Viêm túi lệ: phân loại triệu chứng và các điều trị
viem-tui-le
Viêm túi lệ là bệnh lý nhãn khoa kha phổ biến gây ra nhiều ảnh hưởng đến đời sống và sức khỏe người bệnh - ảnh: BookingCare

Viêm túi lệ: phân loại triệu chứng và các điều trị

Tác giả: - Xuất bản: 15/12/2023 - Cập nhật lần cuối: 25/12/2023
Viêm túi lệ (hay là viêm lệ đạo) là bệnh lý nhãn khoa khá phổ biến hiện nay, có thể xảy ra ở mọi đối tượng, độ tuổi khác nhau. Tìm hiểu thêm thông tin trong bài viết sau!

Túi lệ là phần phình to nhất của đường thoát nước mắt từ mắt xuống mũi. Viêm túi lệ là tình trạng túi lệ bị nhiễm trùng, thường đi kèm với tắc lệ đạo.  Để kiểm soát và phòng ngừa bệnh, bạn đọc cần trang bị các kiến thức hỗ trợ cho quá trình dự phòng và xử lý, điều trị viêm túi lệ kịp thời.

Các dấu hiệu viêm túi lệ 

Viêm túi lệ là tình trạng viêm nhiễm túi lệ nằm ở góc mắt trong. Viêm túi lệ thường biểu hiện ở hai dạng cấp tính và mãn tính. Nếu không được điều trị, viêm túi lệ có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm.

Dấu hiệu viêm túi lệ mắt cấp tính

Các triệu chứng viêm túi lệ cấp tính thường khá giống với một số bệnh nhiễm trùng khác như chắp, lẹo mắt,... Các dấu hiệu có thể xuất hiện một cách đột ngột bao gồm:

  • Chảy nước mắt thường xuyên, có kèm dịch mủ
  • Mi mắt dính các chất tiết nhầy mủ
  • Vùng góc trong mắt sưng nề, tấy đỏ nhiều, ấn vào có mủ nhầy trào ra ở góc mắt hoặc hình thành ổ áp xe, có thể vỡ mủ ra ngoài.
  • Cảm giác đau và khó chịu ở vùng góc trong mắt.

Dấu hiệu viêm túi lệ mắt mãn tính

Viêm túi lệ mãn tính là tình trạng bệnh kéo dài với một số triệu chứng sau:

  • Vùng quanh túi lệ có dấu hiệu sưng tấy nhẹ, ấn vào có mủ nhầy chảy ra ở góc mắt trong
  • Có thể đau nhẹ hoặc không đau tại vùng góc mắt trong.
  • Chảy nước mắt sống thường xuyên.
  • Xuất hiện mủ hoặc vảy xuất hiện ở mi mắt.
  • Nếu quá trình nhiễm trùng nặng hơn có thể gây áp xe túi lệ hoặc dò mủ ra ngoài da.

Nguyên nhân gây viêm túi lệ

Viêm túi lệ có thể xảy ra ở mọi đối tượng, mọi độ tuổi. Trẻ em hoặc người lớn mắc bệnh có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm:

  • Tuổi tác: người lớn trên 40 tuổi có nguy cơ cao hơn mắc viêm túi lệ.
  • Các chấn thương như gãy, dập hoặc phẫu thuật hàm mặt có thể ảnh hưởng đến lệ đạo gây viêm tắc.
  • Các vấn đề của hệ miễn dịch, viêm nhiễm và nhiễm trùng.
  • Sự bất thường trong cấu trúc mũi hoặc các khối u.
  • Ảnh hưởng của một số loại thuốc điều trị bệnh lý như: tiểu đường, huyết áp, các khối u hoặc hóa chất xạ trị ung thư.

Các phương pháp chẩn đoán viêm túi lệ

Chẩn đoán viêm túi lệ được tiến hành dựa trên khám lâm sàng, cận lâm sàng và một số thủ thuật nhằm tìm kiếm chính xác nguyên nhân dẫn đến viêm túi lệ. Các phương pháp chẩn đoán bao gồm:

  • Kiểm tra khả năng thoát nước mắt thông qua thuốc nhuộm fluorescein hoặc thủ thuật bơm rửa lệ đạo.
  • Xét nghiệm nuôi cấy: sử dụng mẫu dịch nhầy mủ thoát ra từ lệ đạo nhằm tìm ra tác nhân gây nhiễm trùng.
  • Chẩn đoán hình ảnh: chụp X-quang, chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) có thể giúp chẩn đoán nguyên nhân gây tắc nghẽn nhất là trong những trường hợp khó.
  • Một số xét nghiệm chẩn đoán khác như xét nghiệm máu kiểm tra số lượng bạch cầu giúp đánh giá mức độ nhiễm trùng và định hướng nguyên nhân nhiễm trùng.

Điều trị viêm túi lệ

Phương pháp điều trị viêm túi lệ phụ thuộc vào nguyên nhân gây tắc nghẽn ống lệ hoặc các yếu tố gây viêm nhiễm túi lệ. Các phương pháp điều trị phổ biến gồm:

  • Thuốc: các loại thuốc kháng sinh, chống viêm hoặc thuốc nhỏ mắt, dung dịch vệ sinh... cho các trường hợp viêm túi lệ cấp tính do nhiễm trùng, nhiễm khuẩn...
  • Tiểu phẫu chích rạch: chích hoặc rạch một lỗ nhỏ trên da để tháo bớt mủ tại ổ áp xe túi lệ để lấy dịch nhầy ra bên ngoài làm giảm thiểu đau đớn và nguy cơ xảy ra các biến chứng nghiêm trọng hơn.
  • Phẫu thuật: các phương pháp phẫu thuật nhằm khắc phục tình trạng viêm túi lệ do khối u, khối phù nề... bao gồm: thông lệ đạo, phẫu thuật nối thông túi lệ mũi, phẫu thuật cắt bỏ túi lệ.

Biến chứng và khả năng điều trị viêm túi lệ

Nếu không được chẩn đoán và áp dụng các phương pháp điều trị phù hợp, viêm túi lệ cấp tính hoặc mãn tính tái phát có thể gây ra một số tình trạng nghiêm trọng hơn như:

  • Viêm kết mạc, viêm giác mạc.
  • Áp xe túi lệ.
  • Viêm mủ hốc mắt.
  • Nhiễm khuẩn huyết.
viem-tui-le-bien-chung-va-tien-trien-benh
Viêm túi lệ gây ra những khối sưng, phù nề hoặc viêm ở xung quanh góc mắt - ảnh: allaboutvision.com

Nhìn chung, các trường hợp viêm túi lệ mãn tính có thể điều trị khỏi bằng phẫu thuật nối thông túi lệ mũi. Theo một số nghiên cứu, tỉ lệ bệnh nhân hồi phục sau phẫu thuật đạt từ 85% - 95%.

Các trường hợp không thể điều trị bằng phẫu thuật nối thông túi lệ mũi có thể điều trị bằng phương pháp phẫu thuật cắt túi lệ. Tuy nhiên, sau cắt túi lệ, bệnh nhân vẫn có thể bị chảy nước mắt do không phục hồi được chức năng lệ đạo.

Chăm sóc và phòng ngừa viêm túi lệ tại nhà

Để chăm sóc người bệnh và ngăn ngừa tình trạng viêm túi lệ tại nhà, bạn đọc có thể tham khảo thực hiện những biện pháp đơn giản như sau:

  • Tránh chạm tay trực tiếp vào mắt, nếu sử dụng tay chạm vào mắt cần rửa tay kỹ trước và sau khi tiếp xúc.
  • Thực hiện vệ sinh cá nhân hàng ngày, rửa mặt và vệ sinh mi mắt bằng dung dịch vệ sinh, thuốc nhỏ mắt để giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng và viêm túi lệ.
  • Không sử dụng chung vật dụng cá nhân như khăn mặt, gương, hoặc mỹ phẩm mắt để giảm nguy cơ lây nhiễm.
  • Hạn chế tiếp xúc với chất kích thích như khói, bụi, hóa chất, ánh sáng mạnh... gây kích thích và làm nghiêm trọng tình trạng viêm túi lệ.
  • Tránh tiếp xúc với người bị nhiễm trùng mắt hoặc nhiễm trùng ngoài da để giảm nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn dẫn tới nguy cơ viêm túi lệ.
  • Điều trị các bệnh lý tự miễn, các bệnh viêm nhiễm liên quan đến mắt như: viêm kết mạc, viêm nang mi mắt mãn tính... nhằm giảm nguy cơ viêm túi lệ.
  • Duy trì thói quen sinh hoạt lành mạnh, ngủ đủ giấc, bổ sung thực phẩm giàu vitamin A, omega 3,... có lợi cho mắt.
  • Nếu có các dấu hiệu ban đầu của viêm túi lệ, cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Viêm túi lệ là bệnh lý nhãn khoa phổ biến gây ra nhiều phiền toái, ảnh hưởng đến sinh hoạt, đời sống và sự tự tin của người bệnh. Việc tìm hiểu thông tin liên quan đến viêm túi lệ có ý nghĩa đặc biệt trong việc kiểm soát, dự phòng và xử lý tình huống khi cần thiết. Điều này giúp bạn đọc có thể chăm sóc sức khỏe tốt hơn cho bản thân và mọi người xung quanh.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết