Viêm amidan cấp là một trong những bệnh Tai Mũi Họng thường gặp. Mọi lứa tuổi đều có thể bị viêm amidan, tuy nhiên viêm amidan cấp thường gặp ở trẻ lứa tuổi từ 4 - 10 tuổi.
Viêm amidan cấp là tình trạng viêm sung huyết của amidan khẩu cái. Nguyên nhân gây viêm amidan cấp thường do ổ nhiễm khuẩn không được điều trị triệt để vùng họng, miệng như: sâu răng, viêm lợi, viêm VA, viêm mũi xoang...
Nguyên nhân gây viêm amidan cấp
Các nguyên nhân gây viêm amidan cấp bao gồm:
- Do liên cầu beta tan huyết nhóm A, haemophilus influenzae, tụ cầu, xoắn khuẩn
- Có ổ nhiễm khuẩn không được điều trị triệt để vùng họng, miệng như: sâu răng, viêm lợi, viêm VA, viêm mũi xoang...
- Đặc điểm cấu trúc amidan có nhiều khe kẽ, hốc là nơi cư trú, sinh sôi và phát triển của vi khuẩn
- Cũng có khi virut gây bệnh cúm, sởi, ho gà...cũng gây viêm amidan cấp
- Các yếu tố thuận lợi khác gây viêm amidan cấp có thể kể đến như: Thay đổi thời tiết đột ngột. Tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, nhiều khói bụi, điều kiện sinh hoạt thấp vệ sinh kém. Do sức đề kháng của cơ thể kém, do cơ địa dễ dị ứng.
Triệu chứng viêm amidan cấp
Nói đến triệu chứng viêm amidan, người ta có thể phân biệt ra viêm amidan cấp và viêm amidan mạn vì đây là 2 dạng amidan khác nhau với những nguy hại và đôi khi là cách điều trị cần phải khác nhau.
Triệu chứng viêm amidan cấp là viêm sung huyết và đặc biệt hơn là sự viêm mủ của amidan khẩu cái. Viêm amian cấp có những triệu chứng đặc trưng do ảnh hưởng của virut và vi khuẩn gây ra:
- Bệnh bắt đầu với cảm giác khô rát và nóng họng
- Sau đó đột ngột toàn thân bị rét và gai rét
- Sốt lên tới 38-39 độ
- Người bệnh cảm thấy mệt mỏi, nhức đầu, chán ăn nuốt vướng và đau
- Sau đó cơn đau bắt đầu nhói lên tai và nó cũng dần đau lên khi ho và cả nuốt.
- Khi ngủ thì ngáy to
- Lưỡi xuất hiện những vết trắng bẩn với miệng khô
Nếu là virut thì việc chữa trị đơn giản hơn, nếu là do vi khuẩn thì có những triệu chứng viêm amidan nặng hơn. Để biết chính xác nguyên nhân, giúp điều trị nhanh khỏi, người bệnh nên đi khám bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng. Hoặc đăng ký tư vấn từ xa qua Video với bác sĩ chuyên khoa.
Viêm amidan cấp có nguy hiểm không?
Thường đợt viêm amidan cấp thì sẽ tự khỏi. Diễn biến khoảng 1 tuần, sau 3 – 4 ngày thì bệnh nhân hết sốt, các triệu chứng cơ năng giảm dần. Nhưng bệnh hay tái phát và có thể gây nên các biến chứng như:
- Tại chỗ: gây áp xe quanh amidan hay áp xe thành bên họng.
- Kế cận: thường gây viêm mũi họng, viêm tai giữa cấp, viêm thanh quản cấp, ở trẻ em hay gặp viêm khí – phế quản.
- Xa: có thể gây viêm cần thận ở trẻ em, thấp khớp cấp. Với loại liên cầu tan huyết beta nhóm A thì dễ gây nên thấp tim, bệnh Osler.
Xem thêm bài viết
Phương pháp điều trị viêm amidan cấp
Các bác sĩ Tai Mũi Họng sẽ thăm khám và hướng dẫn điều trị viêm amidan bằng phương pháp nội khoa. Cụ thể như sau:
- Tại chỗ: súc họng bằng dung dịch kiềm như dung dịch clorat kali 1% và nước muối ngày nhiều lần.
- Bôi họng: bằng glycerin iod 1% hay SMC.
- Nhỏ mũi: vì thường kèm theo viêm mũi họng.
- Toàn thân: khi có dấu hiệu nhiễm trùng, sốt cao thì cần dùng kháng sinh hay sulfamid uống hoặc tiêm vitamin C.
- Nghỉ ngơi, giữ ấm, tránh dùng các chất kích thích.
Nếu chưa đi khám được ngay, ba mẹ có thể đăng ký tư vấn từ xa qua Video với bác sĩ Tai Mũi Họng để được hướng dẫn điều trị ban đầu. Không nên tự ý dùng thuốc và kháng sinh, đặc biệt là với trẻ nhỏ.
Phòng viêm amidan cấp bằng cách nào
Để phòng bệnh, ngay từ khi còn nhỏ, ba mẹ cần dạy con:
- Cách vệ sinh răng miệng sạch sẽ
- Hạn chế ăn nhiều đồ ngọt
- Vận động thường xuyên để tăng cường thể lực và tăng sức đề kháng cho cơ thể
- Không để bị lạnh kéo dài như: ngâm đá mùa hè, bị mưa, rét vào mùa đông...
Khám viêm amidan ở đâu tốt?
Viêm amidan cấp có thể tự khỏi sau vài ngày, nhưng nếu bệnh không được phát hiện, chữa trị kịp thời sẽ chuyển sang giai đoạn mạn tính và quá trình điều trị bệnh sẽ phức tạp và khó khăn hơn.
Vì vậy, người bệnh hãy chủ động phòng tránh viêm amidan tái phát cho bản thân, đặc biệt là ở trẻ nhỏ. Khi thấy trẻ có những dấu hiệu bất thường về sức khỏe có liên quan tới họng hãy nhanh chóng đưa trẻ đến khám tại bệnh viện, phòng khám chuyên khoa.
Với bệnh liên quan tới Tai Mũi Họng khi cần thăm khám và chữa trị hãy tìm đến các bệnh viện, phòng khám uy tín ở Hà Nội như: Bệnh viện Tai Mũi Họng TW, Khoa Tai Mũi Họng - Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện An Việt, Phòng khám đa khoa Vietlife, Phòng khám Tai Mũi Họng ENTIC...
Tại TP.HCM: Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM, Bệnh viện Tai Mũi Họng Sài Gòn, Phòng khám Bệnh viện Đại học Y Dược 1...