Rối loạn giấc ngủ và những điều cần biết

Nhóm tác giả: Thảo Hoàng,
Thảo Hoàng
Product Manager (Quản lý Sản phẩm) tại BookingCare Hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Y tế
Phương Nguyễn,
Phương Nguyễn
Content Writer (Sáng tạo nội dung) Hơn 5 năm kinh nghiệm biên tập nội dung về Y tế, Chăm sóc sức khỏe
Dung Phan
Dung Phan
Content Writer Hơn 2 năm kinh nghiệm sáng tạo nội dung trong lĩnh vực y tế
- Người kiểm duyệt: Chương Nguyễn
Chương Nguyễn
Thành viên sáng lập BookingCare 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Y tế sức khoẻ
- Cố vấn y khoa: Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mai Hồng,
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mai Hồng
Nguyên Trưởng khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Bạch Mai Gần 40 năm kinh nghiệm về chuyên khoa Nội, Nội Cơ xương khớp
Bác sĩ Nguyễn Dương Nhật Thi,
Bác sĩ Nguyễn Dương Nhật Thi
Hiện là Bác sĩ chuyên khoa Chấn thương, chỉnh hình, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức Hơn 5 năm kinh nghiệm khám và điều trị Ngoại khoa
Ts.Bs. Vũ Thái Hà
Ts.Bs. Vũ Thái Hà
Trưởng khoa Khoa nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tế bào gốc - BV Da liễu Trung ương Gần 20 năm kinh nghiệm khám và điều trị
- Xuất bản: 20/12/2020 - Cập nhật lần cuối: 04/04/2023

Rối loạn giấc ngủ là vấn đề y tế phổ biến, có thể ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của cuộc sống, bao gồm các mối quan hệ, hiệu suất học tập và công việc, sức khỏe tâm thần, cân nặng... Bác sĩ Nguyễn Hữu Lợi sẽ chia sẻ thêm các thông tin để bạn đọc tham khảo về vấn đề này trong bài viết dưới đây.

Ngủ quá nhiều hay ngủ quá ít đều là biểu hiện của chứng rối loạn giấc ngủ - Ảnh: pennmedicine
Ngủ quá nhiều hay ngủ quá ít đều là biểu hiện của chứng rối loạn giấc ngủ - Ảnh: pennmedicine

Dưới áp lực của đời sống hiện đại khiến bệnh rối loạn giấc ngủ ngày càng phổ biến. Rối loạn giấc ngủ do nhiều nguyên nhân khác nhau, các hiện tượng thường gặp là mất ngủ, ngủ nhiều, rối loạn nhịp thức ngủ và ác mộng.

Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Hữu Lợi sẽ cung cấp và chia sẻ thêm các thông tin trong nội dung bài viết dưới đây để bạn đọc tham khảo.

THÔNG TIN THẠC SĨ, BÁC SĨ NGUYỄN HỮU LỢI

  • Bác sĩ Điều trị tại Viện Pháp y Tâm thần Trung ương (2015 - nay)
  • Thạc sĩ Y học Chuyên ngành Tâm thần, Đại học Y Hà Nội 

Rối loạn giấc ngủ đã không còn là bệnh hiếm gặp trong đời sống thường ngày

Nhiều nhà khoa học đã định nghĩa giấc ngủ là trạng thái giảm hoạt động vận động và sự cảnh tỉnh làm thay đổi nhiều hoặc ít một cách thường xuyên tình trạng thức ở các loài động vật cao cấp. Giấc ngủ kèm theo những thay đổi các chức năng cơ thể khác nhau, đặc biệt là chức năng của hệ thống thần kinh thực vật cũng như các thay đổi trong hoạt động điện não.

Một giấc ngủ tốt là giấc ngủ đảm bảo đầy đủ về chất lượng, số lượng, thời gian; và khi ngủ dậy, người ta cảm thấy khoan khoái dễ chịu về thể chất và tâm thần.

Khi bạn không có những giấc ngủ tốt và tình trạng mất ngủ, thiếu ngủ xảy ra thường xuyên, cản trở cuộc sống hàng ngày thì có thể bạn đã gặp phải chứng rối loạn giấc ngủ.

Rối loạn giấc ngủ là bệnh rất phổ biến và có thể ảnh hưởng đến tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi, nhưng tỉ lệ mắc ở nữ giới thường cao hơn.

Theo một nghiên cứu, gần 30% người trưởng thành ngủ ít hơn 6 giờ mỗi đêm. Trên thực tế, hơn một phần ba số người trưởng thành ở Hoa Kỳ báo cáo ngủ ít hơn 7 giờ/ngày và cho biết chất lượng giấc ngủ của họ là “kém” hoặc “chỉ ở mức khá”. 

Hơn 70% học sinh trung học báo cáo ngủ ít hơn 8 tiếng vào các buổi tối trong tuần. Có đến 50% trẻ nhỏ gặp những cơn ác mộng nghiêm trọng làm bố mẹ phải thức giấc và 50 – 85% người trưởng thành thường xuyên gặp ác mộng.

Tình trạng rối loạn giấc ngủ diễn ra ngày càng phổ biến - Ảnh: indianexpress
Tình trạng rối loạn giấc ngủ diễn ra ngày càng phổ biến - Ảnh: indianexpress

Các dạng rối loạn giấc ngủ thường gặp

Theo Bác sĩ Nguyễn Hữu Lợi, có nhiều dạng rối loạn giấc ngủ khác nhau. Rối loạn giấc ngủ có thể được phân nhóm theo hành vi, các vấn đề với chu kỳ ngủ - thức tự nhiên, các vấn đề liên quan đến hô hấp, mức độ khó ngủ hoặc mức độ buồn ngủ trong ngày.

Một số loại rối loạn giấc ngủ phổ biến bao gồm:

  • Mất ngủ, bạn sẽ khó đi vào giấc ngủ hoặc trằn trọc suốt đêm.
  • Ngưng thở khi ngủ, trong đó bạn cảm thấy nhịp thở bất thường khi đang ngủ. Có một số loại ngưng thở khi ngủ.
  • Hội chứng chân không yên (RLS),một loại rối loạn chuyển động khi ngủ. Hội chứng chân không yên gây ra cảm giác khó chịu và thôi thúc di chuyển chân khi bạn cố gắng chìm vào giấc ngủ.
  • Chứng ngủ rũ, một tình trạng đặc trưng bởi tình trạng buồn ngủ cực độ vào ban ngày và ngủ thiếp đi đột ngột trong ngày.

Có nhiều cách để giúp chẩn đoán dạng rối loạn giấc ngủ mà bạn đang gặp phải nhưng cách chính xác nhất là thăm khám cùng Bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị. 

Những ai dễ mắc rối loạn giấc ngủ?

Áp lực lớn của xã hội công nghiệp, môi trường sống thay đổi và áp lực kinh tế khiến con người căng thẳng quá mức hay những bức xúc về xã hội, công việc, khủng hoảng tâm lý, tình cảm, stress đã làm cho tình trạng gặp phải chứng rối loạn giấc ngủ gia tăng.

Thống kê cho thấy 80% số bệnh nhân đến khám đều mắc rối loạn giấc ngủ với các triệu chứng ngáy, ngưng thở khi ngủ. Trong đó, 5% đang ở thời kỳ bệnh quá nặng.

Những người làm công việc đòi hỏi sự tập trung cao độ, căng thẳng rất dễ bị mắc bệnh này. Đặc biệt là những trường hợp sau:

  • Các nhà quản lý, nhà kinh doanh do công việc đòi hỏi sự căng thẳng và tập trung cao độ cao.
  • Người làm việc liên tục với máy tính do căng thẳng quá mức.
  • Học sinh, sinh viên thời gian thi cử do áp lực học tập,thi cử dẫn tới stress.
  • Những người sử dụng thuốc hạ áp hoặc thuốc chống trầm cảm cũng có thể rối loạn giấc ngủ do tác dụng phụ của thuốc.
  • Những người trong thời gian nghỉ ngơi sau tai nạn hay chấn thương lớn sẽ dễ gặp ác mộng do căng thẳng sau chấn thương.
  • Người cao tuổi.

Nguyên nhân dẫn tới rối loạn giấc ngủ

Có rất nhiều nguyên nhân gây rối loạn giấc ngủ, một số nguyên nhân chính bao gồm:

  • Stress: thường là do áp lực học tập và công việc, bệnh có thể còn nặng hơn khi bạn đang phải đối mặt với những thay đổi lớn trong cuộc đời.
  • Chấn thương: ác mộng thường xảy ra sau tai nạn, chấn thương hoặc các tổn thương khác. Ác mộng là triệu chứng nổi bật của rối loạn căng thẳng sau chấn thương.
  • Sử dụng chất kích thích: rượu, thuốc lá, cà phê, chè, thuốc phiện, thuốc lắc, ma túy đá ...
  • Sử dụng thuốc: một số loại thuốc có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ, bao gồm: một vài loại thuốc giảm trầm cảm, thuốc điều trị huyết áp, các loại thuốc điều trị Hội chứng Parkinson hoặc thuốc hỗ trợ cai thuốc lá. Đôi khi, cai thuốc có thể dẫn đến ác mộng.
  • Sách hoặc phim kinh dị: đọc các loại sách hoặc xem phim kinh dị, đặc biệt là trước khi đi ngủ có thể gây ra ác mộng.
  • Một số rối loạn khác: một số tình trạng sức khỏe, rối loạn sức khỏe tâm lý, tâm thần cũng như các rối loạn giấc ngủ khác có thể kéo theo ác mộng.

Các biểu hiện của rối loạn giấc ngủ thường gặp

Mất ngủ

Mất ngủ gây ra nhiều vấn đề đối với sức khỏe và chất lượng cuộc sống của bạn, có khả năng gây ra các bệnh: phiền muộn, khó tập trung, cáu gắt, tăng cân, hiệu suất công việc hoặc học tập suy giảm..

Thật không may, chứng mất ngủ là vô cùng phổ biến. Có đến 50% người Mỹ trưởng thành phải trải qua vào một thời điểm nào đó trong đời. Rối loạn này phổ biến nhất ở người lớn tuổi và phụ nữ. Mất ngủ thường được phân thành một số loại:

  • Mãn tính, khi chứng mất ngủ xảy ra thường xuyên trong ít nhất 1 tháng.
  • Không liên tục, khi mất ngủ xảy ra theo chu kỳ.
  • Thoáng qua, khi mất ngủ kéo dài chỉ vài đêm một lúc.

Ngủ nhiều

Khi một người trưởng thành ngủ trên 10 giờ/ngày thì gọi là ngủ nhiều. Một số biểu hiện:     

  • Ngủ ban ngày quá mức hoặc có các cơn buồn ngủ và ngủ không kiểm soát được. Mặc dù ngủ nhiều nhưng khi thức dậy vẫn cảm thấy không thỏa mãn.
  • Tình trạng này xảy ra hàng ngày, trên một tháng hoặc trong một khoảng thời gian ngắn, gây cảm giác buồn chán rõ rệt hoặc cản trở công việc và học tập.
  • Không có bệnh lý về thần kinh, nội khoa mà trạng thái ngủ nhiều vẫn tiếp diễn thì đây chính là biểu hiện của rối loạn giấc ngủ.

Rối loạn nhịp thức - ngủ

Rối loạn nhịp thức - ngủ được là tính không đồng bộ nhịp thức ngủ của cá nhân và nhịp thức ngủ mong muốn đối, dẫn đến mất ngủ hoặc ngủ nhiều. Một số biểu hiện:

  • Chu kỳ thức ngủ của cá nhân không đồng thời với nhịp thức ngủ ngày đêm bình thường.
  • Mất ngủ trong thời gian ngủ chính và ngủ nhiều trong thời gian thức hàng ngày.
  • Không thỏa mãn về chất lượng và thời gian ngủ, từ đó gây mệt mỏi rõ rệt hoặc gây cản trở hoạt động thường ngày.

Ác mộng

Ác mộng là những cảm nhận về giấc mơ một cách sợ hãi và lo âu, đôi khi người nhân có thể nhớ lại rất chi tiết nội dung giấc mơ. 

  • Ác mộng có thể xảy ra khi đang ngủ đêm hoặc ngủ trưa, đây có thể là giấc mơ đe dọa đến tính mạng, đến sự an toàn hoặc đến giá trị bản thân. Thức giấc có thể xảy ra bất kỳ thời gian nào, nhưng điển hình là nửa sau giấc ngủ đêm.
  • Bản thân người bệnh cảm nhận rõ ràng giấc mơ, và cảm thấy rối loạn do giấc mơ gây ra đau buồn hoặc sợ hãi rõ rệt cho người bệnh.

Rối loạn giấc ngủ có thể dẫn tới những nguy cơ gì?

Bệnh rối loạn giấc ngủ nếu không được điều trị sớm có thể gây ra nhiều hậu quả xấu đến cho người bệnh. 

Rối loạn giấc ngủ khiến cho chất lượng giấc ngủ không được đảm bảo, não bộ không được nghỉ ngơi, người bệnh sẽ có thấy mệt mỏi, tinh thần kém minh mẫn và không tập trung vào các công việc khác được.

Từ đó kéo theo nhiều hệ lụy như học tập sa sút, làm việc kém hiệu quả, khó tập trung chú ý, giảm sút khả năng lao động và hậu quả tất yếu là giảm tính tích cực trong cuộc sống. Mất ngủ còn có nguy cơ phát sinh một số bệnh hoặc làm nặng thêm bệnh đang mắc.

Rối loạn giấc ngủ kéo dài có thể khiến cho bệnh nhân dễ mắc phải các bệnh lý tâm thần như: bệnh trầm cảm, bệnh hoang tưởng, bệnh rối loạn lo âu... cũng như những bệnh tật khác do sức khỏe suy yếu.

Nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm hội chứng ngưng thở lúc ngủ sẽ góp phần làm ảnh hưởng đến bệnh tim mạch như tăng huyết áp, suy tim, thiếu máu cơ tim, rối loạn nhịp tim, đột tử trong đêm, tai biến mạch máu não…

Vì vậy việc phát hiện rối loạn giấc ngủ là sớm là rất cần thiết để có thể điều trị sớm, đem lại kết quả điều trị tích cực hơn.

Rối loạn giấc ngủ tiềm ẩn nhiều nguy cơ bệnh tật - Ảnh: apneesante
Rối loạn giấc ngủ tiềm ẩn nhiều nguy cơ bệnh tật - Ảnh: apneesante

Thăm khám Bác sĩ chuyên khoa khi gặp tình trạng rối loạn giấc ngủ 

Để xác định xem bạn có bị rối loạn giấc ngủ hay không, điều quan trọng là phải chú ý đến thói quen ngủ hằng ngày của bạn, có thể bằng cách ghi nhật ký giấc ngủ.

Theo khuyến cáo, nếu trong 1 tuần mà bị mất ngủ liên tục 3 ngày và kéo dài trên 1 tháng thì nên đi khám bác sĩ. Đa phần rối loạn giấc ngủ là một nhóm bệnh mãn tính, vì vậy cần điều trị lâu dài và kiên trì theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Bệnh nhân không nên tự mua thuốc uống hoặc tự điều trị tại nhà mà chưa được thăm khám và tư vấn của Bác sĩ chuyên khoa.

Xem thêm bài viết

Khi mắc chứng rối loạn giấc ngủ, tùy thuộc vào tình trạng bệnh mà sẽ có những cách điều trị khác nhau. Người bệnh cần kiên trì với kế hoạch của bác sĩ, thường xuyên trao đổi với bác sĩ để sớm có lại được những giấc ngủ ngon.

Nội dung chuyên môn bài viết trên đây được chia sẻ bởi Bác sĩ chuyên khoa Sức khỏe tâm thần - Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Hữu Lợi.

 
 
Tài liệu tham khảo
http://bachmai.gov.vn/tin-tuc-va-su-kien/bai-viet-chuyen-mon-menuleft-33/549-giac-ngu-va-nhung-roi-loan-ve-giac-ngu-549.html
https://bvttvinhphuc.com/pho-bien-kien-thuc/167-bai-20-huong-dan-chan-doan-va-dieu-tri-cac-roi-loan-giac-ngu-khong-thuc-ton-f51.html
http://www.bvttdongthap.vn/?ifsoft=nws&uid=des&id=21&sid=151
https://bookingcare.vn/cam-nang/roi-loan-giac-ngu-la-gi-nguyen-nhan-va-cach-dieu-tri-p98.html#muc-4
Lưu ý khi sử dụng

Nội dung trong bài chỉ mang tính tham khảo, bệnh nhân không nên tự ý điều trị mà cần phải tham khảo thêm lời khuyên của bác sĩ. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trong các bài viết gây ra.

Đội ngũ BookingCare
Góp ý về bài viết

Chúng tôi rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến của bạn đọc và các nhà chuyên môn về nội dung bài viết này.

Danh mục cẩm nang

Trợ lý AI

© 2024 BookingCare.
TiktokFacebook/Youtube/