10 câu hỏi thường gặp về rối loạn thần kinh thực vật
10 câu hỏi thường gặp về rối loạn thần kinh thực vật
Rối loạn thần kinh thực vật
Rối loạn thần kinh thực vật là chủ để được nhiều người quan tâm - Ảnh: BookingCare

10 câu hỏi thường gặp về rối loạn thần kinh thực vật

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 22/11/2023 | Cập nhật lần cuối: 04/12/2023
Bạn đã từng nghe nhiều tới rối loạn thần kinh thực vật nhưng chưa thực sự hiểu rõ về căn bệnh này? Bạn muốn biết liệu rằng mình hoặc người thân có mắc chứng rối loạn này không, điều trị làm sao dứt điểm?

Hỏi nhanh đáp gọn với top 10 câu hỏi về chủ đề rối loạn thần kinh thực vật được nhiều bạn đọc tìm và quan tâm.

1. Rối loạn thần kinh thực vật là gì? 

Hệ thần kinh thực vật bao gồm hệ thần kinh giao cảm và phó giao cảm, có nhiệm vụ chi phối tất cả các chức năng tự động trong cơ thể như hoạt động của hệ tim mạch, tiêu hóa, tiết niệu, sinh dục và các tuyến tiết niệu…

Bình thường hai hệ thống này hoạt động cân bằng với nhau, đảm bảo cho các cơ quan làm việc chính xác và hiệu quả.

Rối loạn chức năng của hệ thần kinh thực vật xảy ra khi có sự mất cân bằng giữa hệ giao cảm và hệ phó giao cảm, làm rối loạn hoạt động của các cơ quan và gây ra các triệu chứng đa dạng trên toàn hệ thống.

2. Rối loạn thần kinh thực vật có nguy hiểm không

Rối loạn thần kinh thực vật ảnh hưởng đến chức năng tự động của các cơ quan trong cơ thể như nhịp tim, huyết áp, mồ hôi và tiêu hóa…

Tuy bệnh không gây ra những biến chứng xấu tới sức khỏe, nhưng nếu không kịp thời phát hiện, điều trị sẽ làm suy giảm chất lượng cuộc sống, đời sống tinh thần hoặc có thể kèm theo nhiều hệ lụy khác.

Rối loạn thần kinh thực vật ảnh hưởng nhiều tới giấc ngủ, gây ra tình trạng mệt mỏi, mất tập trung, giảm trí nhớ, lo âu, căng thẳng.

Ngoài ra, bệnh còn gây ảnh hưởng tới xương khớp, hệ tiêu hóa, hệ bài tiết,...

3. Dấu hiệu của rối loạn thần kinh thực vật?

Biểu hiện của rối loạn thần kinh thực vật rất phong phú, đa dạng và thay đổi tùy theo từng người. Ở một số người sẽ xuất hiện một số triệu chứng cụ thể như:

  • Run tay chân, đau đầu, mất ngủ, giảm trí nhớ, giảm tập trung…
  • Hồi hộp, hụt hơi, đánh trống ngực, rối loạn nhịp tim, đau ngực, khó thở, tụt huyết áp tư thế,…
  • Khó tiêu, ợ nóng, táo bón, tiêu chảy kéo dài, tăng nhu động dạ dày, ruột, thay đổi vị giác dẫn tới ăn không ngon, rối loạn tiểu tiện,…
  • Tiểu đêm, đái dầm, bí tiểu, tiểu không tự chủ, tiết mồ hôi nhiều ở chân, tay, khô da, thân nhiệt nóng lạnh thất thường,...
  • Suy giảm chức năng tình dục như rối loạn cương, bất lực, xuất tinh sớm, xuất tinh ngược dòng, khô âm đạo, rối loạn kinh nguyệt,…
  • Tê bì tay chân, gãy tóc, rụng tóc, móng tay giòn, xanh xao, tay chân lạnh, đau nhưc xương khớp khi trời lạnh, buồn bực tay chân, …

4. Nguyên nhân gây bệnh rối loạn thần kinh thực vật là gì?

Có rất nhiều nguyên nhân gây rối loạn thần kinh thực vật. Một số nguyên nhân điển hình như: 

  • Những bệnh do nhiễm virus.
  • Những tổn thương ở não do phẫu thuật hay xạ trị.
  • Di truyền.
  • Những tư thế không tốt của cơ thể, ví dụ như gây ra áp lực đối với những động mạch quan trọng hoặc tạo áp lực đối với những dây thần kinh quan trọng của cơ thể.
  • Tiếp xúc với những hóa chất độc hại. Bệnh di truyền của mô liên kết, đặc biệt là hội chứng Ehlers – Danlos.
  • Bệnh lý tự miễn, đặc biệt là bệnh đái tháo đường.
  • Những bệnh lý thoái hóa thần kinh, ví dụ như bệnh Parkinson.
  • Những bệnh lý chấn thương hoặc tổn thương làm tổn hại hệ thần kinh thực vật, ví dụ chấn thương sọ não, chấn thương tủy sống.
Tiểu đường
Tiểu đường là một trong những nguyên nhân gây rối loạn thần kinh thực vật - Ảnh: sohu.com

5. Trẻ em có mắc rối loạn thần kinh thực vật không?

Ở trẻ em, hệ thần kinh trung ương và não bộ đang trong giai đoạn hoàn thiện, vì thế dễ có tổn thương, trong đó có rối loạn thần kinh thực vật.

Nếu trong giai đoạn mang thai người mẹ phải chịu nhiều áp lực về tinh thần, chấn thương não, trẻ sinh ra có thể có nguy cơ mắc rối loạn thần kinh thực vật.

Các bậc phụ huynh khi thấy con xuất hiện những triệu chứng bất thường kéo dài như: lo âu, căng thẳng, mệt mỏi, vã mỗ hôi, ăn không ngon, tiêu chảy, táo bón… nên đưa trẻ đi khám với các bác sĩ Thần kinh nhi để biết chính xác nguyên nhân gây ra tình trạng trên là gì và từ đó có giải đáp điều trị thích hợp.

Trong quá trình điều trị bệnh, cha mẹ cần quan tâm, luôn đồng hành cùng trẻ, như vậy việc điều trị sẽ nhanh chóng và hiệu quả hơn.

6. Bệnh rối loạn thần kinh thực vật nên ăn gì?

Một chế độ dinh dưỡng đầy đủ không chỉ mang lại một cơ thể khỏe mạnh và còn có tác dụng phòng tránh bệnh tật hiệu quả.

n các loại thực phẩm như:

  • Nhóm axit béo omega 3, omega 6 thường có trong: dầu cá, dầu đậu nành, các loại hạt...
  • Rau xanh và trái cây tươi cung cấp thêm chất xơ hạn chế táo bón.
  • Thực phẩm giàu kẽm, canxi, vitamin nhóm B, magie giúp hệ thần kinh thực vật luôn hoạt động ổn định: thịt gà, thịt nạc, trứng, sữa…
  • Hạn chế ăn mặn, ăn thành nhiều bữa để hệ thống tiêu hóa hoạt động tốt hơn.

Ngoài chế độ ăn uống lành mạnh và khoa học thì người bệnh cần kết hợp với luyện tập thể dục thường xuyên để  nâng cao sức khỏe và cải thiện tình trạng bệnh. 

Bệnh nhân nên giữ tinh thần thoải mái, dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ để giúp bệnh nhanh chóng bình phục hơn.

7. Điều trị rối loạn thần kinh thực vật bằng cách nào?

Nếu tìm được nguyên nhân gây rối loạn thần kinh thực vật thì cần chữa trị theo nguyên nhân đó. Đối với rối loạn thần kinh thực vật chưa tìm được căn nguyên thì không có cách để chữa trị triệt để mà chỉ có thể điều trị triệu chứng.

Điều trị bằng thuốc

  • Dùng thuốc an thần, thuốc chống trầm cảm với triệu chứng lo âu, hồi hộp, mất ngủ.
  • Dùng những thuốc chống suy nhược cơ thể
  • Những biện pháp làm thích nghi dần với hạ huyết áp tư thế như là nằm đầu thấp, uống đủ nước, chế độ ăn mặn hơn, tập luyện thể dục thường xuyên,…

Điều trị bằng vật lý trị liệu

Trị liệu giúp quá trình điều trị bệnh diễn ra thuận lợi hơn. Đặc biệt, bệnh nhân cần giữ tinh thần lạc quan, tích cực, kết hợp các phương pháp trị liệu:

  • Châm cứu
  • Liệu pháp tắm nóng, tắm lạnh
  • Luyện tập các bài tập điều trị rối loạn thần kinh thực vật
  • Xông hơi thuốc trên huyệt
  • Xoa bóp
  • Bấm huyệt cũng sẽ giúp quá trình trị bệnh hiệu quả hơn

Điều trị bằng phẫu thuật

Đôi khi việc điều chỉnh triệu chứng do rối loạn thần kinh thực vật gây nên mang tính cục bộ như: bệnh mồ hôi tay chân, loét dạ dày - tá tràng... khá phức tạp, có khi phải phẫu thuật.

điều trị rối loạn thần kinh thực vật
Người mắc rối loạn thần kinh thực vật cần được phát hiện và điều trị sớm - Ảnh: flickr.com

8. Rối loạn thần kinh thực vật có tự khỏi được không?

Rối loạn thần kinh thực vật thường tự khỏi trong vòng khoảng 2 - 3 năm và rối loạn này không có gì nghiêm trọng đe dọa cuộc sống. Tuy nhiên nó có thể làm hạn chế những hoạt động trong cuộc sống hằng ngày của người bệnh từ mức độ nhẹ đến mức độ nặng.

Vì thế, khi thấy có thể có những biểu hiện bất thường cần lập tức đi khám ngay nhằm phòng tránh, phát hiện và điều trị bệnh kịp thời.

9. Phòng tránh rối loạn thần kinh thực vật bằng cách nào?

Để có một sức khỏe tốt và phòng ngừa rối loạn thần kinh thực vật, mỗi chúng ta nên có một lối sống lành mạnh, khoa học:

  • Kiểm soát lượng đường trong máu nếu có bệnh tiểu đường.
  • Điều trị triệt để chứng nghiện rượu.
  • Điều trị sớm các bệnh tự dịch.
  • Thực hiện các bước để ngăn ngừa hoặc kiểm soát huyết áp cao.
  • Đạt được và duy trì cân nặng.
  • Ngưng hút thuốc lá.
  • Tập thể dục thường xuyên.

10. Rối loạn thần kinh thực vật khám chuyên khoa nào?

Rối loạn thần kinh thực vật là căn bệnh khó phát hiện vì các triệu chứng của bệnh rất dễ nhầm lẫn sang các bệnh lý khác.

Nhưng khi phát hiện được nguyên nhân gây bệnh là thì quá trình chữa trị bệnh khá đơn giản và chỉ cần người bệnh kiên trì bệnh sẽ sớm thuyên giảm.

Là bệnh liên quan tới hệ thần kinh và tâm lý, cho nên khi mắc rối loạn thần kinh thực vật, người bệnh nên đi khám với bác sĩ chuyên khoa Thần kinh (để xác định rõ tổn thương thực thế) hoặc bác sĩ chuyên khoa Tâm thần (khi khám Thần kinh nhưng không phát hiện nguyên nhân gây bệnh). Rối loạn thần kinh thực vật chỉ có một vài trường hợp thuộc chuyên khoa Tâm thần.

Như vậy, trên đây là những câu hỏi thường gặp về rối loạn thần kinh thực vật, hy vọng bài viết đã phần nào giải đáp các thắc mắc của bạn đọc.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết