Nám da: Nguyên nhân và cách điều trị? Phân biệt nám và tàn nhang
Nám da
Nguyên nhân và cách điều trị nám da - Ảnh: BoookingCare

Nám da: Nguyên nhân và cách điều trị? Phân biệt nám và tàn nhang

Tác giả: - Xuất bản: 19/09/2023 - Cập nhật lần cuối: 28/12/2023
Nám da là tình trạng da xuất hiện các mảng tăng sắc tố màu nâu đen, thường ở vùng má, mũi, trán và cằm. Nám thường xảy ra khi mang thai, sử dụng thuốc tránh thai và liên quan đến các yếu tố kích thích khác.

Nám da là mối lo ngại của nhiều người, đặc biệt là các chị em phụ nữ. Nghiên cứu cho thấy, có đến 90% người bị nám là nữ giới. Nám khiến nhiều người mất tự tin, ảnh hưởng tới thẩm mỹ và cần phải điều trị kiên trì mới mang lại hiệu quả rõ rệt.

Dấu hiệu nám da

Nám da là các mảng tăng sắc tố khác màu so với những vùng da bình thường trên cơ thể. Những mảng này thường có màu nâu, nâu đen, xanh đen. Sự chênh lệch màu da tuy không ảnh hưởng tới sức khỏe nhưng gây mất thẩm mỹ, khiến nhiều người mất tự tin.

Tổn thương thường khu trú ở hai bên gò má, thái dương, trán, mũi, quanh miệng. Đôi khi tổn thương còn xuất hiện ở cánh tay trên.

Các dát sắc tố này tăng đậm về mùa xuân hè, có xu hướng giảm về mùa thu đông.

Dựa vào mức độ tăng sắc tố và diện tích tổn thương, người ta chia nám má thành các thể lâm sàng khác nhau:

  • Thể nhẹ: tăng sắc tố nhẹ và tổn thương khu trú ở hai bên gò má.
  • Thể trung bình: tăng sắc tố đậm hơn, tổn thương khu trú hai bên gò má, bắt đầu lan ra các vị trí khác.
  • Thể nặng: tăng sắc tố đậm, tổn thương lan rộng ra cả thái dương, trán hoặc mũi.
  • Thể rất nặng: tăng sắc tố rất đậm, tổn thương lan rộng ngoài mặt còn có thể xuất hiện ở cánh tay trên

Nguyên nhân gây nám da

Hiện tại, vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác gây ra nám. Tuy nhiên, đây là tình trạng rối loạn chuyển hóa sắc tố ở da, chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố:

  • Yếu tố gen di truyền đóng vai trò chính trong việc hình thành nám da
  • Thay đổi nội tiết tố bên trong cơ thể khi mang thai, rối loạn kinh nguyệt, đặc biệt là sau tuổi 30. Trong giai đoạn tiền mãn kinh, mãn kinh, rối loạn của nội tiết tố estrogen và progesterone cũng là nguyên nhân gây nên hiện tượng nám da.
  • Tiếp xúc trực tiếp, thường xuyên với ánh sáng mặt trời khiến da chịu tác động của tia tử ngoại UV mà chủ yếu là tia UVA và UVB.
  • Những yếu tố làm nám da nặng lên đó là sự lạm dụng các loại mỹ phẩm kém chất lượng, trôi nổi trên thị trường, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
  • Ngoài ra khi liên tục gặp phải những áp lực, stress trong công việc, cuộc sống; chế độ ăn uống thiếu cân bằng, uống ít nước, uống nhiều rượu bia, nghỉ ngơi sinh hoạt không hợp lý, tránh nắng không tốt sẽ làm gia tăng những mảng nám trên da.

Chẩn đoán nám da

Thông thường nám da được chẩn đoán dựa vào bệnh sử và biểu hiện lâm sàng. Tuy nhiên, soi tổn thương dưới ánh sáng đèn Wood có thể xác định tình trạng bệnh rõ hơn, giúp xác định sự hiện diện sắc tố nám là ở thượng bì, trung bì, hỗn hợp hai vị trí hoặc có thể không xác định rõ (thông thường dát sắc tố thượng bì sẽ đậm màu, ở trung bì thì ít rõ ràng hơn).

Phân biệt nám và tàn nhang

Nám và tàn nhang rất dễ bị nhầm lẫn do đều là những mảng da khác màu so với những vùng da còn lại nên cần phân biệt đúng để có phương pháp điều trị đúng đắn.

  Nám Tàn nhang
Nguyên nhân

Rối loạn sắc tố da

Rối loạn nội tiết tố

Di truyền

Thay đổi nội tiết tố

Màu sắc

Màu nâu, nâu đen, xanh đen

Tùy vào từng loại da: Nâu sẫm, nâu nhạt, xám
Đặc điểm

Xuất hiện từng mảng, ranh giới thường không rõ

Nốt nhỏ, nhẵn, ranh giới rõ, xuất hiện không đều

Vị trí trên da

Nằm nông hoặc sâu trong da

Nằm trên bề mặt da
Phân loại

Nám thượng bì

Nám trung bì

Nám hỗn hợp

Ephelides (tàn nhang màu nhạt)

Lentigines (tàn nhang màu đậm) 

Yếu tố nguy cơ

Nữ giới ở độ tuổi trung niên

Người da màu

Người trong gia đình có tiền sử bị nám

Sử dụng hormon Estrogen và Progesterone ngoại sinh

Bệnh lý tuyến giáp

Xuất hiện từ khi còn trẻ

Người trong gia đình có tiền sử bị tàn nhang

Người da trắng, tóc và mắt sáng màu

Người thường xuyên hoạt động dưới ánh nắng mặt trời

 

Để biết mình bị nám da hay tàn nhang, bạn nên thăm khám với bác sĩ Da liễu để có kết quả chính xác nhất.

Hình ảnh nám da
Hình ảnh nám da - Ảnh: drdennisgross.com

Điều trị nám hiệu quả

Bác sĩ sẽ thăm khám vùng da bị tổn thương bằng các dụng cụ chuyên biệt để chẩn đoán bệnh nám da. 

Điều trị nám da rất khó khăn và cần sự kiên trì. Liệu trình điều trị nám da có thể kéo dài từ 6 tháng - 1 năm, thậm chí lâu hơn. Tùy biểu hiện lâm sàng mà người bệnh được chỉ định phương thức thích hợp, có thể phối hợp cùng lúc nhiều biện pháp điều trị khác nhau.

Ngoài thuốc bôi, bác sĩ sẽ hướng dẫn bệnh nhân thay đổi chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt, đồng thời chăm sóc da đúng cách tại nhà để cải thiện tình trạng nám.

Một số phương pháp điều trị nám phổ biến hiện nay là:

  • Sử dụng thuốc bôi tại chỗ chứa các thành phần như: Hydroquinone, Azelaic acid, Kojic acid, Cysteamine cream, Ascorbic acid, Tranexamic acid, Glutathione, Soybean extract.
  • Kết hợp thuốc uống như: Tranexamic, Polypodium leucotomos, Glutathione ức chế sinh tổng hợp 1 số yếu tố sinh ra nám.
  • Bên cạnh đó, việc áp dụng những phương pháp thẩm mỹ khác như peel da (tái tạo da), công nghệ laser (laser Q-switched Nd YAG, Picosecond, Laser fractional) và ánh sáng xung cường độ cao IPL cũng góp phần hỗ trợ trong việc điều trị  nám má hiệu quả.
  • Quan trọng nhất là bôi kem chống nắng đúng cách hàng ngày 

Hiện nay có nhiều phương pháp điều trị nám bằng công nghệ hiện đại. Tuy nhiên, rất nhiều chị em phụ nữ muốn tự điều trị nám tại nhà hoặc có thói quen điều trị theo "kinh nghiệm" của người khác.

Tuy vậy, tình trạng nám ở mỗi người là khác nhau, nên việc áp dụng phương pháp chữa trị nám của người khác chưa chắc đã phù hợp với bản thân mình.

Một trong những phương pháp chị em thường "truyền tai" nhau là sử dụng kem trị nám. Kem trị nám thường được nhiều người sử dụng do dễ dùng, giá cả phù hợp, không đau đớn, tiết kiệm thời gian,...

Tuy nhiên, kem điều trị nám không nên sử dụng bừa bãi vì có rất nhiều loại kem trị nám chất lượng không đảm bảo, không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng với những thành phần gây hại cho da.

Nhiều loại kem trị nám có thể dẫn đến tổn thương da, kích ứng, ngứa ngáy, bào mòn da, làm da nhạy cảm, sần sùi trong khi tình trạng nám không được điều trị hiệu quả.

Sống chung với nám da

Điều trị nám da là một quá trình lâu dài và có thể khá tốn kém, đặc biệt với những trường hợp nám sâu, nám hỗn hợp. Vì vậy, ngay từ đầu, bạn nên thực hiện những biện pháp để phòng ngừa nám da sau đây:

  • Tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, nhất là vào khoảng 10h-15h hàng ngày vì đó là thời điểm bức xạ tia UV mạnh nhất, dễ gây tổn thương da.
  • Khi phải ra ngoài, hãy mặc quần áo chống nắng, đội mũ rộng vành, đeo kính râm và sử dụng kem chống nắng phổ rộng. Bôi kem chống nắng trước khi ra khỏi nhà khoảng 20-30 phút để kem chống nắng có tác dụng. Kem chống nắng nên có chỉ số SPF tối thiểu là 30. 
  • Che chắn, bảo vệ da khi tiếp xúc với ánh nắng, khói bụi.
  • Sử dụng các sản phẩm chăm sóc da uy tín, có nguồn gốc rõ ràng, thành phần an toàn cho da. Với những làn da quá nhạy cảm, nên tham khảo ý kiến của bác sĩ Da liễu trước khi sử dụng. Không tự ý sử dụng các sản phẩm thuốc hay kem không rõ nguồn gốc để điều trị nám da
  • Sinh hoạt điều độ, tránh thức khuya, uống nhiều bia rượu, không hút thuốc lá. Bổ sung các thực phẩm giàu vitamin C, E, A, Omega-3,... 
  • Sử dụng các loại mặt nạ từ thiên nhiên: chẳng hạn như mặt nạ từ lô hội, sữa chua, mật ong,... có thể giúp cải thiện các vết nám.
  • Hạn chế sử dụng mỹ phẩm, các chất tẩy rửa mạnh ở trên da mặt.

Nám da có thể ảnh hưởng đến sự tự tin và tâm lý của người mắc bệnh. Tuy nhiên, các phương pháp điều trị nám da ngày càng được cập nhật và có những tiến bộ đáng kể.

Ngoài ra, việc duy trì một chế độ chăm sóc da khoa học, chế độ ăn uống và sinh hoạt lành mạnh hàng ngày cũng đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì làn da khỏe mạnh và ngăn chặn sự xuất hiện của nám da.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết