Tổng hợp 8+ nguyên nhân suy giáp phổ biến hiện nay

Tác giả: - Xuất bản: 23/03/2024 - Cập nhật lần cuối: 05/04/2024
Nguyên nhân gây suy giáp
Suy giáp có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau - Ảnh: BookingCare
Nguyên nhân suy giáp có thể do bệnh lý tại tuyến giáp (viêm tuyến giáp) hoặc sau điều trị (xạ trị, phẫu thuật), cùng các nguyên nhân khác như chế độ ăn thiếu iod, thuốc, di truyền,… Cùng BookingCare tìm hiểu các nguyên nhân suy giáp qua bài viết này.

Suy giáp là bệnh lý nội tiết ngày càng phổ biến hiện nay, đặc biệt ở phụ nữ. Suy giáp do nhiều nguyên nhân gây ra với các biểu hiện lâm sàng như bướu bổ, da khô, tóc rụng, suy giảm trí nhớ, mệt mỏi,… Dưới đây là tổng hợp những nguyên nhân suy giáp thường gặp. 

Tổng hợp nguyên nhân gây suy giáp 

Có rất nhiều nguyên nhân khiến các tế bào tuyến giáp không thể sản xuất đủ hormone tuyến giáp. Dưới đây là những nguyên nhân suy tuyến giáp hay gặp: 

Viêm tuyến giáp

Nguyên nhân phổ biến nhất gây nên bệnh suy giáp là viêm tuyến giáp Hashimoto. Đây là một dạng rối loạn tự miễn, xảy ra khi cơ thể tự tạo ra kháng thể tấn công và tiêu diệt nhầm tuyến giáp. Viêm tuyến giáp cũng có thể do virus hay vi khuẩn kích hoạt cơ chế tấn công nhầm của cơ thể. 

Viêm tuyến giáp có thể làm cho tuyến giáp giải phóng toàn bộ hormone tuyến giáp dự trữ vào máu cùng một lúc, gây ra tình trạng cường giáp trong thời gian ngắn. Sau đó, tuyến giáp trở nên hoạt động kém và gây ra tình trạng suy giáp. 

Xạ trị 

Xạ trị điều trị một số bệnh ung thư vùng đầu, cổ, ung thư hạch có thể khiến các bức xạ ảnh hưởng nghiêm trọng đến các tế bào tuyến giáp. Điều này có thể là nguyên nhân dẫn đến suy tuyến giáp. 

nguyên nhân gây nên suy giáp
Xạ trị vùng đầu, cổ có thể dẫn đến suy tuyến giáp - Ảnh: Freepik

Điều trị iod phóng xạ 

Những bệnh nhân bị cường giáp (tuyến giáp sản xuất quá nhiều hormone) thường được điều trị bằng iod phóng xạ hoặc thuốc chống tuyến giáp nhằm điều chỉnh hoạt động tuyến giáp. Trong một số trường hợp, phương pháp điều trị cường giáp có thể khiến các tế bào tuyến giáp bị bức xạ phá huỷ, dẫn đến suy giáp vĩnh viễn. 

Phẫu thuật tuyến giáp 

Những người có nhân tuyến giáp, ung thư tuyến giáp, bệnh Basedow phải cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ cũng là nguyên nhân gây suy giáp vì lượng hormone tuyến giáp sẽ bị giảm hoặc thiếu hụt nghiêm trọng. 

Trong trường hợp này, người bệnh cần phải bổ sung hormone tuyến giáp lâu dài cho cơ thể dưới sự giám sát của bác sĩ. 

Thuốc ảnh hưởng chức năng tuyến giáp 

Một số loại thuốc như amiodarone, lithium, interferon alpha và interleukin-2,… có thể cản trở hoạt động của tuyến giáp dẫn đến suy giáp. Nếu đang dùng bất cứ loại thuốc nào, hãy trao đổi với bác sĩ để biết các tác dụng phụ của thuốc và cách phòng tránh.

Chế độ ăn thiếu iod 

Tuyến giáp cần có iod để sản xuất hormone tuyến giáp (hormone thyroxine và triiodothyronine). Iod đi vào trong cơ thể thông qua thức ăn và hấp thu đến máu vào tuyến giáp. Do đó, mỗi người cần có một lượng iod thích hợp để giữ cho việc sản xuất hormone tuyến giáp ở mức cân bằng. 

Thiếu iod trầm trọng bệnh nhân sẽ trở thành suy giáp.

Các thực phẩm giàu iod bao gồm: động vật thân mềm có vỏ (trai, sò, ốc,…), cá biển, trứng, sản phẩm từ sữa và rong biển.

Chế độ ăn thiếu iod gây suy giáp
Chế độ ăn thiếu  iod làm nặng thêm tình trạng suy giáp - Ảnh: Freepik

Mang thai 

Trong một số trường hợp, suy giáp có thể xảy ra trong thời gian phụ nữ mang thai hoặc sau sinh - gọi là viêm tuyến giáp sau sinh.

Nếu không được điều trị, suy giáp sẽ làm tăng nguy cơ sẩy thai, sinh non và tiền sản giật. Bệnh cũng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của thai nhi, tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh ở trẻ.

Suy giáp bẩm sinh

Một số trẻ sinh ra không có tuyến giáp hoặc tuyến giáp hoạt động kém (suy tuyến giáp bẩm sinh).

Trong khi một số trẻ bị rối loạn này có dấu hiệu di truyền thì hầu hết các trường hợp suy giáp bẩm sinh không rõ nguyên do.

Trẻ bị suy giáp bẩm sinh không có biểu hiện bất thường khi sinh ra. Tuy nhiên về lâu dài, suy giáp ảnh hưởng đến sự phát triển và trí não của trẻ. 

Rối loạn vùng tuyến yên và vùng dưới đồi 

Suy giáp có thể xảy ra do những rối loạn ở vùng tuyến yên và vùng dưới đồi. Tuyến yên không thể sản xuất đủ hormone kích thích tuyến giáp (TSH), làm cho tuyến giáp không sản xuất và giải phóng đủ hormone mà cơ thể cần. Lâu dần dẫn đến tình trạng suy giáp.

Việc tuyến yên không sản xuất đủ hormone TSH thường là do một khối u tuyến yên lành tính gây nên. Hay vùng dưới đồi không tạo ra đủ hormone thyrotropin-releasing (TRH), làm ảnh hưởng đến quá trình giải phóng TSH của tuyến yên, từ đó ảnh hưởng quá trình sinh hormone tuyến giáp.

Rối loạn vùng tuyến yên và dưới đồi có thể gây suy giáp
Suy giáp có thể xảy ra do những rối loạn ở vùng tuyến yên và vùng dưới đồi - Ảnh: Freepik

Những đối tượng có nguy cơ suy giáp 

Bệnh suy giáp có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi, nhưng một số đối tượng có nguy cơ bị suy giáp cao hơn như: 

  • Phụ nữ có nguy cơ suy giáp cao hơn nam giới.
  • Người trên 60 tuổi
  • Những người có tiền sử gia đình mắc bệnh tuyến giáp 
  • Đã từng mắc bệnh tuyến giáp, như bướu cổ, viêm tuyến giáp,…
  • Đã phẫu thuật hoặc điều trị iod phóng xạ 
  • Phụ nữ mang thai hoặc sinh con trong vòng 6 tháng qua. 
  • Những người mắc bệnh tự miễn như: đái tháo đường tuýp 1, viêm khớp dạng thấp, lupus, celiac, hội chứng Sjogren, Turner…
  • Những người thiếu iod trong chế độ ăn. 
  • Những người tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, thuốc lá cũng làm tăng nguy cơ mắc suy giáp. 

Chính vì vậy, việc phòng tránh và phát hiện sớm các tình trạng rối loạn chức năng tuyến giáp là điều cần thiết để giảm nguy cơ mắc suy giáp. Người bệnh khi xuất hiện các dấu hiệu nghi ngờ về suy giáp hoặc mong muốn kiểm tra sức khỏe tuyến giáp định kỳ hãy thực hiện thăm khám với bác sĩ chuyên khoa để nhận được lời khuyên tốt nhất.