Nhọt: Dấu hiệu, nguyên nhân, cách điều trị
Nhọt: Dấu hiệu, nguyên nhân, cách điều trị
nhọt
Nhọt: Dấu hiệu, nguyên nhân, cách điều trị - Ảnh: BookingCare

Nhọt: Dấu hiệu, nguyên nhân, cách điều trị

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 20/09/2023 | Cập nhật lần cuối: 28/12/2023
Nhọt là bệnh lý da liễu thường gặp và đa phần không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Tuy nhiên, nhọt có thể gây đau và những bất tiện trong cuộc sống hằng ngày. Cùng BookingCare tìm hiểu chi tiết trong bài viết dưới đây.

Nhọt là tình trạng viêm cấp tính tại  nang lông và tổ chức xung quanh nang lông. Bệnh thường gặp về mùa hè và gặp ở nam nhiều hơn nữ. Mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh, tuy nhiên, bệnh thường gặp hơn ở trẻ em.

Dấu hiệu của nhọt

Nhọt có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên da của bạn, nhưng xuất hiện chủ yếu ở mặt, sau gáy, nách, đùi và mông - những vùng có nhiều lông mà bạn dễ đổ mồ hôi hoặc bị ma sát nhất, vị trí tuyến dầu hoạt động mạnh. Nhọt còn có thể hình thành ngay mí mắt, gọi là mụt lẹo hoặc nhọt có  thể mọc thành nhóm gọi là bệnh hậu bối.

Các dấu hiệu và triệu chứng của nhọt thường bao gồm:

  • Một vết sưng đỏ, đau, bắt đầu nhỏ và có thể to cứng dần lên có thể hơn 2cm. Sau 4 - 7 ngày dịch mủ sẽ hình thành dưới da. Bắt đầu ngay tại vị trí nang lồng và lan ra vùng da xung quanh
  • Da xung quanh vết sưng đỏ hoặc tím, sưng tấy
  • Kích thước của vết sưng tăng lên trong vài ngày vì nó chứa đầy mủ
  • Đầu nhọt phát triển màu trắng vàng, cuối cùng vỡ ra và khiến mủ chảy ra ngoài

Số lượng tổn thương có thể ít hoặc nhiều, kèm theo các triệu chứng toàn thân như sốt, mệt mỏi, hội chứng nhiễm trùng.

Bệnh chẩn đoán chủ yếu dựa vào các dấu hiệu lâm sàng. Ở giai đoạn sớm cần chẩn đoán phân biệt với viêm nang lông, herpes da lan tỏa, trứng cá và viêm tuyến mồ hôi mủ.

Nguyên nhân gây nhọt

Nguyên nhân gây bệnh nhọt là tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus). Bình thường, vi khuẩn này sống ký sinh trên da, nhất là các nang lông ở các nếp gấp như rãnh mũi má, rãnh liên mông… hoặc các hốc tự nhiên như lỗ mũi.

Khi nang lông bị tổn thương kết hợp với những điều kiện thuận lợi như tình trạng miễn dịch kém, suy dinh dưỡng, mắc bệnh tiểu đường… vi khuẩn sẽ phát triển và gây bệnh.

Phương pháp điều trị nhọt

Vệ sinh cá nhân: rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, tránh tự lây nhiễm sang các vùng da khác.

Ở giai đoạn sớm, chưa có mủ: không nặn, kích thích vào thương tổn; bôi
dung dịch sát khuẩn ngày 2-4 lần

  • Dung dịch sát khuẩn: có thể dùng một trong các dung dịch sau Povidone-iodine 10%, Hexamidine 0,1%, Chlorhexidin 4%
  • Thuốc bôi, Bôi thuốc lên tổn thương sau khi sát khuẩn Kem hoặc mỡ axit fusidic 2% bôi 1- 2 lần ngày, Mỡ mupirocin 2% bôi 3 lần/ngày, Mỡ neomycin, bôi 2- 3 lần/ngày, Kem silver sulfadiazine 1% bôi 1-2 lần/ngày. 
  • Trong các trường hợp nặng hơn, bác sĩ có thể kê các loại kháng sinh uống như sau nhóm beta lactam, nhóm macrolid.

Giai đoạn có mủ: chích nhọt làm sạch thương tổn.

Hình ảnh bệnh nhọt
Hình ảnh bệnh nhọt - Ảnh: foradermatology.com

Điều trị nhọt tại nhà

Đa phần các trường hợp nhọt chỉ cần điều trị tại nhà. Khi điều trị mụn tại nhà, có một số lưu ý sau để tránh lây nhiễm hay kéo dài tình trạng bệnh:

  • Chườm ấm lên vùng bị ảnh hưởng, trước tiên có thể ngâm vải trong nước muối ấm
  • Nhẹ nhàng rửa nhọt 2 - 3 lần một ngày
  • Không chích, nặn nhọt khi còn non. Chỉ nên nặn khi nhọt đã chín bằng cách rửa sạch tay bằng xà phòng và nước sạch, sau đó dùng tay tác động nhẹ nhàng đẩy hết dịch mủ ra ngoài. Sau khi nặn xong có thể dùng bông thấm nước muối sinh lý 0,9% để rửa lại.
  • Che kín vết thương. Giữ vết cắt và vết trầy xước sạch sẽ và được băng lại bằng băng khô, vô trùng cho đến khi chúng lành lại.
  • Rửa tay kỹ sau khi điều trị nhọt. Ngoài ra, giặt quần áo, khăn tắm đã chạm vào vùng để tránh lây nhiễm.
  • Tuyệt đối không nặn, bóp dịch mủ ra ngoài khi nhọt chưa lành hẳn. Vì sẽ khiến vi khuẩn phát tán theo vết thương hở và lan đến khu vực lân cận. Không sờ tay lên mặt, nhất là các vết mụn, nếu cần thì phải rửa tay thật sạch.

Cần đặc biệt lưu ý nhọt còn có thể là dấu chỉ điểm của một số bệnh lý: tiểu đường, suy giảm miễn dịch, bệnh nhiễm trùng cơ hội…trên những bệnh nhân đã có bệnh lý nền trước đó. Nhiễm trùng thứ phát nặng cũng có thể xảy ra gây nên tình trạng nhiễm trùng huyết nguy hiểm cho bệnh nhân.

Vì vậy, đối với các nhọt lớn, nhọt cụm, hoặc kèm theo các bất thường khác như sốt, đau nhức, mủ nhiều… cần được thăm khám bác sĩ chuyên khoa và xử trí kịp thời.

Ngăn ngừa nhọt tái phát

  • Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng nhẹ. Hoặc thường xuyên sử dụng chất chà tay chứa cồn. Rửa tay cẩn thận là cách bảo vệ tốt nhất của bạn chống lại vi trùng.
  • Tránh sử dụng các sản phẩm gây kích ứng da
  • Duy trì chế độ dinh dưỡng lành mạnh giàu vitamin và khoáng chất giúp da khỏe mạnh hơn và giảm nguy cơ nhọt
  • Thường xuyên thay găng tay và quần áo: Đặc biệt khi làm việc trong môi trường ô nhiễm hoặc có nguy cơ tiếp xúc với chất gây kích ứng.

Như vậy, trên đây là những thông tin về nhọt cần biết. Hy vọng với những dấu hiệu, nguyên nhân và cách điều trị như trên sẽ giúp bạn đọc có cái nhìn và xử trí đúng cách đối với nhọt cho chính mình và những người thân yêu.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết
Trợ lý AI BookingCare