Hội chứng chân không yên: Nguyên nhân, triệu chứng và các phương pháp điều trị
Hội chứng chân không yên: Nguyên nhân, triệu chứng và các phương pháp điều trị
Hội chứng chân không yên
Hội chứng chân không yên là một rối loạn thần kinh - Ảnh: BookingCare

Hội chứng chân không yên: Nguyên nhân, triệu chứng và các phương pháp điều trị

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 16/06/2024 | Cập nhật lần cuối: 21/06/2024
Một bệnh lý khiến người bệnh có cảm giác khó chịu, thôi thúc cử động chân một cách liên tục, thường không thể cưỡng lại được. Bệnh lý này được gọi là hội chứng chân không yên. Vậy nguyên nhân do đâu? Biểu hiện triệu chứng và cách điều trị bệnh thế nào? Cùng BookingCare tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Hội chứng chân không yên (Restless Legs Syndrome - RLS) là một rối loạn thần kinh được mô tả lần đầu năm 1685 bởi bác sĩ Thomas Willis. Một số biểu hiện triệu chứng điển hình của bệnh như: những cơn đau nhói, kéo, giật, tê chân, cảm giác khó chịu ở chân,... khiến người bệnh muốn đi lại và lắc chân để giảm cảm giác khó chịu.

Nữ giới mắc nhiều hơn nam giới với tỷ lệ khoảng 2:1, đặc biệt là ở phụ nữ mang thai. Bệnh có xu hướng tăng dần theo tuổi, 33 - 40% bệnh khởi phát trước 20 tuổi.

Hội chứng chân không yên dù được phát hiện từ rất sớm nhưng không được quan tâm nhiều, mãi cho đến những năm 1990, nhiều nghiên cứu cho thấy đây là một vấn đề sức khỏe cộng đồng lớn cần được quan tâm hơn.

Nguyên nhân gây hội chứng chân không yên

Hiện nay, nguyên nhân gây hội chứng chân không yên vẫn chưa được biết rõ. Các nghiên cứu nhận thấy có một số nguyên nhân và yếu tố nguy cơ dẫn đến hội chứng chân không yên:

  • Do thay đổi trong chất dẫn truyền thần kinh (dopamin).
  • Do di truyền
  • Do mang thai
  • Một số yếu tố nguy cơ khác dẫn đến hội chứng chân không yên: 
    • Bệnh lý mạn tính như: suy thận, đái tháo đường, bệnh lý thần kinh ngoại biên, tổn thương tủy sống, một số bệnh tự miễn (đa xơ cứng), bệnh Parkinson.
    • Sử dụng một số thuốc tác động lên hệ thần kinh như: thuốc chống nôn, thuốc chống loạn thần,…
    • Ngoài ra, một vài thói quen như: uống rượu, sử dụng các sản phẩm chứa nicotin, caffein,… tình trạng mất ngủ, ăn uống thiếu sắt cũng dẫn đến tăng nguy cơ mắc và làm trầm trọng hơn các triệu chứng của hội chứng chân không yên.

Triệu chứng điển hình của hội chứng chân không yên

Triệu chứng điển hình nhất của hội chứng chân không yên là những cơn đau, cảm giác căng cơ, tê rát, ngứa, cảm giác kiến bò, bứt rứt khiến người bệnh muốn đi lại và lắc chân để giảm cảm giác khó chịu. Cảm giác khó chịu này, thường có đặc điểm:

  • Xuất hiện khi nghỉ ngơi, khi đang nằm hoặc ngồi trong một thời gian dài.
  • Bệnh nhân giảm cảm giác khó chịu khi chân được cử động, kéo giãn, lắc lư, đi lại hoặc đi bộ.
  • Thường xảy ra chủ yếu vào ban đêm. Đôi khi, triệu chứng biến mất trong một khoảng thời gian, sau đó quay trở lại.
  • Người bệnh thường cảm thấy các triệu chứng khó chịu xảy ra ở chân, ở cả hai bên. Tuy nhiên, các cảm giác này ít gặp ở tay.

Chẩn đoán hội chứng chân không yên

Hội chứng chân không yên phân loại thành 2 nhóm chính là nguyên phát (không rõ nguyên nhân hoặc vô căn) và thứ phát.

Hiện nay, bệnh được chẩn đoán dựa trên bộ tiêu chí của Nhóm nghiên cứu Quốc tế về Hội chứng chân không yên (International Restless Legs Syndrome Study Group - IRLSSG) năm 2003. 

Ngoài ra, các bác sĩ sẽ tiến hành khám sức khỏe tổng quát, khám hệ thống thần kinh, thực hiện các cận lâm sàng như: xét nghiệm máu tổng quát, chụp x-quang, đo điện não đồ, test đánh giá chất lượng giấc ngủ,... để đưa ra chẩn đoán toàn diện cho từng bệnh nhân cũng như giúp chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý thần kinh khác.

Các phương pháp điều trị hội chứng chân không yên

Tùy thuộc vào mức độ ảnh hưởng của bệnh đối với bệnh nhân và các yếu tố liên quan mà các bác sĩ lựa chọn các phương pháp điều trị phù hợp cho từng bệnh nhân.

Điều trị không dùng thuốc

  • Thay đổi nhận thức hành vi
  • Tránh các yếu tố làm nặng bệnh (tránh thiếu ngủ, mất ngủ,...)
  • Tránh sử dụng các nhóm thuốc tác động lên hệ thống thần kinh (thuốc chống trầm cảm, an thần kinh, chống nôn, kháng histamin…)
  • Tập thể dục thường xuyên
  • Bổ sung và theo dõi thường xuyên để tránh thiếu hụt sắt trong cơ thể.

Điều trị dùng thuốc

Nhóm thuốc làm tăng dopamine trong não, nhóm thuốc chống động kinh, nhóm thuốc giãn cơ và thuốc an thần, thuốc gây nghiện,...

Phòng tránh và cải thiện hội chứng chân không yên

Một số biện pháp có thể áp dụng nhằm phòng tránh và cải thiện hội chứng chân không yên như:

Thay đổi chế độ sinh hoạt tích cực, thích nghi với bệnh

  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng, tránh cưỡng lại cảm giác thôi thúc cử động, nếu cố gắng kìm chế việc thôi thúc cử động có thể các triệu chứng sẽ trở nên nặng hơn.
  • Nên bắt đầu và kết thúc một ngày bằng các bài tập kéo giãn cơ hoặc xoa bóp nhẹ nhàng.
  • Giảm hút thuốc lá, uống rượu bia nhằm giảm thiểu các ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và hệ thần kinh của cơ thể.
  • Đến ngay các cơ sở y tế khi nhận thấy cơ thể có những bất thường, luôn hợp tác và tuân thủ điều trị của bác sĩ, nên khám định kỳ.
  • Tự tin, chia sẻ cùng người thân, bạn bè và đồng nghiệp: điều này sẽ giúp họ hiểu rõ hơn khi họ thấy việc bạn đi lại hoặc lắc chân quá nhiều lần trong ngày.

Chế độ dinh dưỡng ngăn ngừa hội chứng chân không yên

  • Kết hợp nhiều loại trái cây tươi và rau quả vào khẩu phần ăn hàng ngày, ăn nhiều loại thực phẩm giàu chất sắt như thịt nạc và vitamin D có trong rau bina và một số loại cá.
  • Tránh thực phẩm chế biến sẵn, đường và thực phẩm chiên rán.

Một số phương pháp khác

  • Thử tắm, ngâm mình trong bồn nước ấm và xoa bóp chân có thể làm thư giãn các cơ.
  • Chườm ấm hoặc chườm mát có thể làm giảm cảm giác khó chịu ở chân tay.
  • Hội chứng chân không yên có thể nặng hơn nếu cơ thể thiếu ngủ, mất ngủ. Vì vậy điều quan trọng là phải có giấc ngủ tốt. Tốt nhất là có môi trường ngủ thoáng mát, yên tĩnh, thoải mái, ngủ đúng và đủ sẽ giúp bạn có được một cơ thể khỏe mạnh.
  • Tập thể dục thể thao thường xuyên sẽ làm giảm mức độ của bệnh.
  • Hạn chế caffeine như cà phê, trà,... sẽ giúp cải thiện triệu chứng.
Dinh dưỡng cho người bệnh
Thực hiện chế độ dinh dưỡng, chế độ sinh hoạt phù hợp sẽ làm giảm các triệu chứng khó chịu của hội chứng chân không yên - Ảnh: Freepik

Mọi lứa tuổi đều có thể mắc hội chứng chân không yên, bệnh thường có mức độ nặng hơn theo tuổi tác. Hội chứng chân không yên gây nhiều khó chịu, cản trở các hoạt động sinh hoạt hàng ngày dẫn đến giảm chất lượng cuộc sống người bệnh. Bệnh có xu hướng kéo dài dai dẳng và phức tạp.

Vì vậy, biết rõ nguyên nhân, biểu hiện triệu chứng và cách điều trị hội chứng chân không yên góp phần bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình. Bên cạnh đó, mọi người cần chú ý khi nhận thấy cơ thể có những dấu hiệu bất thường cần đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết