Thiểu năng tuần hoàn não: Những điều cần biết
Thiểu năng tuần hoàn não: Những điều cần biết
Thiểu năng tuần hoàn não: Những điều cần biết
Thiểu năng tuần hoàn não: Những điều cần biết - Ảnh: BookingCare

Thiểu năng tuần hoàn não: Những điều cần biết

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 20/10/2023 | Cập nhật lần cuối: 23/10/2023
Bài viết cung cấp các thông tin về triệu chứng, nguyên nhân, điều trị và cách phòng ngừa thiểu năng tuần hoàn não.

Thiểu năng tuần hoàn não là một bệnh lý phổ biến, gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe. Việc hiểu rõ về thiểu năng tuần hoàn não và thực hiện các biện pháp phòng ngừa là rất quan trọng để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình.

Thiểu năng tuần hoàn não là gì?

Thiểu năng tuần hoàn não (suy giảm tuần hoàn máu não) là tình trạng lưu lượng máu lên não giảm gây thiếu sự cung cấp oxy và các chất dinh dưỡng nuôi não, khiến cho tế bào thần kinh thiếu năng lượng để hoạt động, từ đó ảnh hưởng tới các hoạt động chức năng của não.

Nguyên nhân gây thiểu năng tuần hoàn não

Các nguyên nhân gây ra tình trạng thiểu năng tuần hoàn máu bao gồm:

  • Xơ vữa động mạch: là một tình trạng bệnh lý mạn tính, trong đó các mảng bám tích tụ trên thành động mạch, làm hẹp lòng mạch và cản trở lưu thông máu. Xơ vữa động mạch là một trong những nguyên nhân chính gây thiểu năng tuần hoàn não. Hiện nay gặp nhiều ở những người béo phì, hoặc tăng cholesterol, glycerid máu,...
  • Dị dạng mạch máu não: là hiện tượng các mạch máu bất thường, rối loạn trong não. Các dị dạng này nối thông động mạch và tĩnh mạch não mà không đi qua các mao mạch, không cung cấp đủ máu cho nhu mô não. Các động mạch đưa máu giàu oxy từ tim đến não và máu nghèo oxy theo tĩnh mạch trở lại phổi và tim. Khi mắc dị dạng mạch máu não sẽ giảm quá trình tuần hoàn quan trọng này.
  • Thoái hóa đốt sống cổ: khi đốt sống cổ bị thoái hóa gây chèn ép vào các dây thần kinh, tổn thương động mạch đốt sống khiến cho quá trình tuần hoàn giảm lượng máu lên não. Đây là động mạch quan trọng cung cấp máu nuôi não.
Thoái hóa đốt sống cổ là nguyên nhân gây thiểu năng tuần hoàn não
Thoái hóa đốt sống cổ là nguyên nhân gây thiểu năng tuần hoàn não - Ảnh: freepik.com

Triệu chứng thiểu năng tuần hoàn não

Bệnh nhân dễ mệt, có các triệu chứng do thiểu năng tuần hoàn não, bao gồm:

  • Đau đầu: đau sau trong đầu 2 bên, đau co thắt khu trú vùng chẩm gáy – trán 1 bên, triệu chứng này thường gặp (chiếm 90%), cũng là triệu chứng xuất hiện sớm nhất.
  • Chóng mặt: có cảm giác hơi loạng choạng, mất thăng bằng khi thay đổi tư thế, bồng bềnh như say sóng, hoa mắt, tối sầm mặt lại nhất là khi đổi tư thế nằm (ngồi) đột ngột sang đứng.
  • Dị cảm: cảm giác tê bì ở đầu ngón tay, chân như “kiến bò”. Có cảm giác như "ve kêu", lùng bùng trong tai, ảnh hưởng đến sinh hoạt, giấc ngủ và sức khỏe của người bệnh.
  • Rối loạn về giấc ngủ: mất ngủ, khó vào giấc, thứ giấc nhiều lần, giảm chất lượng giấc ngủ.
  • Rối loạn về sự chú ý: giảm sự chú ý, khó tập trung, đãng trí hoặc giảm lao động hiệu quả.
  • Rối loạn về cảm xúc: dễ cáu gắt, dễ xúc động.
  • Rối loạn trí nhớ: giảm trí nhớ gần, khả năng sắp xếp lại theo trình tự giảm.

Điều trị thiểu năng tuần hoàn não

Các phương pháp điều trị thiểu năng tuần hoàn não như:

Điều trị dùng thuốc

Đây là phương pháp phổ biến, được sử dụng để cải thiện lưu thông máu đến não, giảm triệu chứng và ngăn ngừa biến chứng. Một số thuốc thường được sử dụng như: thuốc giảm đau, thuốc tăng tuần hoàn máu não, thuốc an thần, thuốc bổ não, thuốc điều trị các bệnh gây thiểu năng tuần hoàn não (xơ vữa động mạch, bệnh tim mạch, thoái hóa đốt sống cổ,…).

Điều trị không dùng thuốc

Bên cạnh phương pháp điều trị dùng thuốc, người bị thiểu năng tuần hoàn não có thể áp dụng các phương pháp điều trị không dùng thuốc như:

  • Chế độ ăn uống lành mạnh, giàu rau xanh, trái cây và ngũ cốc nguyên hạt; hạn chế ăn mặn, đồ ăn nhanh, nhiều giàu mỡ.
  • Không sử dụng thuốc lá, rượu bia.
  • Châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt vùng đầu mặt cổ.
  • Tập thể dục thường xuyên.
Tập thể dục thường xuyên giúp cải thiện thiểu năng tuần hoàn não
Tập thể dục thường xuyên giúp cải thiện thiểu năng tuần hoàn não - Ảnh: freepik.com

Điều trị bằng can thiệp phẫu thuật

Bác sĩ có thể điều trị bằng can thiệp phẫu thuật khi thiểu năng tuần hoàn não do hẹp động mạch nghiêm trọng, có cục máu đông gây tắc nghẽn hoặc dị dạng mạch máu, tổn thương mạch máu,…

Biến chứng thiểu năng tuần hoàn não

Thiểu năng tuần hoàn não có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, bao gồm:

  • Đột quỵ: khi tình trạng thiểu năng tuần hoàn não diễn ra cấp tính, tiến triển nhanh sẽ làm giảm lưu lượng tưới máu não làm chết tế bào não gây ra tình trạng đột quỵ nhồi máu não với biểu hiện nói khó, yếu liệt chân tay, méo miệng, thậm chí tử vong.
  • Sa sút trí tuệ: thiếu máu não mạn tính làm tổn thương tế bào não nhất là chất trắng trong nhu mô não, dẫn đến tình trạng suy giảm nhận thức, bệnh tiến triển nặng thành sa sút trí tuệ.
  • Động kinh: người bị thiểu năng tuần hoàn não có thể dẫn đến tình trạng động kinh với các triệu chứng: co giật, giảm trương lực cơ, mất ý thức,… Cơn co giật có thể kéo dài từ 1-2 phút. Sau cơn động kinh, người bệnh có thể rơi vào trạng thái mê man, đau đầu, lú lẫn và đau cơ, trạng thái này có thể kéo dài từ vài phút đến vài giờ.

Phòng ngừa thiểu năng tuần hoàn não

Phòng ngừa thiểu năng tuần hoàn não bằng cách:

  • Tạo thói quen ăn uống khoa học: hạn chế ăn đồ ăn nhanh, thực phẩm nhiều dầu mỡ, đường, muối; ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi,...
  • Xây dựng chế độ làm việc phù hợp sức khỏe, nghỉ ngơi và thư giãn hợp lý.
  • Tập thể dục thường xuyên.
  • Kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây thiểu năng tuần hoàn não như: cao huyết áp, cholesterol trong máu cao, đái tháo đường, béo phì,...
  • Kiểm tra sức khỏe định kỳ.

Trên đây là những thông tin cần biết về nguyên nhân, triệu chứng, các phương pháp điều trị, biến chứng và cách phòng ngừa thiểu năng tuần hoàn não. Nếu phát hiện và điều trị sớm, thiểu năng tuần hoàn não có thể được kiểm soát hiệu quả, giúp giảm thiểu các triệu chứng và ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm xảy ra.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết