Nghe kém: Nguyên nhân, dấu hiệu và phương pháp điều trị

Tác giả: - Xuất bản: 28/11/2023 - Cập nhật lần cuối: 30/11/2023
Nguyên nhân, dấu hiệu và phương pháp điều trị
Nguyên nhân, dấu hiệu và phương pháp điều trị - Ảnh: BookingCare
Nghe kém tưởng chừng là vấn đề nhỏ thế nhưng lại trở thành nỗi lo của rất nhiều người khi gặp phải vấn đề này. Hiểu thêm về nguyên nhân, dấu hiệu và phương pháp điều trị là một cách giúp người bệnh có hướng xử lý kịp thời khi gặp phải tình trạng nghe kém.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, nghe kém gặp trong 5% dân số, tỉ lệ này đặc biệt cao hơn ở nhóm trên 55 tuổi. Nghe kém không gây ảnh hưởng đến tính mạng nhưng lại gây cảm giác khó chịu nhiều cho người bệnh nên cần được phát hiện và điều trị phù hợp.

Nghe kém là gì?

Nghe kém là tình trạng nghe không rõ lời người khác nói, nghe sai thông tin, phải hỏi lại nhiều lần, nghe kém có thể là một bên hoặc cả hai bên. Trên thính lực đồ nghe kém là khi cường độ sức nghe của tai lớn hơn hoặc bằng 25 Decibel.

Theo mức độ, nghe kém chia làm ba dạng: nhẹ, trung bình, nặng và điếc sâu.

Theo cơ chế gây bệnh chia làm:

  • Nghe kém dẫn truyền, liên quan đến tai ngoài hoặc tai giữa.
  • Nghe kém do thần kinh, giảm tiếp nhận cảm giác thường của tai trong.
  • Hỗn hợp cả hai loại trên.

Độ tuổi hay gặp tình trạng nghe kém

  • Nghe kém thường bắt đầu sau tuổi 30. Tình trạng nghe kém diễn ra nhiều hơn khi chúng ta già đi, cứ mỗi 10 năm, mức nghe kém lại tăng dần lên: 16% ở tuổi 60, 32% ở tuổi 70, 64% ở tuổi 80. Bệnh đặc biệt hay gặp và gây trở ngại lớn trong sinh hoạt ở những người từ 55-60 tuổi trở lên, có tới 80% người lớn tuổi gặp tình trạng nghe kém.
  • Không chỉ gặp ở người lớn, nghe kém còn gặp ở trẻ nhỏ trong những trường hợp mắc các bệnh lý viêm nhiễm ở tai mũi họng trong thời kỳ sơ sinh nhưng không hoặc chưa điều trị đúng cách, điển hình là các trường hợp viêm tai giữa, viêm tai ứ dịch, viêm màng não.
  • Chấn thương vùng đầu cổ gây tổn thương cơ quan thính giác.
  • Người điều trị bệnh phải sử dụng các thuốc có tác dụng phụ gây độc cho tai như các bệnh nhân điều trị thuốc lao.

Nguyên nhân gây nghe kém

Việc chẩn đoán nguyên nhân gây nghe kém giúp ích nhiều cho quá trình điều trị bệnh, thế nhưng không phải lúc nào cũng tìm thấy căn nguyên rõ ràng. Một vài nguyên nhân có thể kể đến như:

  • Mắc các bệnh bẩm sinh, di truyền.
  • Thoái hóa do tuổi tác (lão thính): Người già các cơ quan dần lão hoá, các dây thần kinh thoái hoá dẫn đến dẫn truyền và tiếp nhận giảm.
  • Bệnh lý viêm nhiễm: Viêm tai giữa, viêm mê nhĩ, viêm dây thần kinh.
  • Nút ráy tai.
  • Bệnh lý miễn dịch: Meniere.
  • Chấn thương: Các chấn thương gây tổn thương dây thần kinh hoặc vùng tiếp nhận âm thanh cũng là nguyên nhân gây nghe kém.
  • Tiếng ồn lớn, nhiễm độc gây ra bởi tác dụng phụ của một số thuốc.
  • Bệnh lý tim mạch, nội tiết gây giảm lưu thông tuần hoàn máu dẫn đến giảm tưới máu cơ quan ốc tai gây nghe kém.

Dấu hiệu của bệnh nghe kém 

Đa số người mắc nghe kém than phiền rằng họ nghe thấy âm thanh nhỏ hơn, không nghe rõ lời nói, phải yêu cầu người đối diện nói lại nhiều lần. Một số dấu hiệu của bệnh nghe kém có thể kể đến bao gồm:

  • Khó nghe rõ ràng người khác nói, hiểu sai những gì người khác nói, đặc biệt ở những nơi ồn ào, đôi khi là không theo kịp câu chuyện mọi người đang nói.
  • Hay phải yêu cầu mọi người phải nói đi nói lại nhiều lần.
  • Nghe nhạc hoặc xem tivi với mức âm lượng lớn hơn người khác.
  • Tai có thể có tiếng ù hoặc âm thanh lạ.

Phương pháp chẩn đoán nghe kém

Chẩn đoán nghe kém thường không khó. Các bác sĩ dựa vào tiền sử và các triệu chứng nghe kém từ người bệnh, ngoài ra các bác sĩ có thể sử dụng các cận lâm sàng giúp hỗ trợ quá trình chẩn đoán như đo thính lực đồ, đo nhĩ lượng hoặc một vài phương pháp chẩn đoán hình ảnh để chẩn đoán hoặc loại trừ các nguyên nhân nguy hiểm.

Các phương pháp điều trị nghe kém

Điều trị nghe kém phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh.Nếu là do tình trạng viêm nhiễm bác sĩ chỉ định dùng kháng sinh. Trường hợp nghe kém do nút ráy tai thì vệ sinh tai, lấy nút ráy tai sẽ hồi phục sức nghe.

Phẫu thuật vá nhĩ trong trường hợp nguyên nhân gây ù do thủng màng nhĩ, đặt ống thông khí trong trường hợp viêm tai ứ dịch nhiều lần.

Dùng máy trợ thính hỗ trợ khuếch đại âm thanh trong trường hợp nghe kém do tổn thương tai trong.

Cấy ghép ốc tai điện tử hoặc cấy ghép ốc tai đường xương là những biện pháp hiện đại ngày nay. Áp dụng cho những trường hợp nghe kém mức độ nặng, điếc nặng và không cải thiện với máy trợ thính.

Cấy ốc tai điện tử
Cấy ốc tai điện tử - Ảnh: Bệnh viện An Việt

Cách đối mặt với bệnh nghe kém

Khi gặp phải tình trạng nghe kém, người bệnh thường lo lắng, tham khảo những cách dưới đây giúp giao tiếp với người khác và tránh làm tổn thương thính giác:

  • Giảm tiếng ồn xung quanh hoặc đến khu vực yên tĩnh hơn để nói chuyện khi giao tiếp với mọi người.
  • Đứng đối diện và giữ khoảng cách vừa đủ với người đối diện để có thể nhìn rõ miệng, biểu cảm của người kia để hiểu họ nói gì.
  • Đề nghị mọi người nói chậm, hoặc nói lại khi chưa nghe rõ ràng thông tin.
  • Dùng các dụng cụ bảo vệ tai khi phải tiếp xúc tiếng ồn.
  • Nghe âm thanh mức độ vừa và nhỏ, hạn chế tối đa sử dụng tai nghe.
  • Không ngoáy hay cố gắng đưa bất kỳ thứ gì vào tai, tránh tổn thương gây viêm nhiễm tai, vệ sinh tai an toàn.
  • Tăng cường tập thể dục và ăn uống đủ chất giúp tăng sức đề kháng của cơ thể.

Nghe kém là tình trạng phổ biến hiện nay, tuy không ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng nhưng lại gây ảnh hưởng lớn đến đời sống và tinh thần, nếu không điều trị có thể dẫn đến điếc hoàn toàn. Do đó việc nhận diện sớm các dấu hiệu gây bệnh, hiểu về nguyên nhân, phương pháp điều trị và kiểm tra thính lực là điều hết sức cần thiết.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết