có thể cảm nhận hoặc thậm chí nghe thấy âm thanh lạo xạo khi vận động,...
Đau và sưng khớp ở người bệnh
Triệu chứng đau, sưng khớp khá điển hình ở người bệnh gặp các vấn đề viêm khớp - Ảnh: Canva

Những triệu chứng viêm khớp có thể trầm trọng hơn theo thời gian. Việc tìm hiểu và phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh để thăm khám, can thiệp kịp thời là rất cần thiết.

Nguyên nhân gây viêm khớp

Các loại viêm khớp khác nhau sẽ có nguyên nhân khác nhau. Ví dụ, bệnh gout là kết quả của tình trạng rối loạn tăng axit uric trong cơ thể. Nhưng đối với nhiều loại viêm khớp khác, nguyên nhân chính xác vẫn chưa được biết. Người bệnh có thể bị viêm khớp nếu:

  • Có tiền sử gia đình bị viêm khớp: Một số loại viêm khớp có tính chất gia đình, vì vậy bạn có thể dễ bị viêm khớp hơn nếu cha mẹ hoặc anh chị em mắc chứng rối loạn này.
  • Có một công việc hoặc chơi một môn thể thao gây căng thẳng lặp đi lặp lại cho khớp.
  • Mắc một số bệnh tự miễn dịch hoặc nhiễm virus.

Ngoài ra, một số yếu tố nguy cơ khác khiến bạn dễ bị viêm khớp hơn, bao gồm:

  • Tuổi tác: Nguy cơ mắc nhiều loại viêm khớp như viêm xương khớp, viêm khớp dạng thấp và bệnh gout,... tăng theo tuổi tác.
  • Lối sống: Hút thuốc hoặc lười vận động có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm khớp.
  • Giới tính: Hầu hết các loại viêm khớp phổ biến hơn ở phụ nữ. Tuy nhiên, phụ nữ có nhiều khả năng mắc bệnh viêm khớp dạng thấp hơn nam giới. Trong khi hầu hết những người mắc bệnh gout - một trong những loại viêm khớp là nam giới.
  • Cân nặng: Béo phì gây thêm căng thẳng cho các khớp, đặc biệt là đầu gối, hông và cột sống. Những người bị béo phì có nguy cơ mắc bệnh viêm khớp cao hơn.
  • Có tổn thương khớp trước đó: Những người bị chấn thương khớp có nhiều khả năng bị viêm khớp ở khớp đó.
Bác sĩ thăm khám viêm khớp cho người bệnh
Các loại viêm khớp khác nhau sẽ có nguyên nhân khác nhau - Ảnh: Canva

Xét nghiệm, chụp chiếu trong chẩn đoán bệnh viêm khớp 

Trong chẩn đoán bệnh viêm khớp, bác sĩ chuyên khoa Cơ xương khớp sẽ thăm khám ban đầu, khai thác triệu chứng, tiền sử và kiểm tra xem các khớp của bạn có bị sưng, đỏ, nóng không đồng thời chỉ định bệnh nhân thực hiện một số xét nghiệm, chụp chiếu như: 

Xét nghiệm

  • Xét nghiệm máu: Được sử dụng để có cơ sở chẩn đoán viêm khớp, theo dõi hiệu quả điều trị và theo dõi diễn tiến của bệnh
  • Các xét nghiệm khác về miễn dịch trong trường hợp viêm khớp dạng thấp như: định lượng yếu tố dạng thấp (RH), anti CCP,…

Chẩn đoán hình ảnh

  • Chụp Xquang khớp: Nhằm phát hiện các biến đổi về cấu trúc của khớp, cho thấy tình trạng mất sụn, tổn thương xương và gai xương. X-quang có thể không tiết lộ tổn thương khớp sớm, nhưng chúng thường được sử dụng để theo dõi sự tiến triển của bệnh.
  • Chụp cộng hưởng từ MRI: MRI có thể tạo ra hình ảnh cắt ngang chi tiết hơn của các mô mềm như sụn, gân và dây chằng.
  • Siêu âm: Sử dụng sóng âm thanh tần số cao để tạo hình ảnh mô mềm, sụn và các cấu trúc chứa dịch gần khớp (bao hoạt dịch). 

Phương pháp điều trị bệnh viêm khớp

Phương pháp điều trị viêm khớp sẽ tùy thuộc vào bệnh lý người bệnh được chẩn đoán. Mục đích của việc điều trị giúp làm giảm triệu chứng và cải thiện chức năng khớp. Tùy tình trạng của từng bệnh nhân mà bác sĩ chuyên khoa Cơ xương khớp sẽ tư vấn phương án điều trị phù hợp. 

Thông thường sẽ bao gồm các phương pháp:

  • Điều trị nội khoa (dùng thuốc) thuốc giảm đau, thuốc chống viêm... 
  • Điều trị bằng vật lý trị liệu - phục hồi chức năng: bài tập cho xương khớp, tập dáng đi, châm cứu... 
  • Điều trị ngoại khoa: phẫu thuật thay thế khớp nhân tạo, hợp nhất khớp... 
Dùng thuốc điều trj bệnh viêm khớp
Điều trị nội khoa (dùng thuốc) giảm đau, chống viêm trong điều trị các bệnh viêm khớp - Ảnh: Canva

Điều trị viêm khớp bằng nội khoa

Các loại thuốc điều trị viêm khớp sẽ khác nhau, tùy thuộc vào loại viêm khớp và mức độ viêm (chỉ sử dụng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ). Thông thường thuốc viêm khớp được sử dụng bao gồm:

  • Thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) có thể giảm đau và giảm viêm.
  • Thuốc corticosteroid, chẳng hạn như prednisone, làm giảm viêm, đau và làm chậm quá trình tổn thương khớp.
  • ...

Điều trị viêm khớp bằng vật lý trị liệu - phục hồi chức năng 

Bệnh viêm khớp gây ra nhiều triệu chứng ảnh hưởng đến vận động, vì vậy, tập vật lý trị liệu - phục hồi chức năng có thể mang lại hiệu quả cao đối với một số loại viêm khớp. 

Vật lý trị liệu viêm khớp là sử dụng các tác động trực tiếp từ bên ngoài lên các khớp: khớp vai, khớp gối, cổ tay, cổ chân, khớp háng,… bằng các dụng cụ như (gậy, nạng, thun, đai băng...). 

Các phương pháp vật lý trị liệu giúp bệnh nhân giảm co thắt các cơ, giảm tình trạng đau nhức, tăng cường khả năng vận động các khớp, gia tăng lực ở các cơ, ngăn ngừa các khớp bị biến dạng. 

Ngoài ra, người bệnh có thể kết hợp với các môn thể dục thể thao nhẹ nhàng để tăng hiệu quả điều trị như:

  • Bơi lội là môn vận động tốt nhất vì ít gây áp lực lên các khớp nhất.
  • Thể dục nhịp điệu hay các bài tập dẻo dai như đạp xe đạp, có thể giúp giảm sưng các khớp, giúp tốt cho tim mạch, giảm cân và cải thiện chức năng toàn thân.

Điều trị viêm khớp bằng phẫu thuật

Nếu các biện pháp trên không tạo chuyển biến tích cực, bác sĩ có thể tư vấn phẫu thuật khớp. Trong đó có thay khớp, quy trình này loại bỏ khớp bị hư hỏng và thay thế bằng khớp nhân tạo. Các khớp thường được thay thế nhất là thay khớp háng và đầu gối.

Chăm sóc bệnh viêm khớp hiệu quả tại nhà

Khi điều trị viêm khớp, người bệnh nên lưu ý những điểm sau để quá trình điều trị có kết quả tốt nhất: 

  • Chườm nóng và chườm lạnh có thể giúp giảm đau: Chườm nóng có thể làm giảm sưng, còn chườm lạnh làm tê vùng tổn thương. Tắm nước nóng vòi sen cũng giúp bớt căng các cơ và dịu cơn đau.
  • Cần vận động đúng tư thế: Các hoạt động thường ngày như khiêng vật nặng, đi lại, chạy,... không đúng tư thế sẽ gây nén và xé ổ khớp làm căng các khớp gây viêm khớp.
  • Duy trì chế độ ăn cân bằng: Tránh dùng các thức ăn giàu purine như bia, thức uống có cồn, cá mòi, cá trích, trứng cá, men bia, thịt, rau đậu, nước thịt, nấm, măng tây, bông cải,.. gây ứ đọng acid uric.

Sống chung với bệnh viêm khớp

Vì không có cách chữa khỏi bệnh viêm khớp nên hầu hết mọi người cần kiểm soát bệnh viêm khớp và sống chung với bệnh. 

  • Nên tuân theo chỉ định của bác sĩ để giảm các triệu chứng.
  • Một trong những điều cần lưu ý là các bệnh viêm khớp có thể làm hạn chế việc vận động, tuy nhiên không nên vì thế mà trở nên lười vận động. Nếu bạn ít vận động vì đau khớp, bạn có thể đối mặt với nguy cơ mắc bệnh ung thư, bệnh tim, tiểu đường và các tình trạng nghiêm trọng khác.
  • Duy trì cân nặng bình thường: Thừa cân làm tăng sức ép lên các khớp, tăng nguy cơ đau khớp gối, khớp hông và đau thắt lưng.
  • Châm cứu: Liệu pháp này sử dụng kim nhỏ đưa vào các điểm cụ thể trên da để giảm nhiều loại đau, bao gồm cả đau do một số loại viêm khớp gây ra. Tuy nhiên lưu ý đến các địa chỉ uy tín, có bác sĩ thăm khám và kỹ thuật viên có chuyên môn thực hiện. 
  • Tránh uống rượu bia, thuốc là có thể làm giảm nguy cơ phát triển bệnh viêm khớp
  • Thời tiết là cho các bệnh viêm khớp đau hơn. Độ ẩm và lạnh là hai tác nhân phổ biến gây đau khớp.  Mặc ấm, tập thể dục trong nhà có thể giúp bạn giảm đau. 

Hy vọng những thông tin về bệnh viêm khớp trên đây có thể hỗ trợ việc tìm hiểu thông tin đơn giản, dễ hiểu, rõ ràng, nhanh chóng. Nếu thấy hữu ích, hãy chia sẻ bài viết này để bạn bè và người thân đọc được.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết