Điều trị bệnh mạch vành như thế nào?
Điều trị bệnh mạch vành như thế nào?
Điều trị bệnh mạch vành như thế nào? - Ảnh: BookingCare

Điều trị bệnh mạch vành như thế nào?

Tác giả: - Xuất bản: 04/10/2023 - Cập nhật lần cuối: 04/10/2023
Điều trị bệnh mạch vành như thế nào? Những phương pháp điều trị bệnh mạch vành nào là phổ biến nhất? Tất cả sẽ được giải đáp trong bài viết dưới đây của BookingCare.

Bệnh mạch vành là một loại bệnh tim mạch phổ biến, gây ra bởi sự hẹp hoặc tắc nghẽn của các mạch máu chủ yếu cung cấp máu đến trái tim. Đây là kết quả của quá trình xơ vữa (atherosclerosis) trong đó các mảng chất béo tích tụ và hình thành trên thành mạch máu.

Sau khi được chẩn đoán xác định bệnh mạch vành, tùy vào nguyên nhân và tình trạng sức khỏe người bệnh, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Một số phương pháp điều trị bệnh mạch vành hiệu quả bao gồm thay đổi lối sống, điều trị nội khoa (điều trị bằng thuốc), can thiệp mạch vành qua da và phẫu thuật. 

Thay đổi lối sống

Bệnh nhân mắc bệnh mạch vành cần xây dựng lối sống khoa học, lành mạnh để ngăn ngừa bệnh tiến triển.

Cụ thể:

  • Hạn chế ăn thực phẩm giàu cholesterol, chất béo bão hòa và muối. Thay vào đó, tăng cường các thực phẩm tốt cho tim mạch như rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt và các loại protein không béo như cá, gia cầm.
  • Giảm căng thẳng, stress, giữ tinh thần ở trạng thái cân bằng để tránh gây huyết áp cao và nguy cơ nhồi máu cơ tim.
  • Tập luyện thể dục thể thao thường xuyên, lựa chọn những bộ môn nhẹ nhàng như đi bộ nhanh, chạy nhẹ hoặc đi xe đạp có thể giúp tăng cường sức khỏe tim mạch.
  • Tránh xa khói thuốc lá để tránh gây tổn hại nghiêm trọng cho tim và các mao mạch máu.
  • Giữ cân nặng ở mức lý tưởng và kiểm soát áp lực máu, cholesterol và đường huyết.
  • Kiểm soát các yếu tố bệnh lý như tiểu đường, huyết áp cao và cholesterol cao để hạn chế các biến chứng của bệnh mạch vành.

Điều trị bằng thuốc

Bệnh nhân mắc bệnh mạch vành cần uống thuốc đều đặn và duy trì để ổn định sức khỏe tim mạch. Một số loại thuốc được chỉ định để điều trị bệnh động mạch vành, bao gồm:

  • Thuốc hạ cholesterol: Thuốc có thể giúp giảm cholesterol xấu và giảm sự tích tụ mảng bám trong động mạch. Những loại thuốc này bao gồm statin, niacin, fibrate và chất cô lập axit mật.
  • Aspirin: chống kết tập tiểu cầu và ngừa hình thành cục máu đông. Liệu pháp aspirin liều thấp hàng ngày có thể được khuyến nghị để phòng ngừa cơn đau tim hoặc đột quỵ ở một số bệnh nhân mắc bệnh mạch vành.
  • Thuốc chẹn beta: Có tác dụng làm chậm nhịp tim, tăng thời gian thư giãn cơ tim và giảm áp lực lên tim, từ đó giúp kiểm soát triệu chứng bệnh lý tim mạch như suy tim,  nhịp tim không ổn định hay huyết áp cao. Nếu người bệnh từng bị đau tim, thuốc chẹn beta còn là thuốc giảm đau ngực nguyên nhân do tim. 
  • Thuốc chẹn kênh canxi: Nhóm thuốc non-DHP được chỉ định để điều trị đau thắt ngực do tác dụng làm giảm sức co bóp, giảm công của cơ tim, tăng thời kỳ tâm trương, chống co thắt động mạch vành.

Phẫu thuật điều trị bệnh mạch vành

Tuy nhiên, phương pháp điều trị bằng thuốc chỉ giảm được triệu chứng chứ không giải quyết được nguyên nhân hẹp động mạch vành. Chính vì vậy, đối với những trường hợp bệnh diễn biến nặng hơn, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện một số phẫu thuật can thiệp.

Nong mạch vành và đặt stent 

Stent là giá đỡ chế tạo đặc biệt từ kim loại được đặt vào vị trí hẹp, tắc của động mạch vành  giữ cho chúng luôn rộng hơn và duy trì lưu thông máu ổn định qua vùng bị tắc.

Phương pháp tái thông mạch máu bằng đặt stent là phương pháp can thiệp xâm lấn tối thiểu qua da an toàn và hiệu quả q. Sau khi stent được đặt vào vị trí hẹp của mạch máu, nó sẽ giúp cố định và mở rộng mạch máu,  duy trì lưu thông máu trong lòng của các động mạch và giảm nguy cơ tái tắc.

Nong mạch vành và đặt stent giúp lưu thông máu trong lòng của các động mạch và giảm nguy cơ tái tắc
Nong mạch vành và đặt stent giúp lưu thông máu trong lòng của các động mạch và giảm nguy cơ tái tắc - Ảnh: verywellhealth.com

Phẫu thuật bắc cầu chủ vành (CABG)

Quá trình này bao gồm tạo ra các đường dẫn mới để cung cấp máu cho các vùng tim bị thiếu máu do tắc nghẽn của động mạch vành.

Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ sẽ lấy một đoạn tĩnh mạch hoặc động mạch từ người bệnh (thường là chân hoặc cánh tay) làm cầu nối, nối từ nguồn cấp máu (động mạch chủ) qua cho tắc hẹp tới đoạn xa động mạch vành còn lành lặn. Điều này giúp khôi phục luồng máu tự nhiên và giảm biến chứng do thiếu máu.

Phẫu thuật bắc cầu chủ vành  được thực hiện trong điều kiện gây mê, và yêu cầu thời gian hậu phẫu dài hơn hơn so với các quy trình can thiệp mạch vành qua da. Tuy nhiên, phương pháp này có thể mang lại lợi ích kéo dài cho sức khỏe của người bệnh, giúp họ duy trì sự sống và giảm các triệu chứng liên quan đến suy tim.

Mong rằng bài viết trên đã giúp bạn đọc phần nào giải đáp thắc mắc điều trị bệnh mạch vành như thế nào. Nếu đã được chẩn đoán mắc bệnh mạch vành, bạn nên trao đổi thật kỹ với bác sĩ Tim mạch về tình trạng sức khỏe, mong muốn của bản thân để tìm ra hướng điều trị tốt nhất.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết