Laser: Giải pháp mới trong điều trị da liễu 
Laser: Giải pháp mới trong điều trị da liễu 
Laser là công nghệ được đánh giá an toàn trong điều trị các vấn đề về da
Laser là công nghệ được đánh giá an toàn trong điều trị các vấn đề về da - Ảnh: BookingCare

Laser: Giải pháp mới trong điều trị da liễu 

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 17/03/2024 | Cập nhật lần cuối: 01/04/2024
Một trong những công nghệ mới được nhiều chị em săn đón hiện nay trong lĩnh vực làm đẹp chính là công nghệ Laser. Với công nghệ và phương pháp Laser tiên tiến như hiện nay, Laser cho thấy khả năng đáp ứng nhiều nhu cầu điều trị trong chuyên ngành da liễu. 

Với độ an toàn, hiệu quả và nhanh chóng, cũng như không tốn nhiều thời gian nghỉ dưỡng sau điều trị, Laser là phương pháp làm đẹp được nhiều khách hàng  lựa chọn. Trong bài viết này, BookingCare cùng bạn đọc sẽ khám phá các ứng dụng khác nhau của laser trong điều trị các bệnh lý da liễu, cách thức hoạt động, cũng như các rủi ro và tác dụng phụ của Laser.

Công nghệ Laser trong da liễu là gì?

Laser là viết tắt của cụm từ tiếng Anh “Light Amplification by Stimulated Emission of Radiation”, được hiểu là sự khuếch đại ánh sáng bằng phát xạ kích thích và có thể xem là một loại tia phát sáng đơn sắc đặc biệt.

Công nghệ laser là kỹ thuật sử dụng các chùm ánh sáng ngắn, tập trung để đi xuyên qua da, tác động vào các vùng da có vấn đề như nám da, nếp nhăn, sẹo rỗ …Đây là phương pháp không cần phẫu thuật nhưng vẫn có thể tác động sâu vào các mô dưới lớp da để mang lại hiệu quả như mong muốn. Laser cho phép điều trị tập trung vào đúng vùng da cần cải thiện mà không ảnh hưởng tới các khu vực xung quanh.

Tuỳ thuộc vào nguồn cung cấp năng lượng ánh sáng mà công nghệ Laser có tên gọi và ứng dụng điều trị khác nhau:

  • Công nghệ Laser CO2: Là công nghệ laser có bước sóng dài nhất hiện tại nên được ứng dụng rộng rãi trong điều trị nhiều vấn đề về da và cả trẻ hóa da. Đây được xem là tiêu chuẩn vàng để khắc phục các khuyết điểm da lão hóa do ánh sáng. Kết quả mà laser CO2 mang lại vượt trội hơn so với các laser khác. Do bước sóng cụ thể của nó (10600 nm) và tính chất thay đổi cũng như thời gian phát ra (liên tục, xung), laser CO2 có thể hữu ích trong việc điều trị các bệnh về da hoặc niêm mạc khác nhau.
  • Công nghệ Laser Nd YAG: Công nghệ này thường được sử dụng để loại bỏ những tổn thương sắc tố, mạch máu bằng cách phát ra những xung laser để nhắm vào các melanin ở độ sâu khác nhau, trên bề mặt da hoặc ở các lớp sâu hơn.
  • Công nghệ ánh sáng xung IPL: Phát ra ánh sáng xung cường độ cao, cung cấp các bước sóng ánh sáng có kiểm soát nhắm thẳng vào các tổn thương sắc tố  cụ thể như melanin và hemoglobin. Khi các sắc tố  này hấp thụ năng lượng từ tia laser, chúng sẽ nóng lên và bị phá vỡ mà không làm tổn thương các mô xung quanh. Ánh sáng xung cũng sẽ kích thích sản xuất collagen và cải thiện diện mạo tổng thể của da.
  • Công nghệ Laser PicoSure Pro: Tạo ra các xung cực ngắn để tạo ra hiệu ứng quang cơ, tạo ra nhiều đợt xung kích lên các lớp da, kích thích sản sinh collagen, tăng độ đàn hồi và sửa chữa những tổn thương trên da.

Ứng dụng Laser trong điều trị các vấn đề da liễu

Công nghệ Laser đã được sử dụng để giải quyết các vấn đề sức khỏe trong nhiều chuyên ngành khác nhau. Nhờ tính ứng dụng cao, công nghệ Laser được sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực thẩm mỹ, da liễu đạt hiệu quả điều trị cao. Một số ứng dụng điển hình của phương pháp trong giải quyết các vấn đề về da bao gồm:

  • Điều trị mụn trứng cá: công nghệ laser có thể giúp giảm sự xuất hiện của mụn bằng cách nhắm mục tiêu vào vi khuẩn gây ra mụn, giảm viêm và làm thông thoáng lỗ chân lông. Phương pháp điều trị mụn trứng cá bằng laser thường được thực hiện theo một liệu trình và có thể thấy kết quả trong vòng vài tuần. Một nghiên cứu tại Mỹ đã chỉ ra rằng, tia laser có thể làm giảm mụn trứng cá từ 25-50% sau một tháng điều trị và cải thiện hoàn toàn sau 3 tháng.
  • Giảm sẹo: công nghệ laser có thể giúp làm giảm sự xuất hiện của sẹo bằng cách kích thích sản xuất collagen và thúc đẩy quá trình tái tạo tế bào da. Phương pháp điều trị sẹo bằng laser có thể có hiệu quả nhưng cần thực hiện nhiều lần để đạt được kết quả mong muốn. Bên cạnh Laser các bác sĩ có thể phối hợp thêm các phương pháp khác để đạt hiệu quả điều trị cao nhất.
  • Trẻ hóa, tái tạo làn da: tái tạo bề mặt da bằng laser, sử dụng tia laser để loại bỏ các lớp mỏng thượng bì trên da của bạn. Chùm tia laser phá hủy lớp da bên ngoài (biểu bì). Đồng thời, tia laser làm nóng lớp da bên dưới (lớp trung bì), khiến các sợi collagen co lại. Khi làn da của bạn lành lại, làn da mới hình thành sẽ mịn màng và săn chắc hơn. Trẻ hóa da bằng laser là phương pháp không xâm lấn nên có thể tránh được rủi ro nhiễm trùng, sẹo,... giảm thiểu cảm giác đau đớn trong quá trình thực hiện. Thời gian điều trị tương đối ngắn, có thể thấy được sự cải thiện ngay sau khi điều trị. Công nghệ laser cho phép điều chỉnh mức độ tác động vào da tùy theo từng tình trạng da cụ thể.
  • Triệt  lông: hầu hết các máy Laser triệt  lông tác động vào  melanin ở nang lông, như vậy người có lông màu sáng hoặc xám sẽ có đáp ứng kém hơn. Triệt  lông bằng Laser là phương pháp an toàn, các tia nhằm vào sắc tố trong nang lông, phá hủy nang lông mà không gây tổn thương các vùng da xung quanh.
  • Điều trị rối loạn sắc tố: Laser điều trị tổn thương sắc tố có mô đích là melanin. Hiện nay có nhiều loại laser được sử dụng trong chuyên khoa Da liễu để điều trị các rối loạn tăng sắc tố da như nám, tàn nhang, tăng sắc tố sau viêm, bớt tăng sắc tố… Đặc biệt là các loại laser kỹ thuật cao, chọn lọc mô đích, giảm thiểu tối đa tổn thương mô lành xung quanh, hạn chế tối đa biến chứng tăng sắc tố sau viêm, thời gian nghỉ dưỡng ngắn thường được lựa chọn.
  • Điều trị giãn mạch: một trong những vấn đề khó điều trị của da là tình trạng giãn mạch, giãn mạch có thể do bẩm sinh hoặc do biến chứng làm đẹp, dùng các loại kem chứa corticoid… thật may là Laser có thể sử dụng để giải quyết vấn đề này.
  • Xóa hình xăm: tia Laser giúp xóa hình xăm một cách an toàn, nhanh chóng, không gây đau đớn và không để lại sẹo.
Ứng dụng Laser trong triệt lông - Ảnh: Freepik

Những ai nên sử dụng phương pháp Laser

Bạn có thể là đối tượng lý tưởng cho phương pháp Laser nếu có các vấn đề cần phải cải thiện như:

  • Sẹo do mụn trứng cá hoặc thủy đậu.

  • Sắc tố da không đồng đều.

  • Vết chàm hoặc vết bớt.

  • Da sạm, nám, tàn nhang.

  • Các nếp nhăn nhỏ xung quanh hoặc dưới mắt, trán hoặc miệng

  • Lỗ chân lông to .

Những ai không nên thực hiện công nghệ Laser?

Mặc dù mang lại hiệu quả cao trong điều trị nhiều vấn đề da liễu, được đánh giá an toàn, nhưng một số đối tượng sau không nên thực hiện phương pháp này:

  • Phụ nữ có thai và đang cho con bú.
  • Người có tiền sử sẹo lồi, vùng da đang xạ trị.
  • Người đang dùng Isotretinoin (thuốc điều trị mụn trứng cá nặng).
  • Da bị xơ cứng bì (bệnh tự miễn mạn tính) hoặc mắc vảy nến.
  • Viêm da cấp tính và lan tỏa.
  • Hệ thống miễn dịch yếu.
  • Bệnh nặng: có các bệnh toàn thân như suy tim, suy hô hấp, rối loạn đông máu…

Rủi ro và tác dụng không mong muốn của điều trị Laser

Laser là phương pháp cần được thực hiện bởi các bác sĩ chuyên khoa có chuyên môn và kỹ thuật tốt. Bên cạnh rất nhiều tác dụng mà Laser đem lại, cũng có những rủi ro điều trị sau khi Laser, như là:

  • Gây kích ứng, nổi mẩn đỏ: đây là nhược điểm phổ biến của trẻ hóa da bằng laser và thường kéo dài vài giờ. Chườm mát  kết hợp đắp mặt nạ và điện di có thể cải thiện tình trạng trên
  • Nhiễm trùng da: khi da bị tổn thương cùng với nguyên tắc vô khuẩn không đảm bảo có thể dẫn đến nhiễm trùng vùng da sau Laser, với các biểu hiện như đỏ, rát, ngứa, nổi các nốt mụn mủ…
  • Khô da: thường sau Laser da sẽ khô và bong tróc nhẹ, vì thế các bạn cần  tích cực cấp ẩm và uống nhiều nước sau điều trị.
  • Thay đổi sắc tố: vùng da sau Laser có thể tăng sắc tố, tối màu hơn các vùng da xung quanh và hiếm gặp hơn là giảm sắc tố, mất sắc tố 
  • Sẹo sau khi tái tạo bề mặt da bằng laser: biến chứng sẹo thường do quá trình Laser với mức năng lượng lớn và kỹ thuật người làm chưa đảm bảo, dẫn đến tổn thương . Sẹo sau khi tái tạo bề mặt da bằng laser, mặc dù rất hiếm gặp nhưng bạn vẫn cần phải lưu ý.
  • Tổn thương mắt: liệu pháp laser trẻ hóa da đòi hỏi sử dụng tia laser có bước sóng và mức năng lượng cao. Ánh sáng mạnh từ tia laser có thể gây nguy hại cho mắt. Do đó, bác sĩ và người bệnh đều phải đeo kính bảo hộ.

Laser là công nghệ hiện đại mang lại nhiều bước tiến lớn cho ngành da liễu thẩm mỹ. Với những bước sóng chuyên biệt, Laser có thể sử dụng để giải quyết nhiều vấn đề   khác nhau, đáp ứng nhu cầu làm đẹp của phái nữ. Hiểu về công nghệ Laser sẽ giúp chị em  bắt kịp xu thế làm đẹp một cách an toàn và hiệu quả.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết