Một số vị thuốc và bài thuốc đông y trị viêm loét dạ dày tá tràng
Một số vị thuốc và bài thuốc đông y trị viêm loét dạ dày tá tràng
Bài thuốc đông y trị viêm loét dạ dày
Bài thuốc đông y trị viêm loét dạ dày có hiệu quả tốt - Ảnh: BookingCare

Một số vị thuốc và bài thuốc đông y trị viêm loét dạ dày tá tràng

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 25/03/2024 | Cập nhật lần cuối: 25/03/2024
Vị thuốc và bài thuốc đông y trị viêm loét dạ dày được dân gian sử dụng nhằm cải thiện triệu chứng bệnh, bồi bổ cơ thể và điều trị nguyên nhân gây bệnh đau dạ dày, viêm loét dạ dày cấp và mãn tính.

Theo quan niệm Y học cổ truyền không ghi nhận danh từ “Bệnh loét dạ dày tá tràng”. Viêm loét dạ dày tá tràng dựa vào những biểu hiện triệu chứng của bệnh được xếp vào phạm trù “vị quản thống”, “Tào tạp” và “Vị thương” của y học cổ truyền, nguyên nhân chủ yếu do ngoại tà phạm Vị, ẩm thực thất điều; thực trệ thương Vị; tình chí nội thương, Can khí phạm Vị; thể chất Tỳ hư, hậu thiên thất dưỡng do ăn uống không điều độ,…

Để điều trị bệnh lý này, nhiều người chọn sử dụng các vị thuốc và bài thuốc đông y trị viêm loét dạ dày tá tràng cho hiệu quả cao.

Vị thuốc trị viêm loét dạ dày tá tràng 

Một số vị thuốc thảo dược có tác dụng giảm triệu chứng khó chịu của bệnh như đau rát, ợ hơi, ợ chua, chán ăn, mệt mỏi,… và dễ dàng áp dụng tại nhà: 

  • Cây chè dây: các công trình nghiên cứu gần đây đã cho thấy chè dây có tác dụng trong việc trung hòa acid dịch vị, làm lành nhanh vết loét, đồng thời ức chế và tiêu diệt vi khuẩn HP – thủ phạm phổ biến gây viêm loét dạ dày. Có thể dùng chè dây tươi hoặc khô, hãm trà để uống hàng ngày trong 2 – 3 tuần liên tục. 
  • Cây nhọ nồi: Cỏ nhọ nồi chứa nhiều hợp chất có lợi cho sức khỏe như tanin, carotene hay flavonozit. Những chất này có tác dụng chống oxy hóa, kháng viêm, làm bề mặt vết loét trong dạ dày nhanh khô se và có tốc độ hồi phục nhanh hơn. Sử dụng cỏ nhọ nồi hãm trà uống hoặc sắc uống cùng các dược liệu khác. 
  • Nghệ vàng: Nghệ vàng chứa hàm lượng curcumin cao, chống lại viêm loét dạ dày bằng cách ức chế quá trình viêm, kích thích dạ dày tiết chất nhầy bảo vệ niêm mạc. Có thể dùng nghệ với mật ong hoặc tinh bột nghệ để uống.  
  • Lá trầu không: tương tự cây chè dây, lá cây trầu không cũng có nhiều tác dụng trong tiêu diệt vi khuẩn HP và thúc đẩy quá trình hồi phục niêm mạc dạ dày. Nên hãm lá trầu không với nước để uống. 
  • Lá cây lược vàng: cây lược vàng được dân gian sử dụng phổ biến trong điều trị bệnh đau dạ dày, viêm loét dạ dày cấp và mãn tính. Lá lược vàng hãm nước sôi hoặc nhai tươi. 
  • Dạ cẩm: dạ cẩm dùng lá, ngọn non hay rễ đều có tác dụng tốt cho người viêm loét dạ dày. Dạ cẩm có tác dụng diệt khuẩn, kháng viêm, giảm lượng acid và cải thiện tình trạng ợ chua.

Ngoài ra, có thể sử dụng một số dược liệu khác dễ tìm, có tác dụng trong đẩy lùi các tình trạng viêm loét dạ dày tá tràng như: cây khôi tía, nha đam, lá mơ lông, gừng,…

Dạ cẩm
Dạ cẩm là một trong những vị thuốc có tác dụng trong điều trị viêm loét dạ dày - Ảnh: Freepik

Bài thuốc trị viêm loét dạ dày tá tràng 

Y học cổ truyền chia vị quản thống thành 2 thể bệnh chính là thể can khí phạm vị và thể tỳ vị hư hàn. Thể can khí phạm vị lại chia thành ba thể nhỏ là khí trệ, hoả uất và huyết ứ. Tuỳ thuộc mỗi thể lâm sàng mà triệu chứng người bệnh khác nhau, thầy thuốc cũng cho bài thuốc khác nhau. 

Viêm loét dạ dày thể can khí phạm vị 

Thể khí trệ 

  • Biểu hiện: đau bụng thượng vị thành cơn, đau lan mạn sườn, có khi lan ra sau lưng, bụng đầy chướng, ấn đau, hay ợ hơi, ợ chua, chất lưỡi hơi đỏ, rêu lưỡi trắng hoặc hơi vàng mỏng. Mạch huyền. 
  • Pháp điều trị: Sơ can lý khí. 
  • Bài thuốc 1: Sài hồ sơ can thang. Thành phần: Sài hồ 12g, Chỉ xác 8g, Bạch thược 12g, Cam thảo 6g, Xuyên khung 8g, Hương phụ 8g, Trần bì 8g. Sắc uống ngày 1 thang. 
  • Bài thuốc 2: Nghiệm phương, thành phần: Lá khôi 20g, lá khổ sâm 16g, Hậu phác 8g, Cam thảo 16g, Bồ công anh 20g, Hương phụ 8g, Uất kim 8g. Sắc uống ngày 1 thang.
  • Bài thuốc 3: Cao dạ cẩm.

Thể hoả uất 

  • Biểu hiện: đau thượng vị nhiều, đau nóng rát, ấn vào đau tăng (cự án), ợ chua nhiều, miệng khô đắng. Chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, mạch huyền sác. 
  • Pháp điều trị: Sơ can tiết nhiệt. 
  • Bài thuốc 1: Sài hồ sơ can thang gia thêm Xuyên luyện tử 6g, Ô tặc cốt 16g. Sắc uống ngày 1 thang.
  • Bài thuốc 2: Hoa can tiễn hợp với bài Tả kim hoàn. Sắc uống ngày 1 thang. 
  • Bài thuốc 3. Nghiệm phương, thành phần: Lá khôi 500g, bồ công anh nam 250g, Rễ chút chít 100g, Lá khổ sâm 50g, Nhân trần 100g. Các vị sấy khô tán bột, hãm nước sôi uống, ngày 24 – 32g. 
Sử dụng các bài thuốc điều trị viêm loét dạ dày
Sử dụng các bài thuốc điều trị viêm loét dạ dày cần căn cứ theo thể bệnh - Ảnh: Freepik

Thể huyết ứ 

Biểu hiện: đau dữ dội một vị trí nhất định, ấn vào đau tăng (cự án). Trên lâm sàng lại chia làm 2 trường hợp. 

Thực chứng (bệnh thể cấp)

  • Biểu hiện: Nôn ra máu, đi ngoài phân đen, môi đỏ lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, mạch huyền sác hữu lực. 
  • Pháp điều trị: Lương huyết chỉ huyết hoặc Thông lạc hoạt huyết 
  • Bài thuốc: Thất tiếu tán. Thành phần: Ngũ linh chi, Bồ hoàng lượng bằng nhau. Tán bột mịn, trộn đều, ngày uống 8 – 12g. 

Hư chứng (bệnh thể mạn)

  • Biểu hiện: chảy máu nhiều kèm sắc mặt nhợt nhạt, người mệt mỏi, môi nhợt, tay chân lạnh, ra mồ hôi, chất lưỡi bệnh có điểm ứ huyết, mạch hư đại hoặc tế sáp. 
  • Pháp điều trị: Bổ huyết chỉ huyết 
  • Bài thuốc 1: Hoàng thổ thang gia giảm. Thành phần: Hoàng thổ (đất lòng bếp) 10g, A giao 12g, Phụ tử chế 12g, Bạch truật 12g, Địa hoàng 12g, Cam thảo 12g, Hoàng cầm 12g, Đảng sâm 12g. Sắc uống ngày 1 thang. 
  • Bài thuốc 2: Tứ quân tử thang gia vị. Thành phần: Đảng sâm 16g, Bạch truật 12g, Bạch linh 12g, Hoàng kỳ 12g, A giao 8g, Cam thảo 6g. Sắc uống ngày 1 thang. 

Viêm loét dạ dày thể tỳ vị hư hàn 

  • Biểu hiện: Đau thượng vị âm ỉ, đau liên miên, nôn nhiều nôn ra nước trong, gặp lạnh đau tăng, khi đau thích xoa bóp, chườm nóng. Kèm theo sợ lạnh, tay chân lạnh, ăn kém, thích ăn đồ ấm nóng. Bụng đầy thường xuyên, đại tiện lỏng nát. Chất lưỡi nhợt bệu, rêu lưỡi trắng. Mạch trầm nhược.
  • Pháp điều trị: Ôn trung kiện tỳ 
  • Bài thuốc: Hoàng kỳ kiến trung thang. Thành phần: Hoàng kỳ 16g, Cam thảo 6g, Hương phụ 8g, Đại táo 12g, Sinh khương 6g, Bạch thược 8g, Quế chi 8g, Mạch nha 30g. Sắc uống ngày 1 thang.

Các vị thuốc và bài thuốc trên có tính chất tham khảo. Mỗi người thể trạng khác nhau, bệnh khác nhau,... nên cần có sự khám xét tỉ mỉ rồi cho đơn của thầy thuốc đông y bệnh tình sẽ nhanh khỏi hơn.  

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết