Viêm loét dạ dày là bệnh tiêu hóa gây ra những ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống với những triệu chứng thường gặp như đau bụng, ợ hơi, ợ nóng, khó tiêu,... Bệnh viêm loét dạ dày sẽ tiến triển với các triệu chứng xuất hiện thường xuyên và nặng hơn, hoặc xảy ra các biến chứng nguy hiểm (thủng, chảy máu dạ dày…), tăng tỷ lệ ung thư dạ dày nếu không được điều trị dứt điểm và hiệu quả.
Cùng tìm hiểu các cách phòng ngừa viêm loét dạ dày hiệu quả tại nhà trong bài viết dưới đây của BookingCare.
Phòng ngừa viêm loét dạ dày hiệu quả tại nhà
Điều chỉnh thói quen ăn uống
- Rửa tay với xà phòng và nước sạch thường xuyên, ăn chín, uống sôi là biện pháp để phòng ngừa việc nhiễm và lây lan các loại vi khuẩn, ký sinh trùng có hại cho đường tiêu hóa nói chung và dạ dày nói riêng.
- Không bỏ bữa hay ăn trễ giờ. Nên ăn đúng giờ và không nên ăn quá no để dạ dày tiêu hóa thức ăn tốt hơn.
- Chế biến thức ăn nên thái nhỏ, nấu chín mềm giúp người đau dạ dày dễ tiêu hóa và hấp thu tốt hơn. Hạn chế chiên xào, rán, nướng
- Tránh đồ ăn quá nóng hoặc quá lạnh. Nên dùng đồ ăn ấm 40-50 độ C, sẽ tốt cho tiêu hóa, hạn chế kích ứng, tổn thương thực quản - dạ dày
- Ăn chậm, nhai kỹ để giảm bớt gánh nặng cho dạ dày, bỏ thói quen vừa ăn vừa làm việc để việc hấp thu dưỡng chất tốt hơn.
- Ăn nhiều bữa nhỏ. Việc ăn một lúc quá nhiều thức ăn sẽ khiến dạ dày căng giãn quá mức, gây khó tiêu. Đồng thời, khi ăn quá no dạ dày sẽ tiết ra nhiều acid, gây kích thích niêm mạc. Vì vậy, bạn nên chia nhỏ các bữa ăn trong ngày để dạ dày luôn có thức ăn trung hòa dịch axit dạ dày.
- Các loại thực phẩm có thể giúp chống lại H. pylori hoặc cải thiện tình trạng dạ dày, tăng cường lợi khuẩn như: Rau xanh (cải xanh, súp lơ, bắp cải, củ cải, đậu bắp…), hoa quả tươi (nho đen, dứa, dưa chuột…) và các loại ngũ cốc nguyên hạt, khoai tây, khoai lang, sữa chua (chứa nhiều probiotic, enzym hỗ trợ tiêu hóa), nghệ, mật ong,...
- Uống đủ nước để giữ ẩm dạ dày, cải thiện chức năng tiêu hóa.
Thực phẩm nên kiêng để phòng ngừa viêm loét dạ dày
- Thực phẩm cay nóng: Ớt, mù tạt, tiêu… là những loại gia vị có thể gây kích thích dạ dày tiết nhiều dịch vị dễ gây tổn thương dạ dày.
- Thực phẩm - trái cây chua: Sẽ làm tăng lượng acid trong dạ dày, nếu bạn ăn cóc, xoài, chanh, dưa muối,… lúc đói có thể dẫn đến tổn thương niêm mạc dạ dày
- Đồ uống có ga: Khi uống nước có ga lượng khí được sinh nhiều trong dạ dày sẽ làm nó phình to, kích thích dạ dày tiết acid nhiều hơn.
- Cà phê: Có thể kích thích dạ dày, gây tăng tiết acid .
- Rượu bia: Đồ uống có cồn có thể gây kích thích và ăn mòn lớp nhầy bảo vệ niêm mạc dạ dày khiến dạ dày dễ bị viêm, loét và xuất huyết.
- Muối: Vi khuẩn H.pylori là một trong những nguyên nhân chính gây viêm loét dạ dày. Nếu ăn nhiều muối có thể làm HP phát triển nhanh hơn, hoạt động mạnh hơn. Ngoài ra, muối còn làm kích ứng hoặc tổn thương dạ dày nếu nồng độ quá cao.
Tránh dùng thuốc giảm đau chống viêm không steroid
Thuốc chống viêm không steroid được sử dụng khá phổ biến, tuy nhiên nếu sử dụng nhiều, thường xuyên thì nhóm thuốc này lại đem lại những tác hại xấu đến hệ tiêu hóa.
Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) có thể gây viêm hoặc kích thích lớp lót dạ dày và ruột non, dẫn đến loét. Người dùng thuốc chống viêm, giảm đau không steroid liên tục kéo dài có thể bị viêm loét dạ dày. Bởi vậy, bạn đọc nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng nhóm thuốc này, đặc biệt nếu đang gặp vấn đề về dạ dày.
Dừng hút thuốc lá
Hút thuốc lá ảnh hưởng đến cơ chế bảo vệ niêm mạc dạ dày. Nó làm giảm lưu lượng máu đến niêm mạc dạ dày và ức chế bài tiết chất nhầy. Đây là yếu tố làm tăng tỷ lệ mắc bệnh và tái phát loét dạ dày, tá tràng, đồng thời làm chậm quá trình lành vết loét.
Hút thuốc còn thúc đẩy trào ngược các chất trong tá tràng vào dạ dày, tăng tiết axit. Người bị viêm loét dạ dày nên bỏ thuốc lá để cải thiện tình trạng bệnh và phòng tránh viêm loét tiến triển .
Tránh stress, căng thẳng, thức khuya
Hệ thần kinh trung ương kết nối với dạ dày thông qua dây thần kinh phế vị (dây thần kinh X) và các chất dẫn truyền thần kinh. Stress, lo lắng quá nhiều sẽ kích thích dạ dày tăng tiết acid quá mức, bào mòn chất nhầy bảo vệ dạ dày dẫn tới tình trạng viêm loét dạ dày.
Thức khuya làm dạ dày hoạt động quá tải, tạo gánh nặng cho đường tiêu hóa. Dạ dày tiết nhiều dịch vị khiến lớp niêm mạc dần bị ăn mòn. Tình trạng này kéo dài có thể gây viêm, loét dạ dày.
Giảm cân
Thừa cân, béo phì sẽ làm tăng áp lực ổ bụng, trực tiếp chèn ép vào dạ dày làm cản trở hoạt động dạ dày, gây khó chịu. Ngoài ra, khi chèn ép vào dạ dày có thể đẩy dịch vị lên thực quản dẫn đến ợ chua, ợ hơi… Do vậy, cần kiểm soát cân nặng để giúp dạ dày hoạt động bình thường.
Hy vọng trên đây sẽ là những thông tin hữu ích giúp bạn đọc có thể phòng ngừa viêm loét dạ dày hiệu quả tại nhà.