Điều trị sốt xuất huyết đúng cách và hiệu quả
Điều trị sốt xuất huyết đúng cách và hiệu quả
Điều trị sốt xuất huyết đúng cách và hiệu quả - Ảnh: cdc.gov

Điều trị sốt xuất huyết đúng cách và hiệu quả

Tác giả: - Xuất bản: 20/11/2023 - Cập nhật lần cuối: 20/11/2023
Tìm hiểu cách điều trị sốt xuất huyết đúng và hiệu quả cùng những lưu ý cần biết ngay trong bài viết dưới đây.

Sốt xuất huyết là một bệnh truyền nhiễm do virus Dengue gây ra, phổ biến trong các khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới như Việt Nam. Bệnh thường gây ra các triệu chứng như sốt, đau đầu, đau cơ xương khớp, và phát ban, xuất huyết.

Virus gây bệnh được truyền từ người sang người thông qua con muỗi Aedes aegypti. Điều trị sốt xuất huyết đúng cách là một phần quan trọng trong việc kiểm soát bệnh và ngăn chặn tình trạng nặng.

Điều trị sốt xuất huyết theo từng giai đoạn bệnh

Không có một loại thuốc hay phương pháp điều trị nào là đặc hiệu dành riêng cho bệnh sốt xuất huyết. Các bác sĩ sẽ giúp điều trị các triệu chứng của bệnh (sốt, nhức đầu, đau nhức cơ khớp ...) và hỗ trợ người bệnh cho đến khi hồi phục.

Chỉ những người bệnh nặng mới cần phải điều trị tại viện, còn phần lớn những người bệnh nhẹ hơn, khỏe hơn có thể được nghỉ ngơi và điều trị tại nhà. Tuy nhiên người bệnh không nên chủ quan và phải đến khám hoặc tái khám với bác sĩ theo yêu cầu để phòng ngừa các biến chứng nghiêm trọng của bệnh nếu có.

Điều trị giai đoạn sốt xuất huyết nhẹ

Trong giai đoạn này, bệnh nhân thường có các triệu chứng như sốt, đau đầu, đau cơ xương và mệt mỏi. Để điều trị sốt xuất huyết nhẹ, các biện pháp sau có thể được thực hiện:

  • Nếu sốt cao người bệnh cần uống thuốc hạ sốt, nới lỏng quần áo và lau ấm ở những vị trí như cổ, nách, bẹn nơi các mạch máu lớn đi qua
  • Uống đủ nước: Bệnh nhân cần duy trì lượng nước cơ thể đủ, bằng cách uống nhiều nước, dung dịch oresol hoặc các loại nước hoa quả. Điều này giúp bù nước và duy trì sự cân bằng điện giải trong cơ thể. Tuy nhiên không khuyến cáo sử dụng nước đường để bù dịch
  • Theo dõi thân nhiệt tối thiểu 3 lần/ ngày, số lượng nước tiểu trong 24 giờ mỗi ngày, tình trạng đau bụng, nôn, tiêu chảy,…
  • Điều trị triệu chứng: Để hạ sốt và giảm đau, bệnh nhân có thể sử dụng các loại thuốc hạ sốt và giảm đau như paracetamol. Paracetamol dùng khi sốt trên 38,5 độ liều 10-15mg/kg/ lần, cách nhau ít nhất 4 tiếng và tổng liều không quá 60mg/kg Tuy nhiên, cần tránh sử dụng hạ sốt bằng Aspirin, Ibuprofen vì dễ gây xuất huyết nặng.
  • Xét nghiệm máu hàng ngày cho đến khi khỏi bệnh hoặc hết ngày thứ 7 để đánh giá nguy cơ sốc sốt xuất huyết và nguy cơ giảm tiểu cầu

Điều trị sốt xuất huyết vừa và nặng

Trong giai đoạn này, các triệu chứng của bệnh trở nên nghiêm trọng hơn, bao gồm xuất huyết, như chảy máu cam, chảy máu chân răng, rong kinh ở phụ nữ, và mệt mỏi. Điều trị sốt xuất huyết ở giai đoạn này cần đến sự can thiệp y tế chuyên sâu và theo dõi thường xuyên. Những biện pháp điều trị bao gồm:

  • Bệnh nhân cần được nghỉ ngơi, chăm sóc và theo dõi triệu chứng, tình trạng sức khỏe tương tự sốt xuất huyết nhẹ.

  • Truyền dịch: Người bệnh mắc sốt xuất huyết không được tự ý truyền dịch, cần phải có chỉ định của bác sĩ. Những trường hợp được phép truyền dịch đó là những bệnh nhân mắc sốt xuất huyết từ ngày thứ 3 trở đi, ăn uống không được, có triệu chứng mất nước (môi khô, mắt trũng, da nhăn nheo...), nôn ói nhiều (trên 3 lần/1 giờ và trên 4 lần trong 6 giờ).

  • Theo dõi và điều trị những biến chứng: Nếu bệnh nhân có biểu hiện thoát dịch, cô máu, hoặc xuất huyết nặng, cần phải nhập viện và được theo dõi chặt chẽ. Điều trị các biến chứng như sốc sốt xuất huyết hoặc sốt xuất huyết thể nặng.

Lưu ý khi điều trị sốt xuất huyết

Khi điều trị sốt xuất huyết, cần lưu ý các điểm sau để đảm bảo hiệu quả và an toàn:

  • Không tự ý sử dụng kháng sinh: Sốt xuất huyết là một bệnh do virus gây ra, do đó, sử dụng kháng sinh không có tác dụng chống lại vi-rút và có thể gây tác dụng phụ không mong muốn.

  • Bệnh nhân nên được nghỉ ngơi, tránh lao động nặng. Bù dịch đường uống là tốt nhất, không tự ý truyền dịch tại nhà.
  • Người bệnh nên ăn những thức ăn lỏng, giàu dinh dưỡng, dễ tiêu hóa như cháo, súp, sữa và nên cho nhiều bữa nhỏ.

  • Đặc biệt với trẻ em, nếu bị chảy máu cam, đi ngoài ra máu, nôn ói liên tục, đau bụng dữ dội, lơ mơ, co giật, tím tái, khó thở,… cần đến bệnh viện gần nhất, tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
  • Luôn tuân thủ hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ trong quá trình điều trị sốt xuất huyết. Điều này bao gồm việc sử dụng thuốc, chế độ chăm sóc và theo dõi sức khỏe.

  • Hiểu và nắm vững triệu chứng biến chứng của sốt xuất huyết. Nếu có bất kỳ dấu hiệu nghi ngờ nào, cần liên hệ ngay với bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời.

Trên đây là những thông tin cơ bản về điều trị sốt xuất huyết. Bệnh sốt xuất huyết có thể tiến triển nguy hiểm nếu không được theo dõi và điều trị kịp thời, vậy nên bạn đọc không nên chủ quan, coi thường.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết