- Xuất bản: 02/02/2024 - Cập nhật lần cuối: 19/02/2024
Điều trị đau dạ dày hiệu quả bằng Đông y - Ảnh: BookingCare
Đông y điều trị viêm loét dạ dày - tá tràng dựa vào nguồn dược liệu tự nhiên và các phương pháp không dùng thuốc: châm cứu, xoa bóp bấm huyệt,… giúp giảm đau và phục hồi chức năng dạ dày an toàn, hiệu quả.
Viêm loét dạ dày – tá tràng là một bệnh lý khá phổ biến trong cộng đồng với các biểu hiện như đau vùng thượng vị, đầy chướng bụng, buồn nôn, ợ hơi, ợ chua, chảy máu tiêu hoá,…
Đông y điều trị viêm loét dạ dày có thể áp dụng nhiều phương pháp dùng thuốc và không dùng thuốc (xoa bóp bấm huyệt, châm cứu,…) đều cho thấy hiệu quả cao. Cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Viêm loét dạ dày theo quan điểm của đông y
Viêm loét dạ dày – tá tràng xảy ra do sự mất cân bằng giữa các yếu tố bảo vệ (chất nhầy, sự tái sinh của tế bào, hàng rào niêm mạc, lưu lượng máu tới dạ dày…) và yếu tố tấn công (dịch vị HCl, pepsin, vi khuẩn HP, thời gian thức ăn lưu trong dạ dày…) hậu quả làm tổn thương niêm mạc xuyên qua tới lớp cơ niêm tới lớp cơ của dạ dày - tá tràng dẫn tới viêm loét.
Khi bị đau dạ dày, người bệnh cần đi khám để được chẩn đoán, điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm như xuất huyết tiêu hoá, thủng dạ dày hay ung thư dạ dày,…
Bệnh do nhiều nguyên nhân gây nên: nhiễm vi khuẩn HP, stress, chế độ dinh dưỡng thiếu khoa học, sử dụng một số loại thuốc như corticoid, thuốc giảm đau, thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs),…
Còn theo y học cổ truyền, viêm loét dạ dày – tá tràng thuộc phạm vi chứng Vị quản thống, vị thống.
Nguyên nhân gây bệnh do ăn uống không điều độ, các yếu tố tinh thần như lo nghĩ quá độ, làm ảnh hưởng tới chức năng tạng Tỳ - Vị, làm cho Tỳ không kiện vận, Vị mất chức năng thu nạp dẫn đến khí trệ, huyết ứ, đau bụng, đầy bụng, chậm tiêu, buồn nôn và nôn.
Tức giận nhiều sẽ gây ảnh hưởng đến tạng Can, làm Can khí uất kết ảnh hưởng đến chức năng của tạng Tỳ, Vị. Nếu Can khí uất lâu ngày sẽ hóa hỏa, hỏa sẽ thiêu đốt tân dịch làm tổn thương đến Vị âm làm chính khí suy tổn.
Ngoài ra, còn do ngoại cảm hàn tà (các yếu tố bên ngoài như thời tiết hoặc từ đồ ăn thức uống hàn lạnh nhiều) xâm nhập vào Vị hoặc do ăn uống không điều độ ảnh hưởng đến Tỳ Vị: như ăn quá no hoặc để quá đói, ăn quá nhiều đồ béo ngọt, cay nóng, chua, mặn, lạnh đều làm ảnh hưởng đến chức năng của Tỳ Vị, làm khí cơ bị trở trệ dẫn đến đau dạ dày.
Viêm loét dạ dày - tá tràng thuộc phạm vi chứng Vị quản thống, vị thống trong đông y - Ảnh: Freepik
Điều trị viêm loét dạ dày tá tràng theo y học cổ truyền
Châm cứu điều trị viêm loét dạ dày - tá tràng
Châm cứu: Châm tả các huyệt Thái xung, Tam âm giao, Túc tam lý, Trung quản, Thiên khu, Can du, Tỳ du, Vị du.
Nếu do Can hỏa uất, châm thêm: Tỳ du, Vị du, Kỳ môn, Nội đình, Hợp cốc, Nội quan.
Nếu có huyết ứ: Can du, Tỳ du, Huyết hải, Thái xung, Hợp cốc, Cao hoang, Cách du.
Nếu có Tỳ vị hư hàn, cứu các huyệt: Trung quản, Thiên khu, Tỳ du, Vị du, Quan nguyên, Khí hải, Túc tam lý, Nội quan.
Nhĩ châm (châm loa tai): Vùng Dạ dày, Giao cảm, Gan, Tá tràng.
Thủy châm (tiêm thuốc vào huyệt):Thủy châm các huyệt trên bằng Atropin, Novocain, Vitamin B12 để cắt cơn đau.
Cấy chỉ (cấy chỉ vào huyệt):
Ngoài các phương pháp trên, cấy chỉ cũng được áp dụng để điều trị viêm loét dạ dày – tá tràng. Bác sĩ sẽ tiến hành cấy chỉ tự tiêu vào các huyệt, tùy từng tình trạng bệnh lý mà chọn công thức huyệt cấy chỉ khác nhau.
Mỗi lần cấy chỉ tự tiêu có tác dụng trong 7 – 14 ngày, sau thời gian tự tiêu của chỉ có thể thực hiện liệu trình tiếp theo.
Tuy nhiên, cần nắm rõ các chống chỉ định cấy chỉ và châm cứu điều trị như: không dùng cho bệnh cấp cứu, cơ thể suy kiệt, phụ nữ có thai, da vùng huyệt bị viêm nhiễm hay người mắc bệnh ngoài da, người bị dị ứng với chỉ tự tiêu…
Xoa bóp bấm huyệt điều trị viêm loét dạ dày – tá tràng
Bên cạnh việc dùng thuốc thì điều trị đau dạ dày còn có thể áp dụng cách xoa bóp bấm huyệt.
Tác dụng lực vào các huyệt vị sẽ giúp giải phóng tình trạng khí trệ và tăng tuần hoàn máu, nhờ đó mà có thể làm giảm các cơn đau một cách tức thì. Tác động vào những huyệt đạo có mối tương quan với dạ dày còn giúp thúc đẩy chức năng tiêu hóa, co bóp cũng như bài tiết dịch vị.
Các động tác có thể áp dụng để làm giảm đau dạ dày:
Bước 1: Người bệnh nằm ngửa. Tiến hành xoa bụng theo vòng tròn quanh rốn, đặc biệt lưu ý vùng thượng vị, để làm ấm da cơ vùng bụng. Tiến hành xoa 5 - 7 vòng.
Bước 2: Day nhẹ nhàng cơ vùng bụng bằng gốc bàn tay hoặc ô mô cái (ô ngoài), ô mô út (ô trong) hoặc vân các ngón tay, di chuyển theo đường tròn để tác động vào các cơ thành bụng. Thời gian trong 3 – 5 phút.
Bước 3: Dùng các ngón tay và gốc bàn tay nhẹ nhàng bóp vào các cơ thành bụng trong 3 – 5 phút.
Bước 4: Day, ấn các huyệt vùng bụng và huyệt toàn thân. Sử dụng vân ngón tay cái tác động vào huyệt một góc 45 - 60 độ, ấn từ từ sâu dần đến khi có cảm giác tức nặng tại huyệt và giữ 10 - 15 giây cho mỗi huyệt, sau đó day tròn tại chỗ trong 10 - 15 giây.
Các huyệt để giúp hỗ trợ giảm đau dạ dày bao gồm: huyệt Trung quản, huyệt Thiên khu, huyệt Lương khâu, huyệt Túc tam lý, huyệt Nội quan, huyệt Thái xung.
Tuy nhiên, xoa bóp bấm huyệt chỉ có tác dụng làm giảm đau, không điều trị triệt để được bệnh lý viêm loét dạ dày. Với những trường hợp bị đau nghiêm trọng, cần phải tích cực dùng thuốc theo chỉ định từ bác sĩ.
Xoa bóp bấm huyệt có nhiều tác dụng trong giảm triệu chứng viêm loét dạ dày - Ảnh: Freepik
Bài thuốc điều trị viêm loét dạ dày – tá tràng
Bài 1: Nhị trần thang gia giảm: Trần bì 12g, bán hạ 12g, bạch linh 10g, cam thảo 8g, lá khôi 12g, gừng tương 3 lát. Sắc uống trong ngày, điều trị chứng đau, đầy chướng bụng do viêm dạ dày.
Bài 2: Tuyền phúc đại giả thang: Tuyền phúc hoa 12g, đại giả thạch chế 20g, bán hạ 12g, trần bì 8g, đại táo 12g, đảng sâm 10g, sinh khương 3 lát, đương quy 8g, sài hồ bắc 12g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần sáng, chiều. Uống sau ăn 30 phút.
Bài 4: Bán hạ tả tâm thang: Bán hạ chế 12g, hoàng cầm 09g, can khương 09g, nhân sâm 09g, hoàng liên 03g, cam thảo chích 09g, đại táo 12 quả. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần, sáng chiều sau ăn cơm 30 phút
Lưu ý: Các bài thuốc trên có tính chất tham khảo. Mỗi người thể trạng khác nhau, bệnh khác nhau... nên cần có sự khám xét tỉ mỉ rồi cho đơn của thầy thuốc đông y bệnh tình sẽ nhanh khỏi hơn.
Lối sống lành mạnh phòng và điều trị đau dạ dày
Người bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng cần lưu ý thay đổi lối sống và dinh dưỡng lành mạnh để hạn chế tình trạng đau và viêm loét dạ dày:
Ăn chậm, nhai kỹ.
Nên ăn các loại quả như bơ, táo, đu đủ chín,…; uống nước dừa, trà hoa cúc, nước ép nha đam,…; hay các loại rau như lá mơ lông, thì là, cải bẹ xanh, súp lơ, mùi tây,…
Không ăn các thực phẩm chiên rán, đồ ăn cay nóng, đồ ăn nhiều dầu mỡ béo ngọt, rượu bia, thuốc lá hay các chất kích thích.
Sau khi ăn tránh nằm, lao động, tập thể dục ngay.
Giảm căng thẳng, cân bằng cuộc sống, hạn chế stress.
Hạn chế sử dụng khi không cần thiết các thuốc kháng sinh, thuốc corticoid, thuốc chống viêm không steroid, thuốc giảm đau, hạ sốt,…
Duy trì lối sống lành mạnh, điều độ, giảm sự đố kị, ghen ghét. Thường xuyên tập luyện thể dục thể thao,…
Trên đây là một số thông tin về đông y điều trị viêm loét dạ dày – tá tràng. Bên cạnh việc dùng thuốc người bị đau dạ dày cần chú ý kết hợp với các phương pháp xoa bóp, bấm huyệt, chế độ dinh dưỡng thích hợp với tình trạng bệnh để không làm cho bệnh nặng lên.